Tình đồng nghiệp có khó tìm?

Trong giới công sở ngày nay, mối quan hệ giữa những người cùng làm việc dường như khó tìm được sự chân thành và yêu mến. Khi thử tìm kiếm về từ khóa “đồng nghiệp” thì kết quả nhận được nhiều nhất liên quan tới vấn đề “làm sao để đối phó với những người bạn đồng nghiệp khó tính?” Không biết là từ khi nào, mối quan tâm lớn nhất giữa những người cùng làm việc với nhau lại là làm sao để đối phó với nhau như vậy?
Tôi thường thấy những người đã đi làm nói rằng: “Ngày xưa còn đi học, chúng ta vô lo vô nghĩ nên tình bạn thời đó thật vô tư và trong sáng. Nhưng bây giờ khi đã đi làm, môi trường cạnh tranh trong công việc khiến chúng ta khó có thể tìm được những tình cảm chân thành giữa những người đồng nghiệp với nhau”. Có người thì lại nói “Tôi là đứa được lòng đồng nghiệp nhất trong công ty, nhưng tôi tin chắc, cũng chỉ là xã giao thông thường, nói chung là tôi không chạm đến họ thì họ cũng không chạm đến tôi, chứ 2 chữ ‘thương yêu’ nhau thì vẫn còn xa lắm”. Vậy tình đồng nghiệp có thực sự khó tìm đến vậy hay không?
Nếu xét về bản chất vấn đề, công việc của mỗi một người là nhằm mục đích giúp người đó có được nguồn thu nhập, là nơi giúp họ học hỏi kinh nghiệm và cùng làm lợi ra cho chủ mình. Nếu mục đích của công việc là như vậy thì đồng nghiệp chính là những người sẽ cùng chúng ta đồng hành trong công việc hàng ngày, người ở cùng chúng ta ít nhất 8 giờ/ngày (đối với những công việc toàn thời gian). Vậy mà, nếu như hàng ngày chỉ lo “đối phó” với đồng nghiệp thì e rằng việc đi làm của mỗi người sẽ trở nên vô cùng mệt mỏi và chán nản.

1. Để kết luận việc có được tình đồng nghiệp nơi chốn công sở có khó tìm hay không, trước hết, có lẽ cần nói đến môi trường làm việc. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì công việc càng mang tính cạnh tranh cao hơn. Tại những doanh nghiệp “đắt giá”, người ta phấn đấu để cạnh tranh với nhau trong từng vị trí, từng công việc, người này được thăng chức người kia không. Việc cạnh tranh trong công việc có hai mặt của vấn đề. Mức độ cạnh tranh trong công việc càng cao thì doanh nghiệp càng chọn lọc được những con người ưu tú, nhân viên làm việc ai cũng nỗ lực để có được vị trí tốt nhất trong công việc. Thế nhưng, mặt khác, sự cạnh tranh trong công việc đôi khi lại khiến tình đồng nghiệp bị rạn nứt. Trong một môi trường làm việc khác, ở những doanh nghiệp nhỏ, tính cạnh tranh trong công việc ít hơn thì có lẽ tình đồng nghiệp sẽ dễ dàng tìm thấy hơn ở những nơi như vậy.
Tại công sở, công việc thường gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ, mỗi người đều có vai trò và trách nhiệm của mình. Cấp dưới cần hoàn thành nhiệm vũ cấp trên giao phó, làm tốt hợp tác phối hợp nhóm, trợ giúp công việc của cấp trên. Cấp trên lấy nhiệm vụ và chỉ tiêu công ty giao phân nhỏ thành các nhiệm vụ giao cho cấp dưới, đồng thời trợ giúp cấp dưới về tài nguyên và tinh thần, dẫn dắt đội ngũ làm việc nhóm, thưởng phạt phân minh. Ai nấy làm tốt công việc của mình thì tình đồng nghiệp cũng dễ dàng được duy trì.

Nguồn: Pexels

2. Ngoài môi trường làm việc, người chủ doanh nghiệp hoặc người chịu trách nhiệm về đội ngũ nhân sự trong công ty cũng là người góp phần quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ đồng nghiệp của các nhân viên trong công ty. Có những doanh nghiệp, người chủ rất quan tâm tới mối quan hệ của các nhân viên, họ thường xuyên tìm cách tổ chức những sự kiện, tạo môi trường giao lưu cho các nhân viên với nhau. Có những người chủ khi nhận thấy có những vấn đề xích mích giữa những nhân viên của mình, họ sẽ tìm cách giúp giải quyết. Như vậy, tình đồng nghiệp có lẽ sẽ dễ dàng được thiết lập giữa những doanh nghiệp như vậy. Mặt khác, nếu người chủ doanh nghiệp hoặc người chịu trách nhiệm về đội ngũ nhân sự của công ty không quan tâm và giúp củng cố mối các mối quan hệ của nhân viên trong công ty thì chắc chắn tình đồng nghiệp sẽ khó tìm được ở những chốn công sở như vậy.

3. Yếu tố vô cùng quan trọng kế tiếp để có thể thiết lập được tình đồng nghiệp chốn công sở chính là vấn đề nhân cách của những người cùng làm việc. Nếu những con người cùng làm việc với nhau xác định được rõ ràng mục đích của bản thân khi đi làm tại doanh nghiệp thì mối quan tâm cao nhất của họ sẽ là công việc, họ xác định rõ ràng rằng đồng nghiệp sẽ là những người cùng làm việc để giúp cho công việc chung được cùng giải quyết. Khi đã xác định được mục tiêu của mình tại chốn công sở như vậy, vấn đề cạnh tranh, đối phó giữa những người làm việc với nhau sẽ được giảm đi ít nhiều. Hơn nữa, nếu mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau, được xây dựng dựa trên sự chân thành và tình cảm yêu mến thật sự thì chắc chắn mối quan hệ đó sẽ được kết quả tốt. Thay vì chăm chú vào khuyết điểm của người khác, hãy dành thêm thời gian để trò chuyện và tìm hiểu, bạn sẽ có cơ hội thắt chặt các mối quan hệ. Bạn có thể tâm sự với đồng nghiệp về những sở thích của họ hay những thói quen lúc rảnh rỗi bên cạnh công việc. Bạn có thể dùng cách này khi không khí làm việc trở nên căng thẳng hoặc vào giờ nghỉ giải lao. Những cuộc trò chuyện thân tình sẽ khiến người với người gần nhau hơn, xoa dịu mọi căng thẳng và bất đồng.

Nhân sự là một trong những yếu tố quyết định trong sự phát triển của công ty và tình đồng nghiệp góp phần không nhỏ trong việc giữ chân những nhân sự cốt cán và có nhiệt huyết ở lại với đội ngũ công ty. Có thể hiện nay nhiều người nói, tình đồng nghiệp là một thứ vô cùng nhạt nhẽo và khó tìm. Tuy nhiên, nếu để những suy nghĩ, quan điểm đó trở thành định kiến thì có lẽ sẽ chẳng thể tìm được ở đâu một tình đồng nghiệp đúng nghĩa. Quan hệ đồng nghiệp xưa nay vốn rất phức tạp. Những mâu thuẫn ở chốn công sở cũng đang làm đau đầu biết bao người quản lý, biết bao sếp lớn. Tuy nhiên, chắc chắc sẽ có giải pháp cho mọi mối quan hệ. Nếu chúng ta thực sự xác định được mục đích trong công việc, chúng ta kiên trì xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự chân thành thì tôi tin chắc rằng tình đồng nghiệp sẽ không khó tìm đến vậy.

bởi Quỳnh Mai

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *