Người trưởng thành nhưng lớn lên trong gia đình có cha mẹ ly hôn có thể gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ với người khác.
Ảnh từ verywellfamily
Tỷ lệ ly hôn cao hơn đối với những người từng có cha mẹ ly hôn.1 Cha mẹ đóng vai trò chính yếu trong cách trẻ thích nghi với một cuộc ly hôn. Sau đây là một số cách có thể giúp giảm tác hại tâm lý do ly hôn gây ra cho trẻ:
Đồng nuôi dưỡng con cái cách hòa thuận
Xung đột căng thẳng giữa cha và mẹ làm tăng sự đau buồn ở trẻ. Sự thù địch quá mức, như la hét và đe dọa lẫn nhau, dẫn đến việc trẻ có các vấn đề về hành vi2 Dù vậy, ngay cả căng thẳng nhỏ cũng có thể làm trẻ bị ảnh hưởng. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đồng nuôi con với người bạn đời cũ của mình, hãy tìm đến các chuyên gia để được giúp đỡ.
Không đặt con cái đứng ở giữa
Việc bảo trẻ chọn giữa cha và mẹ xem các cháu yêu ai nhất, hoặc bảo trẻ chuyển hộ tin nhắn hay thông điệp của mình cho người kia là điều rất không nên. Trẻ khi cảm thấy mình bị mắc kẹt ở giữa có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo lắng.
Duy trì mối quan hệ lành mạnh
Truyền thông tích cực, bày tỏ sự ấm áp với con, hạn chế tối đa xung đột là những cách có thể giúp trẻ thích nghi tốt hơn với cuộc ly hôn. Một mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ với con cái sau khi ly hôn được chứng minh là giúp trẻ phát triển lòng tin về giá trị bản thân cao hơn và có kết quả học tập tốt hơn.
Sử dụng kỷ luật nhất quán
Thiết lập nội quy phù hợp với lứa tuổi và luôn làm đúng theo chế độ thưởng/phạt khi cần thiết. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 cho thấy kỷ luật hiệu quả sau khi ly hôn giúp làm giảm tình trạng phạm pháp và cải thiện kết quả học tập.3
Giám sát chặt chẽ trẻ vị thành niên
Khi phụ huynh thường xuyên để ý đến những việc làm của thiếu niên và những người mà các cháu ở cùng, các cháu ít có vấn đề về hành vi sau khi ly hôn hơn, nghĩa là giảm nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện và ít vấn đề trong học tập hơn.
Động viên trẻ
Những trẻ không tự tin để đối phó với sự thay đổi, hoặc trẻ nghĩ mình là nạn nhân bất lực, có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hãy giúp con bạn hiểu rằng mặc dù việc trải qua biến cố ly hôn của cha mẹ rất khó khăn, nhưng cháu có sức mạnh tinh thần đủ để vượt qua, cháu có thể làm được.
Dạy trẻ kỹ năng đối phó
Đối với những trẻ đã học biết về phương cách đối phó tích cực, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng tái cấu trúc nhận thức, sẽ thích nghi tốt hơn với việc ly hôn. Hãy dạy trẻ cách kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình một cách lành mạnh.
Giúp trẻ cảm thấy an toàn
Nỗi sợ bị bỏ rơi hoặc những quan ngại về tương lai có thể gây ra rất nhiều lo lắng, nhưng việc giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, an toàn và yên tâm không chỉ có thể làm giảm tâm lý níu kéo mà còn giảm nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Trang bị kiến thức dành cho phụ huynh
Có nhiều chương trình dành cho phụ huynh để hướng dẫn cách làm giảm tác động của ly hôn lên con cái. Phụ huynh sẽ được dạy các kỹ năng và chiến lược phối hợp nuôi dạy con nhằm giúp trẻ đối phó với những sự thay đổi.
Tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp
Để có thể hỗ trợ con cái vượt qua giai đoạn này, bạn cần kiểm soát mức độ căng thẳng của chính mình. Hãy chăm sóc bản thân tốt và cân nhắc việc tìm đến tâm lý trị liệu hoặc những sự trợ giúp khác để giúp bạn thích nghi với những sự thay đổi trong gia đình.
Khi nào cần tìm sự giúp đỡ cho con
Mặc dù ly hôn quả thật rất khó khăn đối với các gia đình, nhưng nếu quyết định ở cùng nhau chỉ vì lợi ích của con cái có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Trẻ sống trong những gia đình thường xuyên cãi vả, thù hằn và bất mãn có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi.
Vì thế, việc trẻ phải trải qua khó khăn trong cảm xúc và hành vi ngay sau khi cha mẹ chia tay là điều bình thường. Nhưng, nếu con bạn gặp vẫn tiếp tục có vấn đề về tâm tính hoặc hành vi, hãy tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn.
Ban đầu, bạn có thể trao đổi với bác sĩ thường theo dõi sức khỏe của con. Hãy chia sẻ mối ưu tư của bạn và hỏi ý kiến về việc tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn cho con. Bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn chuyên gia tâm lý trị liệu hoặc các dịch vụ hỗ trợ khác.
Việc trị liệu tâm lý cá nhân có thể giúp trẻ hiểu về những cảm xúc của mình. Trị liệu gia đình cũng được khuyến khích để giải quyết những thay đổi trong sinh hoạt gia đình. Một số cộng đồng còn xây dựng các nhóm hỗ trợ dành cho trẻ em. Các nhóm này tạo điều kiện để trẻ ở độ tuổi giống nhau, đang trải qua hoàn cảnh gia đình tương tự nhau, có thể gặp gỡ và giao lưu.
Tác giả: Amy Morin, Chuyên viên xã hội Nguồn: Very well family Dịch: Blessie
1. Perelli-Harris B, Berrington A, Sánchez Gassen N, Galezewska P, Holland JA. The Rise in Divorce and Cohabitation: Is There a Link? Popul Dev Rev. 2017;43(2):303–329. doi:10.1111/padr.12063 2. Anderson J. The impact of family structure on the health of children: Effects of divorce. Linacre Q. 2014;81(4):378–387. doi:10.1179/0024363914Z.00000000087 3. Sigal A, Sandler I, Wolchik S, Braver S. Do Parent Education Programs Promote Healthy Post-Divorce Parenting? Critical Distinctions and a Review of the Evidence. Fam Court Rev. 2011;49(1):120–139.
Khi hôn nhân tan vỡ, một số phụ huynh ưu tư với nhiều câu hỏi, chẳng hạn như “Liệu chúng ta có nên ở lại với nhau vì con cái không?” Những người khác thì cảm thấy họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài ly hôn.
Ảnh từ Pixabay
Mặc dù tất cả các bậc cha mẹ có thể có nhiều lo lắng – từ hoàn cảnh sống trong tương lai, đến sự hoang mang về việc sắp xếp quyền nuôi con – họ có thể lo lắng nhất về việc con cái sẽ đối diện thế nào trước cuộc ly hôn.
Như vậy, ly hôn có thể tạo ra những tác động tâm lý nào đối với trẻ em? Điều này còn tùy. Mặc dù việc ly hôn tạo ra căng thẳng đối với mọi trẻ, một số trẻ có thể ổn định tinh thần nhanh hơn những trẻ khác.1
Một điều an ủi là phụ huynh có thể thực hiện một số bước để giảm tác động của việc ly hôn lên tâm lý trẻ. Việc có những chiến lược hỗ trợ con cái là rất cần thiết để giúp trẻ thích nghi với những thay đổi do ly hôn mang lại.
Tại sao năm đầu tiên là khó khăn nhất
Không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu cho thấy rằng trẻ gặp khó khăn nhiều nhất trong một hay hai năm đầu sau khi ly hôn.2 Trẻ có thể phải trải qua đau khổ, tức giận, lo lắng và hoài nghi.
Nhưng nhiều trẻ dường như có thể ổn định lại. Các cháu quen dần với những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày và thoải mái hơn với cuộc sống mới. Tuy nhiên, có những trẻ dường như không bao giờ thật sự trở lại “bình thường”. Có một tỷ lệ nhỏ các trẻ tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, thậm chí kéo dài cả đời, sau khi cha mẹ ly hôn.
Tác động của ly hôn lên cảm xúc
Ly hôn tạo ra sự hỗn loạn cảm xúc cho cả gia đình, nhưng đối với trẻ em, mọi thứ trong hoàn cảnh ấy có thể đáng sợ, khó hiểu và bực bội:
Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn để hiểu tại sao mình phải đi qua lại giữa hai nhà. Các cháu có thể lo lắng rằng nếu cha mẹ không yêu nhau nữa thì một ngày nào đó, cha mẹ cũng có thể không yêu mình.
Trẻ đang đi học có thể lo lắng rằng cuộc ly hôn là lỗi của mình. Các cháu có thể lo sợ mình đã không ngoan hay đã làm sai điều gì đó.
Thiếu niên có thể trở nên khá tức giận với việc ly hôn và những thay đổi do nó tạo ra. Các cháu có thể đổ lỗi cho một phụ huynh, hoặc phẫn nộ với một hoặc cả hai cha mẹ vì những biến động trong gia đình.
Tất nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt khắc nghiệt, trẻ có thể cảm thấy nhẹ nhõm trước việc cha mẹ chia tay, nếu việc ly hôn làm giảm đi sự cãi vã và căng thẳng.
Ảnh từ Pexels
Những căng thẳng liên quan đến ly hôn
Ly hôn thường có nghĩa là trẻ sẽ mất đi sự tương tác hằng ngày với một trong hai phụ huynh, thường nhất là với cha. Việc giảm tiếp xúc ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa phụ huynh với con cái, và theo một bài báo được xuất bản năm 2014, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng nhiều trẻ cảm thấy ít gần gũi với cha hơn sau cuộc ly hôn.3
Ly hôn cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ với phụ huynh đang nuôi dưỡng mình, thường nhất là người mẹ. Phụ huynh giữ quyền nuôi con thường có những mức độ căng thẳng cao hơn khi phải nuôi con một mình.4
Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy các bà mẹ thường ít động viên và ít thể hiện tình cảm âu yếm con hơn sau khi ly hôn. Ngoài ra, cách kỷ luật con cái của họ trở nên ít nhất quán và kém hiệu quả hơn.5
Đối với một số trẻ, việc cha mẹ chia tay không phải là điều khó khăn nhất mà là những yếu tố gây căng thẳng đi kèm. Những điều như thay đổi trường học, chuyển đến một ngôi nhà mới và sống với một trong hai người cha/mẹ – người đang cảm thấy mệt mỏi hơn – mới chỉ là một vài trong số những yếu tố gây căng thẳng khiến việc ly hôn trở nên khó khăn.
Khó khăn tài chính cũng là điều phổ biến sau ly hôn. Nhiều gia đình phải chuyển đến căn nhà nhỏ hơn hoặc thay đổi hàng xóm láng giềng, cũng như thường có ít điều kiện vật chất hơn.
Những rủi ro các gia đình phải đối mặt
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, vào năm 2013, khoảng 40% các cuộc hôn nhân mới ở Hoa Kỳ có một trong hai người đã từng kết hôn, và 20% các cuộc hôn nhân mới có cả hai người đã từng kết hôn.6
Điều đó có nghĩa là nhiều trẻ em phải chịu đựng những thay đổi liên tục về các kiểu sinh hoạt gia đình. Việc có thêm cha mẹ kế, biết đâu thêm một vài anh chị em kế, có thể là một sự thay đổi lớn khác mà trẻ phải thích nghi. Ngoài ra, những người từng ly hôn thường tái kết hôn, cả cha lẫn mẹ, có nghĩa là càng nhiều thay đổi hơn cho trẻ.
Tỷ lệ đổ vỡ của các cuộc hôn nhân lần thứ hai thậm chí còn cao hơn các cuộc hôn nhân đầu tiên. Vì vậy, nhiều trẻ phải trải qua rất nhiều cuộc chia ly và ly dị suốt nhiều năm.
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần
Ly hôn có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thiếu niên. Bất kể tuổi tác, giới tính và văn hóa, trẻ có cha mẹ ly dị trải qua các vấn đề về tâm lý ngày càng gia tăng.7
Ly hôn có thể gây ra sự rối loạn thích nghi ở trẻ, vấn đề này có thể vượt qua trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng tỉ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn ở trẻ em có cha mẹ ly hôn.
Các vấn đề về hành vi
Trẻ trong các gia đình ly hôn có thể gặp nhiều vấn đề về bên ngoài – chẳng hạn như rối loạn hành vi, phạm pháp và hành vi bốc đồng – hơn là trẻ trong các gia đình có cả cha lẫn mẹ.7 Ngoài việc tăng các vấn đề về hành vi, trẻ cũng có thể gặp nhiều xung đột với bạn bè hơn sau cuộc ly hôn.
Kết quả học tập kém
Trẻ em từ các gia đình đã ly hôn không phải lúc nào cũng học tốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy con cái của các gia đình đã ly hôn có xu hướng gặp khó khăn trong việc học nếu việc ly hôn xảy ra bất ngờ, trong khi trẻ từ các gia đình có nhiều khả năng ly hôn thì không có kết quả tương tự.8
Hành vi liều lĩnh
Trẻ vị thành niên của các gia đình đã ly hôn có nhiều khả năng tham gia vào những hành vi liều lĩnh, chẳng hạn như sử dụng chất gây nghiện và quan hệ tình dục sớm. Tại Hoa Kỳ, thiếu niên có cha mẹ ly dị uống rượu sớm hơn, sử dụng rượu, cần sa, thuốc lá và ma túy cao hơn so với bạn bè cùng trang lứa.Theo một nghiên cứu được công bố năm 2010, trẻ vị thành niên có cha mẹ li hôn khi các cháu từ 5 tuổi trở xuống đặc biệt có nguy cơ cao quan hệ tình dục sớm trước tuổi 16.9 Việc thiếu sự hiện diện của người cha cũng liên quan đến việc thanh thiếu niên có số lượng bạn tình cao hơn.10
Tác giả: Amy Morin, Chuyên viên xã hội Nguồn: Very well family Dịch: Blessie
THAM KHẢO
1. Kleinsorge C, Covitz LM. Impact of divorce on children: developmental considerations. Pediatr Rev. 2012;33(4):147-54. doi:10.1542/pir.33-4-147 2. Rappaport SR. Deconstructing the Impact of Divorce on Children. Family Law Quarterly. 2013;47(3):353-377. 3. Anderson J. The impact of family structure on the health of children: Effects of divorce. Linacre Q. 2014;81(4):378–387. doi:10.1179/0024363914Z.00000000087 4. Rodriguez-JenKins J, Marcenko MO. Parenting stress among child welfare involved families: Differences by child placement. Child Youth Serv Rev. 2014;46:19–27. doi:10.1016/j.childyouth.2014.07.024 5. Wallerstein J, Lewis J, Rosenthal SP. Mothers and their children after divorce: Report from a 25-year longitudinal study. Psychoanalytic Psychology. 2013;30(2):167-184. doi:10.1037/a0032511. 6. Pew Research Center. 8 facts about love and marriage in America. 7. D’Onofrio B, Emery R. Parental divorce or separation and children’s mental health. World Psychiatry. 2019;18(1):100–101. doi:10.1002/wps.20590 8. Brand JE, Moore R, Song X, Xie Y. Parental divorce is not uniformly disruptive to children’s educational attainment. Proc Natl Acad Sci USA. 2019;116(15):7266-7271. doi:10.1073/pnas.1813049116 9. Donahue KL, D’Onofrio BM, Bates JE, Lansford JE, Dodge KA, Pettit GS. Early exposure to parents’ relationship instability: implications for sexual behavior and depression in adolescence. J Adolesc Health. 2010;47(6):547–554. doi:10.1016/j.jadohealth.2010.04.004 10. Ryan RM. Nonresident fatherhood and adolescent sexual behavior: a comparison of siblings approach. Dev Psychol. 2015;51(2):211–223. doi:10.1037/a0038562
Thấu hiểu con là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn nên học khi làm cha mẹ. Nó rất hữu ích trong việc hướng dẫn và nuôi dưỡng con hiệu quả khi chúng lớn lên và trưởng thành. Bạn cần nhớ rằng con bạn có cá tính độc nhất suốt cuộc đời chúng.
Ảnh từ Pexels
Một trong những cách bạn có thể hiểu con cái là quan sát chúng khi chúng ngủ, ăn hoặc chơi. Hãy tìm ra những đặc điểm của con. Chúng thích hoạt động nào nhất? Chúng dễ dàng thích nghi hay cần thời gian để điều chỉnh khi có thay đổi? Những điều này là đặc điểm bình thường của một đứa trẻ và con bạn có thể không phải ngoại lệ.
Hãy dành thời gian trò chuyện với con bạn càng nhiều càng tốt vì điều này rất quan trọng để nắm bắt thông tin và thấu hiểu con. Trong trường hợp các trẻ lớn, chúng ít bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc qua lời nói nhưng thường biểu hiện trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể hơn. Việc đặt câu hỏi sẽ giúp chúng chia sẻ cảm xúc với bạn.
Ví dụ, thay vì hỏi chúng đã làm gì ở trường, hãy hỏi chúng đã xây dựng mô hình gì trong trò chơi xếp hình hôm nay. Thay vì hỏi chúng có chơi với bạn bè không, hãy tập trung vào trò chơi chúng đã chơi.
Một cách khác để hiểu con là nhìn vào môi trường của chúng để tìm hiểu về một hành vi nhất định mà bạn đã quan sát. Người thân, nhà trẻ, bạn bè, giáo viên, cộng đồng, môi trường gia đình… đóng một vai trò quan trọng trong hành vi của con bạn. Ví dụ, nếu con bạn thể hiện sự hung hăng đối với những đứa trẻ khác ở trường, bạn cần tìm hiểu tất cả các nguồn có thể dẫn đến hành vi hung hăng của chúng.
Mối liên kết của con với một đứa trẻ khác cũng có thể là nguồn gốc của xu hướng hung hăng. Môi trường ở nhà cũng là một nguồn khác cho hành vi như vậy. Gần đây có những xung đột và tranh luận ở nhà mà con bạn nhìn thấy không? Còn trong cộng đồng thì sao? Đây là một số góc độ mà bạn nên xem xét khi cố gắng tìm ra lý do đằng sau hành vi hung hăng của con bạn.
Ảnh từ Pexels
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu về con mình bằng cách quan sát những đứa trẻ khác thuộc nhóm tuổi tương tự. Bạn có thể tham khảo các tựa sách và trang web mà chúng tôi đề xuất, để biết nhiều mẹo và kiến thức chuyên sâu về sự phát triển của trẻ. Hãy nhớ rằng bạn đã trải qua các giai đoạn giống như một đứa trẻ nên ít nhiều hành vi của trẻ em trong cùng giai đoạn sẽ tương tự nhau. Tuy nhiên, tốc độ phát triển qua từng giai đoạn của mỗi trẻ là khác nhau.
Bằng cách hiểu sự phát triển của con bạn, bạn có thể cung cấp cho chúng cơ hội cũng như đồ chơi để thúc đẩy sự phát triển và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của chúng. Đồng thời, bạn cũng có thể đặt ra những kỳ vọng và giới hạn có thể chấp nhận được cho con bạn.
Trong thời đại này, việc trở thành phụ huynh có trách nhiệm đặc biệt khó khăn vì cha mẹ dành nhiều thời gian hơn để làm việc hơn là ở bên con cái. Sắp xếp thời gian giữa cuộc sống công ty và làm cha mẹ để có thời gian chất lượng với con cái cũng không hề dễ dàng. Không nhiều người đạt được thành công trong việc làm cha mẹ và điều này có thể làm bạn nản lòng. Hiểu con bạn là một cách hiệu quả để trở nên thành công trong nghệ thuật nuôi dạy con cái.
Sự phát triển về mặt xã hội hay cảm xúc bắt đầu bằng sự gắn kết giữa đứa trẻ và người chăm sóc. Mối liên kết chính thường với người mẹ, và với sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các ông bố trong việc chăm sóc trẻ, sự gắn kết với bố cũng phổ biến hơn.
Ảnh từ Pexels
Cái nhìn đầu tiên giữa mẹ và đứa bé sơ sinh bắt đầu quá trình hình thành sự gắn bó giữa một đứa trẻ và người chăm sóc chính. Mối liên kết lành mạnh là điều cần thiết vì nó cung cấp cho trẻ cảm giác an toàn và yên tâm. Trước đây người ta đã nghĩ sự gắn bó này được hình thành trong những tháng đầu đời, nhưng ngày nay chúng ta biết rằng nó có thể hình thành ở các giai đoạn phát triển sau này như trong mối liên kết giữa cha mẹ nuôi và những đứa trẻ được nhận nuôi.
Khi một đứa trẻ đói, tã bẩn hoặc cảm thấy bất an, nó giao tiếp bằng cách khóc. Khi cha mẹ tìm ra những gì trẻ cần và đáp ứng nhu cầu đó, cảm giác tin tưởng cơ bản được xây dựng và trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm.
Dần dần cha mẹ bắt đầu hiểu được sự khác biệt giữa những tiếng khóc của trẻ và có thể đáp ứng nhanh hơn, bình tĩnh hơn với nhu cầu về thể chất hoặc cảm xúc của trẻ. Điều này cho thấy cha mẹ đang trở nên hòa hợp với đứa trẻ. Khi trẻ lớn lên và phát triển, cha mẹ vẫn cần phải quan tâm đến các nhu cầu và đặc điểm riêng của trẻ để có thể đáp ứng trẻ một cách thích hợp với sự thông hiểu, vững chãi và hướng dẫn để giúp chúng học cách tự đương đầu và cân bằng cảm xúc. Trẻ em khác nhau về khả năng điều chỉnh cảm xúc do tính khí thất thường nhưng khi chúng cảm nhận được sự đồng cảm và xoa dịu từ cha mẹ và được dạy cách tự làm dịu và đương đầu, chúng sẽ trở nên tốt hơn và não của chúng sẽ được rèn luyện để tự động phản ứng phù hợp với các tình huống.
Ảnh từ Pexels
Một khía cạnh khác của sự phát triển xã hội và cảm xúc là sự hình thành cái tôi và lòng tự trọng. Trẻ em rất sớm phản ứng với hành động của người khác.Nếu cha mẹ cười với điều gì đó trẻ làm, chúng cũng sẽ cười và lặp lại việc đó. Nếu trẻ em bị mắng hoặc thấy cha mẹ cau mày, chúng sẽ rút lui. Khi trẻ đấu tranh để học một kỹ năng mới, và chúng nhận được sự khuyến khích và ủng hộ, chúng sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi thành thạo kỹ năng này. Chúng sẽ tự nhiên vui hưởng thành quả của chúng. Sau đó, chúng cảm thấy tự tin và sẽ thử những điều mới mẻ. Mặt khác, nếu đứa trẻ được đưa ra những phản hồi tiêu cực như là “Việc dễ vậy có gì hay đâu? Có mắc lỗi gì không?” và không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào, chúng sẽ thất vọng, cảm thấy bị đánh bại và nghĩ rằng chúng không đủ năng lực. Một đứa trẻ đã trải qua điều này sẽ dễ dàng từ bỏ những nhiệm vụ mới và thể hiện sự tức giận đối với bản thân. Chúng thậm chí từ chối thử thách. Đó là cách một đứa trẻ phát triển cái tôi tích cực hay phát triển tiêu cực với lòng tự trọng thấp.
Sự phát triển xã hội hay cảm xúc cũng bao gồm sự phát triển đạo đức. Trẻ học những hành vi nào được chấp nhận và những hành vi nào được xem là không thể chấp nhận được. Trẻ sẽ học nhanh hơn khi được biết lý do tại sao hành vi không được chấp nhận và cần phản ứng thế nào trong một tình huống nhất định. Trẻ em có khả năng phát triển những kỹ năng này trong quá trình lớn lên. Cha mẹ nên biết những gì được coi là phù hợp với lứa tuổi của con mình để chúng không mong đợi quá nhiều hoặc quá ít.
Ảnh từ Pexels
Cuối cùng, con người chắc chắn là có tính xã hội cao. Trẻ em cũng thế. Một số trẻ dường như có kỹ năng xã hội tốt hơn. Cha mẹ không chỉ khuyến khích giao tiếp xã hội mà thường xuyên tham gia vào các tương tác xã hội với con cái. Một số trẻ cần cha mẹ giúp để phát triển cảm xúc phù hợp với lứa tuổi. Cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ những tình huống xã hội mới và dạy chúng cách tương tác phù hợp. Để được xã hội chấp nhận, trẻ em cần học cách cư xử trong môi trường xã hội. Đối với một số trẻ em, những điều này đến gần như tự nhiên trong khi những trẻ khác sẽ cần sự giúp đỡ và khuyến khích.
Sau khi phải trải qua một bi kịch nào đó, người lớn chúng ta có thể cảm thấy rối trí và mong manh, nhưng đối với trẻ em, các cháu càng cần đến sự hỗ trợ và hướng dẫn của chúng ta hơn.
Ảnh từ Pixabay
Việc nói rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đáng sợ vẫn còn nhẹ. Toàn thế giới đang chìm trong dịch bệnh Sar-Cov-2.
Trong nước, chỉ trong vòng vài tháng qua, trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc; thiên tai làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại; Trên 100.000 ha lúa, hoa màu ảnh hưởng, thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng (*); ngập mặn ở khu vực Tây Nam Bộ; cháy rừng ở Nghệ An…
Ngoài nước, Châu Phi mong manh trước nạn châu chấu và trước bờ vực của nạn đói; gió mùa và lũ lụt làm vô số người chết ở châu Á; máy bay chở khách của Ukraine rơi tại Iran khiến 176 người thiệt mạng…
Hơn thế nữa, nước Mỹ loạn lạc trong bạo lực; biểu tình và đổ máu tại Hong Kong…
Thảm sát tại trường học, bạo hành trong gia đình; thậm chí một người mẹ đã bỏ rơi đứa con 3 ngày tuổi; tấn công tình dục và nhiều hành động bạo lực khác… đã trở nên quá thường xuyên trong các bản tin hàng ngày. Bất cứ lúc nào, chỉ cần bật tin tức hoặc lướt qua các dòng tin trên mạng xã hội, hết tin khủng khiếp này đến tin đau lòng khác cứ đập vào mắt chúng ta.
Tác động của thảm kịch trên trẻ em và thiếu niên
Nếu những thảm kịch như vậy còn khó đối với người lớn thì đối với trẻ em và thiếu niên lại càng khó khăn hơn để các em có thể hiểu và đối diện.
Tiến sĩ Melissa Brymer, Giám đốc Chương trình Chống Khủng bố và Thảm họa của Trung tâm Quốc gia về Căng thẳng Sang chấn ở Trẻ em tại đại học California ở Los Angeles, chia sẻ: “Sau một sự kiện tin tức đau buồn, con bạn có thể lo lắng điều đó sẽ xảy ra một lần nữa, các cháu sẽ gặp nguy hiểm hoặc những người thân yêu sẽ bị thương hoặc bị giết”.
Các phụ huynh ước gì họ có thể bảo vệ con mình khỏi những bi kịch, nhưng điều đó khó mà làm được. Với tư cách là giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Nova Southeastern và là một chuyên gia về các tình huống khủng hoảng, tiến sĩ giáo dục Scott Poland nhận định: “Ngày nay, với quá nhiều phương tiện truyền thông và những dòng tin tức liên tục xuất hiện 24/7 trên điện thoại thông minh của chúng ta, việc thoát khỏi những câu chuyện chấn động này là hầu như không thể. Con bạn sẽ tìm hiểu về những thảm kịch đó, nghĩa là bạn cần phải chủ động giúp các cháu thông hiểu những gì đã xảy ra”.
Từ góc nhìn của Kinh Thánh, việc nói về các sự kiện bi thảm với con cái cũng là điều khôn ngoan. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “Trong những ngày cuối cùng, sẽ có những thời kỳ khó khăn” (sách Ti-mô-thê Nhì chương 3 câu 1). Chúng ta đã được báo trước rằng thế giới sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm và bất ổn, cho đến khi Đấng Christ Giê-xu trở lại.
Lẽ tất yếu, phụ huynh phải có trách nhiệm chuẩn bị con bước vào tuổi trưởng thành. Điều đó bao gồm việc dạy cho trẻ hiểu (trên nền tảng Kinh Thánh) vì sao lại có quá nhiều rắc rối trên thế giới, làm thế nào để trở nên kiên cường, tầm quan trọng của việc tập trung vào bức tranh lớn của Đức Chúa Trời. Thông qua việc giúp trẻ đối mặt với những bi kịch ngày nay, chúng ta cũng đang giúp các cháu học cách đối phó với nhiều nghịch cảnh ở phía trước.
Phụ huynh có thể làm gì để giúp con cái cảm thấy an tâm và sống tích cực giữa những tin tức tiêu cực bao trùm trong cuộc sống? Sau đây là sáu gợi ý thiết thực:
1. Chủ động trò chuyện.
Khi tin tức thông báo một khủng hoảng lớn, hãy chủ động trao đổi với con bạn về điều đó; đừng đợi đến khi các cháu hỏi chúng ta.
“Con bạn sẽ nghe về những chuyện đó ở trường và từ các phương tiện truyền thông. Nhiều điều các cháu nghe được sẽ trở nên đáng sợ hoặc thậm chí không chính xác”, tiến sĩ Brymer nói, “cho nên bạn cần phải nói chuyện với con để tìm hiểu xem con đã nghe gì, chỉnh sửa bất kỳ thông tin sai lệch hoặc hiểu lầm nào, và giải tỏa mọi lo lắng cho con”.
Bạn có thể mở đầu như sau: “Ngày hôm nay đã có chuyện kinh khủng xảy ra. Con có nghe ai nói gì chưa?” Hãy để con bạn chia sẻ mối quan tâm và quan điểm của các cháu, lắng nghe cẩn thận những gì con nói. Hãy đảm bảo rằng bạn đã nắm vững thông tin về tình huống để có thể giúp con hiểu đâu là sự thật, đâu là lời đồn. Hỏi xem con có thắc mắc nào không, sau đó trả lời trung thực mà không đi sâu vào các chi tiết bạo lực hoặc hình ảnh.
Nếu các cháu không có câu hỏi thì càng tốt. Không phải trẻ nào cũng muốn nghe giải thích đầy đủ.
Hãy nhớ rằng, nếu sự việc xảy ra càng gần nơi bạn sống thì con bạn càng cần phải được nói chuyện về điều đó.
Ảnh từ Pixabay
2. Linh động trong cuộc trò chuyện.
Hãy nói chuyện với con cái về các tình huống khủng hoảng theo cách phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành của con. “Chúng ta không muốn áp làm trẻ choáng ngợp với quá nhiều thông tin chi tiết mà các cháu chưa đủ phát triển để xử lý”, tiến sĩ Poland cảnh báo.
Với trẻ mẫu giáo, tiến sĩ Poland khuyên chỉ nên thảo luận về những bi kịch nếu trẻ có để ý đến. Còn đối với trẻ tiểu học, các cháu thường chỉ muốn một lời giải thích ngắn gọn về những gì đã xảy ra, cùng với lời trấn an rằng cuộc sống của các cháu sẽ không bị làm sao cả. Học sinh cấp hai và cấp ba thường muốn có thông tin chi tiết hơn về sự việc, bao gồm những nguyên nhân và liệu nó có thể xảy ra trong khu vực sống của mình hay không.
Khác biệt về tính cách cũng là điều cần kể đến. Chẳng hạn như một số trẻ 10 tuổi có thể khiếp sợ núi lửa và không muốn nói về cái thứ vừa mới phun trào đó, nhưng những trẻ 10 tuổi khác lại chẳng có vấn đề gì mà thậm chí còn không quan tâm.
“Hãy để ý những động thái của con bạn”, tiến sĩ Poland nói, “Các cháu sẽ cho bạn biết nếu muốn nghe thêm”.
3. Làm gương về sự bình tĩnh.
Nếu con cái nhìn thấy bạn buồn rầu hoặc thậm chí rơi nước mắt trước một tin tức đau buồn nào đó cũng không sao, nhưng đừng để cho bản thân trở nên quá xúc động hoặc tuyệt vọng. Cần duy trì sự bình tĩnh, bởi vì con bạn đang học cách đối phó với bi kịch bằng cách quan sát phản ứng của bạn. Nếu bạn tỏ ra lo lắng hoặc hoảng loạn, trẻ sẽ hấp thu cảm xúc đó và trở nên sợ hãi.
Theo tiến sĩ Brymer, “Trẻ em đối phó với cuộc sống tốt nhất khi có cha mẹ là nguồn sức mạnh. Ở đây, không có ý là phụ huynh cần phải tỏ vẻ bề ngoài, nhưng họ cần có khả năng đem lại sự yên tâm cho trẻ và trả lời câu hỏi của các cháu. Nếu không tỉnh táo quân bình cảm xúc, bạn không thể đem lại những điều đó cho con”.
Nếu có điều gì đó khủng khiếp vừa xảy ra khiến bạn không giữ được bình tĩnh, hãy cho mình thời gian để ổn định trước khi nói chuyện với con về sự việc. Hãy đến với Chúa trong lời cầu nguyện và xin Ngài ban cho bạn lòng can đảm, sự bình an và khôn ngoan khi nói chuyện với con. Hãy làm gương cho con về việc bạn tìm kiếm sức lực từ nơi Chúa và đặt lòng tin cậy Ngài. Đây là điều mà bạn muốn con mình học theo.
4. Cầu nguyện cùng nhau.
Hãy giúp con cái nhớ rằng, bất kể những điều khủng khiếp nào đang diễn ra xung quanh, Đức Chúa Trời luôn ở cùng để bảo vệ chúng ta. Chúng ta không bao giờ nằm ngoài sự chăm sóc của Ngài và không cần phải sợ hãi.
Khi nhìn thấy hậu quả của một thảm kịch, trẻ thường muốn làm một cái gì đó để mọi thứ tốt hơn. Một trong những điều mang tính xây dựng nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm là tìm kiếm Chúa. Phụ huynh nên chủ động trong việc này bằng cách bắt đầu thì giờ cầu nguyện của gia đình.
Cùng với người phối ngẫu và con cái, cả gia đình cầu nguyện xin Chúa chu cấp cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch, dẫn dắt các nhà cầm quyền, tiếp tục giữ gia đình được bình an, và Chúa Giê-xu sớm trở lại để hoàn tất xây dựng vương quốc của Ngài trên đất này (sách Ma-thi-ơ chương 6 câu 10). Việc cầu nguyện như thế dạy cho trẻ cách ứng phó trước khủng hoảng, bằng cách tìm đến Chúa, và điều này cũng giúp trẻ tập trung vào bức tranh toàn cảnh của Ngài.
5. Hạn chế tiếp xúc với phương tiện truyền thông.
Việc cập nhật tin tức về thế giới chắc chắn là quan trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta để cho bản thân hoặc con cái bị đắm chìm trong sự phóng đại của các phương tiện truyền thông xoay quanh một thảm họa. Nhìn chung, bạn sẽ không nghe thấy nhiều thông tin mới hơn khi xem tin tức trong hai, ba, bốn giờ đồng hồ tiếp theo so với giờ đầu tiên.
Tiến sĩ Maryann Robinson, (Giám đốc chi nhánh Dịch vụ Sức khỏe tâm thần và Căng thẳng sang chấn Khẩn cấp tại Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe tâm thần và Lạm dụng Chất kích thích), cho biết: “Việc đưa tin tức về thảm kịch, đặc biệt nếu cứ phát đi phát lại và liên quan đến sự đau đớn của con người, có thể tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em ở tuổi còn quá nhỏ có thể hiểu nhầm việc phát đi phát lại tin tức nghĩa là tai họa đó đã xảy ra nhiều lần”.
Bà nói thêm rằng trong những năm gần đây, tin tức trên TV càng ngày càng trở nên giật gân và giàu hình ảnh. Việc xem quá nhiều tin tức có thể làm tăng sự lo lắng và sợ hãi ở trẻ em và người lớn.
Một khi bạn đã nắm được các tin tức cơ bản về những gì đã xảy ra, tốt nhất là tắt TV và hạn chế các nguồn tin trên mạng xã hội. Thay vào đó, hãy tìm đến những hoạt động xoa dịu căng thẳng như cùng gia đình đi dạo, đi xe đạp, tham quan công viên, chơi trò chơi, đọc Kinh Thánh…
Hãy nhớ chương trình của Đức Chúa Trời vẫn được thực hiện, Ngài vẫn đang tể trị và một ngày nào đó, mọi đau đớn và bi kịch sẽ chỉ là dĩ vãng!
6. Đảm bảo với con về sự an toàn.
Trong bất kỳ tình huống thảm họa nào, sẽ có công an, cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên cấp cứu và nhân viên cứu hộ tại chỗ để giúp đỡ các nạn nhân và khôi phục trật tự. Nếu có một thảm kịch lớn xảy ra trong cộng đồng của bạn, hãy nhắc con bạn nhớ đến điều đó để trấn an các cháu, rằng các biện pháp an toàn luôn sẵn sàng. Cũng hãy khẳng định với con rằng các cháu cực kỳ quan trọng với bạn, rằng bạn yêu con và sẽ làm mọi cách để con được an toàn.
Điều quan trọng nhất là hãy giúp trẻ nhớ rằng mặc dù chúng ta nhìn thấy những sự kiện khủng khiếp xảy ra xung quanh, Chúa luôn ở cùng để bảo vệ chúng ta. Chúng ta không bao giờ nằm ngoài sự chăm sóc của Ngài và không cần phải sợ hãi. Chúa là nơi nương dựa và ẩn náu tuyệt đối của chúng ta.
Tất nhiên, ngay cả khi chúng ta an toàn và được bảo vệ, vẫn vô cùng đau lòng khi thấy tất cả những đau khổ, bạo lực và hủy diệt xảy ra xung quanh ta. Cách duy nhất để đối phó với điều này là hãy nhớ chương trình của Đức Chúa Trời vẫn được thực hiện, Ngài vẫn đang tể trị và một ngày nào đó, mọi đau đớn và bi kịch sẽ chỉ là dĩ vãng.
Đây là những chân lý quan trọng mà chúng ta có thể chia sẻ với con em mình để đem đến sự bình an và cái nhìn tích cực trong cuộc sống cho các cháu.
Có một sự khác biệt sâu sắc giữa trải nghiệm cô đơn so với ở một mình. Sự khác biệt đó có thể là cứu cánh trong những thời gian cách ly.
Ảnh từ pexels.com
Làm thế nào chúng ta có thể một mình trong thời gian toàn cầu giãn cách xã hội mà không cảm thấy cô đơn? Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự cô đơn có một số tác động rất tiêu cực, nhưng dành thời gian một mình lại được chứng minh là có thừa tác động tích cực. Chính Chúa Giê-xu đã thường xuyên một mình. Tại sao? Trong văn hóa hiện đại của chúng ta, từ ‘đơn độc’ thường bị hiểu lầm. Chúng ta đã đánh mất sự thật đẹp đẽ đã được biết đến trong suốt lịch sử: dành thời gian ở một mình có sức mạnh siêu việt và là phương tiện để sự sáng tạo cá nhân, tìm kiếm giải pháp và những ý tưởng mới mạnh mẽ của chúng ta xuất hiện.
Chúng ta có thể dành thời gian này để dừng lại. Cách ly. Hủy bỏ tất cả những tiếng ồn bởi hàng ngàn ý kiến từ mạng xã hội trong tâm trí bạn. Tĩnh. Lặng. Một số người thấy đây là tự do. Đối với những người khác điều này có thể như địa ngục. Khi nói đến tâm hồn an yên, vấn đề là phải biết dùng khoảng trống bên trong tâm hồn sao cho sáng tạo và hiệu quả.
Khi chuẩn bị cho lễ Phục sinh, chúng ta nhớ đến cuộc sống tại thế gian của Chúa Giê-xu đã dẫn đến việc đóng đinh của Ngài. Tại sao Ngài chọn dành thời gian một mình? Chúa thường xuyên tách mình ra khỏi mọi người. Ngài rèn luyện sự yên tĩnh và tin tưởng. Nếu Chúa còn cần phải làm điều đó khi Ngài không sống trong thời kỳ kết nối internet 24/7, thì chúng ta cần thực hành thời gian một mình nhiều như thế nào?
Nhiều người phản đối việc ở một mình vì họ cảm thấy hoảng loạn và cô đơn. Các triệu chứng tiêu cực của sự cô đơn phát sinh từ nhận thức về ý nghĩa của “một mình”. Nếu chúng ta không có kinh nghiệm ở một mình, và điều này thường xảy ra vào ngày nay, chúng ta bắt đầu đánh đồng sự cô đơn và một mình. Điều này phản ánh sự nghèo nàn trong trải nghiệm của chúng ta. Nếu chúng ta không biết thỏa mãn khi ở một mình, chúng ta sẽ chỉ biết hoảng loạn trong cô đơn.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự cô đơn có một số tác động rất tiêu cực, nhưng dành thời gian một mình lại được chứng minh là có thừa tác động tích cực.
Ảnh từ pexels.com
“Dành thời gian một mình là một trạng thái của tâm trí và tấm lòng chứ không phải tình trạng vị trí. Một mình có thể được duy trì mọi lúc. Đám đông, hoặc không có đám đông, đều không ảnh hưởng đến sự ân cần nội tâm này” – theo Richard Foster trong “Celebration of Discipline” (tạm dịch: Sự Hân Hoan của Kỷ Luật) .
“Trong cuộc sống tất bật hàng ngày, chúng ta thường mất cảnh giác về những thiệt hại mà lối sống vội vã gây ra cho chúng ta…” – theo Carl Honore trong TED Talk, In Praise of Slowness (Tán Dương Sự Chậm Rãi)
Ngày nay, nhiều người không hội họp, hẹn hò trực tiếp hay dùng các phương tiện hàng ngày để có thể đến với nhau, vậy liệu chúng ta có thể cho phép mình thừa nhận rằng lối sống đó không phục vụ chúng ta tốt không? Chúng ta có thể thừa nhận rằng chúng ta đã vận hành với tốc độ không bền vững, mất khả năng và mong muốn yên tĩnh, cách ly và ở một mình? Sự thật là ít thì tốt hơn nhiều, những suy nghĩ sâu sắc đến khi chúng ta tự làm việc. Thế giới rất cần những khám phá của riêng bạn .
Nghiên cứu cho thấy rằng tự suy nghĩ có thể dẫn đến nhiều sáng tạo hơn. Động não theo nhóm không tạo ra những ý tưởng tốt nhất mà thay vào đó, những người làm việc một mình tạo ra số lượng lớn những suy nghĩ độc đáo và sáng tạo hơn.
Hãy tích cực học theo sự dẫn dắt của Chúa Giê-xu và thực hành sự đơn độc, biết rằng chúng ta không cần phải sợ hãi khi ở một mình vì Cha trên trời luôn ở bên chúng ta.
“Này, thì giờ sắp điểm, thật ra đã điểm rồi, các con sẽ bị tan lạc mỗi người một ngả và bỏ Ta lại một mình; nhưng Ta không đơn độc đâu vì Cha đang ở cùng Ta” (sách Giăng chương 16 câu 32).
Việc nói lời xin lỗi không phải là điều tự nhiên đối với bất cứ ai. Làm thế nào chúng ta có thể giúp con cái học được kỹ năng đối nhân xử thế thiết yếu này?
Ảnh từ lifehopeandtruth.com
– Calvin nói với Hobbes: “Mình áy náy vì đã trêu đùa Susie và làm bạn ấy bị tổn thương. Mình thấy mình sai khi làm điều ấy.” – Hobbes: “Thế thì cậu nên xin lỗi bạn ấy đi.” – Calvin suy nghĩ một lúc rồi nói: “Mình cứ hy vọng là có cách nào ít huỵch toẹt hơn cơ!”
(Bill Watterson, The Essential Calvin and Hobbes, 1988).
Chúng ta có thể cười trong bụng, nhưng điều này là đúng. Lời xin lỗi rõ ràng là điều chúng ta cần làm sau khi đã làm sai trái với ai đó, nhưng nếu đây là việc khó khăn đối với người lớn thì nó cũng có thể khó khăn đối với trẻ nhỏ nữa.
Lời xin lỗi: giải pháp cho những tổn thương trong mối quan hệ
Một lời xin lỗi chân thành là điều không thể thiếu để hòa giải và phục hồi một mối quan hệ. Nó có thể chữa lành những tổn thương, xóa tan cơn giận và hận thù, gỡ bỏ những rào cản về cảm xúc.
Thế nhưng, để lời xin lỗi đem lại hiệu quả như thế, nó không chỉ là câu “Xin lỗi!” ngắn gọn cho có. Theo quyển The Five Languages of Apology (Xin lỗi Sao Cho Đúng) của tác giả Gary Chapman và Jennifer Thomas, có năm yếu tố cơ bản (ngôn ngữ) trong một lời xin lỗi:
1. Bày tỏ sự hối tiếc—“Tôi xin lỗi.” 2. Nhận trách nhiệm—“Tôi đã sai.” 3. Sẵn sàng bù đắp—“Tôi có thể làm gì để khắc phục?” 4. Thật sự ăn năn—“Tôi sẽ cố gắng để không bao giờ lặp lại điều đó.” 5. Cầu xin sự tha thứ—“Bạn có tha thứ cho tôi không?”
Ảnh từ tiki.com
Bị bắt buộc phải xin lỗi?
Một trong những điều cốt yếu “về cách sống, điều cần làm và cách làm” từng được học ở trường mẫu giáo là “nói xin lỗi khi bạn làm tổn thương ai đó”.
Nhưng nhiều phụ huynh chúng ta biết rằng việc ra lệnh cho con xin lỗi không phải lúc nào cũng có được một lời xin lỗi thật lòng và chân thành. Vì vậy, làm thế nào để dạy trẻ nói xin lỗi thật lòng?
Bắt đầu từ việc làm gương
Tương tự như vô số điều khác trong nuôi dạy con cái, tấm gương của chúng ta là điều tối quan trọng. Nếu con chúng ta nghe thấy những lời bào chữa, biện hộ hoặc đổ lỗi cho người khác, sẽ càng khó để dạy các cháu về việc xin lỗi. Nhưng, nếu các cháu nghe chúng ta xin lỗi người bạn đời của mình, bà con, bạn bè, sẽ có nhiều khả năng trẻ học được cách xin lỗi hơn.
Đối diện với trọng trách nuôi dạy con cái, những người bất toàn như chúng ta chắc chắn sẽ có lúc cần xin lỗi con mình. Những lúc như thế, hãy chân thành nói xin lỗi con. Mặc dù điều này có vẻ như làm giảm cái uy của bạn trong mắt con cái, nhưng không phải như thế. Thật ra, các cháu có thể càng tôn trọng chúng ta hơn.
Chịu trách nhiệm
Việc dạy con biết chịu trách nhiệm cũng là điều quan trọng để giúp trẻ học cách xin lỗi. Theo bản năng, trẻ nhỏ thích lập công trong những điều tốt và tích cực mà mình làm được. Chúng ta có thể thường xuyên nghe từ “Con” từ miệng các cháu: “Con đánh răng xong rồi!”, “Con vẽ được hình này nè!” Nhưng trẻ lại tránh nhận trách nhiệm với điều sai – “Cái cốc sữa tự nhiên bị đổ ra đấy ạ!”, “Con không biết ai vẽ trên tường nữa!”
Chúng ta sẽ đem đến lợi ích rất lớn cho con khi dạy các cháu chịu trách nhiệm. Hãy dạy trẻ nói lại câu nói của các cháu bằng cách thêm từ “Con” vào. Ví dụ, thay vì nói “Cái bánh bị vỡ rồi” thì là “Con đã làm vỡ cái bánh rồi”. Làm điều này ngay cả trong những tình huống vô thưởng vô phạt, làm từ khi trẻ còn nhỏ, khi trẻ mới vừa tập nói thành câu. Điều đó sẽ giúp trẻ học cách chịu trách nhiệm cho lời nói và hành động của mình.
Chúng ta sẽ đem đến lợi ích rất lớn cho con khi dạy các cháu chịu trách nhiệm.
Điều chúng ta nói hay làm đều ảnh hưởng đến người khác
Ngoài việc chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của mình, trẻ cần học biết rằng những điều các cháu nói hay làm đều ảnh hưởng đến người khác. Các cháu có thể làm mẹ mình hạnh phúc, làm anh chị mình buồn… Đây là điều quan trọng để giúp trẻ học cách đồng cảm và quan tâm đến người khác. Hãy dạy trẻ thường xuyên về “Quy tắc vàng”: “bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ” (sách Ma-thi-ơ chương 7 câu 12).
Rất quan trọng để trẻ học biết rằng cuộc sống đầy những nguyên tắc và luật lệ – đây không chỉ là bài học cho trẻ mà còn cho cả người lớn, cho tất cả mọi người! Ngoài Quy tắc vàng, hãy dạy trẻ về Mười điều răn mà Chúa ban cho chúng ta, về những nội quy trong gia đình, luật lệ ngoài xã hội.
Cũng cần dạy trẻ biết rằng các quy tắc là vì lợi ích của chúng ta. Ví dụ, khi đang lái xe, chúng ta phải tuân thủ luật giao thông để giữ an toàn cho tất cả mọi người. Nếu không tuân theo luật, những điều xấu có thể xảy ra (Ai đó có thể bị thương nếu chúng ta không dừng lại theo tín hiệu). Đảm bảo rằng các nội quy trong gia đình bạn được thực hiện cách liên tục, nhất quán và yêu thương.
Nói xin lỗi
Nếu chúng ta đã thiết lập một nền tảng đúng đắn – làm gương tốt, dạy trẻ chịu trách nhiệm về lời nói và hành động, dạy trẻ biết điều mình nói hay làm có thể làm tổn thương người khác – khi ấy, chúng ta có thể yêu cầu trẻ xin lỗi. Khi trẻ làm sai với anh chị em hoặc bạn mình, hãy giải thích rằng khi làm tổn thương ai đó, chúng ta cần nói “Xin lỗi”. Các cháu cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng xin lỗi là cách để hòa giải với người khác.
Đồng thời, trẻ cũng có thể bắt đầu học biết rằng việc xin lỗi (ăn năn) là cần thiết khi chúng ta không vâng lời Chúa, để chúng ta có thể khôi phục mối liên hệ với Ngài.
Nuôi dạy con là một điều thách thức. Luôn có những bất đồng giữa các phụ huynh về việc đâu mới là cách kỷ luật con đúng. Thế thì đâu là nền tảng đúng đắn cho sự kỷ luật?
Ảnh từ pexels.com
Có rất nhiều tranh cãi mỗi khi nói đến trẻ em và sự kỷ luật. Kỷ luật có nhiều hình thức khác nhau, được thực hiện theo những cách khác nhau và xuất phát từ những động cơ khác nhau – một số đúng, một số không đúng.
Sự kỷ luật yêu thương luôn có chỗ đứng trong việc nuôi dạy trẻ. Khi được thực hành đúng đắn, nó sẽ giúp con bạn trở nên tự tin, độc lập và có thể tuân thủ theo những hướng dẫn, quy tắc của cha mẹ. Phụ huynh nên tìm ra cách kỷ luật tốt nhất và phù hợp nhất với con mình, đây là điều thách thức.
Công cụ đúng đắn cho một công việc đúng đắn
Điều quan trọng là phụ huynh chọn được hình thức kỷ luật phù hợp với con. Mọi trẻ đều học hỏi theo những cách khác nhau, vậy nên đối với sự kỷ luật, cũng là một công cụ để dạy dỗ, điều quan trọng là chúng ta biết cách sử dụng công cụ này để trẻ có thể hiểu.
Đôi khi, vấn đề là trẻ chỉ không hiểu những hướng dẫn và cần được chỉ dạy. Ví dụ, nếu quy tắc thường trực trong gia đình là mọi thứ đồ chơi đều phải được cất vào hộp sau khi chơi xong thì trẻ nên được giải thích về tầm quan trọng của quy định này. Phụ huynh có thể giải thích về tính nguy hiểm khi để đồ chơi nhỏ bừa bãi trên sàn nhà.
Cũng quan trọng để trẻ hiểu được hậu quả sẽ xảy ra khi không tuân theo hướng dẫn. Nếu hậu quả là không được chơi các món đồ chơi đó trong một ngày thì chúng ta cần đảm bảo thực hiện đúng như vậy, không nên thêm vào những hậu quả hay hình phạt khác. Sự nhất quán là điều then chốt đối với cả phụ huynh lẫn trẻ nhỏ.
Phụ huynh phải lưu ý là không được phạt trẻ trong cơn giận. Sự nóng giận không bao giờ là nền tảng tốt cho sự kỷ luật. Hãy nhớ rằng đôi khi trẻ cần được huấn luyện thêm hoặc làm mẫu để có thể hiểu được tầm quan trọng của quy định.
Phụ huynh cần tự hỏi bản thân: “Mình muốn con học được điều gì từ trải nghiệm này?” Cha mẹ nào cũng muốn con cái chịu trách nhiệm và giải trình về hành vi của mình, nhưng chính họ cũng phải sử dụng hình thức kỷ luật khôn ngoan và có trách nhiệm.
Ảnh từ pexels.com
Kỷ luật là một sự đầu tư
Có câu nói: “Dạy kiến thức mà không dạy đạo đức là đang tạo ra một mối nguy cho xã hội”.
Đôi khi, điều ý nghĩa nhất lại là điều thách thức nhất, và kỷ luật rơi vào thể loại này. Sự kỷ luật có thể là công cụ mà phụ huynh ít muốn dùng đến nhất, nhưng lại là thứ có thể dần dần đem lại kết quả mong muốn trong việc nuôi dạy con cái.
Khi phụ huynh đưa ra các nội quy trong gia đình và những quy tắc đạo đức đối với trẻ nhỏ thì cũng nên nói cho trẻ biết về vai trò của sự kỷ luật.
Kỷ luật là một sự đầu tư vì lợi ích của con cái chúng ta. Nếu chúng ta chần chừ hoặc không kỷ luật con thì đến lúc, chúng ta không nhìn thấy được kết quả mà mình mong muốn ở con. Những người chỉ ngồi chờ con cái họ đưa ra quyết định đúng đắn, trong khi lại không có sự kỷ luật con, thì có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc con họ không biết thế nào là tinh thần trách nhiệm, sự giải trình và đạo đức.
Nếu bạn có từ hai con trở lên, khả năng ngôi nhà của bạn trở nên náo loạn sẽ càng tăng nếu không có sự kỷ luật đúng đắn. Dù đã đưa ra những nội quy và trẻ hoàn toàn hiểu rõ, sẽ có những lúc chúng ta bị thất vọng khi trẻ vẫn vi phạm. Điều quan trọng là phản ứng yêu thương nhưng kiên quyết của chúng ta trước những sai phạm của trẻ.
Đức Chúa Trời hoàn hảo của chúng ta vẫn dùng đến sự kỷ luật
Khi nói đến vấn đề kỷ luật, sẽ khôn ngoan khi học từ tấm gương của bậc Phụ Huynh vĩ đại và hoàn hảo nhất: Đức Chúa Trời. Khao khát của Cha Thiên Thượng là con cái Ngài sẽ trưởng thành và thịnh vượng. Kinh Thánh nói về điều này như sự kết quả. Chính vì tình yêu dành cho chúng ta nên Chúa không ngại dùng đến sự kỷ luật như một phương tiện để làm chúng ta phải chú ý và trở lại tập trung vâng lời Ngài.
Trước giả sách Châm Ngôn nhắc nhở: “Hỡi con ta, chớ khinh sự sửa phạt của Đức Chúa Trời, đừng buồn lòng khi Ngài quở trách. Vì Chúa yêu thương ai thì trách phạt nấy. Như một người cha đối với con trai yêu dấu của mình” (sách Châm Ngôn chương 3 câu 11–12; câu này được nhắc lại trong sách Hê-bơ-rơ chương 12 câu 5–6).
Ảnh từ pexels.com
Chúa không thích thú với việc kỷ luật chúng ta, nhưng Ngài đang nhìn về lợi ích tương lai của con cái Ngài (mọi phụ huynh cũng nên như thế). Ngài muốn điều tốt nhất cho con cái Ngài và sẵn sàng can thiệp để giúp chúng ta đạt đến tiềm năng lớn nhất của mình. Những phụ huynh tận tâm sẽ luôn ghi nhớ điều này và áp dụng hình thức kỷ luật cần thiết với con, cho dù họ không muốn. Khao khát muốn giúp đỡ và phục vụ con cái nên lớn hơn bất kỳ sự chần chừ nào phụ huynh đang cảm thấy.
Chúa biết việc kỷ luật và sửa dạy con cái khó khăn với cha mẹ tương tự như với đứa trẻ. Kinh Thánh chép: “Tất cả sự sửa phạt lúc này dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng,nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy” (sách Hê-bơ-rơ chương 12 câu 11).
Chúng ta đã nói rằng kỷ luật như một sự đầu tư, Kinh Thánh cũng xác nhận điều này qua việc nói rằng nó mang lại hành vi mong muốn trong tương lai. Sự nhất quán là điều thiết yếu khi thực hành sự kỷ luật. Theo Bob Lancer, tác giả của quyển Parenting With Love, Without Anger or Stress (tạm dịch: Nuôi dạy con bằng tình yêu, không phải bằng sự nóng giận hay căng thẳng), trẻ có thể học chịu trách nhiệm từ khi còn nhỏ và phụ huynh nên có sự kỳ vọng vui mừng này.
Sự thay đổi đáng kinh ngạc
Các bậc cha mẹ được khuyên rằng: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó” (sách Châm Ngôn chương 22 câu 6). Có một niềm thỏa mãn lớn lao khi, sau nhiều năm tháng dạy dỗ, hướng dẫn, bao gồm cả việc kỷ luật, một đứa trẻ bắt đầu dầm thấm những điều được dạy và thể hiện trong nếp sống của mình mà không cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ.
Khi con cái chúng ta biết tự đánh giá hành động của mình đúng-sai, tốt-xấu, các cháu đang sử dụng công cụ đánh giá đã được truyền từ cha mẹ. Những trẻ được dạy dỗ và kỷ luật đúng đắn sẽ có được một nền tảng vững chắc mỗi khi đối diện với thách thức trong cuộc sống và không bị áp đảo. Các cháu sẽ vận dụng những gì mình được dạy và thực hành theo suốt đời.
Khi có con cái, trách nhiệm của chúng ta là phải nuôi dạy con mình. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ con cái có thể dạy ngược lại chúng ta những bài học quý giá về việc trở nên giống như trẻ thơ không?
Ảnh từ pexels.com
Mọi thứ luôn có trật tự của nó. Tôi thật sự tin rằng các phụ huynh cần phải dạy con mình trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm và có khả năng thành công.
Nhưng phải chăng trẻ thơ cũng có thể trở thành người thầy của chúng ta?
Khi nhìn lại, tôi nhận thấy những hành động của trẻ thơ thường đem đến cho tôi những bài học cuộc sống không có trong sách vở. Ngay cả Chúa Giê-xu cũng dạy rằng chúng ta nên “trở nên như trẻ thơ” (sách Mathiơ chương 18 câu 3) và “vương quốc thiên đàng thuộc về những người giống như các trẻ thơ” (chương 19 câu 14).
Tôi xin được chia sẻ năm câu chuyện rất ý nghĩa đã đụng chạm trái tim tôi, khiến tôi phải suy nghĩ và làm tôi muốn trở nên giống như trẻ thơ hơn.
1. Tin như trẻ thơ
Một trong những kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là trải nghiệm của hai đứa con tôi khi còn nhỏ cùng với cái xô làm vườn đựng đất đỏ và vòi nước tưới cây. Đó là một buổi sáng mùa hè nóng nực, nhưng hai đứa đã lên kế hoạch từ trước. Các cháu ăn vội bữa sáng rồi kéo nhau ra ngoài bằng cửa sau, hướng về cái ga-ra xe cũ kỹ.
Thằng anh cầm một cái xẻng nhỏ, đưa cái xô làm vườn cho em gái nó, rồi cả hai đi về phía vườn nhà ông nội. Hai đứa trẻ tỏ ra rất quyết tâm, cặm cụi xúc đất cho vào được nửa xô, rồi hè nhau xách cái xô đi tới trạm tiếp theo là chỗ có vòi nước tưới cây. Một đứa mở khóa nước để đầu vòi xịt ra dòng nước chảy vào xô, làm mềm những cục đất sét. Chẳng mấy chốc, hai đứa đã có được một hỗn hợp đất sét đặc quánh như ý.
Tôi nhìn theo hai con mà nổi máu tò mò. Tôi hỏi các con đang làm gì. Bạn có biết câu trả lời là gì không? Hai đứa đang cố gắng tạo ra một người đất sét và đặt tên là Ông Sình.
Chẳng là chúng tôi vừa mới đọc cho con nghe truyện “Chúa tạo dựng nên A-đam”, nên hai đứa đang hào hứng tái hiện lại câu chuyện. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng Ông Sình của các cháu vẫn không nên được hình hài, và hoàn toàn vô hồn.
Bài học cuộc sống: Tâm trí trẻ thơ không thắc mắc hoài nghi. Trẻ tin đúng theo những gì Kinh Thánh nói. Điều trẻ nhanh chóng học được đó là có những việc chỉ Đức Chúa Trời mới làm được.
Điều tôi rút ra được là: Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời có thể bắt đầu từ tuổi đời rất sớm và qua những điều rất nhỏ bé, nhưng sự hiểu biết chỉ chín chắn khi có những trải nghiệm và khám phá.
Ảnh từ pexels.com
2. Hào phóng như trẻ thơ
Cách đây vài năm, một trong những cháu gái của chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho một buổi nhóm đặc biệt trong hội thánh. Mọi người sẽ dâng hiến và cháu muốn được dự phần. Con bé đã cẩn thận in ra một bức thư gửi đến Chúa, cuối thư ghi “Con yêu Chúa”, sau đó gấp lại cẩn thận, đặt ngay ngắn trong một phong bì và cất đi chờ đến ngày dâng hiến thì cháu sẽ để vào đó thêm một tờ tiền..
Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Cả gia đình đang trên đường đến nhà thờ thì cháu gái chúng tôi đột nhiên òa khóc. Cháu đã quên để tờ tiền vào trong chiếc phong bì quý giá đó! Mẹ cháu đã cố gắng dỗ con, bảo rằng cháu không cần tờ tiền đâu vì cháu đang có bốn đồng 25 xu, vậy là tương đương rồi.
Nhưng con bé lại càng nước mắt tuôn rơi, nằng nặc bảo rằng phải có tờ tiền. Rõ ràng tâm trí non trẻ của cháu nghĩ rằng Chúa thích tiền giấy hơn là đồng xu cho nên cháu phải có được tiền giấy.
Ngay khi vừa đến nhà thờ, con dâu của tôi đã tìm được một người sẵn sàng đổi tờ tiền để lấy bốn đồng xu. Cơn khủng hoảng đã được giải quyết. Cô cháu gái của chúng tôi hạnh phúc đặt phúc đặt chiếc phong bì có bức thư và tờ tiền của mình vào trong hộp dâng hiến. Tôi có thể hình dung Chúa đang mỉm cười như thế nào.Bài học cuộc sống: Sự việc này nhắc nhở tôi rằng dâng hiến không phải là một hành động tùy tiện, nhưng đòi hỏi sự lên kế hoạch và mục đích, cũng như nó phải xuất phát từ tận đáy tấm lòng.
3. Tin cậy như trẻ thơ
Điều gắn liền với bà J. dường như luôn là sự cầu nguyện. Đối với bà, việc được con, cháu, ngay cả chắt, nhờ bà cầu nguyện là điều hết sức bình thường.
Cách đây không lâu, bà nhận được một cuộc điện thoại từ cháu gái bảo rằng cô bị mất một thứ rất quý giá, đó là viên kim cương gắn trên chiếc nhẫn đính hôn của cô. Cô và con gái Alex nhỏ đã tìm suốt mấy ngày, dùng đèn pin rọi khắp ngõ ngách trong ngôi nhà mà vẫn không tìm được. “Bà ơi, bà có thể cầu nguyện giúp cháu được không?” “Tất nhiên là được chứ!”
Ngày hôm sau, cô chắt gái 5 tuổi, Alex đã đến thăm nhà bà cố và kể cho bà nghe mẹ cô bé đã buồn và thất vọng thế nào vì không tìm được viên kim cương bị mất. “Bà cố ơi, bà cầu nguyện để mẹ cháu tìm ra viên kim cương được không?”, cô bé hỏi với vẻ mặt rất nghiêm túc.
Bà J. kéo cô bé ngồi lên đùi mình và cả hai cùng cúi đầu dâng lên Chúa một lời cầu nguyện rất đơn giản.
Một ngày sau, bà J. nhận một cú điện thoại và nghe ở đầu dây bên kia báo một tin mà bà vẫn mong đợi: “Bà ơi, chúng cháu tìm được viên kim cương rồi!” Bà J. trả lời: “Tất nhiên rồi. Chúa đang xây dựng đức tin cho con gái của cháu, chắt gái của bà đấy!”
Sau này, bà J. nói với tôi rằng chắc chắn phải là Chúa đáp lời cầu nguyện của họ, bởi vì viên kim cương được tìm thấy sát mép của nắp cống trong nhà tắm. Nó đã có thể bị nước cuốn đi bất cứ lúc nào mà không ai hay biết. Thay vì thế, Chúa đã nghe lời cầu nguyện, và đúng lúc thích hợp, Ngài nhậm lời cầu nguyện đơn giản của một bà cố cùng bé chắt gái.
Bài học cuộc sống: Đức tin không chỉ có thể dời núi, ngay cả đức tin của một bé gái và bà cố của bé cũng có thể khôi phục lại những thứ đã bị mất. Không điều gì là quá nhỏ bé, cũng không ai quá trẻ ha quá già mà Chúa không quan tâm đến.
Ảnh từ pexels.com
4. Lạc quan như trẻ thơ
Vào đầu những năm 50, nước Mỹ phải đối mặt với sự bùng phát của căn bệnh rất kinh khiếp và không có thuốc chữa: bệnh bại liệt. Trong suốt một năm gọi là đỉnh điểm của dịch bệnh, có 3000 người phải chết và hàng nghìn người bị tàn tật, phần nhiều là trẻ em.
Lúc tôi gặp Linda, một em gái xinh xắn với đôi mắt xanh đáng yêu, em đang phải nằm trong phổi sắt, một chiếc thùng kim loại được thiết kế như máy trợ thở cho bệnh nhân bại liệt, giúp họ hít thở dựa vào sự thay đổi áp suất không khí đều đặn trong thùng. Em chỉ có thể nói mỗi khi chiếc máy làm em thở ra, vậy nên cuộc trò chuyện của chúng tôi buộc phải theo nhịp điệu của máy thở. Lúc ấy, tôi đang là một tình nguyện viên trẻ trong bệnh viện, người ta gọi chúng tôi là “kẹo que”, và một trong những nhiệm vụ của tôi là thường xuyên đến thăm khu bệnh nhi, đặc biệt là Linda.
Mỗi ngày, Linda được phép ra khỏi máy thở một lúc. Đó là thời điểm chúng tôi có thể nói chuyện nhiều nhất. Thỉnh thoảng, chúng tôi trò chuyện về những đứa trẻ khác trong khu bệnh, thỉnh thoảng nói chuyện cá nhân hơn.
Một lần nọ, Linda tâm sự với tôi rằng cô bé muốn trở thành một diễn viên múa ba-lê khi khỏi bệnh. Mắt em ánh lên niềm phấn khởi khi nói đến dự định của mình. Vấn đề là trên cả cơ thể em lúc ấy, chỉ có một bộ phận còn cử động được là ngón tay út, còn lại đều đã bị tê liệt hoàn toàn.
Bài học cuộc sống: Khi nghĩ đến Linda, tôi nhận ra rằng ngay cả những ngày tháng đen tối nhất cũng có thể được thắp sáng bởi những tia hy vọng và lạc quan. Tôi cũng tha thiết cầu nguyện cho ngày mà vương quốc Đức Chúa Trời sẽ đến cách trọn vẹn và những bệnh tật kinh khủng ấy sẽ được chữa lành (sách Ê-sai chương 35 câu 5-6).
Không điều gì là quá nhỏ bé, cũng không ai quá trẻ hay quá già mà Chúa không quan tâm đến.
5. Khiêm nhường như trẻ thơ
Thật bình thường khi các môn đồ của Chúa Giê-xu nhìn vào Ngài như một hiện thân của quyền phép. Thử nghĩ đến những phép lạ mà họ đã chứng kiến xem, như sự chữa lành người bệnh, trục xuất ma quỷ, quy phục thiên nhiên bão tố và nhiều điều khác… tất cả đều được thực hiện trong tích tắc. Ngay cả bản thân họ cũng được Chúa sai phái ra đi thực hiện những điều tương tự (sách Ma-thi-ơ chương 10).
Thông qua vô số phép lạ, mọi điều liên quan đến Người Thầy của họ đều thể hiện nên sự cai trị và kiểm soát trước bất kỳ đối thủ nào. Cuối cùng, họ dự đoán rằng Ngài sẽ thiết lập vương quốc Đức Chúa Trời mà các tiên tri đã dự ngôn trong sức mạnh và uy quyền, còn họ thì sát cánh bên cạnh.
Điều mà họ không nhận thức được đó là động cơ thật sự của Chúa Giê-xu: Ngài đến thế gian để phục vụ con người chứ không phải để được phục vụ (sách Mác chương 10 câu 45). Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi các môn đồ rơi vào vòng xoáy của những suy đoán và tranh chấp quyền lực nảy lửa xem ai sẽ là người cao trọng nhất trong vương quốc Thiên Đàng (sách Ma-thi-ơ chương 18 câu 1). Đã đến lúc phải dùng một đối tượng cụ thể để dạy họ một bài học.
“Ngài gọi một đứa trẻ đến, để đứng giữa các môn đồ và nói: ‘Thật, Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như trẻ thơ, các con sẽ không bao giờ được vào vương quốc thiên đàng đâu. Vậy, người nào khiêm nhường như đứa trẻ này sẽ là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng. Còn ai vì danh Ta tiếp một đứa trẻ như thế nầy tức là tiếp Ta’” (câu 2–5)
Thử hình dung những môn đồ, tất cả những người có cá tính mạnh, quyết liệt và hùng hổ ấy sẽ nghĩ gì khi nghe những lời này?
Người ta có thể nói gì về một đứa trẻ? Không địa vị, không quyền lực, không có gì để kiêu ngạo, không tham vọng, không mưu mô. Quả thật, tất cả những gì một đứa trẻ có thể làm là học hỏi, tin cậy và vâng phục. Đó chính xác là điều Chúa Giê-xu muốn nói đến.
Thật là một bài học đáng nhớ cho các môn đồ!
Bài học cuộc sống: Bài học lớn nhất là sự hạ mình trước mặt Chúa như một đứa trẻ, và đây là bài học kéo dài cả đời.“Người ta đem trẻ thơ đến với Đức Chúa Giê-xu để được Ngài đặt tay trên chúng, nhưng các môn đồ trách họ. Thấy vậy, Ngài giận và bảo các môn đồ: ‘Hãy để trẻ thơ đến cùng Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những ai giống như các trẻ thơ ấy. Thật, Ta bảo các con, ai không tiếp nhận vương quốc Đức Chúa Trời như một đứa trẻ thì sẽ không vào đó được.’ Rồi Ngài ẵm những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng và ban phước cho chúng” (sách Mác chương 10 câu 13–16; sách Lu-ca chương 18 câu 15–17).
Có thể con bạn còn quá nhỏ để được cho tiền, nhưng bé không còn quá nhỏ để được dạy cách tiếp cận tiền bạc đúng đắn vốn là điều quan trọng.
Ảnh từ lifehopeandtruth.com
Đã bao giờ bạn nghe về bài thơ “Trí thông minh (Smart) trong tuyển tập thơ Where the Sidewalk Ends, tạm dịch Tận cùng của lối đi, của nhà thơ Shel Silverstein chưa? Nó bắt đầu như sau:
“Bố cho tớ tờ một đô-la Vì tớ là con thông minh nhất Tớ đem đổi hai đồng 25 xu Vì tất nhiên hai nhiều hơn một!”
Cậu con trai “thông minh” này đã tiếp tục thương vụ “làm giàu” của mình, bằng cách đổi hai đồng 25 xu để lấy ba đồng 10 xu, rồi lại đổi thành bốn đồng 5 xu, cuối cùng đổi lấy năm đồng 1 xu! Bài thơ kết luận:
“Tớ đem tiền đi khoe với bố Mặt bố từ từ đỏ bừng lên Bố nhắm mắt và lắc lắc đầu Bố tự hào không nói nên câu!”
Người ta có thể tự hỏi liệu ông bố này có quá vội cho tiền cậu con trai “thông minh nhất đời” trước khi cậu thực sự sẵn sàng hay không? Nhưng ngay cả khi con bạn chưa biết giá trị của các loại tiền, bạn vẫn có thể bắt đầu dạy con cách quản lý tiền bạc có trách nhiệm.
Tất cả đều tùy thuộc vào bạn!
Dù có nhận ra hay không, rất có thể bạn đã bắt đầu dạy những bài học về tài chính cho con mình rồi đấy! Trong vai trò làm cha mẹ, cách quản lý tiền bạc của bạn là nền tảng cho mọi bài học tài chính khác. Thái độ và cách tiếp cận của bạn đối với tiền bạc sẽ tác động đến con cái.
Ngay từ khi còn nhỏ, con bạn nên nhìn thấy bạn là một người kỹ lưỡng khi mua sắm. Hãy dạy bé giúp bạn lập danh sách nhu yếu phẩm và giải thích tại sao gia đình cần mua những thứ ấy. Hãy cho con thấy bạn lên kế hoạch cho những thứ sẽ mua chứ không phải mua sắm một cách bốc đồng. Hãy dạy con sự khác biệt giữa “điều mình muốn” và “điều mình cần”.
Khi con lớn, bạn có thể nhờ con giúp so sánh các vật phẩm, bằng cách chỉ con cách xem dung tích của một hộp sản phẩm (không phải cứ nhìn hộp to hơn là chứa nhiều hơn!), loại nào tốt cho sức khỏe, loại nào có giá tốt hơn. Bạn cũng có thể dạy con nhận thức về những quảng cáo trên truyền hình và cách mà các nhà quảng cáo luôn cố gắng làm người ta mua sản phẩm của họ.
Nếu bạn có sự tiết độ và cẩn thận trong cách sử dụng tiền, nhiều khả năng con bạn cũng sẽ học được những đức tính đó!
Bạn cũng có thể làm gương về tính kiên nhẫn trong việc mua sắm. Hãy nói với con: “Khoan mua đã con. Hãy chờ đến khi nó được giảm giá!” Nên nhớ, nếu bạn có sự tiết độ và cẩn thận trong cách sử dụng tiền, nhiều khả năng con bạn cũng sẽ học được những đức tính đó!
Tiền không mọc trên cây!
Một khái niệm căn bản khác để giới thiệu với con là tiền đến từ đâu. (Nó không thực sự rõ ràng như chúng ta nghĩ đâu!) Hãy giải thích cho con biết rằng mọi người phải làm việc để kiếm tiền, lý do kiếm tiền là để mua những thứ chúng ta cần. Điều quan trọng là phải giải thích rằng Chúa là Đấng ban cho chúng ta sức khỏe và giúp chúng ta làm việc, sản xuất. Tiền chúng ta kiếm được có liên quan đến nỗ lực và sự siêng năng của chúng ta, như sách Châm Ngôn chương 10 câu 4 có nói, nhưng trên hết, Chúa mới là Đấng ban cho của cải (câu 22)
Chắc chắn bạn cũng cần xóa bỏ những hiểu lầm về thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, vì nó dễ dàng khiến trẻ nghĩ đó là tiền miễn phí hoặc muốn xài bao nhiêu cũng được. Chúng ta đang dần trở thành một xã hội không dùng đến tiền mặt, nhưng hãy cố gắng sử dụng tiền mặt bất cứ khi nào có con ở cùng bạn.
Khi buộc phải sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của mình, hãy đưa ra lời giải thích đơn giản về cách thức hoạt động của nó. Thẻ tín dụng tượng trưng cho số tiền mà bạn hứa sẽ trả lại sau này. Thẻ ghi nợ tượng trưng cho việc trừ vào khoản tiền bạn đã nộp vào tài khoản ngân hàng trước đó để trả trực tiếp cho cửa hàng hoặc nhà hàng. Có thể phải mất một thời gian thì con bạn mới thực sự hiểu, nhưng cứ giải thích dần dần.
Chúa là Đấng ban cho chúng ta sức khỏe và giúp chúng ta làm việc, sản xuất.
Con bạn nên học biết rằng tiền là một nguồn có giới hạn. Sẽ tốt cho trẻ khi nghe bạn nói: “Chúng ta không có đủ tiền để mua nó”, “Chúng ta không có tiền cho nó”. Cũng có những lúc bạn nói: “Chúng ta đang để dành để mua (cái gì đó)!” Con bạn nên biết rằng có thể tiêu tiền trong hiện tại, nhưng việc tiết kiệm cho sau này cũng là điều quan trọng.
Trẻ em cấp tiểu học đã có thể học về khái niệm lập ngân sách. Bạn có thể minh họa cách hoạt động của ngân sách trong chính ngôi nhà của mình bằng cách sử dụng tiền đồ chơi lấy từ một trò chơi như Cờ tỷ phú. Gom một đống tờ tiền tượng trưng cho thu nhập của gia đình mỗi tháng, sau đó để riêng ra các khoản thanh toán như tiền thuê nhà, điện, nước, tiền chợ, xăng…
Luôn nhớ ban cho
Tất nhiên, chúng ta không muốn nuôi dạy con trở thành người keo kiệt. Khi hiểu rằng tính ích kỷ không bao giờ dẫn đến sự giàu có thật (sách Châm Ngôn 11:24-26), chúng ta sẽ muốn con mình không chỉ học cách xài tiền kỹ lưỡng mà còn có sự hào phóng đúng đắn. Bạn có thể cho con thấy cách gia đình bạn dùng tiền để mua quà, để giúp đỡ người khác hoặc cho những công tác có ý nghĩa. Hãy dạy trẻ biết rằng một trong những lý do chúng ta làm việc và kiếm tiền là để có thể giúp đỡ người gặp khó khăn (sách Ê-phê-sô 4:28).
Đặc biệt, là Cơ Đốc nhân, chúng ta muốn làm gương cho con về thái độ tôn kính Chúa với số tiền mà Chúa giao cho mình. Hãy dạy con biết rằng Chúa là nguồn của mọi ơn phước về tài chính và gia đình bạn luôn để Ngài là Đấng Tư Vấn tài chính cho gia đình.