“Mất thể diện” có thể khiến bạn mất đi hình tượng ảo mà bạn đã dày công xây dựng trong nhiều năm tháng. Nhưng “mất thể diện” thật có ích vì nó giúp bạn loại bỏ đi những thứ hình thức bề ngoài, những chiếc mặt nạ nặng nề. Bạn sẽ được tự do sống chân thật với chính mình.
- FOMO, “Nỗi sợ bỏ lỡ” – làm sao đối phó?
- Bộ lọc gương mặt nào cho bạn?
- Chúng ta phải chăng là những người con hoang đàng?

Hai chữ “thể diện” được giải thích trong từ điển Tiếng Việt là “những điều làm cho người khác coi trọng mình khi tiếp xúc”. Nói nôm na một cách khác thì “thể diện” là những thứ hữu hình mà người ta thường nhìn vào để đánh giá về một con người nào đó. Vì áp lực “người khác đánh giá” nên ai ai cũng gắng sức để “giữ” nó cho bằng được. Mặt tích cực của thể diện là khi nó thể hiện ra một sự tương đồng với lòng tự trọng, giá trị thật con người chúng ta. Mặt tiêu cực của thể diện là khi nó trở thành sĩ diện, hình tượng ảo, thì khiến cho cả chủ thể lẫn các đối tượng liên quan cảm thấy rất mệt mỏi và vô nghĩa để duy trì.
Hình ảnh tôi bề ngoài
Xu hướng chung, con người ta thường nhìn vào những thứ bên ngoài như ngoại hình, cách hành xử, lời nói, hành động để “đánh giá thể diện” của một con người, và cũng chú trọng nhiều đến vẻ bề ngoài để cố “giữ thể diện” cho chính mình.
Với một số người, vẻ bề ngoài là điều thực sự quan trọng. Đặc biệt là với những người của công chúng hay những người có địa vị trong xã hội. Họ thể hiện sự tôn trọng với những người tiếp xúc với họ bằng vẻ ngoài chỉn chu và gọn gàng. Tuy nhiên, với một số người thì bề ngoài lại bị họ sử dụng như một phương tiện để thể hiện đẳng cấp giàu sang của mình. Khuôn mặt trước khi ra ngoài phải được trang điểm thật cầu kỳ. Một số người thì cố gắng biến mình thành một bản sao của hình mẫu nào đó. Họ không tự tin về vẻ đẹp tự nhiên của họ đến mức phải sửa mũi, cắt mí mắt, bơm môi,… Hệ quả của việc làm đẹp này là đôi khi chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt na ná nhau, cùng bắt chước theo một khuôn mẫu nào đó. Chúng ta có thể dễ dàng kể tên những ngôi sao có vẻ đẹp khá giống nhau với đôi mắt to, môi dày, cằm nhọn v-line như Kỳ Duyên, Bảo Thy, Angela Phương Trinh, Hồ Quỳnh Hương, Minh Hằng…
Rất nhiều người giữ “thể diện” vì liên quan đến hư vinh. Nhiều người quá coi trọng thể diện, cảm thấy lái xe hạng sang, dùng điện thoại đắt tiền, mặc quần áo hàng hiệu, thậm chí quen người phụ nữ đẹp, thì cho là rất có thể diện. Các bạn trẻ ngày nay đôi khi lại giữ thể diện cho mình bằng những hình ảnh sống ảo. Họ giữ mình trong mắt người khác là những khuôn mặt xinh đẹp “đã qua bộ lọc”. Họ cho người khác nhìn thấy, đọc được, nghe được những tin tức không thực về cuộc sống của họ. Tôi nhớ là bản thân đã từng xem một bức tranh biếm họa về một cô gái đến đêm rồi vẫn phải ngồi lọ mọ make-up vì chiếc điện thoại thông minh không thể nhận diện được khuôn mặt không trang điểm của cô ấy. Chúng ta đang cố gắng xây dựng hình tượng gì về bản thân mình qua những hình thức quan hệ, những kênh tầng, mạng xã hội ảo đó? Rằng tôi xinh đẹp? Rằng tôi giàu có? Rằng tôi sang chảnh? Rằng tôi cũng đã tới những nơi “hot hòn họt” trong mắt giới trẻ? Rằng tôi là người sành điệu? Tôi thành công?

Hình ảnh tôi bề trong
Nhưng đã bao giờ bạn từng đứng trước gương, nhìn ngắm chính mình một cách đơn sơ nhất, không bới tóc cầu kỳ, không trang điểm (make-up) hay chưa? Trước khuôn mặt chân thật nhất của mình trong gương, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn thấy mình giản dị, mỗi một đường nét trên khuôn mặt là một sự kết hợp hài hòa và xinh đẹp của Đấng Tạo Hóa. Hay bạn thấy rằng mình xấu xí và khó nhìn? Cái mũi này cần phải cao lên, đôi mắt tại sao không to hơn? Đôi môi sao chẳng căng mọng? Cái cằm sao lại thô kệch đến như vậy? Bạn có ưa thích khuôn mặt mộc của chính mình không? Vậy “thể diện” của bạn có phải chỉ nằm ở một khuôn mặt chăm chỉ make-up cách chỉn chu không?
Câu trả lời của bạn là gì?
Vậy thì, e rằng những cái “thể diện”, những thứ chúng ta tỏ ra bề ngoài đó chẳng phải là sự phản ánh bản chất thật bên trong của chúng ta! Những điều chúng ta thể hiện ra cho cả thế giới ngoài kia nhìn thấy, e rằng nó cũng chỉ là một hình tượng không thực, nó không phải là con người bề trong của chúng ta. Chúng ta muốn người khác nhìn vào mình với một hình ảnh đẹp đẽ, toàn hảo. Nhưng thực chất? Con người chúng ta có ai là toàn hảo? Chẳng một ai! Ai ai ở trong mình cũng có những góc khuất, những gãy đổ, những mảnh vỡ không hoàn hảo.
Xây dựng và giữ gìn thể diện là tốt, điều đó chẳng có gì là sai. Nhưng khi bạn xây dựng hoặc theo đuổi để gìn giữ một “thể diện” không đúng với con người thật bên trong, thì nó chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi kiểu “đuổi hình bắt bóng”. Bạn ra sức duy trì, ra sức gìn giữ một hình tượng ảo. Áp lực chồng áp lực. Bất an chồng bất an. Bạn muốn làm một điều gì đó để đưa mình thoát ra sức nặng đó, bất an đó, nhưng vì cái “thể diện” quá lớn kia mà bạn chấp nhận ở sâu trong bóng tối ấy. Ngoan cố “giữ thể diện” một cách vô ích không phải là điều mang lại bình an thật.
“Mất thể diện” có thể khiến bạn mất đi hình tượng ảo mà bạn đã dày công xây dựng trong nhiều năm tháng. Nhưng “mất thể diện” nó thật có ích vì nó giúp bạn loại bỏ đi những thứ hình thức bề ngoài, những chiếc mặt nạ nặng nề. Bạn sẽ được tự do sống chân thật với chính mình.
Như những hạt giống khi gieo xuống đất, nếu lớp bề ngoài không tiêu mất đi thì hạt sẽ cứ nằm đó, mầm không nẩy ra được. Nhưng nếu nó chết đi lớp vỏ bề ngoài thì mầm được vươn ra, phát triển thành cây, ra hoa đơm trái. Có những kiểu giữ thể diện, phải chăng nên để cho nó mất đi để cuộc sống bạn được tự do và không còn áp lực?
bởi Quỳnh Mai
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?