Người Việt Nam có ý niệm về Ông Trời? (P.2)

Phần trước, chúng ta thấy rằng từ lâu người Việt Nam đã biết có ông Trời, tin ông Trời và cầu khẩn ông Trời. Niềm tin này vốn có trong tiềm thức của người dân Việt ngay cả trước khi có các tôn giáo khác du nhập vào nước ta.
Ảnh bởi Daniel Burka trên Unsplash

Thờ Trời

Trải qua nhiều thế kỷ, ngay cả sau khi có các triết lý tôn giáo của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo truyền đến, người dân Việt vẫn lấy tín ngưỡng thờ Trời làm nền tảng để giữ gìn truyền thống dân tộc, gia đình. Cả ba tôn giáo chính nói trên đã góp phần củng cố thêm cho niềm tin hợp với Đạo Trời. Ngay cả Phật Giáo với khái niệm mờ nhạt về ông Trời khi đến Việt Nam cũng phải chấp nhận ý niệm “Cầu Trời Khẩn Phật”.

Hợp lẽ Trời, thuận lòng người là đạo lý của người Việt Nam. Dù thực hành tín ngưỡng nào, người Việt ai nấy cũng công nhận:

“Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”

Nghĩa là thuận với Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất. Chính vì đó mà người dân Việt thờ Trời. Ngay từ thời các Vua Hùng dựng nước, người ta đã biết thờ Trời. Mỗi năm nhà Vua thay mặt nhân dân lập đàn tế Trời, cầu Trời cho dân chúng an cư lập nghiệp. Trong gia đình, người cha thay mặt để cầu Trời phù hộ cho gia đình, con cháu hạnh phúc.

Các triết lý du nhập vào từ Trung Quốc hoặc Ấn độ đã không đồng hóa hoàn toàn tín ngưỡng của người dân Việt. Trái lại những tín ngưỡng nào phù hợp với tình cảm thiêng liêng trong sáng của người dân Việt thì được tiếp thu với tinh thần chọn lọc. Chịu ảnh hưởng của đạo đức Lão Trang, người Việt thường bảo nhau về cách ăn ở cho phải đạo, nhất là đạo làm con, đạo vợ chồng:

Đạo làm con chớ hững hờ
Phải đem hiếu kính mà thờ mẹ cha.

Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời mai sau.

Người Việt Nam cũng tiếp thu truyền thống giữ gìn “luân thường đạo lý” của Khổng Giáo thật nhuần nhuyễn và bình dị như cuộc sống gần gũi, lễ phép thân thương, kính trên nhường dưới trong gia đình. Luân là cái mà con người phải noi theo trong mối tương quan xã hội. Thường là sự việc không biến đổi theo không gian và thời gian mà con người phải giữ. Trong Ngũ luân với quan hệ quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu, người Việt trân trọng những đức tính Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Trong Ngũ thường, người Việt trân trọng giữ gìn nhân, nghĩa, lễ, trí, tín theo đạo lý làm người.

Anh làm trai học đạo thánh hiền Năm hằng chẳng trễ, ba giềng chớ sai.

Chữ hiếu được mọi người đặt lên hàng đầu:

Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên
Chữ rằng mộc bổn thủy nguyên
Làm người phải biết tổ tiên ông bà.

Bổn phận hiếu đễ được minh giải thêm:

Thờ cha mẹ ở hết lòng
Ấy là chữ hiếu ở trong luân thường
Chữ để có nghĩa là nhường
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên
Ghi lòng tạc dạ chớ quên

Con em phải giữ lấy nền con em.

Trong tinh thần phê phán chọn lọc, người Việt đã phân biệt chân giả, đúng sai trong từng tín ngưỡng thực hành. Chẳng hạn:

Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Hoặc ai nấy đều đồng ý:

Dẫu xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người.

Người Việt Nam phần lớn không tin ở thuyết luân hồi. Bằng cớ là nhiều người Việt thờ cúng ông bà, tin rằng vong linh ông bà vẫn còn đó. Mỗi năm nhân dịp Tết cổ truyền, người ta rước ông bà về vui xuân với con cháu rồi tiễn ông bà đi. Nếu tin ở thuyết luân hồi thì phải tin ông bà cha mẹ đã hóa kiếp thành người ngoại quốc nào khác, hoặc con thú nào đó trong rừng, hoặc một con vật nào đó trong bầy gia súc trong vườn. Tin như thế, người ta sẽ không rước tiễn ông bà, cũng không dám ăn thịt, đánh đập hoặc giết chết một con vật nào.

Người Việt Nam tin ở giá trị thiêng liêng bất tử của linh hồn, tin ở đời sau. Linh hồn của mọi người chết là về chầu Trời. Người Việt Nam là dân tộc hiền hòa nhưng bất khuất. Lúc có cần ai nấy đều có thể chịu đựng hy sinh vì nghĩa lớn. Trong quan hệ bình thường, người Việt áp dụng tinh thần dĩ hòa vi quý. Trong cuộc sống với nhiều điều không lý giải được, người Việt vẫn tin tưởng ở mệnh Trời, hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn.

Không ai giàu ba họ
Không ai khó ba đời.

Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này?

Người Việt tin tưởng và yêu chuộng những nguyên tắc như:

Ở hiền gặp lành,

Ông Trời có con mắt,
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Lưới Trời lồng lộng, thưa mà không lọt,

Thiên bất dung gian.

Người Việt quý trọng và ao ước những giá trị Trời ban như thiên ân, thiên tài, thiên bẩm, thiên chức, thiên hương, thiên tướng, thiên tư. Người Việt giữ gìn truyền thống tương thân tương trợ những khi tối lửa tắt đèn.

“Bà con xa không bằng láng giềng gần.”

Câu tục ngữ “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng,” đã được đem ra áp dụng thường xuyên trong những lúc hoạn nạn, tai ương với nhiều kết quả tốt đẹp. Trong quan hệ giữa người với người, người Việt luôn luôn giữ lấy chữ tình:

Phàm sự lưu nhân tình
Hậu lai hảo tương kiến.

Chính nhờ đó mà dân Việt Nam muôn đời vẫn còn tồn tại.

Ảnh bởi ThachSanh trên Pixabay

Người Việt hiểu biết về “ông Trời” chưa đầy đủ

Giống như nhiều dân tộc khác trên thế giới, sự nhận biết về Đức Chúa Trời có thể nói là một thứ nguyên chi tự nhiên mà ông Trời ban cho nhân loại. Dân tộc nào cũng có chữ ông Trời hay Đấng Tạo Hóa trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Thật vậy, khi nhìn xem vạn vật, thiên nhiên, với cảnh trí đẹp đẽ tuyệt vời, với không gian bao la vô tận, với sự cấu tạo tinh vi, diệu kì, muôn hình vạn trạng, với quy luật bốn mùa xuân hạ thu đông trật tự chính xác vô cùng, với bản năng lạ lùng bất biến của các loài vật… rồi nhìn lại con người với thân thể kỳ diệu, với mầu nhiệm sinh sản, với tình cảm thiêng liêng, với những giá trị tinh thần, với những kinh nghiệm về quy luật đạo đức trải qua các đời, với ý chí tự do lựa chọn… Cùng với bao nhiêu chứng cớ khác nữa trong cuộc sống, người ta phải thừa nhận có Đấng Tạo Hóa, có ông Trời.

Chính ông Trời đã tạo dựng nên tất cả, Ngài đang điều khiển, bảo tồn tất cả những quy luật thiên nhiên và đạo đức trên thế giới này. Nhưng thiên nhiên chưa đủ để con người biết rõ về thuộc tánh, ý muốn và chương trình vĩnh cửu của Đức Chúa Trời. Bởi trong thực tế khi nhìn thiên nhiên có người suy luận hữu thần, có người suy luận phiếm thần, hoặc có người suy luận đa thần, thậm chí cũng có người suy luận vô thần. Thiên nhiên chưa đủ để người ta biết rõ Đức Chúa Trời thực hữu độc lập với các tạo vật do Ngài dựng nên và Ngài là Chân Thần Duy Nhất, (thần chân thật tối cao và độc nhất)

Người Việt biết có ông Trời nhưng chưa biết Đức Chúa Trời là Chân Thần, là Đấng Tạo Hoá duy nhất tối cao. Người Việt biết ông Trời có bản tính công bình nhưng chưa biết Đức Chúa Trời là Đấng đầy ân điển và yêu thương. Người Việt tin mệnh Trời không ai thay đổi được, kể cả số phận của mỗi người cũng được an bài, nhưng người Việt chưa biết Đức Chúa Trời là Đấng tôn trọng ý chí tự do của con người và là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. Người Việt biết mình cần ăn hiền ở lành, nhưng không biết rằng tất cả những việc lành mình làm dù cao quý vẫn còn thiếu hụt, không thể sánh với tiêu chuẩn trọn lành Đức Chúa Trời đòi hỏi, giống như nào ngọn đèn cầy đem so với ánh mặt trời.

Người Việt cần đón nhận chân lý của ông Trời để bù đắp cho sự thiếu hụt của mình. Người Việt biết nguyên tắc “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” nhưng không biết căn nguyên của mọi nỗi đau khổ bất hạnh trong cuộc đời là do tội lỗi loài người xoay lưng phản nghịch lại với Đức Chúa Trời. Người Việt cần trước hết được Chúa tha tội.

Người Việt biết mình cần được cứu rỗi và đã khổ công đi tìm sự cứu rỗi nhưng chưa biết con đường cứu rỗi duy nhất là chương trình do Đức Chúa Trời vạch sẵn đã được thực hiện bởi Con Ngài là Chúa Giê-xu. Người Việt cần đặt đức tin nơi sự toàn năng, toàn tri, tồn thiện, tồn mỹ của một Đức Chúa Trời chân thật.

Nhiều niềm tin của người Việt về ông Trời rất gần với Thánh Kinh, nhưng chưa đầy đủ. Một số người do không biết Thánh Kinh nên cứ tưởng ông Trời là hình ảnh Ngọc Hoàng Thượng đế tưởng tượng của người Trung Hoa. Thậm chí có người tin chuyện Tề Thiên Đại Thánh là thật, theo đó Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng chịu thua Tôn Ngộ Không. Chính vì thế mà người Việt chúng ta cần có sự tỏ tường đặc biệt, đúng đắn, trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Sự tỏ tường đặc biệt này chỉ có thể tìm được trong Thánh Kinh và qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Vì niềm tin là biết và nắm chắc điều mình tin tưởng dù mắt chưa thấy được. Thế nên ông Trời đã tỏ bày rõ ràng về chính Ngài trong cuốn sách của thiên nhiên tạo vật và cũng trong cuốn sách Thánh Kinh. Chúng ta không còn lý do gì để lưỡng lự mà chạy đến với Đấng Tạo Hóa, là Cha tạo ra muôn loài trong đó có chính bạn, chính tôi và dân tộc Việt.

bởi Nguyễn Văn Huệ

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *