Con người phải chăng chỉ đơn giản là giống loài bậc cao nhất trong chuỗi thức ăn – sản phẩm của sự ngẫu nhiên? Hay có một mục đích thật sự cho sự tồn tại của chúng ta, một tiềm lực đáng kinh ngạc của loài người?
- Người Việt có ý niệm về Ông Trời ? (P.1)
- Sự trống rỗng bên trong tâm hồn dẫn đến sự chết
- Chúng ta phải chăng là những người con hoang đàng?

Tại sao trong tất cả các loài sinh vật sống, con người lại có trí tuệ, sự tò mò và ý thức để nghiên cứu về bản thân?
Nhiều người tin rằng con người chỉ đơn giản là chủng loại phát triển nhất trong thế giới động vật. Hầu hết cũng cho rằng con người – giống như các động vật – là sản phẩm của quá trình tiến hóa lâu dài.
Nhưng phải chăng con người là động vật? Phải chăng con người đã tiến hóa từ ‘chất nhờn thời nguyên thủy’? Hay từ các ‘vi hạt’ trong một viên thiên thạch rơi xuống trái đất từ một hành tinh xa xôi nào đó?
Phải chăng con người là độc nhất?
Con người thật sự là gì? Tại sao trong số tất cả các sinh vật sống, chỉ có chúng ta sở hữu trí tuệ để nghiên cứu bản thân? Tại sao chúng ta có khả năng suy nghĩ, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch? Tại sao chúng ta không đi theo các khuôn mẫu của thế giới động vật với các hành vi sẵn có lặp đi lặp lại?
Con người rõ ràng không bị giới hạn bởi sự lặp đi lặp lại vô thức các hành vi giống như động vật, hoặc lối sống nguyên thủy truyền qua hàng trăm thế hệ mà hầu như không có thay đổi gì. Con người là một bản thể tư duy, sáng tạo.
Thế giới động vật
Bất kể sống ở đâu, bạn cũng đã quen thuộc với các loài chim. Chim xây tổ giống như cha mẹ chúng đã làm. Chúng chăm sóc chim non giống như cha mẹ chúng chăm sóc chúng. Chim di cư bay theo đàn giống nhau vào mùa đông đến vùng đất xa lạ, giống như các thế hệ trước luôn luôn bay đến trú đông.

Không có con chim nào tìm ‘kiến trúc sư’ để thiết kế và xây dựng cho chúng một loại tổ mới và khác biệt. Chúng cũng không tham khảo ý kiến các đại lý du lịch để tìm một điểm nghỉ mát tốt hơn.
Động vật có vú cũng vậy. Chúng sống với những hành vi đặc trưng thường ngày và rất ít đa dạng trong một loài. Mặc dù chúng có thể được dạy những hưởng ứng đơn giản bằng cách huấn luyện lặp đi lặp lại, chúng vẫn không thể suy nghĩ như một con người.
Động vật có bản năng để thực hiện các nhu cầu cơ bản, nhưng chúng không có đầu óc suy nghĩ, lập kế hoạch và xây dựng theo những cách mới, sáng tạo.
Loài voi được nghiên cứu kỹ lưỡng vì chúng có mối quan hệ gia đình khác thường, và dường như biết thể hiện cảm xúc. Nhưng một lần nữa, chúng vẫn hành động theo bản năng và không biết mình là gì.
Đúng vậy, con người là độc nhất giữa số các loài sinh vật sống động trên trái đất. Và chỉ duy nhất loài người mới có trí tuệ và năng lực để thống trị các loài khác.
Con người đến từ đâu?
Bạn đã bao giờ nghiên cứu sâu về bản chất và nguồn gốc con người? Có lẽ qua lớp học hoặc sách vở, bạn đã tin rằng con người tiến hóa từ những hình thái sống đơn giản nhất. Nhưng những hình thái sống đơn giản đó bắt nguồn từ đâu? Làm thế nào mà hóa chất vô cơ đột nhiên trở nên sống động? Và các hóa chất ấy đến từ đâu?
Câu trả lời đúng và đầy đủ về nguồn gốc của loài người nằm trong Kinh Thánh.
Mô tả của Kinh Thánh về sự sáng tạo hoàn toàn không tương thích với thuyết tiến hóa của Darwin. Vì thế cả hai không thể đều đúng được.

Vậy sự thật là gì? Và tìm kiếm sự thật ở đâu? Cho dù bạn có dành cả đời nghiên cứu về nguồn gốc của sự sống, câu trả lời rốt cuộc sẽ quy về câu hỏi:
Bạn sẽ chấp nhận sự giảng dạy của các nhà khoa học nổi tiếng rằng chỉ có sự tiến hóa mới có thể giải thích cho sự tồn tại của con người – hay chấp nhận lời tuyên bố rõ ràng trong Kinh Thánh?
Kinh Thánh xem xét chi tiết mọi khả năng về thể chất, tâm thần, cảm xúc và tâm linh con người, và tuyên bố rằng có một Đấng Tạo Hóa có trọng trách trong tất cả những điều này, đó là tạo ra loài người giống như hình ảnh của chính Ngài. Kinh Thánh mô tả mối quan hệ của loài người với Đức Chúa Trời và thế giới động vật. Không ai ngoài bản thân bạn có thể lựa chọn: tin vào Kinh Thánh và bác bỏ các giả thuyết mâu thuẫn của khoa học tiến hóa. Và cũng chính bạn sẽ gặt hái phước lành hoặc hậu quả vì quyết định của bạn.
Hãy cùng xem xét kỹ hơn về Quyển sách quan trọng này!
Qua công trình sáng tạo nổi tiếng trong chương 1 sách Sáng thế, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên trái đất, cùng các hệ thống cần thiết và khiến trái đất trở nên nơi ở cho con người và muôn vật. Tại đây không nói về vũ trụ bên ngoài hệ mặt trời. Phần này chỉ tập trung mô tả sự sinh sống của con người và mối quan hệ của họ với Đấng Tạo Hóa.
Sự sáng tạo của người nam và người nữ được tóm tắt trong sách Sáng thế chương 1, câu 26, và chi tiết hơn trong chương 2, câu 7 – “Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống”.
Đấng Tạo Hóa là nguồn sống của con người. Không khí chúng ta hít thở cũng được tạo ra bởi Chúa. Trong đó chứa oxy – loại khí giúp chúng ta tồn tại. Oxy được vận chuyển trong máu đến tất cả bộ phận của cơ thể. Chúa bảo chúng ta rằng máu huyết “là sự sống của mọi xác thịt. Vì sự sống trong xác thịt là huyết của nó” (sách Lê-vi chương 17 câu 14). Các nhà khoa học biết rằng sự sống chỉ có thể xuất phát từ sự sống, là một quy luật phát sinh sinh học.
Đức Chúa Trời là Thần Linh (sách Giăng chương 4 câu 24), nhưng con người là thể vật chất. Sự sống con người là tạm bợ, sự chết chắc chắn sẽ đến. Sau khi tội lỗi xảy ra trong vườn Địa Đàng, Đức Chúa Trời bảo với A-đam “Vì con là bụi đất, con sẽ về với đất bụi!” (sách Sáng thế chương 3 câu 19).

Từ đâu mà chúng ta thường tin rằng con người là một linh hồn bất tử (sống mãi mãi)? “Con rắn (satan) bảo người nữ: ‘Chắc chắn không chết đâu!’” (sách Sáng thế chương 3 câu 4). Đây là lời nói dối với nhân loại đầu tiên từng được ghi nhận. Con người được dỗ dành để tin rằng mình sẽ bất tử, sẽ sống mãi mãi.
Thật vậy, phước lành hay hậu quả là tùy vào quyết định của bạn đối diện và chọn lựa sự thật cho mình.
Hãy cùng chúng tôi khám phá sự thật về linh hồn con người trong phần tiếp theo!
—
Nguồn: Life Hope and Truth
Hồng Nhạn dịch