Chúa Trời là một Người Cha

Tại sao Chúa Trời được gọi là Cha? Chúa là Người Cha như thế nào? Ngài đối xử với chúng ta theo cách của một Người Cha ra sao? Chúng ta học được gì từ khía cạnh quan trọng này của Ngài?

Ảnh bởi Mohamed Awwam trên Unsplash

Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa toàn năng nắm mọi quyền cai trị và đáng được tôn kính, nhưng Ngài cũng mô tả chính mình Ngài là một Người Cha. Danh xưng ấy cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng và hiểu biết sâu sắc về bản tính và kế hoạch của Chúa.

“Cha” mang nhiều ý nghĩa

Từ “cha” được sử dụng để mô tả một người đã tạo ra, khởi nguồn hoặc sáng lập một thứ gì đó. Chẳng hạn, James Naismith được gọi là “cha đẻ” của môn bóng rổ vì ông đã tạo ra môn thể thao này hơn 100 năm trước.

Mỗi chúng ta đều có một người cha thể xác mang đến cho mình sự sống của thể chất, vì vậy theo phong tục, trong hầu hết các nền văn hóa con cái đều mang họ của cha, và gọi người đó là “cha” hoặc “bố”.

Tuy nhiên, việc làm cha không hẳn lúc nào cũng thể hiện ra những điều tốt đẹp. Chúa Giê-xu có nói với những người đạo đức giả trong thời của Ngài: “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỷ, mà sanh ra” (sách Giăng, chương 8 câu 44). Chúa không có ý nói rằng satan đã cho họ sự sống thể xác, nhưng họ đang theo gương satan về sự gian ác tâm linh. Satan là cha đẻ của sự dối trá và giết người, xúi giục người khác làm điều tương tự.

Ngược lại, Đức Chúa Cha là nguồn cội, là cha của lẽ thật và tình yêu thương (sách Giăng, chương 17 câu 17 và sách Giăng thứ Nhất, chương 4 câu 16).

Chúa Trời là Cha qua công trình sáng tạo

“Vì vậy mà tôi quỳ gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên”. (sách Ê-phê-sô, chương 3 câu 14-15). Câu này cho thấy đại gia đình của Đức Chúa Trời ở cả trên trời và dưới đất. Thông qua công trình sáng tạo, Chúa là Cha của các thiên sứ (sách Gióp, chương 1 câu 6; chương 38 câu 7) và của loài người (sách Ma-la-chi, chương 2 câu 10; sách Lu-ca, chương 3 câu 38). Chúa Trời Toàn Năng có trách nhiệm trên mọi sinh vật tồn tại; vì vậy, Ngài chính xác là Cha của tất cả những ai có sự sống (sách Ti-mô-thê thứ Nhất, câu 6 câu 13). Vì thế, thật tự nhiên khi Kinh Thánh tỏ bày rằng Chúa đầu của một đại gia đình.

Chúa Giê-xu: Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Giê-xu là Con của Đức Chúa Trời, theo cách độc đáo và đặc biệt. Ngài là “Con của Đức Chúa Trời cao nhất” (sách Mác chương 5 câu 7). Sách Thi Thiên, chương 2 câu 7 ghi nhận: “Chúa phán cùng ta rằng: Ngươi là Con Ta, ngày nay Ta đã Sanh Con”. Chúa Giê-xu đã nhiều lần gọi Đức Chúa Trời là Cha. Sách Giăng, chương 3 câu 16 viết rằng “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”.

A-đam và Ê-va được Chúa tạo dựng nên từ bụi đất và ban cho họ sự sống, nhưng họ không có mẹ, họ cũng không được thụ thai. Chúa Giê-xu là người duy nhất được sinh ra bởi một trinh nữ bởi “Thần Linh của Đức Chúa Trời và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ Ma-ri dưới bóng mình”, dẫn đến việc thụ thai (sách Lu-ca, chương 1 câu 35). Chúa Giê-xu là Con Một của Đức Chúa Trời theo nghĩa đen. Bất kỳ ai cũng có một người cha phần xác. Thế nên, Đức Chúa Trời là Cha của Chúa Giê-xu, theo cách độc nhất mà Ngài không dành cho bất cứ tạo vật sống động nào khác.

Ảnh bởi Melindar Macaroni trên Pixabay

Cha tinh thần của chúng ta

Thông điệp sống còn mà Chúa Giê-xu mang đến cho chúng ta thấy vai trò người Cha và Chúa trong cuộc sống chúng ta. Dù tất cả chúng ta đều có sự sống thể xác khi bước vào thế giới này, nhưng Chúa có kế hoạch cho cả loài người, có cơ hội trải nghiệm khi tâm linh được làm mới, mang đến sự sống vĩnh viễn trong Vương quốc Chúa.

Thông điệp này cho thấy qua sự ăn năn và tiếp nhận Thần Linh Chúa vào lòng (sách Công vụ, chương 2 câu 38), Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ thật sự trở thành Cha chúng ta theo cách rất riêng. Ngài trở thành Cha chúng ta, và chúng ta trở nên con cái Ngài, khi chúng ta có tâm linh mình được làm mới lại. Sách Rô-ma, chương 8 câu 14 cho biết: “Vì hết thảy ai được Thần Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời”.

Sách Rô-ma, chương 8 câu 9 “Nếu thật Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong anh em, thì anh em không sống theo xác thịt, nhưng theo Thần Linh”. Tất nhiên, chúng ta vẫn là con người xác thịt, nhưng Kinh Thánh nói điều này từ góc nhìn của Đức Chúa Trời. Chúng ta bắt đầu đời sống thiêng liêng khi còn là trẻ thơ (sách Phi-e-rơ thứ Nhất, chương 2 câu 2), nhưng phải trưởng thành và cho đến khi qua đời hoặc đến khi Chúa Giê-xu trở lại (sách Tê-sa-lô-ni-ca thứ Nhất, chương 4 câu 15 đến 17).

Qua cuộc sống mới với Thần Linh Chúa sống trong lòng, chúng ta không chỉ hiểu biết chân lý và giá trị tâm linh, mà còn có mối quan hệ rất cá nhân, gần gũi với Đức Chúa Cha của chúng ta. Giờ đây, chúng ta có thể gọi Ngài là Cha!” (sách Rô-ma chương 8 câu 15).

Mối quan hệ cá nhân

Từ “cha” trong Kinh Thánh, ngụ ý sự quen thuộc và thân mật vô cùng. Từ điển Kinh Thánh ghi rằng đó là “một từ ngữ thể hiện tình cảm nồng hậu và sự tin cậy cung kính”.

Qua Kinh Thánh, Chúa cho thấy chúng ta có thể có được mối quan hệ cá nhân ấm áp, thân mật với Ngài, vượt xa việc chỉ đơn thuần thừa nhận Ngài là Đấng tạo ra chúng ta và đặt ra những quy tắc đúng đắn giúp cuộc sống chúng ta hạnh phúc và trọn vẹn. Chúng ta là con cái trong mắt Ngài, và được tận hưởng mối quan hệ đặc biệt cùng tình yêu thương chỉ có giữa cha và con. Chúng ta không chỉ là đầy tớ có chủ nhân, mà còn là con trai, con gái có Cha.

Điều này đưa chúng ta trở lại chương đầu của sách Sáng Thế, ghi lại mong muốn của Đức Chúa Trời làm nên loài người như hình và theo tượng Ngài” (câu 26). Cơ Đốc nhân “được dự phần trong bản tánh của Đức Chúa Trời”

Cha yêu thương

Chúa từng bày tỏ chính Ngài cho loài người với vai trò người Cha trong nhiều bối cảnh. Quan trọng nhất là Cha tâm linh. Vì vậy, Cơ Đốc nhân kinh nghiệm Đức Chúa Trời thể hiện mọi phẩm chất của một Người Cha yêu thương. Ngài ban cho chúng ta sự sống; Ngài yêu thương chúng ta; Ngài ban thưởng cho những nỗ lực của chúng ta; Ngài giao tiếp với chúng ta qua Lời Ngài; Ngài sửa phạt chúng ta cách yêu thương; và quan trọng nhất, Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà cuối cùng: sự sống vĩnh viễn trong Vương quốc Ngài bởi ân điển Ngài (sách Rô-ma, chương 6 câu 23; sách Ê-phê-sô, chương 2 chương 5), nếu chúng ta ăn năn tội lỗi mình và vâng theo mệnh lệnh Ngài (sách Công vụ, chương 2 câu 38).

Nếu bạn chưa kinh nghiệm về Chúa như một người Cha thật sự, chu đáo, yêu thương, thì bạn vẫn chưa bắt đầu sống cho mục đích mà Chúa đã tạo ra bạn trên cuộc đời này.


Nguồn: lifehopeandtruth.com
Hồng Nhạn
dịch

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *