Nguồn gốc lễ Giáng Sinh vào Việt Nam như thế nào?

Giáng Sinh được mọi người biết đến cách rất đơn thuần là ngày Chúa Giê-xu sinh ra đời. Cứ vào thời điểm cuối năm thì nhiều nơi lại trang hoàng những hình ảnh về cây thông Nô-en nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau, ông già tuyết cưỡi đàn tuần lộc,… Với những gia đình có đạo, họ vẫn thường làm chuồng chiên, bên trong có hình ảnh của những chú chiên, bà Ma-ry, ông Giô-sép và trung tâm vẫn là Chúa Giê-xu đang nằm trong máng cỏ. Những hình ảnh đó quá đỗi quen thuộc đến nỗi chúng ta cũng chẳng ai thắc mắc về nguồn gốc của lễ Giáng Sinh được bắt nguồn từ đâu, từ khi nào lễ Giáng Sinh lại có mặt ở Việt Nam và trở thành một trong những mùa lễ hội.
Ảnh bởi Chris Sowder tại unsplash

Với nhiều quốc gia ở phương Tây, Giáng Sinh là một trong những mùa lễ lớn nhất trong năm, vì hầu hết người dân đều theo đạo và Giáng Sinh là dịp để họ dâng lời cảm tạ Chúa Giê-xu đã xuống trần gian làm người. Ngày lễ Giáng Sinh được tổ chức 24/12 và 25/12, với họ dường như đây đã là ngày truyền thống và cứ đến thời điểm này hằng năm thì không khí lại rộn ràng và nô nức. Nhưng với nước Nga, thì lễ Giáng Sinh được tổ chức vào tháng 1, vì họ dùng lịch Julius mà không phải là lịch Gregorius như những quốc gia khác.

Có lẽ, trong cái nhìn của nhiều người, từ khi lớn lên ở Việt Nam, từ bao giờ lễ Giáng Sinh đã là một mùa lễ hội, một dấu hiệu phải có trước khi kết thúc một năm. Khắp nơi trang hoàng hình ảnh về cây thông, nhiều người hóa trang thành ông già Nô-ên tặng quà cho các em nhỏ trên khắp các đường phố và còn nhiều điều tương tự như thế. Những hình ảnh quá đỗi quen thuộc, nếu không muốn nói là cũ kỹ, được lặp đi lặp lại hằng năm nhưng lại không bao giờ nhàm chán. Phải chăng đó là nét đặc trưng của những dịp lễ hội lớn trong năm, không riêng gì lễ Giáng Sinh và không thể thay đổi? Nhiều người nô nức đua nhau ra ngoài đón không khí Nô-en trải dài trên khắp các tuyến đường, cùng nhau chụp những bức ảnh bên cạnh những cảnh vật trang trí vô cùng bắt mắt và rực rỡ. Nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi từ những cửa hàng thời trang qua các kênh mạng xã hội facebook, instagram để thu hút người tiêu dùng và họ xem đây chính là cơ hội cho việc kinh doanh để mang lại nguồn lợi nhuận tốt nhất vào dịp cuối năm. Rồi mọi thứ qua đi, không khí Nô-en chỉ còn là quá khứ và mọi cảm xúc cũng không còn nữa.

Có bao giờ bạn tự hỏi về nguồn gốc của lễ Giáng Sinh vào Việt Nam như thế nào và từ thời điểm nào chưa? Hay bạn cho rằng đó là một lễ hội mà quốc gia nào cũng có, Việt Nam cũng vậy nên cảm thấy rất bình thường, không có gì phải thắc mắc? Những hình ảnh được trang trí rất công phu ở khắp nơi, từ các khu trung tâm mại cho đến những cửa hàng thời trang,… đâu đâu cũng ngập tràn không khí Giáng Sinh. Giáng Sinh có thật sự bắt nguồn từ những điều đó? Ý nghĩa của lễ Giáng Sinh không phải như vậy.

Ảnh bởi Jillwellington tại pixabay

Thánh Kinh cho biết Chúa Giê-xu Giáng Sinh tại thành Bết-lê-hem, xứ Do Thái, thuộc khu vực Trung Đông ngày nay. Điều đó minh chứng về lễ Giáng Sinh không phải bắt nguồn từ các quốc gia phương Tây như nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ. Chúa Giê-xu Giáng Sinh là một câu chuyện có thật được ghi chép lại rất chi tiết trong Thánh Kinh, chứ không phải là một sự tích được truyền miệng. Chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta đều nghe về sự kiện Chúa Giê-xu Giáng Sinh, nhưng mấy ai biết sự ra đời của Chúa Giê-xu đã chia đôi dòng lịch sử của nhân loại? Bởi vì chúng ta đã bị che mắt đi bởi những chương trình khuyến mãi từ các cửa hàng thời trang, những hình ảnh trang trí vô cùng đẹp mắt trên các đường phố và thậm chí là những bận rộn về công việc cuối năm,…

Những đứa trẻ con vẫn thường nhắc đến ông già Nô-en, cây thông hay những món quà được trao nhau trong ngày lễ. Nhưng đó là những hình thức mà con người nghĩ ra để ngày lễ thêm phần thú vị và đó không phải là điều quan trọng trong ngày lễ Giáng Sinh. Nhân vật chính không phải là già Nô-en, cũng không phải là những chú tuần lộc, mà chính là Chúa Giê-xu. Vì nếu không có Chúa Giê-xu thì không có ngày Giáng Sinh, ông già Nô-en cũng không xuất hiện, đàn tuần lộc cũng chẳng còn, cây thông cũng trở nên bình thường với mọi người.

Giáng Sinh thực chất không phải là một mùa lễ hội, không bắt nguồn từ các nước phương Tây như nhiều người vẫn thường nghĩ. Những hình ảnh về ông già tuyết cưỡi đàn tuần lộc tặng quà cho các em nhỏ, cây thông Nô-en,… càng không phải là ý nghĩa thật của mùa lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh chính là sự kiện Chúa Giê-xu được sinh ra, xuống trần gian làm người vì yêu thương nhân loại.

Chúng ta không biết chính xác được thời điểm và nguồn gốc lễ giáng sinh vào Việt Nam như thế nào và có thể điều đó đã không còn quan trọng nữa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có đang tận hưởng một mùa giáng sinh ý nghĩa? Đừng quên Chúa Giê-xu đã từ Trời hạ sinh xuống trần gian làm người là một sự thật không thể thay đổi và đó mới là lý do của lễ Giáng Sinh.

Bởi Nguyễn Trường

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *