Người Việt có ý niệm về Ông Trời ? (P.1)

Hành vi của con người được xác định bởi mục đích cuộc đời họ. Nhìn vào lịch sử, văn hóa, cuộc sống của bạn, của tôi, của người Việt Nam, chúng ta có thể thấy một niềm tin mãnh liệt thể hiện mục đích sống đó. Niềm tin vào sự tể trị của Ông Trời, trong đó vận mệnh của tôi, của bạn, của con người do Trời định đoạt.
Ảnh bởi HoangTuan trên Pixabay

Kêu Trời

Điều dễ hiểu nhất và không ai phủ nhận được là hễ gặp bất cứ việc gì bất chợt xảy đến, dù vui hay buồn, dù tốt hay xấu, câu nói buột miệng của người Việt Nam trước hết là kêu: “Trời ơi!” 

Khi rủi ro đứt tay, vấp chân, té ngã, người ta kêu Trời. Khi gặp buồn khổ, chán nản, chết chóc, thất bại, người ta kêu Trời. Khi thành công, hạnh phúc, bình an, người ta nói ‘Nhờ Trời’. Khi gặp tai nạn người ta kêu Trời cứu, cầu Trời cho tai qua nạn khỏi…

Kính Trời

Tuy không biết rõ ông Trời là Đấng như thế nào, nhưng người Việt Nam ai cũng kính Trời vì hiểu rằng có con người ta đây là vì có ông Trời. Trong ngôn ngữ bình dân, dù là câu nói vui đùa, mỗi khi xưng hô nhắc đến Trời thì người ta không dám nói thiếu chữ ông đi trước chữ Trời. Người ta gọi ông Trời với lòng tôn kính. Người Tin Lành tôn thờ Ngài nên gọi Ngài là Đức Chúa Trời. Một cô gái quê vui đùa hỏi bí bạn trai:

Thấy anh hay chữ Em hỏi thử đôi lời:
Thuở tạo thiên lập địa Ông Trời tròn ai xây?

Ảnh bởi Kiril Dobrev trên Unsplash

Cầu Trời

Người Việt phần lớn sống bằng nông nghiệp, biết rằng mùa màng được hay mất cũng do Trời.

“Nhờ Trời năm nay được mùa!”

Người nông dân lúc nào cũng tâm nguyện cầu Trời cho cơm no áo ấm:

Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm…

Hoặc họ truyền tụng về ơn Trời bằng những câu ca dao, bài hát bình dân:

Nhờ Trời mưa thuận gió hòa,
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Lạy Trời mưa thuận gió đều,
Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em.

Người Việt thường tôn trọng chữ hiếu và mong cho cha mẹ sống lâu, gia đình được phước. Vì thế họ lập bàn thờ Thiên để thờ Trời ngay trước cửa nhà. Người con có hiếu từng đêm đến trước bàn thờ cầu khẩn:

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Ảnh bởi giangchubinh trên Pixabay

Tin Trời

Trải bao đời, người Việt tin ông Trời là Đấng Tạo Hóa, tạo thiên lập địa, Đấng cầm quyền sống chết, làm chủ vận mệnh muôn loài, quyền phép vô cùng. Người Việt Nam quen thuộc với những khái niệm:

– Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh.
– Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần.
– Trời sinh voi sinh cỏ.
– Trời cho ai nấy hưởng.
– Trời kêu ai nấy dạ.
– Sống nhờ ơn Trời, chết về chầu Trời.

Cũng có câu: “Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay.” Người Việt công nhận và tin tưởng ông Trời cầm quyền thành bại trong cuộc sống của loài người:

Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.

Người Việt tin Trời là Đấng công bình, cầm quyền họa phúc, vì vậy đã thường nhắn nhủ với nhau:

Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.

Người Việt cũng tin tưởng “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân,” nghĩa là Trời không phụ bạc người có lòng tốt bao giờ.

Trong hôn nhân lứa đôi, người Việt tin tưởng hạnh phúc vợ chồng do ông Trời sắp đặt:

Duyên ba sinh Trời đã sẵn dành.

Tuy nhiên đôi khi thấy số phận không may hoặc tình duyên dang dở, người ta thường ngửa mặt lên trời than thở, dường như muốn nói với Đấng Tạo Hóa hết nỗi lòng mình:

Chữ bạc mệnh ai ơi thấu với câu đa đoan Trời hỡi thấu chăng? (“Tự Tình Khúc” của Cao Bá Nhạ).

Trong cuộc sống với những nghịch lý, những bất công xã hội, những mơ ước không thành, người Việt cũng nhiều khi đã đưa ra thắc mắc với ông Trời:

Trời ơi, Trời ở chẳng cân
Người ăn không hết, người lần không ra
Người thì mớ bảy mớ ba
Người thì áo rách như là áo tơi?

Trong Cung Oán Ngâm Khúc cũng có câu:

Quyền họa phúc Trời giành mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai.

Nói thì nói vậy, nhưng người Việt thường chấp nhận hài lòng với khái niệm về Thiên Mệnh. Thi hào Nguyễn Du đã khuyên trong Truyện Kiều:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa
Thiện căn tự bởi lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Kết luận Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Ảnh bởi HoangTuan trên Pixabay

Nhờ Trời

Lịch sử Việt Nam có ghi chép chuyện về Danh Tướng Lý Thường Kiệt, trong lúc kháng cự quân Tống xâm lăng, đã làm 4 câu thơ và loan truyền là do Thần Linh báo mộng ban cho để khích lệ tinh thần binh sĩ yên tâm đánh giặc:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Học giả Hoàng Xuân Hãn đã dịch như sau:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Đây là cách áp dụng chiến tranh tâm lý, mượn oai Trời. Kết quả là quân lính nức lòng đánh giặc, quân Tống không tiến được, đành giảng hòa. Rõ ràng câu chuyện này nói lên niềm tin mãnh liệt của dân tộc Việt nơi sự tể trị của ông Trời, trong đó mọi vận mệnh nhân dân đất nước do Trời định đoạt.

Nước non là nước non Trời
Ai chia được nước ai dời được non.

Người Việt chúng ta đã tiếp diễn niềm tin Thiên hướng cho vận mệnh của mình ra sao? Hãy đón đọc phần tiếp theo!

bởi Nguyễn Văn Huệ


Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *