Những thần tượng truyền cảm hứng và trấn an chúng ta rốt cuộc cũng chỉ là những người bình thường, cũng có ưu điểm và khiếm khuyết.
- Chúng ta có đang giết người?
- Trầm cảm và lo lắng – tất cả là trong “đầu” bạn
- Bạn không thể đánh giá trầm cảm qua vẻ ngoài

Các thần tượng K-pop cùng những thăng trầm của họ đã có những ảnh hưởng đến những người yêu mến họ. Bạn có nhớ đến “các hình mẫu lý tưởng” bạn đã đang theo đuổi trong cuộc sống mình?
Những người từng là gương mẫu mà chúng ta từng ngưỡng mộ khi còn trẻ, khao khát được giống như họ, và có thể bây giờ họ là hình mẫu chúng ta muốn con cái mình vươn tới?
Có người cho rằng người ta sẽ đồng ý việc “người bình thường” như chúng ta cần có “những gương mẫu lý tưởng”, những người có thành tích hay tính cách khiến chúng ta xuýt xoa. Thật ra, không phải đơn giản như vậy.
Khi còn nhỏ, hình mẫu lý tưởng đầu tiên của chúng ta thường là cha mẹ, và phải mất nhiều năm chúng ta mới nhận thấy họ cũng có khiếm khuyết, dù họ có những phẩm chất đặc biệt. Thanh thiếu niên xây dựng quan hệ với những người hướng dẫn đáng ngưỡng mộ ở trường hoặc nơi làm việc. Họ thường lý tưởng hóa cố vấn của mình, cho đến khi nhận ra rằng dù có vài tài năng đặc biệt, hình mẫu lý tưởng này vẫn chỉ là “người bình thường”, cũng phạm sai lầm. Thách thức chính là sự chấp nhận việc cha mẹ, người hướng dẫn, và cả chính bản thân chúng ta, là có giá trị dù vẫn còn có những thiếu sót.
Trẻ em và thanh thiếu niên cũng bị thu hút bởi các loại anh hùng hoặc thần tượng khác: tôn sùng các vận động thể thao, theo đuổi lối sống của các ngôi sao điện ảnh, truyền hình hoặc âm nhạc trên mạng xã hội.

“Fan cuồng” sẽ đăng ảnh thần tượng của mình lên mạng hoặc dán áp phích lên tường phòng ngủ để được truyền cảm hứng. Đôi khi việc hâm mộ biến thành sự sùng bái mãnh liệt hoặc thậm chí là tình yêu lãng mạn “hoang tưởng”.
Người trưởng thành cũng ngưỡng mộ các ngôi sao trong thể thao, âm nhạc và truyền thông, chọn họ là anh hùng hoặc thần tượng của mình. Nhiều người bị thu hút hơn bởi những người thành đạt trong các lĩnh vực khác. Các lãnh đạo thế giới, nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, lãnh đạo tôn giáo, nhà phát minh, nhà soạn nhạc, nhà từ thiện, nhạc sĩ, bác sĩ, giáo viên hoặc thẩm phán thường là đối tượng được ngưỡng mộ.
Những người khác thì ấn tượng với đặc điểm tính cách tốt đẹp của hình mẫu lý tưởng của họ (hoặc của con cái họ). Họ tôn người đó lên tượng đài hoàn mỹ: đàng hoàng, đáng kính, từ bi, đồng cảm, hào phóng, khoan dung, khiêm tốn, trách nhiệm và đáng tin. Những người khác lại có hình mẫu lý tưởng là các nhà lãnh đạo thành công, mạnh mẽ, hoặc thậm chí cả những người bảo thủ, ích kỷ, tự cao tự đại và ái kỷ.
Do đó, việc lựa chọn hình mẫu lý tưởng là hoàn toàn ‘trong con mắt của kẻ ngắm nhìn’ và mang tính cá nhân cao: Thần tượng của bạn có thể là người tôi không thích, và hình mẫu của tôi có thể là kẻ vô lại đối với bạn.
Trong các hình thái tôn sùng thần tượng cực đoan, có thể thấy sự cuồng tín với một cá nhân có sức lôi cuốn, đại diện cho một hệ thống đức tin nào đó.
Các nhà lãnh đạo hình mẫu này gần như là ‘hoàn hảo’, thậm chí còn khả năng và trí tuệ siêu phàm, trong tâm trí của những tín đồ. Đa số họ sẽ hết nhiệt tình trong vòng hai năm và nhận ra thực tế về người lãnh đạo cũng là “người bình thường”
Cho dù hình mẫu lý tưởng là người sáng tạo có đóng góp cho sự tiến bộ và chất lượng của cuộc sống nhân loại, hay cung cấp cho chúng ta giải trí và sự vui thích, thì việc đưa bất kỳ cá nhân xuất sắc nào lên tượng đài hoàn hảo đều đầy dẫy nguy cơ vỡ mộng.
Không ai là hoàn hảo. Hình mẫu lý tưởng có những đặc điểm và tài năng ấn tượng cuốn hút chúng ta, ít nhất trong một thời gian, nhưng chắc chắn họ vẫn có điểm yếu và lỗi lầm.
Chúng ta đọc về các tiểu sử, tìm hiểu về bất cứ ai, hoặc chỉ đơn giản sống trên đời là để học biết biết rằng con người rất phức tạp, giống như bản thân cuộc sống vốn phức tạp. Có người thì đó là con đường bằng phẳng với niềm vui và thành tựu, nhưng với người khác, đó lại là con đường gian khổ đầy buồn bã và xung đột.

Mỗi người chúng ta là một ẩn dụ cho loài người: Tốt cách mấy, loài người chúng ta có thể rất nhân từ và gây cảm hứng, nhưng đồng thời cũng có thể đầy tăm tối và tàn phá.
Vì vậy, chúng ta cần một hình mẫu lý tưởng – người hùng và thần tượng – để mang đến cho chúng ta cảm giác ổn định trong những lúc khó khăn hay điên cuồng. Khi có hình mẫu lý tưởng để noi theo, chúng ta cảm thấy được bình yên, ít nhất trong một thời gian. Nhưng việc sùng bái tuyệt đối bất cứ con người nào chắc chắn sẽ kết thúc bằng nỗi thất vọng.
Chúng ta có thể ngưỡng mộ, thậm chí bắt chước những người thành đạt hoặc xuất sắc, nhưng tôn sùng họ như người hùng và gán cho họ những thuộc tính hay năng lực phi thực tế là việc rất dại dột, chắc chắn sẽ mang đến nỗi thất vọng.
—
Nguồn: www.psychologytoday.com
Hồng Nhạn dịch