Việc nói lời xin lỗi không phải là điều tự nhiên đối với bất cứ ai. Làm thế nào chúng ta có thể giúp con cái học được kỹ năng đối nhân xử thế thiết yếu này?

– Calvin nói với Hobbes:
“Mình áy náy vì đã trêu đùa Susie và làm bạn ấy bị tổn thương. Mình thấy mình sai khi làm điều ấy.”
– Hobbes:
“Thế thì cậu nên xin lỗi bạn ấy đi.”
– Calvin suy nghĩ một lúc rồi nói:
“Mình cứ hy vọng là có cách nào ít huỵch toẹt hơn cơ!”
(Bill Watterson, The Essential Calvin and Hobbes, 1988).
Chúng ta có thể cười trong bụng, nhưng điều này là đúng. Lời xin lỗi rõ ràng là điều chúng ta cần làm sau khi đã làm sai trái với ai đó, nhưng nếu đây là việc khó khăn đối với người lớn thì nó cũng có thể khó khăn đối với trẻ nhỏ nữa.
Lời xin lỗi: giải pháp cho những tổn thương trong mối quan hệ
Một lời xin lỗi chân thành là điều không thể thiếu để hòa giải và phục hồi một mối quan hệ. Nó có thể chữa lành những tổn thương, xóa tan cơn giận và hận thù, gỡ bỏ những rào cản về cảm xúc.
Thế nhưng, để lời xin lỗi đem lại hiệu quả như thế, nó không chỉ là câu “Xin lỗi!” ngắn gọn cho có. Theo quyển The Five Languages of Apology (Xin lỗi Sao Cho Đúng) của tác giả Gary Chapman và Jennifer Thomas, có năm yếu tố cơ bản (ngôn ngữ) trong một lời xin lỗi:
1. Bày tỏ sự hối tiếc—“Tôi xin lỗi.”
2. Nhận trách nhiệm—“Tôi đã sai.”
3. Sẵn sàng bù đắp—“Tôi có thể làm gì để khắc phục?”
4. Thật sự ăn năn—“Tôi sẽ cố gắng để không bao giờ lặp lại điều đó.”
5. Cầu xin sự tha thứ—“Bạn có tha thứ cho tôi không?”

Bị bắt buộc phải xin lỗi?
Một trong những điều cốt yếu “về cách sống, điều cần làm và cách làm” từng được học ở trường mẫu giáo là “nói xin lỗi khi bạn làm tổn thương ai đó”.
Nhưng nhiều phụ huynh chúng ta biết rằng việc ra lệnh cho con xin lỗi không phải lúc nào cũng có được một lời xin lỗi thật lòng và chân thành. Vì vậy, làm thế nào để dạy trẻ nói xin lỗi thật lòng?
Bắt đầu từ việc làm gương
Tương tự như vô số điều khác trong nuôi dạy con cái, tấm gương của chúng ta là điều tối quan trọng. Nếu con chúng ta nghe thấy những lời bào chữa, biện hộ hoặc đổ lỗi cho người khác, sẽ càng khó để dạy các cháu về việc xin lỗi. Nhưng, nếu các cháu nghe chúng ta xin lỗi người bạn đời của mình, bà con, bạn bè, sẽ có nhiều khả năng trẻ học được cách xin lỗi hơn.
Đối diện với trọng trách nuôi dạy con cái, những người bất toàn như chúng ta chắc chắn sẽ có lúc cần xin lỗi con mình. Những lúc như thế, hãy chân thành nói xin lỗi con. Mặc dù điều này có vẻ như làm giảm cái uy của bạn trong mắt con cái, nhưng không phải như thế. Thật ra, các cháu có thể càng tôn trọng chúng ta hơn.
Chịu trách nhiệm
Việc dạy con biết chịu trách nhiệm cũng là điều quan trọng để giúp trẻ học cách xin lỗi. Theo bản năng, trẻ nhỏ thích lập công trong những điều tốt và tích cực mà mình làm được. Chúng ta có thể thường xuyên nghe từ “Con” từ miệng các cháu: “Con đánh răng xong rồi!”, “Con vẽ được hình này nè!” Nhưng trẻ lại tránh nhận trách nhiệm với điều sai – “Cái cốc sữa tự nhiên bị đổ ra đấy ạ!”, “Con không biết ai vẽ trên tường nữa!”
Chúng ta sẽ đem đến lợi ích rất lớn cho con khi dạy các cháu chịu trách nhiệm. Hãy dạy trẻ nói lại câu nói của các cháu bằng cách thêm từ “Con” vào. Ví dụ, thay vì nói “Cái bánh bị vỡ rồi” thì là “Con đã làm vỡ cái bánh rồi”. Làm điều này ngay cả trong những tình huống vô thưởng vô phạt, làm từ khi trẻ còn nhỏ, khi trẻ mới vừa tập nói thành câu. Điều đó sẽ giúp trẻ học cách chịu trách nhiệm cho lời nói và hành động của mình.
Chúng ta sẽ đem đến lợi ích rất lớn cho con khi dạy các cháu chịu trách nhiệm.
Điều chúng ta nói hay làm đều ảnh hưởng đến người khác
Ngoài việc chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của mình, trẻ cần học biết rằng những điều các cháu nói hay làm đều ảnh hưởng đến người khác. Các cháu có thể làm mẹ mình hạnh phúc, làm anh chị mình buồn… Đây là điều quan trọng để giúp trẻ học cách đồng cảm và quan tâm đến người khác. Hãy dạy trẻ thường xuyên về “Quy tắc vàng”: “bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ” (sách Ma-thi-ơ chương 7 câu 12).
Rất quan trọng để trẻ học biết rằng cuộc sống đầy những nguyên tắc và luật lệ – đây không chỉ là bài học cho trẻ mà còn cho cả người lớn, cho tất cả mọi người! Ngoài Quy tắc vàng, hãy dạy trẻ về Mười điều răn mà Chúa ban cho chúng ta, về những nội quy trong gia đình, luật lệ ngoài xã hội.
Cũng cần dạy trẻ biết rằng các quy tắc là vì lợi ích của chúng ta. Ví dụ, khi đang lái xe, chúng ta phải tuân thủ luật giao thông để giữ an toàn cho tất cả mọi người. Nếu không tuân theo luật, những điều xấu có thể xảy ra (Ai đó có thể bị thương nếu chúng ta không dừng lại theo tín hiệu). Đảm bảo rằng các nội quy trong gia đình bạn được thực hiện cách liên tục, nhất quán và yêu thương.
Nói xin lỗi
Nếu chúng ta đã thiết lập một nền tảng đúng đắn – làm gương tốt, dạy trẻ chịu trách nhiệm về lời nói và hành động, dạy trẻ biết điều mình nói hay làm có thể làm tổn thương người khác – khi ấy, chúng ta có thể yêu cầu trẻ xin lỗi. Khi trẻ làm sai với anh chị em hoặc bạn mình, hãy giải thích rằng khi làm tổn thương ai đó, chúng ta cần nói “Xin lỗi”. Các cháu cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng xin lỗi là cách để hòa giải với người khác.
Đồng thời, trẻ cũng có thể bắt đầu học biết rằng việc xin lỗi (ăn năn) là cần thiết khi chúng ta không vâng lời Chúa, để chúng ta có thể khôi phục mối liên hệ với Ngài.
Nguồn: lifehopeandtruth.com
Dịch: Blessie
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?