“Con nhà người ta” là ai mà làm cho “con nhà mình” khổ?

Khi còn trong bụng mẹ mỗi đứa trẻ đã được cha mẹ gửi gắm biết bao kỳ vọng. Đến khi vừa chào đời đứa ấy lại phải gánh vác bao nhiêu ước mơ và hoài bão của cha mẹ. Kỳ vọng đó của cha mẹ được đặt trong một câu nói mà có lẽ đứa trẻ nào cũng thuộc lòng “Có nhìn thấy con nhà người ta không?”

Ảnh bởi Unsplash

Gánh nặng ảo tưởng

Ngày nay, ngoài gánh nặng bài vở các em học sinh đều mang trong mình nỗi ám ảnh mang tên “con nhà người ta”. Một ngày của các em từ sáng đến tối gắn liền với việc học ở trường, học ở lớp học thêm, khi về đến nhà các em lại được cha mẹ nhắc nhở vào bàn học bài. Thời gian biểu như thế cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác. Các em đều mệt mỏi khi đến lớp, được hỏi tại sao đi học nhiều vậy thì hầu hết các em đều trả lời “em bị ba mẹ ép đi học”, “ba mẹ muốn em học giỏi bằng con nhà người ta”, “ba mẹ suốt ngày đem con nhà người ta ra so sánh với em…”.

Cha mẹ luôn muốn con phải học trường điểm, thúc ép con phải học thật giỏi, con phải luôn đạt thành tích cao, luôn đứng đầu bảng, con phải học bằng “con nhà người ta”. Cha mẹ luôn bắt con học ngày, học đêm và hầu nhưng chẳng bao giờ thỏa mãn với thành tích của con. Không chỉ về học hành nhiều cha mẹ còn đặt ra tiêu chuẩn về nghề nghiệp.Con nhà người ta làm ngân hàng, công ty lớn, sao con lại nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ việc……?” là câu hỏi của không ít ông bố, bà mẹ Việt Nam đặt ra cho con mình. Con phải làm việc ở những ngành nghề, những nơi danh giá, sang trọng, hoặc kiếm nhiều tiền. Không những thế, về những mối quan hệ bạn bè nhiều cha mẹ muốn con phải chơi với những bạn “con nhà giàu, có chức quyền… có như vậy con mới bằng con nhà người ta.

“Con nhà người ta” là ai?

Nghe rất quen thuộc nhưng vẫn là một nhân vật bí ẩn, không có tên gọi rõ ràng, không có thông tin cha mẹ, không có địa chỉ nơi ở… Nó chỉ đơn giản tồn tại là cái cân để cha mẹ đong-đo so-sánh với con của mình. “Con nhà người ta” một hình tượng vô hình nhưng đã được lí tưởng hóa, đại diện cho tham vọng cha mẹ theo đuổi nhưng lại áp đặt lên con cái. Phải chăng con cái là cứu cánh cho cha mẹ dùng để tiếp tục đeo đuổi sùng bái một hào quang toàn hảo về danh vọng, tiền tàicha mẹ đã thất bại để đạt được trong cuộc đời họ?

Ảnh bởi Unsplash

Cha mẹ đặt lên con cái một kỳ vọng, một hình tượng mẫu mực nhưng mơ hồ, mà chúng phải theo, với tên gọi “con nhà người ta”. Những ước muốn đó của ba mẹ đã trở thành những áp lực cho con cái. Áp lực “con nhà người ta” trở thành chiếc bóng đè nặng lên những đứa trẻ bé bỏng. Ngày qua ngày những chiếc bóng ấy tạo ra những mặc cảm tự ti, trở thành một sự sợ hãi vô hình, nghĩ mình là một con người kém giá trị, làm tăng thêm hẫng hụt, stress kéo dài. Hệ lụy có thể là những trường hợp con cái phản ứng hung bạo, trầm cảm, bỏ nhà đi bụi, tự tử… Không phải kỳ vọng của ba mẹ càng lớn thì sẽ khiến con cái càng phải cố gắng hơn, phải nỗ lực hơn nhưng ngược lại nó đang là tảng đá nặng đè những đứa trẻ ngã quỵ.

Tấm gương cha mẹ?

Tại sao cha mẹ không là gương mẫu mà phải là “con nhà người ta”? Vì sự toàn hảo đó không có thực, cha mẹ cũng không làm được nhưng cha mẹ luôn ép con phải phải đạt được những gì ba mẹ muốn. Sức người có hạn và khả năng của mỗi người là không giống nhau. Đừng quên rằng cha mẹ là những kiểu mẫu cho con cái noi theo. “Con nhà người ta” cũng chỉ là ảo ảnh không phải là tấm gương để con cái noi theo.

Phải chăng vì quá lo lắng cho tương lai của con trong một xã hội mang tính cạnh tranh cao? Hay do chính cha mẹ đã làm được và thành công nên muốn con cái cũng đạt được điều tương tự? Hay là cha mẹ muốn con hoàn thành những ước mơ còn dang dở của mình trước đây? Cha mẹ ảo tưởng về khả năng của con cái hay do thái độ cầu toàn của cha mẹ?

Ảnh bởi Unsplash

Hãy giải phóng chúng!

Các bậc cha mẹ cần nhận ra rằng con cái cần được tự do khỏi mọi chuẩn mực ảo, để chúng được phát triển cách tự nhiên với mọi phẩm chất mà chúng được thiên phú. Cha mẹ cần từ bỏ sự áp đặt trên con cái “phải” thế này, “phải” thế kia, không hiểu rằng khi so sánh con cái mình với “con nhà người ta” sẽ khiến chúng thấy bế tắc. Chúng không còn biết chính chúng nữa, thậm chí là bỏ cuộc vì thấy mình yếu kém.

Thế nên, trong danh của tình yêu vô điều kiện, các ông bố, bà mẹ hãy lắng nghe con cái mình nhiều hơn, tôn trọng những khao khát của con, thậm chí là chấp nhận những yếu đuối của chúng. Đừng để “con nhà người ta” làm khổ chính “con nhà mình” nữa.


bởi Phan Uyên

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *