Nuôi dạy con là một điều thách thức. Luôn có những bất đồng giữa các phụ huynh về việc đâu mới là cách kỷ luật con đúng. Thế thì đâu là nền tảng đúng đắn cho sự kỷ luật?

Có rất nhiều tranh cãi mỗi khi nói đến trẻ em và sự kỷ luật. Kỷ luật có nhiều hình thức khác nhau, được thực hiện theo những cách khác nhau và xuất phát từ những động cơ khác nhau – một số đúng, một số không đúng.
Sự kỷ luật yêu thương luôn có chỗ đứng trong việc nuôi dạy trẻ. Khi được thực hành đúng đắn, nó sẽ giúp con bạn trở nên tự tin, độc lập và có thể tuân thủ theo những hướng dẫn, quy tắc của cha mẹ. Phụ huynh nên tìm ra cách kỷ luật tốt nhất và phù hợp nhất với con mình, đây là điều thách thức.
Công cụ đúng đắn cho một công việc đúng đắn
Điều quan trọng là phụ huynh chọn được hình thức kỷ luật phù hợp với con. Mọi trẻ đều học hỏi theo những cách khác nhau, vậy nên đối với sự kỷ luật, cũng là một công cụ để dạy dỗ, điều quan trọng là chúng ta biết cách sử dụng công cụ này để trẻ có thể hiểu.
Đôi khi, vấn đề là trẻ chỉ không hiểu những hướng dẫn và cần được chỉ dạy. Ví dụ, nếu quy tắc thường trực trong gia đình là mọi thứ đồ chơi đều phải được cất vào hộp sau khi chơi xong thì trẻ nên được giải thích về tầm quan trọng của quy định này. Phụ huynh có thể giải thích về tính nguy hiểm khi để đồ chơi nhỏ bừa bãi trên sàn nhà.
Cũng quan trọng để trẻ hiểu được hậu quả sẽ xảy ra khi không tuân theo hướng dẫn. Nếu hậu quả là không được chơi các món đồ chơi đó trong một ngày thì chúng ta cần đảm bảo thực hiện đúng như vậy, không nên thêm vào những hậu quả hay hình phạt khác. Sự nhất quán là điều then chốt đối với cả phụ huynh lẫn trẻ nhỏ.
Phụ huynh phải lưu ý là không được phạt trẻ trong cơn giận. Sự nóng giận không bao giờ là nền tảng tốt cho sự kỷ luật. Hãy nhớ rằng đôi khi trẻ cần được huấn luyện thêm hoặc làm mẫu để có thể hiểu được tầm quan trọng của quy định.
Phụ huynh cần tự hỏi bản thân: “Mình muốn con học được điều gì từ trải nghiệm này?” Cha mẹ nào cũng muốn con cái chịu trách nhiệm và giải trình về hành vi của mình, nhưng chính họ cũng phải sử dụng hình thức kỷ luật khôn ngoan và có trách nhiệm.

Kỷ luật là một sự đầu tư
Có câu nói: “Dạy kiến thức mà không dạy đạo đức là đang tạo ra một mối nguy cho xã hội”.
Đôi khi, điều ý nghĩa nhất lại là điều thách thức nhất, và kỷ luật rơi vào thể loại này. Sự kỷ luật có thể là công cụ mà phụ huynh ít muốn dùng đến nhất, nhưng lại là thứ có thể dần dần đem lại kết quả mong muốn trong việc nuôi dạy con cái.
Khi phụ huynh đưa ra các nội quy trong gia đình và những quy tắc đạo đức đối với trẻ nhỏ thì cũng nên nói cho trẻ biết về vai trò của sự kỷ luật.
Kỷ luật là một sự đầu tư vì lợi ích của con cái chúng ta. Nếu chúng ta chần chừ hoặc không kỷ luật con thì đến lúc, chúng ta không nhìn thấy được kết quả mà mình mong muốn ở con. Những người chỉ ngồi chờ con cái họ đưa ra quyết định đúng đắn, trong khi lại không có sự kỷ luật con, thì có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc con họ không biết thế nào là tinh thần trách nhiệm, sự giải trình và đạo đức.
Nếu bạn có từ hai con trở lên, khả năng ngôi nhà của bạn trở nên náo loạn sẽ càng tăng nếu không có sự kỷ luật đúng đắn. Dù đã đưa ra những nội quy và trẻ hoàn toàn hiểu rõ, sẽ có những lúc chúng ta bị thất vọng khi trẻ vẫn vi phạm. Điều quan trọng là phản ứng yêu thương nhưng kiên quyết của chúng ta trước những sai phạm của trẻ.
Đức Chúa Trời hoàn hảo của chúng ta vẫn dùng đến sự kỷ luật
Khi nói đến vấn đề kỷ luật, sẽ khôn ngoan khi học từ tấm gương của bậc Phụ Huynh vĩ đại và hoàn hảo nhất: Đức Chúa Trời. Khao khát của Cha Thiên Thượng là con cái Ngài sẽ trưởng thành và thịnh vượng. Kinh Thánh nói về điều này như sự kết quả. Chính vì tình yêu dành cho chúng ta nên Chúa không ngại dùng đến sự kỷ luật như một phương tiện để làm chúng ta phải chú ý và trở lại tập trung vâng lời Ngài.
Trước giả sách Châm Ngôn nhắc nhở: “Hỡi con ta, chớ khinh sự sửa phạt của Đức Chúa Trời, đừng buồn lòng khi Ngài quở trách. Vì Chúa yêu thương ai thì trách phạt nấy. Như một người cha đối với con trai yêu dấu của mình” (sách Châm Ngôn chương 3 câu 11–12; câu này được nhắc lại trong sách Hê-bơ-rơ chương 12 câu 5–6).

Chúa không thích thú với việc kỷ luật chúng ta, nhưng Ngài đang nhìn về lợi ích tương lai của con cái Ngài (mọi phụ huynh cũng nên như thế). Ngài muốn điều tốt nhất cho con cái Ngài và sẵn sàng can thiệp để giúp chúng ta đạt đến tiềm năng lớn nhất của mình. Những phụ huynh tận tâm sẽ luôn ghi nhớ điều này và áp dụng hình thức kỷ luật cần thiết với con, cho dù họ không muốn. Khao khát muốn giúp đỡ và phục vụ con cái nên lớn hơn bất kỳ sự chần chừ nào phụ huynh đang cảm thấy.
Chúa biết việc kỷ luật và sửa dạy con cái khó khăn với cha mẹ tương tự như với đứa trẻ. Kinh Thánh chép: “Tất cả sự sửa phạt lúc này dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng,nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy” (sách Hê-bơ-rơ chương 12 câu 11).
Chúng ta đã nói rằng kỷ luật như một sự đầu tư, Kinh Thánh cũng xác nhận điều này qua việc nói rằng nó mang lại hành vi mong muốn trong tương lai. Sự nhất quán là điều thiết yếu khi thực hành sự kỷ luật. Theo Bob Lancer, tác giả của quyển Parenting With Love, Without Anger or Stress (tạm dịch: Nuôi dạy con bằng tình yêu, không phải bằng sự nóng giận hay căng thẳng), trẻ có thể học chịu trách nhiệm từ khi còn nhỏ và phụ huynh nên có sự kỳ vọng vui mừng này.
Sự thay đổi đáng kinh ngạc
Các bậc cha mẹ được khuyên rằng: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó” (sách Châm Ngôn chương 22 câu 6). Có một niềm thỏa mãn lớn lao khi, sau nhiều năm tháng dạy dỗ, hướng dẫn, bao gồm cả việc kỷ luật, một đứa trẻ bắt đầu dầm thấm những điều được dạy và thể hiện trong nếp sống của mình mà không cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ.
Khi con cái chúng ta biết tự đánh giá hành động của mình đúng-sai, tốt-xấu, các cháu đang sử dụng công cụ đánh giá đã được truyền từ cha mẹ. Những trẻ được dạy dỗ và kỷ luật đúng đắn sẽ có được một nền tảng vững chắc mỗi khi đối diện với thách thức trong cuộc sống và không bị áp đảo. Các cháu sẽ vận dụng những gì mình được dạy và thực hành theo suốt đời.
Nguồn: lifehopeandtruth.com
Dịch: Blessie
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?