Trong đen tối bi kịch 11/9, lòng tốt đã mang đến hy vọng

Khi bi kịch ập đến, mọi người và mọi thứ xung quanh dường như đều trở nên tồi tệ. Nhất là khi bi kịch ấy do chính con người gây ra, như sự kiện kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nhưng điều đặc biệt là: khi mọi thứ đều tối tăm thì ánh sáng càng được thấy rõ và càng chiếu soi rực rỡ. Với nhiều chuyến bay buộc phải chuyển hướng giữa chừng do sự kiện kinh hoàng đó, người dân Gander – New Foundland chính là ánh sáng rực rỡ cho mọi người.

Sau đây là lời tường thuật của một tiếp viên trên chuyến bay Delta 15, vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Vào sáng thứ ba, ngày 11 tháng 9, chúng tôi cách Frankfurt khoảng 5 giờ đồng hồ, đang bay qua Bắc Đại Tây Dương.

Đột nhiên, tôi được yêu cầu đến buồng lái ngay lập tức để gặp cơ trưởng. Ngay khi tới đó, tôi nhận thấy cả phi hành đoàn đều căng thẳng. Cơ trưởng đưa cho tôi một tin nhắn từ trụ sở chính Delta ở Atlanta: tất cả các đường bay đi qua lục địa Hoa Kỳ đều đóng cửa. Hạ cánh càng sớm càng tốt tại sân bay gần nhất. 

Không ai nói một lời về ý nghĩa của chuyện này. Chúng tôi biết đây là tình huống nghiêm trọng và cần nhanh chóng tìm ra nơi hạ cánh. Cơ trưởng xác định sân bay gần nhất nằm ở 400 dặm đằng sau chúng tôi, ở Gander, New Foundland.

Ông yêu cầu bộ điều khiển giao thông Canada phê duyệt thay đổi tuyến đường và đã được phê duyệt ngay lập tức mà không có bất kỳ câu hỏi nào. Sau đó, chúng tôi phát hiện lý do họ không hề do dự phê duyệt yêu cầu này.

Trong khi phi hành đoàn chuẩn bị hạ cánh, một tin nhắn khác đến từ Atlanta cho biết về những hoạt động khủng bố ở khu vực New York. Vài phút sau, chúng tôi có tin về vụ không tặc.

Chúng tôi quyết định NÓI DỐI hành khách khi vẫn còn ở trên không. Chúng tôi nói rằng máy bay có vấn đề phụ tùng đơn giản nên cần hạ cánh tại sân bay gần nhất ở Gander, New Foundland để kiểm tra.

Chúng tôi hứa sẽ cung cấp thêm thông tin sau khi hạ cánh ở Gander. Có rất nhiều hành khách cằn nhằn, nhưng chẳng có gì mới lạ! Bốn mươi phút sau, chúng tôi đáp xuống Gander. Giờ địa phương tại Gander là 12:30 PM, 11:00 AM ở Hoa Kỳ.

Đã có khoảng 20 máy bay khác từ ​​khắp nơi trên thế giới đã phải vòng lại với cùng một hành trình giống chúng tôi.

Sau khi chúng tôi hạ cánh, cơ trưởng thông báo: “Thưa quý bà và quý ông, chắc các bạn đang tự hỏi liệu tất cả những chiếc máy bay xung quanh chúng ta đều có vấn đề về phụ tùng như chúng ta. Sự thật là chúng ta ở đây vì một lý do khác.”

Sau đó, ông tiếp tục giải thích một chút về tình hình ở Hoa Kỳ. Có những tiếng thở hổn hển và ánh mắt hoài nghi. Cơ trưởng thông báo cho hành khách rằng Trạm kiểm soát mặt đất ở Gander khuyên chúng tôi ở lại.

Chính phủ Canada chịu trách nhiệm về tình hình của chúng tôi và không ai được phép xuống máy bay. Không ai trên mặt đất được phép đến gần bất kỳ máy bay nào. Chỉ có cảnh sát sân bay sẽ tuần tra định kỳ xung quanh, quan sát máy bay của chúng tôi và đi đến chiếc kế tiếp.

Trong một giờ sau, thêm nhiều máy bay đã hạ cánh và Gander cuối cùng có 53 máy bay từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 27 máy bay thương mại của Mỹ.

Trong khi đó, những mẩu tin bắt đầu xuất hiện trên đài phát thanh: máy bay đã đâm thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và vào Lầu Năm Góc ở DC.

Mọi người cố gắng sử dụng điện thoại di động, nhưng không thể kết nối vì hệ thống di động ở Canada khác Mỹ. Một số người gọi được, nhưng máy chỉ chuyển đến tổng đài viên ở Canada, họ nói rằng các đường dây đến Hoa Kỳ đều đã bị chặn hoặc bị kẹt.

Vào buổi tối, tin tức cho biết rằng tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới đã sụp đổ và vụ không tặc thứ tư đã diễn ra. Đến giờ, cả tinh thần và thể chất của hành khách đã hoàn toàn kiệt quệ, chưa kể nỗi sợ hãi bao trùm, mọi người đều bình tĩnh đến kinh ngạc.

Chỉ cần nhìn ra cửa sổ để thấy 52 chiếc máy bay khác bị mắc kẹt, chúng tôi biết rằng mình không phải là người duy nhất lâm vào tình trạng khó khăn này.

Trước đó chúng tôi đã được thông báo rằng mọi người sẽ được phép rời khỏi máy bay cùng một lúc. Lúc 6 giờ tối, sân bay Gander cho biết lượt xuống máy bay của chúng tôi là 11 giờ sáng hôm sau.

Hành khách không hài lòng, nhưng họ chỉ cam chịu tin tức này mà không càm ràm và bắt đầu chuẩn bị qua đêm trên máy bay.

Gander hứa với chúng tôi sẽ chăm sóc y tế (nếu cần), cung cấp nước và dịch vụ vệ sinh.

Và họ đã làm trọn lời hứa.

May mắn thay, chúng tôi không có tình huống y tế nào đáng lo ngại. Có một phụ nữ trẻ mang thai 33 tuần. Họ chăm sóc cô ấy thật sự rất tốt. Đêm trôi qua không có sự cố nào, mặc dù đương nhiên giấc ngủ của hành khách không hề thoải mái.

Khoảng 10:30 sáng ngày 12, một đoàn xe buýt trường học xuất hiện. Chúng tôi xuống máy bay và được đưa đến nhà ga, tại đó chúng tôi đi qua trạm kiểm soát Nhập cảnh và Hải quan, sau đó phải đăng ký với Hội Chữ thập đỏ.

Sau đó, phi hành đoàn tách khỏi hành khách và được đưa lên xe đi đến một khách sạn nhỏ. Chúng tôi không biết hành khách sẽ đi đâu. Thị trấn Gander có dân số 10,400 người, và họ có đến khoảng 10,500 hành khách phải chăm sóc từ tất cả máy bay đáp xuống Gander!

Họ yêu cầu chúng tôi yên tâm thư giãn tại khách sạn và sẽ liên lạc khi các sân bay Mỹ mở cửa trở lại, nhưng sẽ không nhanh chóng.

Khi đến khách sạn và bật TV, chúng tôi biết rằng bọn khủng bố đã dừng lại, 24 giờ sau khi mọi thứ bắt đầu.

Chúng tôi có nhiều thời gian để phát hiện rằng người dân Gander cực kỳ thân thiện. Họ gọi chúng tôi là “người máy bay”. Chúng tôi tận hưởng lòng hiếu khách của họ, khám phá thị trấn Gander và đã có khoảng thời gian khá vui vẻ.

Hai ngày sau, chúng tôi nhận được cuộc gọi và được đưa trở lại sân bay Gander. Chúng tôi được đoàn tụ với hành khách và tìm hiểu những gì họ đã làm trong hai ngày qua.

Điều đó thật không thể tin được.

Gander và tất cả những nơi lân cận (trong bán kính khoảng 75km) đã đóng cửa mọi trường trung học, phòng họp, nhà nghỉ và mọi địa điểm hội tụ văn hoá lớn. Họ chuyển đổi tất cả các cơ sở này thành khu vực lưu trú cho tất cả những du khách đang bị mắc kẹt.

Một số nơi được chuẩn bị giường, nơi khác có chiếu, túi ngủ và gối.

Họ yêu cầu TẤT CẢ các học sinh trung học tình nguyện dành thời gian chăm sóc các vị khách.

218 hành khách của chúng tôi đã dừng chân tại thị trấn Lewisporte, cách Gander khoảng 45km, tại đó họ được đưa vào một trường trung học. Nếu có phụ nữ nào muốn ở trong cơ sở dành riêng cho phụ nữ, họ cũng được sắp xếp như ý muốn.

Gia đình được ở cùng nhau. Tất cả hành khách cao tuổi được đưa đến nhà dân.

Còn bà bầu trẻ? Cô được đưa vào một nhà dân ngay bên kia đường sau khi được kiểm tra tại cơ sở Chăm sóc khẩn cấp 24 giờ. Có một nha sĩ và cả y tá nam nữ vẫn túc trục cùng mọi người trong suốt thời gian đó.

Mỗi người được gọi điện thoại và email đến Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới mỗi ngày một lần. Vào ban ngày, hành khách được đi “thăm quan”.

Một số người đã đi du thuyền trên hồ và bến cảng. Một số khác thì lang thang trong các khu rừng.

Các tiệm bánh địa phương vẫn luôn mở để làm bánh mì tươi cho khách.

Thức ăn được mọi cư dân chuẩn bị và mang đến các trường học. Mọi người được đưa đến nhà hàng tùy chọn và thưởng thức những bữa ăn tuyệt vời. Mọi người còn được hỗ trợ giặt quần áo, vì hành lý vẫn còn trên máy bay.

Nói cách khác, mọi nhu cầu của hành khách bị mắc kẹt đều được đáp ứng.

Hành khách đã khóc khi kể cho chúng tôi những chuyện này. Cuối cùng, khi có thông báo rằng các sân bay Hoa Kỳ đã mở cửa trở lại, họ đã được đưa đến sân bay đúng giờ và không một hành khách nào mất tích hoặc trễ giờ. Hội Chữ thập đỏ địa phương nắm tất cả các thông tin về nơi ở của mỗi hành khách, biết họ phải đi máy bay nào và vào lúc mấy giờ. Mọi thứ phối hợp thật nhịp nhàng.

Thật không thể tin được, thật tuyệt vời.

Khi lên máy bay, mọi người đều biết tên nhau. Họ nói chuyện về thời gian ở lại thị trấn này, rằng họ đã được đối xử tử tế như thế nào. Chuyến bay trở về Atlanta của chúng tôi trông giống như một bữa tiệc bay. Cả phi hành đoàn đều ngạc nhiên về hành khách của mình. Điều đó thật lạ thường.

Hành khách vô cùng thân thiết, họ gọi nhau bằng tên, trao đổi số điện thoại, địa chỉ và email với nhau.

Và rồi một điều rất bất thường đã xảy ra.

Một hành khách đã hỏi tôi liệu anh ấy có thể thông báo qua hệ thống PA không. Chúng tôi chưa bao giờ cho phép điều đó. Nhưng lần này thì khác. Tôi nói “tất nhiên” và đưa mic cho anh ta. Anh nhắc nhở mọi người về những gì họ vừa trải qua trong những ngày qua.

Anh nhắc nhở về lòng hiếu khách của những người hoàn toàn xa lạ dành cho họ.

Anh muốn làm gì đó để đáp lại những người dân tốt bụng tại Lewisporte.

Anh cho biết anh sẽ thành lập Quỹ Ủy Thác DELTA 15 (số hiệu chuyến bay của chúng tôi). Mục đích của quỹ này là trao học bổng đại học cho các học sinh trung học của Lewisporte.

Anh kêu gọi mọi người cùng quyên góp. Khi tờ giấy hứa quyên góp đầy kín với số tiền, tên, số điện thoại và địa chỉ, tổng số tiền lên đến hơn 14.000 đô-la!

“Một quý ông – MD từ Virginia – hứa sẽ thu thập các khoản quyên góp và thực hiện công việc hành chính với học bổng. Ông cũng sẽ chuyển tiếp đề xuất này đến Delta Corporate và kêu gọi họ quyên góp”.

Khi tôi viết bài viết này, quỹ tín thác đã lên đến hơn 1,5 triệu đô-la, đã hỗ trợ 134 sinh viên học đại học.

“Tôi chia sẻ câu chuyện này vì chúng ta cần những câu chuyện tuyệt vời ngay bây giờ. Tôi được tiếp thêm một chút hy vọng vì biết rằng đâu đó vẫn tồn tại những con người vô cùng tử tế với những khách lạ vô tình “rơi” vào vùng đất của họ.

Câu chuyện nhắc nhở tôi rằng trên thế giới này còn biết bao điều tốt đẹp.

Mặc cho mọi điều mục nát đang diễn ra trong thế giới ngày nay, câu chuyện này khẳng định rằng thế giới vẫn còn rất nhiều người tốt, và khi mọi thứ trở nên tồi tệ, lòng tốt sẽ vượt lên và mang đến hy vọng.

Nguồn: www.luminstory.org

Hồng Nhạn dịch

Xác định bản thể, nhận biết chính mình đem lại hạnh phúc thật

Mọi người đều phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng bản thể” của chính mình ở nhiều giai đoạn trong đời. Chúng ta tự hỏi mình: Tôi là ai? Mục đích của tôi là gì? Giá trị của tôi là gì? Đây là những câu hỏi quan trọng, với những câu trả lời khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời.

Tôi là fan hâm mộ lớn của loạt phim Jason Bourne. Phần đầu tiên của loạt phim ‘The Bourne Identity’, tạm dịch ‘Bản thể của Bourne’ – đã tạo nên bước đệm đầy ấn tượng cho loạt phim hành động kéo dài hơn 10 năm qua (5 phần) trên màn ảnh rộng. Trong phần đầu tiên, nhân vật chính là siêu điệp viên đặc biệt của CIA, anh ta hoàn toàn không biết mình là ai do bị mất trí nhớ vì sự cố đau thương trên biển. Phần đầu và toàn bộ loạt phim xoay quanh câu chuyện tìm lại danh tính thật của nhân vật này. Sau mỗi phân cảnh hành động là bí ẩn dần được hé lộ, anh ta ngày càng gần hơn với danh tính thật của mình. Nhưng như thế chưa đủ, khi bắt đầu hiểu mình là ai, Jason Bourne nhận ra quá khứ còn ẩn giấu sẽ cho anh ta một lý do để tin rằng mình có một mục đích sâu sắc hơn, vĩ đại hơn việc chỉ là một con tốt tầm thường trong trận đấu cờ của bọn gián điệp quốc tế.

Phải thừa nhận rằng cuộc sống của tôi không dữ dội và ly kỳ như Jason Bourne. Tuy nhiên, điểm tương đồng giữa chúng tôi là vấn đề nan giải khi đi tìm tôi thực sự là ai. Thực tế, con người đang phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng bản thể” ở nhiều giai đoạn trong cuộc sống. Chúng ta tự hỏi mình: Tôi là ai? Mục đích của tôi là gì? Giá trị của tôi là gì? Đây là những câu hỏi quan trọng, và chúng ta tìm thấy những câu trả lời khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời.

Cá nhân tôi nhận ra rằng bản thể của cá nhân tôi liên kết trực tiếp với những nền tảng mà tôi gắn bó. Chẳng hạn, tôi là con út, trong bốn người con, của bố tôi và mẹ tôi. Về mặt thể chất và cảm xúc, gia đình tôi là một cộng đồng nhỏ, trong đó tôi được định bản thể là một thành viên mật thiết. Tôi là chồng của vợ tôi, và cha của ba đứa con trai. Về mặt tâm linh, tôi là con cái của Thiên Chúa qua Đức Chúa Jesus, là một phần trong thân thể Ngài trên đất. Đây là nền tảng tốt lành và quý giá trong cuộc đời tôi. Những thực thể cộng đồng này cung cấp cho tôi cơ hội, trách nhiệm, sự tin cậy, mối tương giao và sự bền vững.

Nói cho cùng, bản thể của tôi trong Đấng Christ khiến tôi phản chiếu gốc gác của cái bản thể mà Thiên Chúa đã thiết lập cho con người. Nó như một gốc rễ vững vàng khi tôi trải nghiệm những thăng và trầm của cuộc đời. Vậy nên tôi áp dụng những chuẩn mực trong cuộc sống theo mệnh lệnh thiêng liêng và luật lệ tự nhiên mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại ngay từ thuở sơ khai.

Các nhà tâm lý học cũng công nhận rằng “khủng hoảng bản thể” là một phần của quá trình trưởng thành tự nhiên. Nó thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên, tiếp tục trong suốt độ tuổi mới trưởng thành và kéo dài cho đến tuổi trưởng thành, khi các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống tạo cơ hội cho con người trưởng thành và phát triển.

Một tiến sĩ tâm lý đã đưa ra những thấu hiểu trong việc đánh giá một người đang thỏa mãn hay bất mãn với bản thể của mình. Vị tiến sĩ cho rằng một người có ‘độ cam kết cao’ họ hiểu rõ và tự tin về mình là ai. Ngược lại, nếu một người có ‘độ cam kết thấp’ thì ít có tự tin về bản thể cá nhân mình. Tiến sĩ cũng chỉ ra rằng một người có “đam mê khám phá cao” sẽ không chắc chắn khi đưa ra quyết định, vì “nhận thức về bản thân” thấp. Còn một người có “độ khám phá thấp” thì luôn tự tin với chính mình và những quyết định mà mình đưa ra.

Khủng hoảng bản thể là điều mà tất cả người trần mắt thịt chúng ta, nghĩa là cả nhân loại, phải tranh chiến. Ai cũng đều có xu hướng thực hiện những sai phạm, lầm lỗi, tức là đi ngược lại với kế hoạch Thiên Chúa đã định cho nhân loại. Thánh Kinh nói rõ ràng rằng chúng ta đã được sáng tạo nên giống như hình ảnh của Thiên Chúa, thánh khiết, đầy yêu thương, thành tín, và trọn vẹn.

Do đó, cốt lõi bản thể của chúng ta được thiết lập và bắt nguồn từ Thiên Chúa. Khủng hoảng bản thể xảy ra khi chúng ta đánh mất bản sắc mà Thiên Chúa đã thiết lập trong chúng ta. Việc hiểu biết luân lý đạo đức căn bản, và công nhận luật lệ tự nhiên của Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận chân lý rõ ràng trong Lời của Thiên Chúa được viết trong Thánh Kinh.

Tuy nhiên, không thể tránh khỏi trường hợp tội lỗi sẽ dụ dỗ và lôi cuốn chúng ta chối từ bản thể tốt lành Thiên Chúa định cho cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta mắc bẫy, hỗn loạn và xung đột sẽ xảy ra trong chúng ta, khiến chúng ta lạc mất sự nhận biết mình là ai và thuộc về ai.

Sâu thẳm của nan đề, sự sùng bái và tham tham, thể hiện đỉnh điểm của ham muốn đạt được thứ gì đó khác hơn những gì chúng ta đã được nhận và/hoặc trở thành một người khác hơn con người mà chúng ta được sinh ra. Và Thiên Chúa không tạo ra chúng ta giống như hình ảnh Ngài để rồi chúng ta có thể tự quyết định bản thể cho riêng mình cách sai trái.

Điều chúng ta cần là quay trở lại và theo đuổi bản thể mang giá trị cao trọng mà Thiên Chúa đã định cho chúng ta.

Nguồn: medium.com
Hồng Nhạn dịch

10 lý do ăn mặc giản đơn của những doanh nhân

Những người thành công có một điểm chung, họ thường mặc trang phục đơn giản.

Tổng thống Obama mặc quần áo giống nhau mỗi ngày: một bộ đồ màu xanh hoặc xám. Steve Jobs luôn mặc chiếc áo cổ cao màu đen đặc trưng với quần jean và giày thể thao. Mark Zuckerberg thường mặc áo phông màu xám với quần đen và quần jean khi ra đường. Albert Einstein mua hàng loạt quần áo màu xám giống nhau để không phải lãng phí thời gian quyết định mặc gì mỗi sáng. Andre Young – thường được gọi là Tiến sĩ Dre – đi giày giống nhau mỗi ngày.

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao những người thành công lại chọn quần áo đơn giản? Hãy tham khảo 10 lý do sau đây:

  1. Giảm quyết định – giảm mệt mỏi:

Chúng ta có rất nhiều điều quan trọng cần suy nghĩ hơn chuyện mặc gì hôm nay. Tổng thống Obama nói: “Tôi cố gắng giảm bớt các quyết định. Tôi không muốn quyết định chuyện ăn gì hay mặc gì, vì tôi còn phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng hơn”.

Thật vậy, khi tinh thần kiệt sức vì phải đưa ra quá nhiều quyết định vặt vãnh, năng suất làm việc của bạn sẽ bị giảm sút. Nói một cách đơn giản, nếu quá chú tâm vào những thứ như ăn gì hay mặc gì mỗi ngày, chúng ta sẽ trở nên kém hiệu quả trong công việc.

Những người thành công giảm thiểu mệt mỏi bằng cách đơn giản hóa tủ đồ của họ. Việc này sẽ giúp bộ não của bạn sẵn sàng để đưa ra quyết định xuất sắc cả ngày.

2. Tiết kiệm thời gian

Giảm thời gian loay hoay chọn quần áo sẽ cho bạn thêm thời gian để làm các công việc khác. Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian từ khi ngày mới bắt đầu. Trang phục giản dị giúp bạn lựa chọn nhanh chóng và dễ dàng. Thay vì phải đắn đo suy nghĩ, bạn có thể lấy ngay một bộ đồ, mặc vào và bắt đầu làm những chuyện quan trọng hơn.

Trang phục đơn giản cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian mua sắm. Bạn biết những gì mình đang tìm kiếm và có thể đến ngay cửa hàng yêu thích của mình, thay vì tốn thời gian la cà hết shop này đến shop khác.

3. Khiến cuộc sống dễ dàng hơn

Chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian lo lắng về những thứ không mang lại lợi ích đáng kể. Tổng thống Uruguay – Jose Mujica nêu rõ:

“Tôi là kẻ thù của chủ nghĩa tiêu dùng. Vì lạm dụng nó, chúng ta quên mất những điều cơ bản và lãng phí sức lực vào những thứ phù phiếm không thể mang đến hạnh phúc cho chúng ta”.

Đại đa số chúng ta đều bị vật chất ám ảnh. Nhưng vật chất không mang lại giá trị thật sự cho cuộc sống. Mua một đôi giày mới có thể khiến bạn cảm thấy tự tin hơn trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài nó sẽ không thể làm cuộc sống của bạn chất lượng hơn. Bạn chỉ có thể thật sự thỏa lòng bằng cách bước ra thế giới và bày tỏ tình yêu với mọi người.

4. Đập tan căng thẳng

Mặc quần áo với màu sắc tối giản mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm thiểu căng thẳng. Thay vì chăm chú ngắm nghía trang phục của mình, đắn đo liệu màu này đi với màu này có hợp thời trang không, bạn có thể tập trung vào những điều ý nghĩa hơn.

5. Tiết kiệm năng lượng

Phải lựa chọn và kết hợp quần áo từ một đống bùi nhùi trong tủ là một việc hết sức lãng phí năng lượng.

Khi mặc đồ giản dị, bạn sẽ không bị những chuyện vặt vãnh làm phân tâm. Không cần vắt óc suy nghĩ phải mặc gì mỗi buổi sáng. Bạn sẽ có thể tập trung toàn bộ năng lượng cho những quyết định quan trọng hơn nhiều.

6. Giảm số lượng nhưng tăng chất lượng

Giảm thiểu sự lựa chọn bằng cách chỉ đặt vào tủ đồ những bộ quần áo thật sự ấn tượng và chất lượng với bạn. Điều này giúp bạn dễ dàng chọn một bộ mỗi sáng. Bạn cũng sẽ cảm thấy tốt hơn, tránh được những tình huống khó xử khi đồ chất cả tủ nhưng vẫn “không có gì để mặc”.

7. Tạo nên biểu tượng của riêng mình

Khi bắt đầu mặc cùng một kiểu quần áo, bạn sẽ biến nó thành biểu tượng của riêng mình. Nó giống như một thương hiệu, một phong cách riêng do chính bạn tạo ra.

8. Tiết kiệm tiền bạc

Bạn sẽ ít phải tốn kém cho một tủ quần áo tối giản. Thừa nhận đi, chúng ta luôn cảm thấy có lỗi vì không thể nào mặc hết những gì mình đã mua.

9. Bình yên trong lòng

Giảm thiểu những lựa chọn nhỏ nhặt sẽ khiến chúng ta thoải mái và hạnh phúc hơn. Khi ấy, chúng ta cảm thấy bình yên trong lòng.

10. Luôn cảm thấy tự tin

Nếu bạn chọn trang phục đơn giản, thoải mái, bạn sẽ luôn cảm thấy khỏe khoắn. Khi đã thoải mái với quần áo của mình, bạn sẽ luôn cảm thấy mình trông rất ổn với trang phục này (ngay cả khi những người khác không thấy vậy). Điều này giúp bạn tự tin hơn rất nhiều.

Bạn thấy đấy, một bộ quần áo không thể thay đổi thế giới, cũng không thể khiến một ngày của bạn trở nên tốt hơn. Nhưng chắc chắn rằng có nhiều thứ đáng phải quan tâm hơn chuyện hôm nay mặc gì. Cuộc sống đã đủ phức tạp rồi, đừng cho phép những điều nhỏ nhặt quyết định hạnh phúc của bạn. Như Henry David Thoreau – đại văn hào Mỹ đã từng nói: “Chúng ta phung phí cuộc đời vào những điều nhỏ nhặt… hãy đơn giản hóa, đơn giản hóa”.

Hồng Nhạn tổng hợp

Bill Gates, người cho đi nhiều nhất là người giàu

Khi nói đến những tỷ phú giàu nhất thế giới chúng ta không thể quên nhắc đến Bill Gates. Và khi nhắc đến những người làm từ thiện nhiều nhất thế giới thì chúng ta cũng không thể quên Bill Gates. Bill Gates được cả thế giới ngưỡng mộ không chỉ là một người tài giỏi trong kinh doanh mà còn được kính trọng bởi tấm lòng nhân ái làm từ thiện không ngừng nghỉ.
Ảnh bởi gatesfoundation.org

Bill Gates là một ông trùm kinh doanh và lập trình viên máy tính người Mỹ, là người đồng sáng lập Microsoft, công ty phần mềm PC lớn nhất thế giới. Kể từ khi thành lập công ty vào năm 1975, Gates đã giữ một số vị trí như chủ tịch, CEO và kiến trúc sư trưởng phần mềm. Một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất của cuộc cách mạng máy tính cá nhân, ông luôn được xếp hạng trong số những người giàu nhất thế giới bắt đầu từ năm 1987. Đam mê công nghệ và tạo dựng một “đế chế” Microsoft hùng mạnh.

Thế nhưng đến tháng 2 năm 2014 Bill Gates đã rời bỏ vị trí Chủ tịch Microsoft để có thể dành toàn bộ thời gian cho công tác từ thiện. Trong suốt cuộc đời của mình, Bill Gates luôn có mong ước giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và cải thiện chất lượng cuộc sống trên toàn cầu. Chính vì vậy, ông đã thực hiện các hoạt động từ thiện thông qua quỹ Bill & Melinda Gates nhằm quyên góp một số tiền có giá trị giúp đỡ người nghèo trên toàn thế giới. Kể từ năm 2000, món quà từ thiện lớn nhất mà ông Bill Gates đã đóng góp cho quỹ chính là số tiền thu được từ cổ phiếu Microsoft với giá trị lên đến 16 tỷ USD và đang tăng khoảng 5,1 tỷ USD mỗi năm. Các hoạt động từ thiện của ông đã bắt đầu từ năm 1994 với số tiền trao tặng tới 35 tỷ USD. Năm 2010, Bill Gates đã cùng với tỷ phú Warren Buffett thành lập tổ chức Giving Pledge với mục đích từ thiện. Hiện nay, quỹ này đã có đến 170 thành viên với nhiều đóng góp tài sản quý giá mang đến những khoản hỗ trợ có ý nghĩa cho những người khó khăn trên khắp thế giới. Một nghĩa cử cao đẹp khác của cặp vợ chồng này chính là cam kết hiến tặng 90% tài sản của mình sau khi chết để làm từ thiện. Họ chỉ để lại 10 triệu USD cho con của mình, đây là một số tiền vô cùng nhỏ trong khối tài sản khổng lồ của Bill Gates.

Ảnh bởi gatesfoundation.org

Vì sao vợ chồng Bill Gates lại cho đi rất nhiều tiền? Bill Gates làm từ thiện không phải vì tên tuổi, muốn được mọi người nhớ đến. Với Bill Gates hạnh phúc là nếu như một ngày nào đó những bệnh tật như bại liệt hay sốt rét không còn đe dọa con người. Có thể thấy Bill Gates và vợ đang nỗ lực không ngừng nghỉ vì điều đó. Hai vợ chồng nhà Gates rất hứng thú với các hoạt động mang tinh thần nhân ái từ trước cả khi kết hôn. Họ nhận thấy đó là một trách nhiệm của những người giàu có và thành đạt, phải làm hết mình vì lòng nhân ái trong cuộc sống. “Một khi bạn đủ giàu và chăm sóc, quan tâm được bản thân cùng những người mình yêu thương, điều tốt nhất nên làm tiếp theo với sự giàu có đó là giúp đỡ cộng đồng, xã hội làm điều tương tự,” trích lời của Bill Gates. Họ tình nguyện cống hiến thời gian và tiền bạc để giúp đỡ người khác bởi nó quan trọng, nó xứng đáng và phù hợp với cách mà họ được nuôi dạy. Họ đều sinh ra trong những gia đình có nền tảng niềm tin rằng cho đi thì có phước hơn là nhận về. Cha mẹ của Melinda luôn cố gắng để các con của họ hiểu về giá trị của sự công bằng khi được dạy trong những nhà thờ. Khi Melinda học trung học, cô ấy cũng đi làm tình nguyện bằng cách dạy toán ở các trường học công. Còn cha mẹ Bill Gates đã ủng hộ hết mình cho các tổ chức địa phương ở Seattle cũng như trong các chiến dịch tuyển sinh ở các trường đại học.

Trong suốt bao thập kỉ qua khi đã ở một vị trí đặc biệt, có vị thế, có nhiều tiền của họ vẫn không quên những gì cha mẹ đã dạy về cách sống yêu thương và ban cho. Dường như với họ việc làm từ thiện đã trở thành một phần lớn trong hôn nhân, cũng như trong phong cách sống của những đứa con của họ. Công việc của quỹ từ thiện đã trở thành một phần máu thịt trong vợ chồng tỷ phú. Không chỉ xem việc làm từ thiện là mục đích của bản thân, họ luôn cố gắng truyền dạy những giá trị cho những đứa trẻ với mong ước khi chúng lớn lên, chúng có thể thấy mình đâu đó trong hành trình này.

Ảnh bởi gatesletter.com

Cho đi nhiều như vậy Bill Gates còn lại những gì cho mình?Bill Gates vị tỷ phú giản dị với trái tim ấm áp. Với khối tài sản khổng lồ đã tạo ra, Bill Gates đã không ích kỉ giữ lại cho riêng mình mà biến chúng thành những đồng tiền ấm áp đem lại ích lợi cho người khác. Bill Gates đã đối xử với sự giàu có của bản thân một cách hào phóng. Tấm lòng nhân ái, cách sống cho đi của ông đã truyền nguồn cảm hứng cho rất nhiều người khác về lối sống có ích cho cộng đồng. Bill Gates đã giúp cho hàng triệu người trên hành tinh này có lại nụ cười sau những chuỗi ngày sống trong nước mắt của bệnh tật, nghèo khó. Hơn 51% tổng giá trị tài sản Bill Gates đã dành cho các hoạt động từ thiện nhưng ông vẫn luôn được xem là những người giàu nhất thế giới. Bởi khi ông càng cho đi thì những điều ý nghĩa ông nhận lại càng lớn hơn thế và đó là tài sản vô giá.

Sự giàu có không chỉ được đong đếm bằng số tiền có được mà bằng số tiền đã cho đi. Cho đi không có nghĩa là đánh mất mà cho đi là còn lại mãi mãi.

bởi Phan Uyên

4 bước từ tham lam đến thỏa lòng

Chúng ta quen thuộc với câu nói “Chớ tham lam”. Thật không may, chúng ta cũng rất quen thuộc với ham muốn đó! Mặc dù biết rằng không nên tham lam, nhưng tất cả chúng ta đều thường xuyên kinh nghiệm nó.
Ảnh bởi Ron and Joe trên Shutterstock

Vậy làm thế nào để vượt qua sự tham lam? Làm sao để hiểu rõ và bắt đầu đối phó với nó? Làm sao để biến tham lam thành thoả lòng?

Bước 1: Xác định đối tượng hoặc người mà bạn đặc biệt ham muốn

Bước đầu tiên là xác định các đối tượng hoặc những người bạn đặc biệt ham muốn. Tham lam luôn xảy ra trong bối cảnh cụ thể, và những ham muốn bên trong chúng ta luôn gắn liền với người hoặc vật cụ thể. Vậy, bạn thường thèm muốn ai hay thứ gì quá mức? Một người cụ thể mà bạn muốn hẹn hò, đối tượng cụ thể mà bạn muốn sở hữu – điện thoại mới, những bộ quần áo đẹp đẽ hay chiếc máy tính xách tay sành điệu. Dù đó là gì hay là ai, bạn cần phải xác định rõ. Chúng ta không thể tham lam chung chung. Vậy nên, bước đầu tiên đối phó với tham lam là xác định các đối tượng và/hoặc những người bạn thường thèm muốn.

Bước 2: Xác định lý do bạn ham muốn những đối tượng/người cụ thể đó

Có thể bạn ngạc nhiên, nhưng chỉ xác định đối tượng hoặc người đó thôi thì không đủ. Bạn phải nghĩ về lý do bạn thèm muốn đối tượng hoặc người đó. Tại sao lại là họ mà không phải ai khác? Tại sao là thứ này mà không phải cái gì khác? Tại sao người/đối tượng đó có sức hấp dẫn đến vậy trong lòng bạn?

Điều này sẽ giúp bạn xác định những ham muốn sâu bên trong mà thường là động cơ thúc đẩy bạn. Nó thường là những ham muốn vun vén cuộc sống, tác động đến mọi lĩnh vực. Xác định cụ thể những ham muốn vun vén cuộc sống đó là gì sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

Ví dụ, bạn thường thèm muốn các thiết bị công nghệ cao hoặc đi du lịch. Hãy thử phán đoán xem tại sao những thứ cụ thể đó lại hấp dẫn bạn như vậy. Có phải vì chúng giúp bạn đạt được sự tán đồng của xã hội? Hay giúp nâng cao năng suất? Hứa hẹn tiện lợi hơn hoặc thoả thích hơn?

Ảnh bởi Frits Ahlefeldt

Bước 3: Thừa nhận và từ bỏ

Khi đã xác định những ham muốn cụ thể đó là gì, hãy thừa nhận đó là những ham muốn ích kỷ chỉ phục vụ cho cái tôi. Ý thức được những hậu quả của lòng tham ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình dù ở cấp độ nhỏ nhất sẽ giúp bước đến từ chối, giết chết những ham muốn đó. Động cơ để từ bỏ những ham muốn ích kỷ đó là để cho tấm lòng có không gian cho tình yêu thương, cảm thông, tha thứ, thương xót đối với những người xung quanh mình.

Bước 4: Mở rộng tấm lòng mình bằng việc làm lành và cho đi

Có câu nói rằng “Đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy ban cho cách rộng lượng”

Bằng cách làm việc lành và cho đi rộng lượng, chúng ta theo đuổi một cuộc sống đúng ý nghĩa và chân thật. Những hành động thực tế sẽ giúp chúng ta xây dựng phong cách sống với lòng trắc ẩn, khao khát sự sống và hạnh phúc cho mình và cho những người có hoàn cảnh khác thiếu may mắn hơn.

Thỏa lòng

Thỏa lòng là tận hưởng sự tự do khi không còn tham muốn bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì. Nó là khi trân quý những gì bạn được ban cho trong cuộc sống dù trong hình thức vật chất hay tinh thần. Nhà văn Jeremiah Burroughs viết: “Thỏa lòng là một viên ngọc rất hiếm. Nhưng đó là viên ngọc quý giá đáng để tìm kiếm.”

Thỏa lòng là hạnh phúc thật đáng cho chúng ta theo đuổi!

Nguồn: biblicalcounselingcoalition.org

Hồng Nhạn dịch

6 cách lòng tham giam cầm bạn trong nghèo túng

Minh Họa: Công Kính

Lòng tham là một thứ vô cùng xấu xa và tồi tệ. Nhắc đến nó, gợi lên hình ảnh các gã tài phiệt béo tốt tích lũy khối lượng tài sản kếch xù, trong khi bóc lột công nhân bằng mức lương bèo bọt. Tuy là những kẻ giàu xụ, nhưng lòng tham cũng sẽ khiến họ nghèo khó. Tại sao lại tồn tại nghịch lý này?

Sau đây là 6 cách lòng tham “ăn mất” bạn.

1. Muốn có tất cả

Không hài lòng với cuộc đời mình, nhiều người cứ chăm chăm theo đuổi những thứ sẽ khiến cuộc sống tuyệt vời hơn. Hoặc ít nhất cũng “tơ tưởng” về chúng suốt cả ngày. Điện thoại “khủng” mới ra mắt. Xe “xịn” hơn. Nhà to hơn. TV màn hình phẳng 80 inch. Hay cả một chiếc du thuyền! Đáng buồn thay, bạn phải mất tiền để có được những thứ đó, và hệ quả có thể dẫn đến nợ thẻ tín dụng, các khoản vay “khổng lồ” không thể trả nổi, và cuối cùng mọi thứ bạn có sẽ vào tay các chủ nợ. Bạn có nhớ câu nói nổi tiếng “Những thứ bạn sở hữu rốt cuộc sẽ sở hữu bạn”? Vì vậy, hãy cảnh giác với lòng tham. Hạnh phúc đến từ những món đồ hào nhoáng đó chỉ là thoáng qua.

2. Lối sống “xa xỉ quá mức”

Hãy nghĩ đến các kì nghĩ lễ, nghĩ Tết. Thêm rượu. Thêm bia. Thêm đồ ăn. Thêm tất cả mọi thứ! Khi lòng tham thể hiện trong những ham muốn dữ dội và ích kỷ cho đồ ăn thức uống, bạn sẽ gặp vô số vấn đề về sức khỏe. Và ai cũng biết, chăm sóc sức khỏe rất tốn kém. Bệnh béo phì do ăn quá nhiều tiêu tốn đến 210 tỷ đô-la chi phí chăm sóc sức khỏe. Tại Mỹ, một người béo phì chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe nhiều hơn đến 42% so với người có cân nặng bình thường, và béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh khác.

Nghiêm trọng hơn nữa, tham lam có thể dẫn đến nghiện rượu hoặc lạm dụng thuốc. Đương nhiên sẽ liên quan đến các yếu tố khác, như trầm cảm và các vấn đề tâm thần, nhưng tham lam cũng góp phần không nhỏ gây ra một loạt vấn đề sức khỏe do lạm dụng thuốc. Việc phục hồi sẽ rất tốn kém. Kéo theo đó là những vấn đề xuất phát từ lối sống quá mức, như phải nghỉ làm vì bệnh, thiếu nỗ lực hoặc động lực, và tốn kém tiền bạc để duy trì chế độ ăn giảm béo.

Ảnh bởi Hà My từ zing.vn

3. Vi phạm pháp luật

Tham lam khiến người ta làm những điều sai trái, dẫn đến các hành vi trái pháp luật. Không hẳn phải là cướp ngân hàng, hay lừa đảo qua mạng xã hội, đơn giản chỉ là kiếm thêm nhiều tiền bằng cách mà họ “tin” là vô hại, mặc dù việc đó bất hợp pháp. Sau đó họ bị bắt, đối diện với tù tội.

Đối với những người khác, đôi khi sự tham lam nhỏ nhặt cũng có thể khiến sự nghiệp tan tành. Gian lận thuế cũng được kể là vi phạm pháp luật.

4. Không rộng lượng

Mọi người thường hiểu sai rằng ai giàu cũng tham lam, còn ai nghèo thì không. Điều này thực sự không đúng. Chương trình của chuyên gia tài chính Robert Kiyosaki có thông điệp rằng “…khư khư tích trữ tài sản, không bao giờ quyên góp từ thiện… không phải là cách tích cực để quản lý tài chính. Hãy rộng lượng và làm nhiều việc tốt, bạn sẽ gây dựng cơ nghiệp vĩ đại hơn nhiều so với việc cứ tiết kiệm từng xu, và ngồi ngắm nó tăng lên vài phần trăm mỗi năm trong tài khoản ngân hàng của bạn.”

5. Đánh bạc

Chắc bạn đã nghe nhiều câu chuyện và phim ảnh về đánh bạc. Đánh bạc có thể khiến bạn cực kỳ giàu có chỉ trong vài giây, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Khi lao vào con đường cờ bạc vì lòng tham, bạn đã viết sẵn cho mình một vở bi kịch chực chờ xảy ra. Mỗi năm, hàng triệu người đã thử và gặp may, nhưng đối với hầu hết mọi người đó chỉ là phấn khích nhất thời. Dù thắng hay thua, họ cũng không chơi nữa. Nhưng có 2% những người đánh bạc bị nghiện nghiêm trọng, và lòng tham chiếm lấy họ. Mỗi chiến thắng trở thành cơn phấn khích tột độ. Họ muốn nhiều hơn nữa. Và hơn thế nữa. Họ muốn thấy đống tiền của mình nhân lên. Trước khi nhận thức được điều gì đang xảy ra, họ đã mất tất cả khi cố gắng giành lại số tiền mình từng có.

Ảnh bởi Mohamed Hassan từ pxhere.com

6. Lòng tham của cả tập thể

Đáng buồn thay, không phải lòng tham cá nhân, mà lòng tham của cả tập thể đang tác động đến túi tiền của chúng ta, khiến chúng ta nghèo đói. Từ các chính trị gia tham lam dùng tiền mua phiếu chống lại lợi ích chung, đến phong trào khai thác nhân công từ quốc gia chậm tiến.

Trong một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng, sau lần tăng lương đột ngột gần đây, chuỗi cửa thức ăn nhanh này đã cho ra đời các ki-ốt tự động tự phục vụ. Họ nói “Chúng tôi đang tiếp tục xem xét các sáng kiến và cách làm việc để bù đắp những tác động do lạm phát tiền lương trong tương lai, thông qua các sáng kiến ​​công nghệ, đó là các ki-ốt tự đặt hàng cho khách hàng, hoặc áp dụng tự động hóa nhiều hơn cho nhà hàng”.

Những người bảo vệ ý tưởng này cho rằng đây chính là nâng tầm kinh doanh lên một tầm cao mới, nhưng nhiều công việc được tự động hoá sẽ không cần đến nhân công nữa. Với những người lao động lương thấp “làm ngày nào ăn ngày ấy” thì ngày càng khó tìm được một công việc lương cao mà không đòi hỏi bằng cấp và kinh nghiệm – những thứ mà nhiều người không bao giờ có cơ hội đạt được.

Thậm chí nếu bạn là người ít tham lam nhất hành tinh, bạn vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi lòng tham của thế gian trong cuộc sống hàng ngày.

Nguồn: money.com

Hồng Nhạn dịch

Muốn sống an yên, hãy lường trước với những hậu quả này?

Chúng ta ắt hẳn đều đã nghe nhiều và quen với những câu chuyện về lòng tham của con người. Tham tiền bạc, tham dục vọng, tham sân si, tham vô độ… tất cả đều là những câu chuyện với những hồi kết không mấy tốt đẹp. Cũng bởi vì lòng tham này mà sinh ra những sự giả dối, không chân thật với nhau trong các mối quan hệ.

Ảnh bởi Jeff Christensen

Tôi không thể nào nhìn thấy được một mối quan hệ tốt đẹp nếu như người ta đối xử với nhau bằng sự giả dối.

Hãy nhìn vào một mối quan hệ hôn nhân.

Không biết rằng cái tư tưởng “không xây mới, chỉ cơi nới” nó đã đi vào và ăn sâu trong tâm trí của bao nhiêu người nhưng trên mọi chuẩn mực thì đó là một tư tưởng hoàn toàn sai chệch. Người đã có gia đình, nhưng đôi khi dám tháo bỏ nhẫn cưới để nói dối rằng “Anh/em chưa có gia đình”. Sự giả dối đó đương nhiên sẽ dẫn đến hậu quả là một mối quan hệ ngoài luồng, thế rồi tới lúc mọi chuyện được ngã ngũ thì điều gì sẽ xảy ra? Hậu quả gì sẽ còn lại?

Ngoại tình và lối sống giả dối.

Khi một người phản bội vợ/chồng để bước vào một quan hệ tình cảm bất chính, người đó sẽ thường xuyên nói dối. Thật ra, việc ngoại tình bắt đầu bằng sự thiếu thành thật với người phối ngẫu về mặt tình cảm. Khi một người đã có gia đình bị cám dỗ , nếu người đó thành thật chia sẻ với người phối ngẫu về điều đó, nguy hiểm của cám dỗ sẽ giảm đi. Khi vợ chồng thành thật với nhau về những cám dỗ mình đối diện, chúng ta có thể giúp nhau chống lại cám dỗ và sẽ vượt thắng được. Nhưng nếu khi bị cám dỗ chúng ta cảm thấy sung sướng vì cái tôi của mình được nâng cao và lén lút nuôi dưỡng tình cảm bất chính thì chắc chắn chúng ta sẽ ngã vào cám dỗ ngoại tình. Khi quyết tâm ôm giữ một quan hệ tình cảm bất chính, chúng ta sẽ chỉ còn một con đường duy nhất là sống trong giả dối để che đậy việc làm sai của mình.

Người sống ngoại tình làm nhiều điều sai, và một trong những điều đó là người đó sống trong giả dối mà không chút áy náy. Người đó lừa dối người mình thương yêu nhất, gần gũi nhất mà không thấy khó chịu. Có những người khi ngoại tình đóng kịch một cách khéo léo nên vợ con hay chồng con không hề hay biết. Khi bị vợ/chồng nghi ngờ hay dò hỏi, người ngoại tình thường chối chứ không nhận thậm chí còn nổi giận, bảo rằng mình vô tội, tốt đẹp mà bị nghi ngờ cách oan ức. Khi một người làm điều gì mờ ám, bất chính, người đó sẽ phải nói dối để che đậy tội của mình, và nếu không tỉnh ngộ và chạy thoát ra khỏi điều đó, lương tâm người đó sẽ chai lì, người đó sẽ tiếp tục lừa dối người thân yêu mà không một chút áy náy.

Tại sao người ngoại tình phải sống trong dối trá?

Trước hết, mối quan hệ mà người đó can dự vào là mối quan hệ tội lỗi, bất chính; là điều sai quấy, không một người đàng hoàng nào có thể chấp nhận. Người vướng vào ngoại tình biết việc mình làm là sai quấy, đáng bị chê cười, lên án. Thường thường người ngoại tình biết điều mình làm là sai nhưng không muốn từ bỏ hay không đủ ý chí để từ bỏ, vì thế người đó chỉ còn một con đường là sống trong giả dối, và tiếp tục lừa dối mọi người liên hệ.

Dối trá & Ngoại tình sẽ đem đến hậu quả gì?

Mất lòng tin cậy của người phối ngẫu Trước hết, vì người đó không giữ lời hứa lúc ban đầu. Người phối ngẫu không còn tin cậy người ngoại tình vì người đó đã thất hứa, không một lòng yêu thương, chung thủy với mình như đã hứa. Người ngoại tình cũng mất lòng tin cậy của người phối ngẫu vì người đó thường sống trong dối trá.

Mất lòng kính trọng của con cái

Hậu quả thứ hai mà người ngoại tình không tránh được là mất lòng kính trọng của con cái. Khi nhìn lại, và hiểu biết mọi chuyện, con cái sẽ mất đi lòng kính trọng đối với người cha, người mẹ tội lỗi, vì người đó đã bội lời hứa nguyện, gạt bỏ trách nhiệm đối với gia đình, chạy theo những ham muốn ích kỷ, để con cái phải sống trong hoàn cảnh thiếu cha vắng mẹ.

Mất lòng kính nể của người chung quanh

Khi một người cố tình bội lời hứa nguyện, chiều theo cái tôi ích kỷ để rồi gieo đau đớn buồn khổ cho những người thân yêu nhất của mình thì dĩ nhiên người đó không còn được người chung quanh kính nể. Người chung quanh có thể thương hại cho một người dại dột, mù quáng hay tiếc cho người thiếu sáng suốt, nhưng lòng kính nể thì không còn nữa.

Gia đình tan nát, con cái chịu nhiều thiệt thòi

Khi trong gia đình có người cha hay người mẹ ngoại tình, gia đình có thể đi đến đổ vỡ. Khi đó, không chỉ người bị phản bội đau khổ mà con cái cũng phải gánh chịu những thiệt thòi lớn lao. Các em thấy gia đình không phải là nơi an toàn cho các em nương tựa, các em sẽ mất lòng tin nơi người lớn, mất tin tưởng ở đời sống và vì thế có thể mất tin tưởng ở chính mình.

Cuối cuộc đời, người ngoại tình sẽ ân hận, hối tiếc. Thực tế cho thấy, những người bỏ vợ bỏ chồng để chạy theo người tình mới có thể hạnh phúc nhưng hạnh phúc đó thường không bền. Người ta nói rằng, một tình yêu bắt đầu với sự phản bội và xây dựng trên gian dối không thể là một tình yêu vững bền. Điều mà những người không chung thủy với vợ với chồng phải đối diện sau này là nỗi ân hận hối tiếc. Đến cuối cuộc đời, khi nhìn lại những gì mình làm, nhìn lại những đau đớn mình đã gây ra cho người thân yêu người ngoại tình sẽ ân hận suốt đời.

Tình yêu giả dối là điều vô cùng nguy hiểm, vì thà không yêu còn hơn là yêu cách giả dối; miệng nói yêu thương mà trong lòng toan tính chuyện phản bội. Không gì đau đớn hơn là bị người mình tin cậy, yêu thương, phó thác trọn cuộc đời, phản bội tình yêu và lòng tin cậy của mình

Bởi Quỳnh Mai

Lòng tham & Chủ nghĩa vật chất hủy hoại gia đình và các mối quan hệ

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến việc lòng tham tiền thay đổi con người như thế nào.

Minh họa: Công Kính

Tiền giúp chúng ta có được những gì mình muốn, tuy nhiên khi coi trọng tiền bạc hơn cả gia đình, bạn bè, nhân phẩm và linh hồn thì chúng ta trở thành nô lệ của nó. Thay vì để nó phục vụ cho mục đích chính đáng, chúng ta lại biến nó thành động cơ cho mọi hành động của mình. Vì tham tiền là cội rễ của mọi điều ác.

Lòng tham nuôi dưỡng khao khát mãnh liệt về sự giàu có, muốn sở hữu nhiều vật chất hơn, sẽ dẫn chúng ta đến con đường đen tối: không thỏa mãn và không hạnh phúc. Điều này có thể do cố ý, nhưng thường sẽ len lỏi một cách tinh tế, ngụy trang. Tham lam có bản chất quỷ quyệt, có khả năng ảnh hưởng, lây lan qua môi trường sống với sức mạnh vô cùng to lớn. Văn hóa, đồng nghiệp, truyền thông và gia đình là những môi trường sống tác động đến chúng ta nhiều nhất.

Hình thức tham lam tinh vi ảnh hưởng đến các gia đình là việc ít giao tiếp với nhau và tự mãn về quyền lợi. Nhìn bề ngoài, việc che giấu thông tin dường như là cách hiệu quả để ngăn thế hệ trẻ khỏi ảnh hưởng tiêu cực của sự giàu có. Nhưng sâu thẳm bên trong, đây có thể là một cách thức tinh vi để nắm chắc quyền lực và danh vọng của bản thân, dẫn đến việc từ chối chia sẻ thông tin.

Bạn thấy đấy, mối nguy thật sự của lòng tham là khiến chúng ta bị ám ảnh về thứ mình ham muốn đến nỗi nó trở thành điều duy nhất còn quan trọng. Người bị chiếm hữu bởi lòng tham mù quáng với một tầm nhìn hạn hẹp, họ chỉ nhìn thấy duy nhất ham muốn ích kỷ của chính mình.

Những người tham lam phớt lờ mọi quyền lợi và nhu cầu của người khác, đối với họ đó không phải là vấn đề lớn. Họ và nhu cầu của họ là những thứ duy nhất đáng quan tâm. Chồng hoặc vợ tham lam sẽ khiến cho gia đình đau khổ. Chính trị gia tham lam khiến cuộc sống các cử tri trở nên khốn khổ. Ông chủ tham lam làm nhân viên cực khổ. Và còn nhiều nhiều nữa, nhưng chắc đến đây bạn đã hiểu rồi.

Ảnh bởi mohamed_hassan trên Pixabay

Cuối cùng, tham lam là dấu hiệu của sự hư không. Nếu bạn thấy ham muốn mọi thứ trong cuộc sống, lo sợ sẽ không có được thứ mình muốn, thứ mình cần hoặc thứ mình xứng đáng, bạn đã đặt niềm tin sai chỗ. Lòng tham sẽ lợi dụng bạn mà không cần phải trả lại cho bạn bất cứ điều gì, vì bản thân nó là ham muốn vô đạo đức về giàu có và quyền lực. Tham lam không có lương tâm để quan tâm đến thiệt hại mà nó gây ra. Lòng tham sẽ lây lan, khiến bạn bị gia đình, bạn bè xa lánh vì lệch khỏi quy chuẩn đạo đức. Tham lam là hành động ích kỷ chỉ mang lại lợi ích riêng cho kẻ tham lam mà thôi.

Hãy nhớ: “gieo gì gặt nấy”. Vậy tại sao không sử dụng cuộc sống bạn để gieo những hạt giống tích cực, sẽ gặt hái tình yêu thương? Vật chất chỉ đến rồi đi. Nhưng danh tiếng tốt sẽ khiến giấc ngủ bạn an lành. Hãy suy ngẫm những lời này, và sống cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp mà không mảy may để lòng tham vương vấn.

Vượt qua tham lam đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và kỷ luật. Tuy không dễ dàng, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Bạn chỉ cần “thuần hóa” cái tôi của mình. Và lời nhắc nhở quan trọng cho tất cả chúng ta khi chứng kiến sự tham lam qua phương tiện truyền thông: Ở đâu có tham lam, ở đó có nguy hiểm.

Nguồn: angelinembishop.com

Hồng Nhạn dịch

Tiền bạc và sự ích kỷ: Bạn có phải là nô lệ cho cái tôi?

Ảnh: Tony Rojas từ Unsplash

Đừng để tiền bạc và sự ích kỷ biến bạn thành kẻ mà bạn không hề muốn trở thành.

Tất cả chúng ta đều gặp rắc rối khi cố gắng trở thành kiểu người mà chúng ta mong muốn… và thậm chí chúng ta còn không nhận ra mình đang kiệt sức. Tiền bạc và sự ích kỷ có thể bẻ cong lương tâm và điều khiển cuộc sống chúng ta theo hướng sai lầm.

Mọi người liên tục đấu tranh với sự ích kỷ. Ích kỷ gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống. Càng lớn tuổi, bạn càng dễ dàng che giấu sự ích kỷ của mình đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng. Nhưng che giấu những tranh đấu trong lòng bạn không thể khiến chúng biến mất. Cách tốt nhất để xác định liệu bạn có đang bị sự ích kỷ điều khiển hay không: hãy xem cách bạn nghĩ về tiền bạc.

Sự thật là tiền bạc có thể biến chúng ta thành nô lệ của nó theo đủ mọi cách. Có những cách công khai, nhưng cũng có khi – giống như sự ích kỷ – lén lút và rất khó nhận ra, trừ khi bạn chịu nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc, trung thực.

Đúng vậy, ích kỷ, ki bo với tiền bạc của mình thì dễ, nhưng rộng lượng thì rất khó. Nếu bạn không có ý chí nỗ lực để trở thành người ban cho cách hào phóng, sự ích kỷ sẽ len ​​lỏi vào thái độ của bạn và biến bạn thành nô lệ của nó từ sâu thẳm đáy lòng lúc nào không hay.

Bạn nghĩ tôi đang phóng đại vấn đề? Dưới đây là năm dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang làm nô lệ cho sự ích kỷ. Hãy xem thử bạn có nhận ra điều gì “quen thuộc” trong cuộc sống mình không.

Ảnh: Geetanjal Khanna từ Unsplash

1) Bạn nghĩ thế giới này nợ bạn.

Bạn tin rằng mình đặc biệt, xứng đáng được thưởng vì tài năng và khả năng phi thường của mình. Có thể bạn lớn lên trong sự thoải mái và giàu có, nên bạn muốn sống xa xỉ suốt đời. Khi gặp thử thách, bạn cảm thấy thế giới thật bất công. Đôi mắt bạn luôn sáng rõ khi thế giới bất công với mình, nhưng lại “mù lòa” làm ngơ trước những bất công đang diễn ra nhan nhản xung quanh.

2) Bạn sử dụng mối quan hệ để nhận lãnh, không phải để cho đi.

Bạn liên tục tìm đến các thành viên gia đình khi cần, để họ giúp bạn giải quyết khó khăn và đáp ứng nhu cầu của bạn. Nhưng bạn lại hiếm khi xuất hiện để giúp họ theo cách mà họ giúp bạn. Cách chọn bạn bè của bạn cũng có dụng ý riêng. Bạn chỉ xây dựng mối quan hệ với những người có thể mang lại lợi ích cho bạn hoặc giúp bạn tiến xa hơn. Bạn không có thời gian cho người vô ích với mình. Và không thành vấn đề khi phải “nghỉ chơi” với ai đó nếu bạn đã có cơ hội tốt hơn.

Ảnh: Stefano Pollio từ Unsplash

3) Bạn lờ đi những người có nhu cầu quanh bạn.

Bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về cuộc sống riêng mình, đến nỗi không nhận ra nhu cầu của mọi người xung quanh. Bạn không quan tâm ai đang gặp khó khăn tài chính, không bao giờ đến thăm những khu khó khăn để thấy người ta nghèo đói như thế nào. Khi bạn thấy những hoàn cảnh nghèo khó trên tivi hay sách báo, bạn lập tức chuyển kênh hoặc lật trang. Khi nói về những người kém may mắn hơn mình, bạn nhanh chóng cho rằng những vấn đề của họ là do chính họ gây ra, và bạn trì hoãn không muốn nghĩ đến chuyện giúp đỡ họ.

4) Bạn biện minh cho việc mình kém rộng lượng.

Bạn biết cho đi là tốt, nhưng cũng nghĩ rằng mình có lý do chính đáng để không làm điều đó. Tâm trí tràn ngập những khó khăn của bản thân, bạn loại bỏ tiếng lòng mình kêu gọi sống rộng lượng. Bạn tự nói với bản thân rằng: mình sẽ cho đi khi mình được tăng lương lần tới, khi tiết kiệm đủ tiền để mua nhà, hoặc cho con cái vào đại học. Có rất nhiều người ngoài kia sẵn sàng cho đi, nên cứ để họ giúp đỡ người khác. Bạn đã có đủ khó khăn riêng rồi, không việc gì phải rước thêm rắc rối.

Ảnh: Max Bohme từ Unsplash

5) Bạn cho đi một cách công khai.

Việc cho đi không phải vấn đề khó khăn với bạn – thực tế bạn còn rất thích cảm giác đó. Bạn thích cảm giác khi mọi người biết chính xác bạn hào phóng như thế nào. Bạn tham dự mọi buổi đấu giá gây quỹ và hoạt động từ thiện, rất hứng thú với những cơ hội để thể hiện cho người khác thấy bạn là người tốt đẹp thế nào. Bạn mơ ước sẽ có một công trình công cộng được đặt theo tên mình với sự kính trọng, vì bạn đã cho rất nhiều tiền để xây dựng nó.

Ngừng làm nô lệ cho tiền bạc và sự ích kỷ

Nếu bạn thấy chính mình trong bất kỳ đặc điểm nào ở trên, thì rất có thể sự ích kỷ đang kiểm soát bạn nhiều hơn bạn muốn thừa nhận. Tôi đã mắc kẹt trong mỗi một thái độ ích kỷ trên vào những thời điểm khác nhau. Tham tiền bạc và ích kỷ lôi kéo tấm lòng tôi đến những nơi tăm tối.

Nhưng vẫn còn đó hy vọng, tôi đã khám phá ra chân lý rằng tôi là một bản thể có thể sống rộng lượng, nhân từ và vị tha. Tôi không tồn tại cho những ích kỷ này bởi tôi được tạo nên bằng tình yêu thương.

Hồng Nhạn dịch

Nguồn: godmoneyme.com

Thư con gái gửi người cha ngoại tình

Ảnh: Debby Hudson từ Unsplash

Nhà mình, ngày… tháng… năm…

Ba thân yêu của con,
Khi con viết bức thư này, là lúc con thấy mẹ đang khóc. Tuy mẹ đã cố tỏ ra không có chuyện gì trước mặt chúng con và mọi người, nhưng con biết mẹ đang rất đau lòng. Ba à, từ nhỏ con luôn tự hào về ba, người ba yêu thương, luôn bảo vệ mẹ con con. Con thích những lúc ngồi sau lưng ba, ôm ba thật chặt, lúc ấy thế giới của con chính là bờ vai vững chắc của ba. Vậy mà ba ơi đã bao ngày rồi con không được ngồi sau lưng ba, không được ba chở đến trường mỗi sáng, không được ba đưa đi công viên mỗi cuối tuần. Con nhớ những bữa cơm nhà mình quây quần bên nhau, ba gắp cho mẹ thịt, gắp cho chúng con cá, rồi ba kể những câu chuyện vui khiến cả nhà mình cười tít mắt. Vậy mà ba ơi những bữa cơm nhà mình giờ đây không có ba, chiếc ghế ba hay ngồi giờ đây trống vắng lạnh lẽo. Những lúc có bài toán khó như thói quen từ nhỏ con chạy đi tìm ba nhưng ba ơi con chẳng thấy ba đâu cả. Hôm trước em bị sốt cao, mẹ gọi cho ba mãi mà ba không nghe máy, thế là con và mẹ bế em bắt xe đi bệnh viện trong đêm khuya. Những lúc gia đình mình cần ba, ba đã ở đâu vậy ba?
Ba hay đi sớm về khuya, rồi ít khi về nhà hơn nhưng mỗi khi về con lại thấy ba và mẹ cãi vã nhau. Con thấy ánh mắt hằn học của ba, thấy giọt nước mắt của mẹ. Lúc đầu, con không hiểu vì sao ba mẹ lại như vậy, ba mẹ rất yêu thương nhau mà. Nhưng bây giờ con đã hiểu, ba đã có một người phụ nữ khác ngoài mẹ. Con nghe người ta thầm thì ba ngoại tình, nghĩa là ba đã phản bội mẹ. Những lời đó khiến trái tim con quặn thắt lại. Mẹ càng ngày càng ốm đi, đôi mắt mẹ u hoài, nụ cười của mẹ cũng đượm buồn, đôi vai gầy của mẹ giờ đây phải gánh vác cả gia đình với trái tim tổn thương. Có những lúc con thấy mẹ nấu ăn trong bếp nghe tiếng chân của con mẹ vội gạt những giọt nước mắt. Con thương mẹ lắm ba à. Đã có lúc con chạy đi tìm ba, cầu xin ba dừng lại và quay về với mẹ và chúng con. Con tự hỏi người phụ nữ ấy có gì hơn mẹ? Cô ấy có gì tốt hơn gia đình mình? Ba à, con rất thương ba nhưng con cũng rất thương mẹ và gia đình mình. Ba không còn thương mẹ, không thương chúng con sao ba?

Con đã từng có rất nhiều điều ước nhưng giờ đây con chỉ có một điều ước là ba quay trở về để gia đình trở lại như xưa. Ba hãy một lần suy nghĩ lại, ba hãy chọn gia đình mình, chọn mẹ và chúng con ba nhé. Con mong ba mãi mãi là niềm tự hào, là người đàn ông vĩ đại nhất trong lòng chúng con. Con không muốn khi nghĩ đến ba nước mắt con lại chảy, trái tim con lại quặn thắt như bây giờ. Chúng con cần có ba và có mẹ. Trở về với mẹ với chúng con ba nhé, chúng ta mãi là một gia đình phải không ba?

Con nhớ ba,

Con gái của ba.