7 bước đơn giản khiến đồng nghiệp thích bạn

Bạn có đang phải đối diện với một đồng nghiệp khó nhằn; có thể là kiêu ngạo, tọc mạch, thô lỗ, thật kinh khủng khi phải cùng làm việc?

Nhưng bạn có chắc rằng người đồng nghiệp phiền phức đó không phải là chính mình? Hay chính bạn là người luôn khiến đồng nghiệp phải làm việc cực nhọc hơn, luôn xen vào việc của người khác, và làm phiền cả nhóm mọi cách?

Thay vì như vậy, rất dễ dàng thôi: hãy trở thành một người đồng nghiệp đáng yêu.

Làm theo những lời khuyên cơ bản này, bạn sẽ chuyển tên mình từ danh sách “đồng nghiệp tồi tệ” nhất sang danh sách được yêu thích nhất.

1. Nói gì làm nấy

Không gì khiến đồng nghiệp yêu mến bạn nhanh chóng hơn là việc giữ lời hứa. Nói gì làm nấy: hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn, gửi email cho khách hàng, nộp báo cáo đúng hạn… Đồng nghiệp sẽ nhanh chóng biết rằng họ có thể tin tưởng bạn, và bạn có khả năng giúp cả nhóm thành công.

(Như một phần thưởng, họ cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn.)

2. Khen ngợi – nhưng không phải chỉ khi bạn muốn điều gì đó

Mọi người đều thích được khen ngợi. Tuy nhiên, chúng ta thường ỷ lại cho sếp công việc tuyên dương các đồng nghiệp, nhưng quên rằng mình cũng có thể khen họ; hoặc chỉ dùng lời khen như màn dạo đầu tử tế cho một yêu cầu nào đó.

Ví dụ, “Này, cậu đã làm PowerPoint rất tốt đấy! Mà nhân tiện, cậu có thể thay tôi thực hiện cuộc họp khách hàng chiều nay không?”

Thay vào đó, hãy cho ý kiến tích cực cách hào phóng. Cho đồng nghiệp biết bạn rất thích blog họ viết, hoặc nhận xét bài thuyết trình của họ hấp dẫn và tươi sáng. Đừng khen ngợi quá lố, đồng nghiệp sẽ nghi ngờ bạn – hãy chân thành. Khi thấy công việc được thực hiện tốt, hãy khen ngợi!

3. Tôn trọng thời gian của người khác

Khi công việc dồn dập, bạn muốn tập trung làm việc mà không bị ai gián đoạn. Cuối ngày, bạn muốn suôn sẻ rời khỏi văn phòng và không bị giao thêm nhiệm vụ nào vào phút cuối. Nói tóm lại, bạn muốn người khác tôn trọng thời gian của mình, vậy nên bạn cũng phải tôn trọng thời gian của họ.

Hãy hoàn thành phần việc của bạn kịp thời để đồng nghiệp có thể thực hiện phần mình, luôn đúng giờ, hạn chế những yêu cầu đột ngột trừ trường hợp thật sự khẩn cấp, trả lời email và tin nhắn trong khung thời gian hợp lý.

Đồng nghiệp sẽ đánh giá cao vì bạn đã không lợi dụng họ và thời gian của họ.

4. Đừng gây thêm căng thẳng

Hiện nay, email là trung tâm của hầu hết mọi công việc. Phải giải quyết hết khối lượng tin nhắn khổng lồ ấy mỗi ngày là đủ căng thẳng lắm rồi.

Vì vậy, đồng nghiệp của bạn chắc chắn sẽ không vui vẻ nếu hộp thư của họ tràn ngập những email quá mơ hồ hoặc lan man của bạn, đến mức họ phải “nghiên cứu” đến đau đầu để hiểu chính xác những gì bạn đang nói.

Hãy đảm bảo email của bạn ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu.

5. Nhận lỗi

Không ai muốn gặp rắc rối trong công việc, nhưng một người biết thừa nhận sai lầm của mình lúc nào cũng đáng ngưỡng mộ hơn một người cứ đổ lỗi cho người khác.

Nghe có vẻ lạ, nhưng thà nói “đó là lỗi của tôi, tôi sẽ sửa chữa” vẫn tốt hơn là “chuyện sẽ không thành thế này nếu anh A chịu làm tốt việc của mình”. Bạn sẽ được cả nhóm tôn trọng, đặc biệt nếu bạn hứa sẽ sửa chữa, và tìm cách để tránh phạm cùng một sai lầm trong tương lai.

6. Biết khi nào nên dừng lại

Trò chuyện với đồng nghiệp là chuyện bình thường trong cuộc sống công sở. Ai lại không thích dành sáng thứ Hai để trò chuyện về những gì mọi người đã làm vào cuối tuần? Nhưng thật ra, không phải ai cũng thích.

Nếu bạn muốn được đồng nghiệp yêu thích, hãy học cách quan sát để biết khi nào họ muốn ngồi xuống làm việc, thay vì cứ lan man hết câu chuyện này đến câu chuyện khác về bản thân bạn.

Đồng nghiệp của bạn có gật đầu lặng lẽ và với lấy tai nghe của họ? Quay lại với máy tính của họ và tránh xa bạn? Hay trả lời một tiếng “Mmmhmm” chán nản? Hãy chú ý những tín hiệu này và để dành câu chuyện của bạn cho một thời điểm hoặc một người khác.

7. Tham gia với mọi người

Tất nhiên, việc biết khi nào nên dừng cuộc trò chuyện không có nghĩa là bạn không được tham gia vào cuộc sống của các đồng nghiệp. Bạn nên thân thiết với mọi người.

Bạn không cần phải cố trở thành bạn thân với tất cả mọi người, nhưng bạn có thể xây dựng sợi dây liên kết vững chắc bằng cách phát triển mối quan hệ cá nhân với các đồng nghiệp của mình.

Hãy đi ăn trưa vài lần với họ, cùng nhau gặp gỡ để có thời gian vui vẻ, chấp nhận lời mời kết bạn của họ và tương tác với nhau trên mạng xã hội. Chia sẻ một chút về bạn và hỏi thăm về cuộc sống của họ. Hãy chứng tỏ rằng bạn quan tâm, không chỉ công việc mà còn về cuộc sống của họ, điều đó sẽ giúp bạn có được bạn bè chân thành.

Rốt cuộc, tất cả đều là lẽ thường tình. Hãy tôn trọng, làm việc chăm chỉ và vui vẻ khi ở cùng nhau, rồi bạn sẽ dễ dàng được đồng nghiệp mình yêu thích.

Nếu thất bại, hãy mang theo bánh trái. Ai cũng yêu quý người đồng nghiệp luôn mang theo bánh trái!

Nguồn: themuse.com

Tình đồng nghiệp có khó tìm?

Trong giới công sở ngày nay, mối quan hệ giữa những người cùng làm việc dường như khó tìm được sự chân thành và yêu mến. Khi thử tìm kiếm về từ khóa “đồng nghiệp” thì kết quả nhận được nhiều nhất liên quan tới vấn đề “làm sao để đối phó với những người bạn đồng nghiệp khó tính?” Không biết là từ khi nào, mối quan tâm lớn nhất giữa những người cùng làm việc với nhau lại là làm sao để đối phó với nhau như vậy?
Tôi thường thấy những người đã đi làm nói rằng: “Ngày xưa còn đi học, chúng ta vô lo vô nghĩ nên tình bạn thời đó thật vô tư và trong sáng. Nhưng bây giờ khi đã đi làm, môi trường cạnh tranh trong công việc khiến chúng ta khó có thể tìm được những tình cảm chân thành giữa những người đồng nghiệp với nhau”. Có người thì lại nói “Tôi là đứa được lòng đồng nghiệp nhất trong công ty, nhưng tôi tin chắc, cũng chỉ là xã giao thông thường, nói chung là tôi không chạm đến họ thì họ cũng không chạm đến tôi, chứ 2 chữ ‘thương yêu’ nhau thì vẫn còn xa lắm”. Vậy tình đồng nghiệp có thực sự khó tìm đến vậy hay không?
Nếu xét về bản chất vấn đề, công việc của mỗi một người là nhằm mục đích giúp người đó có được nguồn thu nhập, là nơi giúp họ học hỏi kinh nghiệm và cùng làm lợi ra cho chủ mình. Nếu mục đích của công việc là như vậy thì đồng nghiệp chính là những người sẽ cùng chúng ta đồng hành trong công việc hàng ngày, người ở cùng chúng ta ít nhất 8 giờ/ngày (đối với những công việc toàn thời gian). Vậy mà, nếu như hàng ngày chỉ lo “đối phó” với đồng nghiệp thì e rằng việc đi làm của mỗi người sẽ trở nên vô cùng mệt mỏi và chán nản.

1. Để kết luận việc có được tình đồng nghiệp nơi chốn công sở có khó tìm hay không, trước hết, có lẽ cần nói đến môi trường làm việc. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì công việc càng mang tính cạnh tranh cao hơn. Tại những doanh nghiệp “đắt giá”, người ta phấn đấu để cạnh tranh với nhau trong từng vị trí, từng công việc, người này được thăng chức người kia không. Việc cạnh tranh trong công việc có hai mặt của vấn đề. Mức độ cạnh tranh trong công việc càng cao thì doanh nghiệp càng chọn lọc được những con người ưu tú, nhân viên làm việc ai cũng nỗ lực để có được vị trí tốt nhất trong công việc. Thế nhưng, mặt khác, sự cạnh tranh trong công việc đôi khi lại khiến tình đồng nghiệp bị rạn nứt. Trong một môi trường làm việc khác, ở những doanh nghiệp nhỏ, tính cạnh tranh trong công việc ít hơn thì có lẽ tình đồng nghiệp sẽ dễ dàng tìm thấy hơn ở những nơi như vậy.
Tại công sở, công việc thường gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ, mỗi người đều có vai trò và trách nhiệm của mình. Cấp dưới cần hoàn thành nhiệm vũ cấp trên giao phó, làm tốt hợp tác phối hợp nhóm, trợ giúp công việc của cấp trên. Cấp trên lấy nhiệm vụ và chỉ tiêu công ty giao phân nhỏ thành các nhiệm vụ giao cho cấp dưới, đồng thời trợ giúp cấp dưới về tài nguyên và tinh thần, dẫn dắt đội ngũ làm việc nhóm, thưởng phạt phân minh. Ai nấy làm tốt công việc của mình thì tình đồng nghiệp cũng dễ dàng được duy trì.

Nguồn: Pexels

2. Ngoài môi trường làm việc, người chủ doanh nghiệp hoặc người chịu trách nhiệm về đội ngũ nhân sự trong công ty cũng là người góp phần quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ đồng nghiệp của các nhân viên trong công ty. Có những doanh nghiệp, người chủ rất quan tâm tới mối quan hệ của các nhân viên, họ thường xuyên tìm cách tổ chức những sự kiện, tạo môi trường giao lưu cho các nhân viên với nhau. Có những người chủ khi nhận thấy có những vấn đề xích mích giữa những nhân viên của mình, họ sẽ tìm cách giúp giải quyết. Như vậy, tình đồng nghiệp có lẽ sẽ dễ dàng được thiết lập giữa những doanh nghiệp như vậy. Mặt khác, nếu người chủ doanh nghiệp hoặc người chịu trách nhiệm về đội ngũ nhân sự của công ty không quan tâm và giúp củng cố mối các mối quan hệ của nhân viên trong công ty thì chắc chắn tình đồng nghiệp sẽ khó tìm được ở những chốn công sở như vậy.

3. Yếu tố vô cùng quan trọng kế tiếp để có thể thiết lập được tình đồng nghiệp chốn công sở chính là vấn đề nhân cách của những người cùng làm việc. Nếu những con người cùng làm việc với nhau xác định được rõ ràng mục đích của bản thân khi đi làm tại doanh nghiệp thì mối quan tâm cao nhất của họ sẽ là công việc, họ xác định rõ ràng rằng đồng nghiệp sẽ là những người cùng làm việc để giúp cho công việc chung được cùng giải quyết. Khi đã xác định được mục tiêu của mình tại chốn công sở như vậy, vấn đề cạnh tranh, đối phó giữa những người làm việc với nhau sẽ được giảm đi ít nhiều. Hơn nữa, nếu mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau, được xây dựng dựa trên sự chân thành và tình cảm yêu mến thật sự thì chắc chắn mối quan hệ đó sẽ được kết quả tốt. Thay vì chăm chú vào khuyết điểm của người khác, hãy dành thêm thời gian để trò chuyện và tìm hiểu, bạn sẽ có cơ hội thắt chặt các mối quan hệ. Bạn có thể tâm sự với đồng nghiệp về những sở thích của họ hay những thói quen lúc rảnh rỗi bên cạnh công việc. Bạn có thể dùng cách này khi không khí làm việc trở nên căng thẳng hoặc vào giờ nghỉ giải lao. Những cuộc trò chuyện thân tình sẽ khiến người với người gần nhau hơn, xoa dịu mọi căng thẳng và bất đồng.

Nhân sự là một trong những yếu tố quyết định trong sự phát triển của công ty và tình đồng nghiệp góp phần không nhỏ trong việc giữ chân những nhân sự cốt cán và có nhiệt huyết ở lại với đội ngũ công ty. Có thể hiện nay nhiều người nói, tình đồng nghiệp là một thứ vô cùng nhạt nhẽo và khó tìm. Tuy nhiên, nếu để những suy nghĩ, quan điểm đó trở thành định kiến thì có lẽ sẽ chẳng thể tìm được ở đâu một tình đồng nghiệp đúng nghĩa. Quan hệ đồng nghiệp xưa nay vốn rất phức tạp. Những mâu thuẫn ở chốn công sở cũng đang làm đau đầu biết bao người quản lý, biết bao sếp lớn. Tuy nhiên, chắc chắc sẽ có giải pháp cho mọi mối quan hệ. Nếu chúng ta thực sự xác định được mục đích trong công việc, chúng ta kiên trì xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự chân thành thì tôi tin chắc rằng tình đồng nghiệp sẽ không khó tìm đến vậy.

bởi Quỳnh Mai