Những bài học cuộc sống rút ra từ trẻ thơ

Khi có con cái, trách nhiệm của chúng ta là phải nuôi dạy con mình. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ con cái có thể dạy ngược lại chúng ta những bài học quý giá về việc trở nên giống như trẻ thơ không?

Ảnh từ pexels.com

Mọi thứ luôn có trật tự của nó. Tôi thật sự tin rằng các phụ huynh cần phải dạy con mình trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm và có khả năng thành công.

Nhưng phải chăng trẻ thơ cũng có thể trở thành người thầy của chúng ta?

Khi nhìn lại, tôi nhận thấy những hành động của trẻ thơ thường đem đến cho tôi những bài học cuộc sống không có trong sách vở. Ngay cả Chúa Giê-xu cũng dạy rằng chúng ta nên “trở nên như trẻ thơ” (sách Mathiơ chương 18 câu 3) và “vương quốc thiên đàng thuộc về những người giống như các trẻ thơ” (chương 19 câu 14).

Tôi xin được chia sẻ năm câu chuyện rất ý nghĩa đã đụng chạm trái tim tôi, khiến tôi phải suy nghĩ và làm tôi muốn trở nên giống như trẻ thơ hơn.

1. Tin như trẻ thơ

Một trong những kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là trải nghiệm của hai đứa con tôi khi còn nhỏ cùng với cái xô làm vườn đựng đất đỏ và vòi nước tưới cây. Đó là một buổi sáng mùa hè nóng nực, nhưng hai đứa đã lên kế hoạch từ trước. Các cháu ăn vội bữa sáng rồi kéo nhau ra ngoài bằng cửa sau, hướng về cái ga-ra xe cũ kỹ.

Thằng anh cầm một cái xẻng nhỏ, đưa cái xô làm vườn cho em gái nó, rồi cả hai đi về phía vườn nhà ông nội. Hai đứa trẻ tỏ ra rất quyết tâm, cặm cụi xúc đất cho vào được nửa xô, rồi hè nhau xách cái xô đi tới trạm tiếp theo là chỗ có vòi nước tưới cây. Một đứa mở khóa nước để đầu vòi xịt ra dòng nước chảy vào xô, làm mềm những cục đất sét. Chẳng mấy chốc, hai đứa đã có được một hỗn hợp đất sét đặc quánh như ý.

Tôi nhìn theo hai con mà nổi máu tò mò. Tôi hỏi các con đang làm gì. Bạn có biết câu trả lời là gì không? Hai đứa đang cố gắng tạo ra một người đất sét và đặt tên là Ông Sình.

Chẳng là chúng tôi vừa mới đọc cho con nghe truyện “Chúa tạo dựng nên A-đam”, nên hai đứa đang hào hứng tái hiện lại câu chuyện. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng Ông Sình của các cháu vẫn không nên được hình hài, và hoàn toàn vô hồn.

Bài học cuộc sống: Tâm trí trẻ thơ không thắc mắc hoài nghi. Trẻ tin đúng theo những gì Kinh Thánh nói. Điều trẻ nhanh chóng học được đó là có những việc chỉ Đức Chúa Trời mới làm được.

Điều tôi rút ra được là: Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời có thể bắt đầu từ tuổi đời rất sớm và qua những điều rất nhỏ bé, nhưng sự hiểu biết chỉ chín chắn khi có những trải nghiệm và khám phá.

Ảnh từ pexels.com

2. Hào phóng như trẻ thơ

Cách đây vài năm, một trong những cháu gái của chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho một buổi nhóm đặc biệt trong hội thánh. Mọi người sẽ dâng hiến và cháu muốn được dự phần. Con bé đã cẩn thận in ra một bức thư gửi đến Chúa, cuối thư ghi “Con yêu Chúa”, sau đó gấp lại cẩn thận, đặt ngay ngắn trong một phong bì và cất đi chờ đến ngày dâng hiến thì cháu sẽ để vào đó thêm một tờ tiền..

Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Cả gia đình đang trên đường đến nhà thờ thì cháu gái chúng tôi đột nhiên òa khóc. Cháu đã quên để tờ tiền vào trong chiếc phong bì quý giá đó! Mẹ cháu đã cố gắng dỗ con, bảo rằng cháu không cần tờ tiền đâu vì cháu đang có bốn đồng 25 xu, vậy là tương đương rồi.

Nhưng con bé lại càng nước mắt tuôn rơi, nằng nặc bảo rằng phải có tờ tiền. Rõ ràng tâm trí non trẻ của cháu nghĩ rằng Chúa thích tiền giấy hơn là đồng xu cho nên cháu phải có được tiền giấy.

Ngay khi vừa đến nhà thờ, con dâu của tôi đã tìm được một người sẵn sàng đổi tờ tiền để lấy bốn đồng xu. Cơn khủng hoảng đã được giải quyết. Cô cháu gái của chúng tôi hạnh phúc đặt phúc đặt chiếc phong bì có bức thư và tờ tiền của mình vào trong hộp dâng hiến. Tôi có thể hình dung Chúa đang mỉm cười như thế nào.Bài học cuộc sống: Sự việc này nhắc nhở tôi rằng dâng hiến không phải là một hành động tùy tiện, nhưng đòi hỏi sự lên kế hoạch và mục đích, cũng như nó phải xuất phát từ tận đáy tấm lòng.

3. Tin cậy như trẻ thơ

Điều gắn liền với bà J. dường như luôn là sự cầu nguyện. Đối với bà, việc được con, cháu, ngay cả chắt, nhờ bà cầu nguyện là điều hết sức bình thường.

Cách đây không lâu, bà nhận được một cuộc điện thoại từ cháu gái bảo rằng cô bị mất một thứ rất quý giá, đó là viên kim cương gắn trên chiếc nhẫn đính hôn của cô. Cô và con gái Alex nhỏ đã tìm suốt mấy ngày, dùng đèn pin rọi khắp ngõ ngách trong ngôi nhà mà vẫn không tìm được. “Bà ơi, bà có thể cầu nguyện giúp cháu được không?” “Tất nhiên là được chứ!”

Ngày hôm sau, cô chắt gái 5 tuổi, Alex đã đến thăm nhà bà cố và kể cho bà nghe mẹ cô bé đã buồn và thất vọng thế nào vì không tìm được viên kim cương bị mất. “Bà cố ơi, bà cầu nguyện để mẹ cháu tìm ra viên kim cương được không?”, cô bé hỏi với vẻ mặt rất nghiêm túc.

J. kéo cô bé ngồi lên đùi mình và cả hai cùng cúi đầu dâng lên Chúa một lời cầu nguyện rất đơn giản.

Một ngày sau, bà J. nhận một cú điện thoại và nghe ở đầu dây bên kia báo một tin mà bà vẫn mong đợi: “Bà ơi, chúng cháu tìm được viên kim cương rồi!” Bà J. trả lời: “Tất nhiên rồi. Chúa đang xây dựng đức tin cho con gái của cháu, chắt gái của bà đấy!”

Sau này, bà J. nói với tôi rằng chắc chắn phải là Chúa đáp lời cầu nguyện của họ, bởi vì viên kim cương được tìm thấy sát mép của nắp cống trong nhà tắm. Nó đã có thể bị nước cuốn đi bất cứ lúc nào mà không ai hay biết. Thay vì thế, Chúa đã nghe lời cầu nguyện, và đúng lúc thích hợp, Ngài nhậm lời cầu nguyện đơn giản của một bà cố cùng bé chắt gái.

Bài học cuộc sống: Đức tin không chỉ có thể dời núi, ngay cả đức tin của một bé gái và bà cố của bé cũng có thể khôi phục lại những thứ đã bị mất. Không điều gì là quá nhỏ bé, cũng không ai quá trẻ ha quá già mà Chúa không quan tâm đến.

Ảnh từ pexels.com

4. Lạc quan như trẻ thơ

Vào đầu những năm 50, nước Mỹ phải đối mặt với sự bùng phát của căn bệnh rất kinh khiếp và không có thuốc chữa: bệnh bại liệt. Trong suốt một năm gọi là đỉnh điểm của dịch bệnh, có 3000 người phải chết và hàng nghìn người bị tàn tật, phần nhiều là trẻ em.

Lúc tôi gặp Linda, một em gái xinh xắn với đôi mắt xanh đáng yêu, em đang phải nằm trong phổi sắt, một chiếc thùng kim loại được thiết kế như máy trợ thở cho bệnh nhân bại liệt, giúp họ hít thở dựa vào sự thay đổi áp suất không khí đều đặn trong thùng. Em chỉ có thể nói mỗi khi chiếc máy làm em thở ra, vậy nên cuộc trò chuyện của chúng tôi buộc phải theo nhịp điệu của máy thở. Lúc ấy, tôi đang là một tình nguyện viên trẻ trong bệnh viện, người ta gọi chúng tôi là “kẹo que”, và một trong những nhiệm vụ của tôi là thường xuyên đến thăm khu bệnh nhi, đặc biệt là Linda.

Mỗi ngày, Linda được phép ra khỏi máy thở một lúc. Đó là thời điểm chúng tôi có thể nói chuyện nhiều nhất. Thỉnh thoảng, chúng tôi trò chuyện về những đứa trẻ khác trong khu bệnh, thỉnh thoảng nói chuyện cá nhân hơn.

Một lần nọ, Linda tâm sự với tôi rằng cô bé muốn trở thành một diễn viên múa ba-lê khi khỏi bệnh. Mắt em ánh lên niềm phấn khởi khi nói đến dự định của mình. Vấn đề là trên cả cơ thể em lúc ấy, chỉ có một bộ phận còn cử động được là ngón tay út, còn lại đều đã bị tê liệt hoàn toàn.

Bài học cuộc sống: Khi nghĩ đến Linda, tôi nhận ra rằng ngay cả những ngày tháng đen tối nhất cũng có thể được thắp sáng bởi những tia hy vọng và lạc quan. Tôi cũng tha thiết cầu nguyện cho ngày mà vương quốc Đức Chúa Trời sẽ đến cách trọn vẹn và những bệnh tật kinh khủng ấy sẽ được chữa lành (sách Ê-sai chương 35 câu 5-6).

Không điều gì là quá nhỏ bé, cũng không ai quá trẻ hay quá già mà Chúa không quan tâm đến.

5. Khiêm nhường như trẻ thơ

Thật bình thường khi các môn đồ của Chúa Giê-xu nhìn vào Ngài như một hiện thân của quyền phép. Thử nghĩ đến những phép lạ mà họ đã chứng kiến xem, như sự chữa lành người bệnh, trục xuất ma quỷ, quy phục thiên nhiên bão tố và nhiều điều khác… tất cả đều được thực hiện trong tích tắc. Ngay cả bản thân họ cũng được Chúa sai phái ra đi thực hiện những điều tương tự (sách Ma-thi-ơ chương 10).

Thông qua vô số phép lạ, mọi điều liên quan đến Người Thầy của họ đều thể hiện nên sự cai trị và kiểm soát trước bất kỳ đối thủ nào. Cuối cùng, họ dự đoán rằng Ngài sẽ thiết lập vương quốc Đức Chúa Trời mà các tiên tri đã dự ngôn trong sức mạnh và uy quyền, còn họ thì sát cánh bên cạnh.

Điều mà họ không nhận thức được đó là động cơ thật sự của Chúa Giê-xu: Ngài đến thế gian để phục vụ con người chứ không phải để được phục vụ (sách Mác chương 10 câu 45). Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi các môn đồ rơi vào vòng xoáy của những suy đoán và tranh chấp quyền lực nảy lửa xem ai sẽ là người cao trọng nhất trong vương quốc Thiên Đàng (sách Ma-thi-ơ chương 18 câu 1). Đã đến lúc phải dùng một đối tượng cụ thể để dạy họ một bài học.

“Ngài gọi một đứa trẻ đến, để đứng giữa các môn đồ và nói: ‘Thật, Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như trẻ thơ, các con sẽ không bao giờ được vào vương quốc thiên đàng đâu. Vậy, người nào khiêm nhường như đứa trẻ này sẽ là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng. Còn ai vì danh Ta tiếp một đứa trẻ như thế nầy tức là tiếp Ta’” (câu 2–5)

Thử hình dung những môn đồ, tất cả những người có cá tính mạnh, quyết liệt và hùng hổ ấy sẽ nghĩ gì khi nghe những lời này?

Người ta có thể nói gì về một đứa trẻ? Không địa vị, không quyền lực, không có gì để kiêu ngạo, không tham vọng, không mưu mô. Quả thật, tất cả những gì một đứa trẻ có thể làm là học hỏi, tin cậy và vâng phục. Đó chính xác là điều Chúa Giê-xu muốn nói đến.

Thật là một bài học đáng nhớ cho các môn đồ!

Bài học cuộc sống: Bài học lớn nhất là sự hạ mình trước mặt Chúa như một đứa trẻ, và đây là bài học kéo dài cả đời.“Người ta đem trẻ thơ đến với Đức Chúa Giê-xu để được Ngài đặt tay trên chúng, nhưng các môn đồ trách họ. Thấy vậy, Ngài giận và bảo các môn đồ: ‘Hãy để trẻ thơ đến cùng Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những ai giống như các trẻ thơ ấy. Thật, Ta bảo các con, ai không tiếp nhận vương quốc Đức Chúa Trời như một đứa trẻ thì sẽ không vào đó được.’ Rồi Ngài ẵm những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng và ban phước cho chúng” (sách Mác chương 10 câu 13–16; sách Lu-ca chương 18 câu 15–17).


Nguồn: lifehopeandtruth.com
Dịch: Blessie

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *