Phá thai, những hậu quả trên thể chất & tâm hồn

Phá thai là một can thiệp y khoa nghiêm trọng, nó kết thúc một cuộc đời và có thể gây tổn hại về thể chất, tinh thần và tinh thần cho mẹ của đứa trẻ bị phá thai và gia đình, bạn bè và nhân viên phòng khám có liên quan.

Ngày nay, cùng với sự phát triển về kinh tế khoa học, tình trạng nạo phá thai cũng đang tăng theo trong giới trẻ chưa lập gia đình, chiếm gần 30% tổng số ca phá thai. Đặc biệt trong số đó, có tới 53% phá thai muộn, không an toàn và phá thai trên 1 lần, cũng không thiếu những bạn nữ là học sinh, sinh viên đã hai lần chối bỏ đứa con của mình.

Quả thật, con số nạo phá thai của nước ta thật kinh khủng. Vấn đề này không chỉ nhức nhối thực trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên mà tình trạng phá thai chung ở nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo PGS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 30-40% người phá thai là các bạn học sinh, sinh viên và công nhân.

Việc nạo phá thai để lại hậu quả không những cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về lương tâm… Mặc dù phụ nữ cho rằng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm ngay sau khi phá thai, nhưng thực tế là nhiều phụ nữ bị trầm cảm, lo lắng và mặc cảm, có ý định tự tử, gia tăng việc sử dụng ma túy, rượu trong những tháng và nhiều năm sau khi phá thai.

1. Hậu quả về sức khỏe

Theo bác sĩ Mai Lan bệnh viện Phụ sản TW cho biết, nạo phá thai rất dễ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hiểm cho các chị em phụ nữ, nhất là giới trẻ. Chẳng hạn như: vô sinh do tắc dính vòi tử cung, tắc vòi trứng, biến chứng sau một thời gian. Đây là hậu quả nặng nề nhất mà bạn gái trẻ phải gánh chịu vì sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản. Một bạn gái 18 tuổi đi phá thai, sau hơn một tuần bị nhiễm trùng, khi đưa vào BV Từ Dũ cấp cứu thì mủ đã đầy bụng, phải cắt bỏ tử cung. Có trường hợp tử vong vì nhiễm trùng vì đến cấp cứu quá trễ. Và rất nhiều bạn trẻ, sau khi nạo phá thai đã vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ nữa. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết mỗi năm trên thế giới có đến 70.000 người chết vì phá thai!

Phá thai cũng có thể gây vô sinh, một biến chứng lâu dài thường không bị phát hiện trong nhiều năm. Ngoài ra, những phụ nữ đã phá thai có nguy cơ mắc ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng và trực tràng cao hơn.

2. Hậu quả về tâm lý

Việc nạo phá thai làm cho tâm trí của người mẹ không những bị bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm. Theo Tiến sĩ Tâm lý Vũ Gia Hiền, trưởng khoa xã hội học Đại học Bình Dương, cho biết: Sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, ám ảnh của thai nhi, nhất là mỗi khi nhìn thấy các chị em mang bầu là họ nhớ đến việc bỏ đi giọt máu của mình. Còn theo bà Lý Thị Mai – Chuyên viên Tư vấn, trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình TPHCM – cho biết: sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, lo lắng, có trường hợp còn mất ăn mất ngủ một thời gian rất lâu, dẫn đến tâm lý không được ổn định. Bên cạnh đó, nạo phá thai không những làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình mà còn làm cho họ rất mặc cảm đến những vết thương mà mình đã gây ra.

Một phụ nữ đã trải qua việc phá thai có nguy cơ tự tử cao gấp sáu lần so với những phụ nữ đã sinh con. Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2011 từ Đại học Tâm thần học Hoàng gia Anh, những phụ nữ phá thai có khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần tiếp theo cao hơn 81% so với người khác.

3. Hậu quả về lương tâm, luân lý

Người ta nói ngày nay dường như lương tâm con người không có “răng”, họ không còn sợ một điều gì, ngay cả bỏ đi giọt máu của mình! Nhưng không đơn giản như thế, rất nhiều người đã đau đớn, hối hận sau khi nạo phá thai và mặc cảm tội lỗi đeo đuổi các bạn suốt quãng đời còn lại. Một chị em chia sẻ: “Em đã phá thai được hơn sáu năm, nhưng em không thể nào quên được, nó cứ ám ảnh làm em rất sợ, có hôm em còn mơ thấy em bé khóc gọi mẹ”. Chị ấy nói “Bây giờ thì em không bao giờ phá nữa dù em có chết!”

Báo tuổi trẻ số ra ngày 11 tháng 10 năm 2009 tác giả Phương Lan có bài “Đi cầu siêu cho thai nhi”. Bài báo viết: ngay từ sáng có hàng ngàn phụ nữ đến Chùa Từ Quang, Củ Chi TPHCM để cầu siêu. Hầu hết, họ là các phụ nữ trẻ đã nạo phá thai từ một đến hai ba lần, mong cho con mình ở dưới suối vàng tha thứ cho cha mẹ”.

Một sự sống đã được hình thành từ khi trứng thụ tinh, không phải chỉ của cha, không phải chỉ của mẹ. Sự sống ấy sẽ không bao giờ trở thành người được nếu đã không là người ngay từ khi bắt đầu. Do đó, việc bỏ đi một bào thai cũng là bỏ đi một mạng người! Nhiều phụ nữ đã phá thai phải chịu đựng về mặt tinh thần, sợ cả sự phán xét của bạn bè, gia đình, và sợ Trời phạt. Đôi khi họ cho rằng việc họ làm là không thể được tha thứ và thường đau khổ trong im lặng.

Hậu quả của việc phá thai để lại cho một con người là vô cùng nặng nề và đau đớn. Hãy nghiêm túc suy nghĩ và lựa chọn đúng đắn khi đối diện với vấn đề này!


bởi Quỳnh Mai

Cô bé bị cưỡng hiếp từ chối phá thai

Sau khi bị tấn công và cưỡng hiếp dã man, cô gái trẻ phát hiện mình có thai. Khi các bác sĩ đề nghị cô phá thai, người mẹ trẻ dũng cảm này đã từ chối, và sự lựa chọn đó chính là một lời chứng tuyệt vời!
Ảnh bởi Life Action News

Lianna – một bé gái 12 tuổi nằm bên vệ đường – yếu ớt bám víu sự sống. Hai tên đàn ông đã cưỡng hiếp cô bé đáng thương và bỏ mặc cô cho đến chết. Khuôn mặt và cổ cô bị cắt sâu trong vụ hãm hiếp, những vết sẹo ấy sẽ tồn tại suốt đời. Cô nghĩ chắc chắn cuộc đời mình đã kết thúc – rằng mình sẽ không bao giờ được cảm nhận hạnh phúc, bình yên hay bất kỳ mối quan hệ bình thường nào nữa.

Sau đó, Lianna biết mình đã mang thai do bị cưỡng hiếp. Bác sĩ thấy rằng đây chỉ là một vết sẹo từ vụ việc. Ông đề nghị cô biện pháp dễ dàng khắc phục vết thương này – một thủ tục đơn giản – phá thai.

Người mẹ dũng cảm từ chối phá thai

Bác sĩ khuyến khích Lianna phá thai, rằng đó là điều đúng đắn vì nó sẽ giúp cô không bị ám ảnh liên tục về vụ cưỡng hiếp.

Là một đứa trẻ 12 tuổi bị tổn thương, đã trải qua điều tồi tệ nhất cuộc đời, Lianna hiểu cuộc sống này quý giá như thế nào. Cô biết rằng kết thúc cuộc đời của đứa bé trong bụng sẽ không giúp chữa lành vết sẹo hoặc xóa đi những chuyện kinh hoàng mà cô từng chịu đựng.

Vì vậy, cô bé đã hỏi bác sĩ một câu quan trọng: Phá thai có làm dịu cơn đau và giúp cô quên đi chuyện mình bị hãm hiếp không?

Bác sĩ trả lời, “không.”

Lianna quyết định giữ đứa bé. Cô chân thành từ chối phá thai bất chấp lời đề nghị của bác sĩ.

“Nếu phá thai không giúp chữa lành bất cứ điều gì, thì tôi không hiểu tại sao phải làm vậy”, cô nói. “Tôi chỉ biết rằng tôi có một mạng sống đang tồn tại trong tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ về cha ruột của đứa bé. Nó là con tôi. Nó đang nằm trong bụng tôi. Chỉ cần biết rằng đứa bé cần tôi, và tôi cần đứa bé… điều này khiến tôi muốn lao động, muốn có một công việc [để nuôi nấng đứa bé].”

Quyết định cứu sống cả hai

Sau vụ hãm hiếp dữ dội khiến Lianna hấp hối, cô đã chiến đấu với chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Ký ức ngày ấy tồi tệ đến nỗi tâm trí cô không thể không nghĩ đến tự tử hết lần này đến lần khác. Nhưng cô không thể làm thế vì biết rằng cô không chỉ tự giết bản thân mình mà đồng thời còn lấy đi mạng sống của bé gái đang lớn lên trong bụng mình. Chúa biết cô gái trẻ này cần gì để được cứu.

“Trong trường hợp của tôi, hai mạng sống đã được cứu. Tôi cứu mạng con gái mình, và con bé cũng đã cứu mạng tôi.”

Việc muốn giữ thai nhi giống như Lianna không phải là hiếm trong vòng những nạn nhân bị hãm hiếp.

Kết quả nghiên cứu 

Trong nghiên cứu về các nạn nhân mang thai do bị cưỡng hiếp, Tiến sĩ Sandra Mahkorn phát hiện ra rằng 75-85% trong số họ quyết định không phá thai, vì tin rằng phá thai chỉ là hành động bạo lực đối với cơ thể chính họ và con cái họ, rằng cuộc đời đứa bé có ý nghĩa và mục đích riêng mà hiện tại chúng ta chưa hiểu được.

Nghiên cứu cho thấy những cô gái quyết định phá thai sau khi bị hãm hiếp có xu hướng cảm thấy tội lỗi, trầm cảm, tự ti và oán giận đàn ông. Phá thai không những không giúp giảm bớt mà còn làm tăng thêm gánh nặng tâm lý của họ.

94% phụ nữ quyết định giữ đứa bé nói rằng phá thai không phải là giải pháp hay cho vấn đề mang thai do bị hiếp dâm, trong khi 93% phụ nữ chọn phá thai nói rằng phá thai “không phải là giải pháp tốt cho vấn đề của họ” – và họ sẽ không khuyến khích những người gặp tình huống giống họ làm điều tương tự. Thực tế, nhiều phụ nữ quyết định giữ thai nhi sau khi bị hãm hiếp nói rằng đứa bé là điều tốt đẹp duy nhất giúp họ thoát khỏi trải nghiệm kinh hoàng ấy.

Phước hạnh đặc biệt

Lianna đồng ý với điều này. Con gái cô đã mang đến ý nghĩa mới cho cuộc đời cô. Cô sớm nhận ra: từng nụ cười quý giá từ cô con gái bé bỏng đã thay thế nỗi đau trong cô bằng một điều mạnh mẽ hơn nhiều – tình yêu thương. Và con gái cô dường như cũng nhận ra điều đó.

Ảnh từ  Live Action News

Khi con gái Lianna mới chỉ 4 tuổi, cô bé nói với mẹ: “Mẹ ơi, cảm ơn mẹ vì đã cho con cuộc sống.” Món quà bé bỏng từ Chúa đã mang đến cho Lianna mọi sự chữa lành cô cần.

“Khi con bé nói điều đó… Tôi nhận ra rằng chính con bé đã cho tôi cuộc sống của tôi.”

Con gái Lianna hiện đã 23 tuổi, và tình mẹ con giữa hai người thật tuyệt vời. Một tình yêu thương hoàn toàn đáng giá cho tất cả những nỗi đau và chịu đựng của Lianna.

“Mặc dù [bị hãm hiếp] là chuyện rất khó khăn, nhưng nếu tôi phải trải qua chuyện đó [một lần nữa] để được gặp và yêu thương con gái mình, tôi sẵn sàng trải qua một lần nữa.”

Con gái cô không phải là hệ quả tích cực duy nhất đến từ thử thách này. Hiện nay Lianna đang đi khắp thế giới trong vai trò diễn giả bảo vệ sự sống. Cô cũng sáng lập tổ chức của mình – Loving Life – với nhiệm vụ phát huy giá trị cuộc sống, cũng như giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực và lạm dụng.

Nguồn: godupdates.com

Hồng Nhạn dịch


Bản chất thật của nạn phá thai

Anthony Esolen, một nhà bình luận xã hội, đã viết một bài báo táo bạo về bản chất thật sự của nạn phá thai: sự tự trị. Nghĩa là không thể chịu nổi việc bản thân bị ràng buộc bởi một điều gì đó. Có một đứa con khép chúng ta vào “nghĩa vụ” làm cha mẹ – điều này bó buộc chúng ta khỏi tự do tình dục, tự do kinh tế và tự do cá nhân.
Ảnh bởi Aborsi

Bài báo bắt đầu bằng những logic, khoa học, bằng chứng, kinh nghiệm – tất cả đều hỗ trợ cho việc phản đối phá thai. Thực tế, tất cả những lý lẽ bênh vực việc phá thai đều bị bác bỏ. Nhưng đối với những người đã muốn phá thai thì lẽ thật không là vấn đề. Ngày nay, những người ủng hộ phá thai cho rằng “quyền” phá thai của người mẹ và bác sĩ là không giới hạn, ngay cả khi thai nhi có thể sống bên ngoài tử cung, chỉ đơn giản là một phần được tách ra từ cơ thể người mẹ. Các chính trị gia ủng hộ phá thai thậm chí không thể bỏ phiếu cho một dự luật phản đối phá thai thậm chí khi có những em bé “bị” sinh ra vì việc phá thai thực hiện quá cẩu thả.

Tại sao?… Lời giải thích là…

Hãy nghĩ về đứa bé đáng thương đang chảy máu, nửa chết nửa sống sau khi bị người ta cố tình tước đi mạng sống. Đứa bé đang thở khó nhọc trên chiếc bàn gần đó. Nó không phải là mối đe dọa lớn nhất cho cuộc sống hay sức khỏe của mẹ nó. Nhưng bản thân sự tồn tại của nó chính là mối đe dọa. Việc nó có mặt trên đời này là mối đe dọa cho mẹ nó và tất cả những ai xem trọng quyền tự trị của bản thân trên hết mọi thứ.

Chừng nào đứa trẻ đó còn tồn tại hay từng tồn tại, thì dù người mẹ có tự mình nuôi con, hoặc cho người khác làm con nuôi, hay thậm chí đứa bé được chăm sóc y tế và sống được vài tuần trước khi chết, nó vẫn là một minh chứng cho việc chúng ta tồn tại như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào Đấng Tạo Hóa. Và theo nghĩa con người, nó là ví dụ về lý do tại sao chúng ta tồn tại: vì lợi ích của người khác, vì tình yêu và bởi tình yêu – với bản chất không toan tính. Nó không phải kiểu tình yêu không cân nhắc hậu quả. Nhưng là tình yêu chân thành chúng ta dành trao cho người mình yêu vì lợi ích thực sự của họ, chứ không phải vì ham muốn?…

Mỗi khi người nam người nữ đến với nhau để thực hiện hành động tạo giống nòi (giao hợp), thì vấn đề đã rõ ràng rành rành là họ có thể tạo ra một đứa bé”. Nói rằng “bạn không thể giết đứa trẻ do chính bạn tạo ra” chính là để ám chỉ “bạn không được gieo giống, nếu bạn không hề có ý định nuôi nấng một đứa trẻ”. Qua đó để nhấn mạnh rằng chúng ta không phải là chủ của cơ thể mình.

Vì thế, toàn bộ “nền văn hóa” tự do tình dục sẽ bị loại bỏ. Chủ nghĩa nữ quyền sẽ bị loại bỏ. Việc đàn ông dùng phụ nữ để giải tỏa nhu cầu tình dục mà không phải trong gia đình sẽ bị loại bỏ. Cái thế giới đầy ác mộng của việc cắt xén dược phẩm và phẫu thuật, cố gắng ép cơ thể biến dạng theo những ảo tưởng sẽ bị loại bỏ. Những nền văn hóa, quốc gia, những khu vực cho phép luông tuồng tình dục, đồng tính luyến ái dưới mọi hình thức, như Tây Âu, làng Hollywood, đều sẽ bị loại bỏ. Đàn ông vì phụ nữ, phụ nữ vì đàn ông, và cả hai cùng vì đứa bé.

Tiếp đến, bài báo đề nghị hành động bảo vệ cuộc sống (phản đối phá thai). Chúng ta thực sự cần một cuộc cách mạng đạo đức. Nếu đứa trẻ được sống, cuộc sống của người mẹ sẽ thay đổi, vì nếu đã chấp nhận để cho đứa trẻ sống, cuộc sống của tất cả chúng ta đều sẽ khác đi. Không cách nào để đảm bảo một thế giới an toàn cho đứa trẻ chưa sinh ra cũng đồng thời là một thế giới hoàn toàn tự do về tình dục và tự do kinh tế. Trong bất kỳ thế giới nào mà sự tự trị là lý tưởng cao nhất, nơi mà đứa trẻ – bị hóa thân thành dấu hiệu của sự phụ thuộc và đói khổ – sẽ bị buộc phải ra đi.

Tôi ngờ rằng những người ủng hộ việc phá thai sẽ đồng ý rằng: tự do cá nhân; tự do không giới hạn; phá thai là chuyện thiết yếu của cuộc cách mạng tình dục, để quan hệ tình dục mà không sinh sản, từ đó mọi thứ tồi tệ xuất phát, từ nữ quyền cho đến đồng tính luyến ái.

Esolen cho thấy phá thai chỉ là một khía cạnh của cả một mạng lưới những vấn nạn đạo đức, tinh thần và thế giới quan. Làm sao để đưa những yếu tố này vào các chiến lược “bảo vệ cuộc sống”?

Những người đồng ý cho phá thai, bạn có thấy vì sao phá thai có vấn đề?

Bạn có chối bỏ những lập luận trên, cũng như mọi lập luận khác, mà thậm chí không cần xem xét?

Nguồn: patheos.com

Hồng Nhạn dịch