Những thay đổi tích cực mà đại dịch đem đến ngoài cố gắng của con người

Nguồn: rgb.vn

Đại dịch SAR-CoV-2 là cơ hội cho mỗi chúng ta ngồi xuống, nhìn lại với cái nhìn toàn diện hơn.

Tính đến ngày 25/3, trên toàn thế giới đã có khoảng 400.000 người nhiễm bệnh, 17.000 người tử vong vì virus Covid-19 và hàng triệu người đang được cách li theo dõi. Cả thế giới đang gồng mình chống dịch, với rất nhiều người, dịch bệnh là một thảm họa cho nhân loại. Dù vậy, đại dịch cũng là cơ hội cho mỗi chúng ta ngồi xuống, nhìn lại với cái nhìn toàn diện hơn. Hãy xem để thấy rằng bên cạnh những tan thương, nó cũng đang mang lại những thay đổi tích cực ngoài cố gắng của con người!

1. Ô nhiễm môi trường được quét đi như không
Suốt nhiều năm, các nhà chức trách, các tổ chức môi trường, những người yêu môi trường tha thiết kêu gọi mọi người giảm tiêu thụ, giảm sản xuất, giảm xả thải, giảm du lịch ồ ạt để giảm lượng chất thải ra môi trường. Hàng triệu dự án, công trình, phong trào chung tay hành động giảm gánh nặng cho môi trường. Dù như thế thì môi trường vẫn phải oằn mình với ô nhiễm. Nhưng khi đại dịch xảy ra, con người tạm vắng mặt thì trái đất được nghỉ ngơi, môi trường trở nên trong lành hơn.

Trung Quốc, quốc gia được xem là nơi khởi đầu của dịch bệnh, trước khi xảy ra dịch bệnh, màu vàng của khí NO2 (Nitơ điôxít, khí độc màu nâu đỏ là một chất gây ô nhiễm không khí) bao trùm lên bầu khí quyển. Tuy nhiên bầu không khí của Trung Quốc được vệ tinh của NASA và ESA chụp lại từ ngày 10-25/2, lúc này khoảng hơn 1000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, thì bầu trời đã trong xanh hơn. Các chuyên gia ước tính lượng khí NO2 đã giảm 35% so với cùng kì năm 2019.

Hình ảnh nồng độ NO2 (màu vàng) tại Trung Quốc trước và trong đại dịch.
Nguồn ảnh: NASA

Còn ở Ý, đang là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất châu Âu, thì chỉ sau vài ngày vắng những chiếc thuyền du lịch, vắng bóng con người dòng sông Venice đã trong xanh trở lại sau hơn 60 năm qua. Dù dịch bệnh là điều không ai muốn, nhưng theo hướng tích cực có thể thấy nó đang cứu lấy môi trường. Dịch bệnh nguy hiểm nhưng ít nhất chúng ta đang được hít thở không khí trong lành hơn. Đại dịch là tai họa, nhưng cũng là cơ hội để ta thức tỉnh về cách con người đã đang đối xử với Trái Đất.

Hình ảnh nồng độ NO2 tại Tây Âu từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020.
Nguồn ảnh: European Space Agency

2. Buộc phải chăm sóc cho sức khỏe của cá nhân
Đối diện với đại dịch, chúng ta đã thật sự hiểu rõ một điều: sức khỏe quý hơn vàng. Vì trong lúc này, dù có bao nhiêu tiền bạc, của cải đi nữa cũng chưa chắc đảm bảo chúng ta được an toàn giữa đại dịch. Ngày thường, chúng ta đã bỏ bê sức khỏe thế nào? Ăn uống thiếu hợp lí, lười biếng luyện tập, làm việc quá sức, mải mê kiếm tiền, sử dụng bia rượu, chất kích thích, chìm vào những cuộc vui thâu đêm… Phải chăng khi có nhiều sức khỏe nhất, thì chúng ta lại tàn phá nó để rồi khi đại dịch xảy ra chẳng còn sức để kháng virus. Đại dịch xảy ra là lúc để chúng ta sống chậm lại, có thời gian để suy nghĩ về giá trị của sức khỏe, là lúc chúng ta buộc phải chăm sóc cho sức khỏe của bản thân. Nếu không tự bảo vệ chính mình thì không ai có thể bảo đảm cho chúng ta khỏe mạnh. Sức khỏe là lá chắn an toàn giúp chúng ta bước qua đại dịch. Bản thân mỗi người khỏe mạnh thì gia đình khỏe mạnh, mỗi gia đình khỏe mạnh thì cộng đồng sẽ khỏe mạnh.

Nguồn: Kênh14

3. Thời gian buộc cha mẹ gần con cái mình hơn
Dịch bệnh bùng nổ, trường học đóng cửa, học sinh được nghỉ học. Điều đó có nghĩa là cha mẹ phải dành thời gian chăm lo cho con cái mình nhiều hơn. Lúc trước, nhiều cha mẹ dường như giao trách nhiệm dạy dỗ, chăm sóc con cái cho nhà trường thầy cô thì khi trường học đóng cửa nhiều phụ huynh căng thẳng, than thở vì không biết gửi con ở đâu, lấy thời gian đâu để chăm con? Nhưng chúng ta nên nhớ rằng gia đình phải là nơi đầu tiên và cần thiết nhất, an toàn nhất của những đứa trẻ trong bất kì hoàn cảnh nào. Không gì là không thể vì chỉ cần tình yêu và trách nhiệm cha mẹ sẽ tìm được giải pháp để có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Nhờ những ngày dịch bệnh cha mẹ có thời gian chơi với con, học với con, tâm sự với con để hiểu con hơn. Bữa cơm gia đình cũng ấm áp, đông đủ hơn vì con không bận đi học thêm, bố không bận đi gặp đối tác… Gia đình được gần nhau hơn và thấu hiểu nhau hơn. Dịch bệnh giúp chúng ta biết yêu quý gia đình hơn, biết quan tâm, chăm sóc đến những người thân của mình.

Nguồn ảnh: Unsplash

4. Cá nhân và cộng đồng, gia tăng ý thức về độ ảnh hưởng, thúc đẩy nhau đóng góp
Có lẽ ngoài chiến tranh thì đại dịch chính là lúc con người cần sự đồng lòng nhất. Chúng ta hiểu rằng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này thì không một ai được đứng ngoài cuộc bởi virus không ngoại lệ bất kì ai. Đại dịch giúp chúng ta hiểu rằng tất cả mọi người đều có kết nối với nhau ảnh hưởng lẫn nhau, mỗi người là một mắt xích trong xã hội vì vậy không thể sống tách rời cộng đồng. Nếu như chúng ta an toàn mà những người xung quanh lây nhiễm dịch bệnh thì liệu rằng chúng có an toàn không? Đại dịch cho chúng ta thấy ý thức cá nhân quan trọng như thế nào, thấy được được những tấm lòng cao cả, những con người chịu hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng…. Cũng từ đó mỗi người chúng ta biết chấp nhận chịu thiệt thòi một chút, nhường nhịn nhau một chút, bớt than thở, bớt chỉ trích… mà thay vào đó là động viên nhau, giúp đỡ nhau vượt qua dịch bệnh. Đại dịch gửi đến thông điệp cho nhân loại về sự chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ vệ lẫn nhau và quan tâm lẫn nhau.

Nguồn: Tiền phong

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng chúng ta không thể tránh khỏi vì nó đang lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu. Bên cạnh những đau thương, lo lắng dịch bệnh đã, đang và sẽ mang đến, chúng ta hãy nhìn đến những điều tích cực để biết trân trọng cuộc sống này. Chúng ta không thể biết ngày mai dịch bệnh có lây lan đến bên cạnh mình hay không vì vậy hãy nắm giữ thời gian mình đang có, sống tích cực ngay chính hôm nay. Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, hãy bảo vệ bản thân và cộng đồng được an toàn bước qua đại dịch để có thể sống ý nghĩa hơn, tích cực hơn trong những ngày về sau.

Nguồn: Báo Lao Động

bởi Phan Uyên

SỨC KHỎE MÙA DỊCH: XÔNG HƠI – CÁCH ĐÃ THÔNG ĐƯỜNG HÔ HẤP

Giữa đại dịch viêm đường hô hấp do Virus corona mới – Covid-19 đang diễn biến tạp gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, mỗi người trong chúng ta cần có ý thức phòng chống, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình tránh khỏi dịch bệnh. Ngoài những khuyến cáo của Bộ Y tế thì phương pháp xông hơi sẽ giúp đã thông đường hô hấp, tăng cường sức khỏe.

Nguồn ảnh: Internet

Xông hơi vốn là cách trị bệnh cảm lạnh rất quen thuộc của người Việt Nam. Xông hơi giúp sưởi ấm cơ thể, sát trùng đường hô hấp, làm loãng dịch mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô giúp thông thoáng đường hô hấp , giảm nghẹt mũi và các triệu chứng của bệnh viêm xoang. Như chúng ta đã biết Corona là virus liên quan đến đường hô hấp vì vậy việc xông hơi đã thông đường hô hấp sẽ phần nào giúp ngăn chặn sự lây nhiễm của virus corona.

Xông hơi chữa khó thở
Xông hơi sẽ đưa không khí ẩm và ấm vào phổi qua mũi và họng, từ đó làm giãn xoang, giúp cho bạn dễ thở hơn. Hơi ẩm và ấm cũng sẽ thu nhỏ dịch nhầy, khiến nó dễ dàng bị đẩy ra hơn. Việc này sẽ làm thông mũi, làm dịu sổ mũi và hắt hơi. Xông hơi cũng giúp bôi trơn đường hô hấp bị kích ứng, vì thế sẽ giúp giảm sự khó chịu ở mũi.

Xông hơi chữa đau đầu
Xông hơi giúp giảm bớt áp lực tích tụ trong xoang, làm dịu lớp màng nhầy và giúp thông mũi, từ đó cũng giúp giảm đau đầu. Ngoài ra, xông hơi còn gia tăng độ ẩm cho hốc mũi, giúp giảm dịch nhầy và giảm tắc mũi giúp giảm cơn đau đầu.

Xông hơi giảm căng thẳng
Nhiệt độ ấm từ hơi nước giúp cơ thể giải phóng các endorphin, một chất hóa học cho cảm giác thoải mái, giúp giảm đi rất nhiều ảnh hưởng của sự căng thẳng. Ngoài ra, endorphin cũng giúp bạn ngủ yên giấc hơn.Trên hết, nhiệt độ ấm của hơi nước gia tăng lưu thông máu, giúp thư giãn các cơ. Hơn nữa, nhiệt độ cao của hơi nước làm thông thoáng đường thở, giúp cải thiện hô hấp hỗ trợ trong việc thư giãn tinh thần và cơ thể.

Xông hơi giúp thải độc
Khi xông hơi, hơi nóng khiến đổ mồ hôi, giúp đẩy hết những độc tố ra khỏi cơ thể. Trên thực tế, xông hơi khoảng 15 phút có thể giải thoát cơ thể khỏi mồ hôi và những sản phẩm thải. Ngoài ra, hơi nước cũng gây ra một hiện tượng được gọi là sự giảm nhiệt của cơ thể, ở đó các virus, vi khuẩn và những độc tố khác không thể sống sót.

Ngoài tốt cho sức khỏe xông hơi còn giúp cải thiện tóc và làn da.

Cách xông hơi tại nhà hiệu quả:
– Nguyên liệu gồm có: sả, gừng đập dập, chanh hoặc vỏ bưởi, cam, một ít muối hột để giữ nhiệt lâu hơn.
– Bỏ tất cả nguyên liệu vào máy xông mặt hoặc nồi nước nhỏ đậy kín nắp, đun sôi cho ra tinh dầu.
– Đặt nồi xông trên mộ mặt phẳng chắc chắn.
– Trùm một tấm khăn tắm qua đầu giống như một chiếc lều để giữ hơi nước lại bên trong.
– Cúi mặt và hít hơi nước phía trên nồi xông.
– Thời gian xông từ 15-20 phút

Có thể thấy xông hơi là một liệu pháp đa năng cho vấn đề sức khỏe mà lại rất đơn giản, dễ làm và ít tốn kém. Thực hiện phương pháp xông hơi đều đặn một tuần từ 2 – 3 lần, mỗi lần từ 15-20 phút để để bảo vệ và tăng cường sức khỏe trong mùa dịch bệnh.


bởi Phan Uyên

Mùa Xuân bất tận

Theo vòng tuần hoàn của thời gian, mùa Đông đi qua, mùa Xuân lại về. Không lạnh giá như mùa Đông, không nắng chói chang như mùa Hè, không man mác buồn như mùa Thu, mùa Xuân mang không khí ấm áp, dịu hiền và tươi vui. Nơi nơi đều đón Xuân, vui Xuân và tận hưởng những vẻ đẹp tươi mới, trong lành của thiên nhiên mà Tạo Hóa ban tặng cho loài người. Nhưng mùa Xuân của đất trời rồi cũng sẽ nhanh chóng trôi qua, vậy chúng ta sẽ tìm nơi đâu để có được một mùa Xuân bất tận?

Nguồn ảnh: unsplash

Mùa Xuân của đất trời
Xuân đến, Xuân đi Xuân lại về“. Mùa Xuân đến như một liều thuốc cho vạn vật trở nên tươi tốt, đứng hẳn lên phô bày toàn diện vẻ đẹp huy hoàng và sức sống sung mãn của mình. Những cây cối trơ cành đầy sương giá của mùa Đông đã được thay một màu áo mới xanh tươi. Đàn chim đi trú rét phương xa cũng ríu rít trở về chao nghiêng trên bầu trời. Hoa mai, hoa đào và muôn loài hoa khác cũng đua nhau khoe sắc dưới nắng xuân. Bàn tay của Tạo Hóa đã khéo léo điểm tô cho mùa Xuân những sắc màu rực rỡ, ấm áp nhất. Nếu như một ngày nào đó mùa Xuân không đến thì có lẽ vạn vật sẽ u buồn biết mấy. Mùa Xuân không tự đến cũng không tự mất đi nhưng nó được sắp đặt và được tể trị bởi quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Thiên nhiên vũ trụ chính là quyển sách nói với chúng ta về Đấng Tạo Hóa và chính Ngài là tác giả của quyển sách ấy.

Mùa Xuân của tâm hồn
Cũng giống như những cây cỏ, chim muông mùa Xuân cũng mang đến cho con người biết bao niềm vui, hạnh phúc. Thời điểm kỳ diệu của mùa Xuân khiến tâm hồn người ta bừng lên sự sống mới. Người ta vẫn thường hay ví mùa Xuân với tuổi trẻ của đời người. Dù cho đang ở độ tuổi nào đi nữa, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ước ao luôn có được những những tuổi xuân vui tươi trong cuộc đời. Mùa Xuân thiên nhiên chỉ đến một lần trong năm, tuổi xuân của con người cũng chỉ có hạn. Nhưng ở đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về mùa Xuân trong tâm hồn chính là thời gian vui tươi hạnh phúc và tràn đầy sức sống mà mọi người được hưởng. Ai cũng mong muốn có được tuổi xuân trong sức khỏe, trong tâm hồn, trong tình cảm cũng như tuổi xuân trong việc làm. Tuy nhiên trong thực tế thì mùa Xuân đến rồi cũng sẽ đi trong cuộc đời.

Vậy thì làm thế nào để có mùa Xuân mãi mãi? Và quan trọng hơn là làm thế nào để có được mùa Xuân đó?

Tuy mùa Xuân của thiên nhiên đã về với mọi nơi, với mọi người nhưng cũng vẫn còn những nơi u buồn, lạnh lẽo vì không có Chúa Xuân.

Ba yếu tố quan trọng của mùa Xuân là sự sống, thay đổitươi mới. Vào mùa Đông thì cây trụi lá, có những cây trông giống như những cành khô nhưng khi Xuân về cây sẽ đâm chồi, nứt lộc. Bởi lẽ sự sống đã tiềm tàng trong những cành khô ấy. Thay đổi từ bên trong, thể hiện ra bên ngoài và đem lại kết quả tươi đẹp. Đời sống con người cũng vậy, chúng ta cần có sự sống, để rồi có thay đổi và sẽ luôn luôn tươi mới.

Nguồn ảnh: pixabay

Sự sống thì ai trong chúng ta cũng có. Nhưng sống ở đây là sự sống thật, sự sống viên mãn, sống với đầy ý nghĩa như mùa Xuân. Để có mùa Xuân trong tâm hồn, điều đầu tiên chúng ta cần có là sự sống, sự sống đến từ Thiên Chúa vì Ngài chính là Nguồn sống. Thiên Chúa không chỉ tạo dựng nên mùa Xuân của đất trời mà còn mang đến mùa Xuân cho cuộc đời con người. Thiên nhiên cần mùa Xuân, con người cũng cần mùa Xuân nhưng không thể tự tạo ra mùa Xuân. Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể mang đến cho nhân loại mùa Xuân, biến đổi những tâm hồn băng giá trở nên mùa Xuân ấm áp. Ngài đến để trút đi gánh nặng của những linh hồn khổ đau trong tội lỗi. Ngài đến để đem sự sống mới dư dật, đem bình an cho những ai đón nhận Ngài. Chính Thiên Chúa là mùa Xuân, là Chúa Xuân của vạn vật, và nhân loại. Sự hiện diện của Thiên Chúa như mùa Xuân bừng dậy trong lòng những kẻ tin nhận Ngài. Nỗi thống khổ nặng nề trong tội lỗi được vứt bỏ, bình an và hy vọng trong tình yêu Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa tuôn trào trong những ai tìm cầu và tôn thờ Ngài. Đón Thiên Chúa vào lòng cuộc đời sẽ tự nhiên được thay đổi như cây cỏ đến mùa Xuân thì được thay đổi. Sự thay đổi này mang tính cách liên tục, cho nên đời sống sẽ luôn luôn tươi mới, lúc nào cũng là mùa Xuân. Mùa Xuân bắt đầu với đức tin nơi Thiên Chúa và chỉ kết thúc trong cõi vĩnh hằng. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết “Xuân chưa tới nghĩa là Xuân đang qua” nhưng có một điều khác, mùa Xuân trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, là mùa Xuân bất tận còn mãi trong tâm hồn. Nếu trong lòng có mùa Xuân thì mỗi ngày mới đến đều là một ngày Xuân.

Tuy mùa Xuân của thiên nhiên đã về với mọi nơi, với mọi người nhưng cũng vẫn còn những nơi u buồn, lạnh lẽo vì không có Chúa Xuân. Trong những ngày Xuân chúng ta vui tươi, hạnh phúc nhưng khi Xuân qua đi tâm hồn lại trở nên u hoài. Một cuộc đời cũ kĩ cần được làm tươi mới lại như cành cây ra đâm chồi nảy lộc vào mùa Xuân.

Vì vậy hãy mời Chúa của mùa Xuân vào lòng để cuộc đời được đổi thay và luôn tươi mới như mùa Xuân. Tận hưởng mùa Xuân của thiên nhiên, và mùa Xuân trong tâm hồn mà Thượng Đế ban tặng cho con người. Mùa Xuân chỉ thật sự trọn vẹn khi trong lòng có Thiên Chúa của mùa Xuân ngự trị.


bởi Phan Uyên

Giáng Sinh và món quà vô giá

Những cơn gió đông đã tràn về, tiết trời đã lạnh giá… vậy là một mùa Giáng Sinh nữa lại về.  Những ngày này, đâu đâu cũng lấp lánh ánh điện, trái châu lung linh sắc màu trên những cây thông nô-en. Khắp mọi nẻo đường đều nhộn nhịp không khí của mùa Giáng Sinh. Mọi người háo hức chuẩn bị những món quà đặc biệt để dành tặng cho những người thân yêu. Tùy theo đối tượng để chúng ta chọn loại quà thích hợp, có giá trị xứng đáng để trao tặng. Mỗi món quà được trao tặng đều có thể quy đổi bằng giá trị tiền bạc, vật chất. Nhưng bạn biết không, có một món quà được gọi là vô giá do Thượng Đế ban tặng cho con người cách đây 2019 năm.

Nguồn ảnh: Unsplash

Tục lệ tặng quà Giáng Sinh có lẽ đã bắt nguồn từ mùa Giáng Sinh đầu tiên, khi các nhà thông thái đi theo vì sao sáng để tìm Chúa Hài Nhi và khi gặp Ngài họ đã dâng cho Ngài những lễ vật đặc biệt. Giáng Sinh luôn luôn đi đôi với những món quà vì mùa kỷ niệm Chúa Giáng Sinh là mùa của tình thương và những món quà. Tình thương đó là tình thương lớn của Thiên Chúa đối với con người và món quà đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con của Thiên Chúa. Món quà vô giá ấy tất nhiên không thể tìm thấy ở trần gian, không thể mua được bằng tiền bạc bởi vì món quà đó đến từ thiên thượng. Chúa Giê-xu giáng sinh để đem đến cho nhân loại món quà yêu thương và Ngài cũng chính là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho con người.

Khi nhắc đến hai chữ Giáng Sinh nghĩa là chúng ta đang nhắc đến sự kiện trọng đại trong lịch sử nhân loại. Chúa Giê-xu, Con của Đức Chúa Trời đã đến trần gian qua trinh nữ Ma-ri. Trong đêm hài nhi Giê-xu được sinh ra tại tiểu thôn Bết-lê-hem, một nhóm mục đồng nghèo khổ đang yên lặng canh giữ bầy chiên trên cánh đồng bên cạnh. Trong đêm đó, bầu trời cũng đầy sao vằng vặc, như muôn ngàn đêm khác đã trôi qua. Nhưng những gì xảy ra trong đêm đó, không những biến đổi cuộc đời của những kẻ chăn chiên này, nhưng cũng biến đổi cuộc đời của hàng tỷ tỷ người khác trên thế giới. Thế giới không còn như xưa nữa kể từ đêm Giáng Sinh ấy. Vì bỗng nhiên, ánh sáng chói lòa trên không, một thiên sứ của Thiên Chúa hiện ra và nói với những người chăn chiên. Điều này dường như không thể tin được, khiến họ vô cùng sợ hãi. “Đừng sợ, tôi đến báo cho các anh một tin mừng. Tin này sẽ đem lại niềm vui lớn cho mọi người. Đêm nay, Chúa Cứu Thế, Đấng Cứu Tinh của nhân loại đã ra đời tại thành phố của Đa-vít…” Thiên sứ báo tin rằng Giáng Sinh sẽ đem lại “niềm vui lớn cho mọi người”. Điều gì khiến Giáng Sinh trở thành niềm vui lớn cho mọi người? Bởi Chúa Giê-xu giáng sinh đã mang đến cho loài người một món quà quý giá. 

Món quà Giáng Sinh của Thượng Đế có ba đặc tính thật độc đáo mà không một món quà nào khác trên thế gian có được như vậy. Đây là món quà đắt giá nhất mà bạn và tôi có thể nhận được. Phải, đây là món quà vô giá vì chính Con Trời đã phải hy sinh chính mạng sống mình để ban tặng món quà này đến cho nhân loại. Đây là món quà duy nhất có giá trị đến vĩnh viễn, là món quà duy nhất có giá trị cho đến đời đời. Đây là món quà hữu dụng nhất, vì chúng ta có thể sử dụng món quà này mỗi ngày trong suốt cả quãng đời còn lại.

Ngài vui lòng lìa thiên đàng cao sang để xuống trần làm người là bởi tình yêu thương con người đang hư mất trong tội lỗi. Chúa Giê-xu xuống trần gian để cứu con người chúng ta ra khỏi tội lỗi và đó là ý nghĩa của hai chữ Giáng Sinh. Thiên Chúa sinh ra làm người, chịu chết để cứu người và để ban cho con người sự sống vĩnh cửu. Ngài giáng thế để ban cho con người sự tha thứ về quá khứ tội lỗi, sự đổi mới đời sống ở hiện tại, và sự sống đời đời ở tương lai.

Món quà đến từ thiên đàng chắc chắn là món quà đặc biệt nhất trong tất cả những món quà. Bởi món quà ấy được tặng cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, không phân biệt sang hèn. Chỉ cần ai bằng lòng đón nhận thì món quà sẽ thuộc về người đó. Tuyệt vời thay đã có hàng tỷ người trên thế giới này đã nhận món quà ấy và khám phá được những điều kì diệu. Bởi khi tiếp nhận món quà cũng có nghĩa là chúng ta tiếp nhận Chúa Cứu Thế và mời Ngài ngự vào cuộc đời mình, chúng ta sẽ kinh nghiệm được niềm vui và bình an tuyệt vời, là điều không món quà nào trên đời này, cũng không một người nào trên đời này có thể đem đến cho chúng ta. Chúa Giê-xu – món quà đến từ thiên đàng sẽ mang đến cho nhân loại những điều kì diệu đến từ  thiên đàng.

“Ngày xưa còn thơ tôi thầm mơ đến đêm giáng sinh
Hạnh phúc với những món quà bé xinh, dễ thương
Nào ngờ đâu chính đêm đông này một hài nhi sinh ra cho trần thế
Ðó mới chính là món quà yêu thương…”

Chúng ta phải chăng là những người con hoang đàng?

Dục vọng, ham muốn đang là ông chủ điều khiển cuộc đời rất nhiều người. Những ảo ảnh tốt-đẹp“chỉ mang đến sự no thỏa ngắn ngủi, khỏa lấp trong chốc lát. Nhưng chúng cướp đi giá trị thật, giá trị làm con một người cha giàu có.

Ảnh bởi Ron Hinson trên ronhinson.net

Một câu chuyện

Ở vùng nọ, có một người cha sống cùng hai con trai. Người con lớn làm việc đồng áng; người em trai tính lười biếng, lúc nào cũng nghĩ đến vui chơi, hưởng thụ. Tuy không phải làm lụng nhiều, vẫn được no đủ, nhưng con trai út không thỏa lòng, cứ mơ ước được ra thành phố để vui chơi cho thỏa thích. Một hôm người con út đến yêu cầu người cha chia gia tài cho anh. Dù đau lòng, nhưng người cha cũng phân chia tài sản cho các con.

Người con út được cầm tiền trong tay nên vui vẻ lắm, anh sung sướng mang cả phần gia tài đi đến thành phố. Ở đó, chàng tự do ăn chơi, tiêu xài tiền bạc phung phí. Anh kết bạn với những bạn bè xấu, và bị lôi kéo vào những chỗ ăn chơi trác táng, vùi đầu vào những buổi tiệc tùng truy hoan, ca hát, rượu chè, cờ bạc… Vì tiêu xài phung phí nên chẳng bao lâu tiền của hết sạch, bạn bè cũng dần chán ngán rời bỏ anh. Anh không còn tiền thậm chí để mua thức ăn.

Ảnh bởi Alexas trên Pixabay

Lúc ấy trong vùng đó lại gặp nạn đói lớn. Một mình sống trong một thành phố xa lạ, không gia đình, bà con, không một người bạn nào giúp đỡ, cũng không có một đồng trong túi, không nghề nghiệp. Túng quẫn quá, không biết làm gì, anh đành xin nuôi heo mướn để sống qua ngày. Có hôm bị đói quá, anh muốn lấy rau cho heo ăn để ăn cho đỡ đói mà không ai cho. Khi rời nhà người cha, anh ăn mặc sang chảnh, tiền đầy túi, quay lưng bước ra khỏi nhà. Bây giờ gương mặt hốc hác, quần áo xộc xệt, hôi hám, người ốm o gầy mòn, đầy chán nản, thất vọng và tủi nhục.

Ngồi bên đàn heo, suy sụp, tan nát, đói khát,… anh nghĩ đến gia đình, nghĩ đến người cha của mình. Anh tỉnh thức lại và nghĩ thầm “Trong nhà cha mình những người giúp việc có đồ ăn đồ mặc no ấm, mà mình ở đây phải chết đói.” Anh suy tính trong đầu kế hoạch trở về nhà, chọn lời lẽ để nói xin cha mình tha thứ. Và anh thật đã đứng dậy quay về nhà.

Một cái kết

Không như sự vô cảm của các con mình, người cha hàng ngày vẫn ngóng trông người con út. Vì khi người con út vừa về đến đầu con đường dẫn vào nhà, thì người cha đã thấy và chạy ra đón anh. Ông vui mừng ôm cổ anh. Trong hổ thẹn, mặc cảm, nghẹn ngào anh run rẩy nói “Cha ơi, con đã có tội với trời và với cha, không đáng được gọi là con của cha nữa.”

Vượt lên khỏi những xấu hổ của anh con út, người cha gọi cho những người giúp việc trong nhà “Mau lấy quần áo cho nó thay! Rồi bắt con bê mập mần thịt đi! Nhà mình hôm nay ăn tiệc lớn! Vì con trai ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được.” Bạn bè và cả gia đình đã ăn bữa tiệc lớn.

Câu hỏi: Người con út muốn được chia tài sản, dù cho cha của anh vẫn còn sống? Đang sống trong cảnh giàu sang, no đủ cớ sao người con trai út lại quyết định bỏ nhà ra đi?…

Đó là vì anh bị những điều tưởng chừng “là-tốt-là-đẹp” lôi cuốn, hấp dẫn. Anh đi đến một nơi phồn hoa, được sống tự do không khuôn khổ ràng buộc, được sống phóng túng, được chơi bời thỏa thích trong những trò lạc thú, những cuộc truy hoan. Đồng tiền, phương tiện để anh đạt được những dục vọng, đã trở thành ông chủ điều khiển anh. Vật chất và những lạc thú là những ảo ảnh mê hoặc đứng đằng sau, đã thúc đẩy anh quyết định cách tàn nhẫn và ích kỷ. Anh đã tôn thờ những ham muốn, dục vọngđể chúng cầm dây cương điều khiển cuộc đời.

Ảnh bởi Alexas trên Pixabay

Những “ảo ảnh tốt-đẹp” đó chỉ mang đến cho anh sự no thỏa ngắn ngủi, khỏa lấp anh trong chốc lát. Nhưng chúng cướp đi giá trị thật của anh, giá trị làm người con của một người cha giàu có. Anh đã trở nên nghèo khó và bần hèn. Anh đánh mất đi gia đình, mất đi người cha yêu thương anh. Chính vì theo đuổi những “ảo ảnh tốt-đẹp” này đã đẩy anh rơi vào cùng khốn, đói khát, và bế tắc. Những gì anh từng nghĩ là hạnh phúc cuối cùng hóa ra là vô nghĩa. Dục vọng như một chiếc bong bóng nhìn rất to, rất đẹp và rất lấp lánh nhưng bên trong lại rỗng tuếch. Cuối cùng, cái bong bóng ấy cũng bị vỡ.

Lời kết

Câu chuyện của người con trai hoang đàng này có lẽ cũng là câu chuyện của mỗi chúng ta. Chúng ta thấy đâu đó có bóng dáng của bản thân chúng ta. Đôi khi trong cuộc sống chúng ta không phân biệt đâu là những giá trị thật cần nắm giữ và đâu là những giá trị hư ảo nhưng đầy quyến rũ. Chúng ta thường chạy theo những dục vọng, ham muốn của bản thân, sẵn sàng đánh đổi những no đủ hạnh phúc bền vững để nhận lấy xấu hổ, đói khát, khốn cùng. Hãy tỉnh thức lại hỡi những người con!


bởi Phan Uyên

“Con nhà người ta” là ai mà làm cho “con nhà mình” khổ?

Khi còn trong bụng mẹ mỗi đứa trẻ đã được cha mẹ gửi gắm biết bao kỳ vọng. Đến khi vừa chào đời đứa ấy lại phải gánh vác bao nhiêu ước mơ và hoài bão của cha mẹ. Kỳ vọng đó của cha mẹ được đặt trong một câu nói mà có lẽ đứa trẻ nào cũng thuộc lòng “Có nhìn thấy con nhà người ta không?”

Ảnh bởi Unsplash

Gánh nặng ảo tưởng

Ngày nay, ngoài gánh nặng bài vở các em học sinh đều mang trong mình nỗi ám ảnh mang tên “con nhà người ta”. Một ngày của các em từ sáng đến tối gắn liền với việc học ở trường, học ở lớp học thêm, khi về đến nhà các em lại được cha mẹ nhắc nhở vào bàn học bài. Thời gian biểu như thế cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác. Các em đều mệt mỏi khi đến lớp, được hỏi tại sao đi học nhiều vậy thì hầu hết các em đều trả lời “em bị ba mẹ ép đi học”, “ba mẹ muốn em học giỏi bằng con nhà người ta”, “ba mẹ suốt ngày đem con nhà người ta ra so sánh với em…”.

Cha mẹ luôn muốn con phải học trường điểm, thúc ép con phải học thật giỏi, con phải luôn đạt thành tích cao, luôn đứng đầu bảng, con phải học bằng “con nhà người ta”. Cha mẹ luôn bắt con học ngày, học đêm và hầu nhưng chẳng bao giờ thỏa mãn với thành tích của con. Không chỉ về học hành nhiều cha mẹ còn đặt ra tiêu chuẩn về nghề nghiệp.Con nhà người ta làm ngân hàng, công ty lớn, sao con lại nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ việc……?” là câu hỏi của không ít ông bố, bà mẹ Việt Nam đặt ra cho con mình. Con phải làm việc ở những ngành nghề, những nơi danh giá, sang trọng, hoặc kiếm nhiều tiền. Không những thế, về những mối quan hệ bạn bè nhiều cha mẹ muốn con phải chơi với những bạn “con nhà giàu, có chức quyền… có như vậy con mới bằng con nhà người ta.

“Con nhà người ta” là ai?

Nghe rất quen thuộc nhưng vẫn là một nhân vật bí ẩn, không có tên gọi rõ ràng, không có thông tin cha mẹ, không có địa chỉ nơi ở… Nó chỉ đơn giản tồn tại là cái cân để cha mẹ đong-đo so-sánh với con của mình. “Con nhà người ta” một hình tượng vô hình nhưng đã được lí tưởng hóa, đại diện cho tham vọng cha mẹ theo đuổi nhưng lại áp đặt lên con cái. Phải chăng con cái là cứu cánh cho cha mẹ dùng để tiếp tục đeo đuổi sùng bái một hào quang toàn hảo về danh vọng, tiền tàicha mẹ đã thất bại để đạt được trong cuộc đời họ?

Ảnh bởi Unsplash

Cha mẹ đặt lên con cái một kỳ vọng, một hình tượng mẫu mực nhưng mơ hồ, mà chúng phải theo, với tên gọi “con nhà người ta”. Những ước muốn đó của ba mẹ đã trở thành những áp lực cho con cái. Áp lực “con nhà người ta” trở thành chiếc bóng đè nặng lên những đứa trẻ bé bỏng. Ngày qua ngày những chiếc bóng ấy tạo ra những mặc cảm tự ti, trở thành một sự sợ hãi vô hình, nghĩ mình là một con người kém giá trị, làm tăng thêm hẫng hụt, stress kéo dài. Hệ lụy có thể là những trường hợp con cái phản ứng hung bạo, trầm cảm, bỏ nhà đi bụi, tự tử… Không phải kỳ vọng của ba mẹ càng lớn thì sẽ khiến con cái càng phải cố gắng hơn, phải nỗ lực hơn nhưng ngược lại nó đang là tảng đá nặng đè những đứa trẻ ngã quỵ.

Tấm gương cha mẹ?

Tại sao cha mẹ không là gương mẫu mà phải là “con nhà người ta”? Vì sự toàn hảo đó không có thực, cha mẹ cũng không làm được nhưng cha mẹ luôn ép con phải phải đạt được những gì ba mẹ muốn. Sức người có hạn và khả năng của mỗi người là không giống nhau. Đừng quên rằng cha mẹ là những kiểu mẫu cho con cái noi theo. “Con nhà người ta” cũng chỉ là ảo ảnh không phải là tấm gương để con cái noi theo.

Phải chăng vì quá lo lắng cho tương lai của con trong một xã hội mang tính cạnh tranh cao? Hay do chính cha mẹ đã làm được và thành công nên muốn con cái cũng đạt được điều tương tự? Hay là cha mẹ muốn con hoàn thành những ước mơ còn dang dở của mình trước đây? Cha mẹ ảo tưởng về khả năng của con cái hay do thái độ cầu toàn của cha mẹ?

Ảnh bởi Unsplash

Hãy giải phóng chúng!

Các bậc cha mẹ cần nhận ra rằng con cái cần được tự do khỏi mọi chuẩn mực ảo, để chúng được phát triển cách tự nhiên với mọi phẩm chất mà chúng được thiên phú. Cha mẹ cần từ bỏ sự áp đặt trên con cái “phải” thế này, “phải” thế kia, không hiểu rằng khi so sánh con cái mình với “con nhà người ta” sẽ khiến chúng thấy bế tắc. Chúng không còn biết chính chúng nữa, thậm chí là bỏ cuộc vì thấy mình yếu kém.

Thế nên, trong danh của tình yêu vô điều kiện, các ông bố, bà mẹ hãy lắng nghe con cái mình nhiều hơn, tôn trọng những khao khát của con, thậm chí là chấp nhận những yếu đuối của chúng. Đừng để “con nhà người ta” làm khổ chính “con nhà mình” nữa.


bởi Phan Uyên

Bộ lọc gương mặt nào cho bạn?

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình lại không hài lòng với chính gương mặt của mình?

Một người khi được sinh ra đời có những điều không được lựa chọn đó là: cha mẹ, nơi sinh ra và gương mặt (hay diện mạo)… Nhưng trong đó gương mặt là điều có thể thay đổi được. Vì vậy, từ xưa đến nay con người thường tìm kiếm cho mình những phương cách chỉnh sửa hay/và làm đẹp qua trang điểm (make-up), và qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Ảnh bởi Unsplash


Chiếc gương soi

Có lẽ nó là người bạn chân thật nhất, bởi nó phản chiếu chân thật hình ảnh của bạn. Khi nhìn vào gương bạn có thấy thích hình ảnh của mình không? Bạn thấy thích vì đó là gương mặt chân thật nhất của bản thân? Bạn thấy vui, thấy tự hào vì gương mặt đó có nét giống cha và mẹ? Đâu đó trong bạn không mấy làm hài lòng với gương mặt ấy vì chiếc mũi không cao, đôi mắt không to, đôi môi không quyến rũ?… Những khuyết điểm đó bạn thấy mình không đẹp, không hoàn hảo, thậm chí là xấu hổ, chán ghét và sợ người khác nhìn thấy gương mặt thật của chính mình.

Qua bộ lọc

Bạn tìm cách để chỉnh sửa khuôn mặt của mình để đẹp hơn trong mắt người khác, đẹp hơn theo cách bản thân mình muốn. Nhiều người chọn đến phẫu thuật thẩm mỹ, chấp nhận vẻ đẹp dao kéo với phương châm “thà đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên”. Bạn phẫu thuật để chỉnh hình theo một khuôn mẫu nào đó, như những con búp bê có đường nét cơ thể uyển chuyển và một khuôn mặt có sức hút tuyệt đối hay là khuôn mẫu chung theo số đông người cho là đẹp, là thời thượng…

Các trang mạng xã hội facebook, instagram… là nơi mọi người “khoe” diện mạo của mình. Vậy là ai ai cũng chăm chỉ post những tấm ảnh xinh đẹp nhất, lộng lẫy nhất để nhận được những lời khen, những cái ‘like’. Những tấm ảnh chụp gương mặt chân thật được thay thế bằng những tấm ảnh selfie, chụp và chỉnh sửa ảnh bằng các ứng dụng làm đẹp, bộ lọc khuôn mặt rồi đăng tải lên facebook… Việc chụp hình “sống ảo” trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Những tấm tấm ảnh đăng trên facebook và gương mặt mộc ở ngoài khác nhau rất nhiều thậm chí là khác hoàn toàn.

Gần đây một vlogger nổi tiếng của Trung Quốc được biết đến với cái tên “Nữ thần Qiao Biluo” đã bị lộ gương mặt thật của mình khi đang livestream với các fan. Khi bộ lọc mờ dần và gương mặt thật của “nữ thần” đã bị lộ, không còn là một “nữ thần” có mái tóc dài, gương mặt khả ái nữa mà thay vào đó là một phụ nữ lớn tuổi không ai nhận ra. Không chỉ riêng “Nữ thần Qiao Biluo” mà rất nhiều các live-streamer nổi tiếng đã sử dụng kỹ thuật trang điểm và bộ lọc để tạo ra khuôn mặt hoàn toàn khác. Những kỹ thuật này giúp các vlogger có nét mặt đẹp nổi bật, không tì vết mà vẫn có một sự tương đồng với hình dáng ngoài đời thực. Một số vlogger thậm chí còn dùng phương pháp trang điểm đậm để tạo ra xương đòn và cơ bụng giả. Tất cả những vẻ đẹp mọi người trầm trồ cũng chỉ là sự giả tạo.

Ảnh bởi Unsplash

Tương quan hay tương phản

Mong muốn có một vẻ bề ngoài đẹp đẽ không có gì là sai, nhưng điều quan trọng là đằng sau gương mặt đẹp đẽ ấy là ai? Nếu một người có gương mặt đẹp nhưng bên trong tấm lòng đầy xấu xa thì liệu rằng có được xem là người đẹp toàn hảo? Một gương mặt bằng phẫu thuật thẩm mỹ, một lớp trang điểm đậm, một tấm ảnh chỉnh sửa kĩ lưỡng, một vẻ đẹp nhân tạo sẽ lưu lại được gì? Vẻ đẹp duy nhất còn tồn tại chính là tấm lòng con người bên trong của bạn.


bởi Phan Uyên

Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh

Khi được hỏi yếu tố nào ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách của con trẻ chắc chắn ai cũng dễ dàng trả lời là xã hội và gia đình. Tuy nhiên chính gia đình mới là nền móng quan trọng nhất ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Và cha mẹ chính là hình mẫu để con cái noi theo. Các bậc tiền nhân xưa đã có câu nói rất hay “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Ảnh bởi Steve Shreve trên Unsplash

Ở đây “con nhà tông” là nói đến đứa trẻ được sinh ra mang trong mình dòng máu của cha mẹ. Cha mẹ là người yêu thương, chăm sóc, dưỡng dục đứa bé lớn khôn. Cũng chính vì vậy mà cha mẹ có sự ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách của trẻ. Cũng chính vì vậy mà đứa trẻ “không giống lông cũng giống cánh” với cha mẹ. Cái giống ở đây có thể là giống về ngoại hình song cũng có thể là nét giống về tính cách. Như vậy, đã là con thì cũng sẽ có những điều giống cha mẹ.

Mỗi đứa trẻ khi sinh ra vốn là trang giấy trắng tinh khiết. Cha mẹ chính là những người đặt những nét vẽ đầu tiên trên trang giấy đó. Cha mẹ vẽ những gì thì nó sẽ in đậm, thấm sâu vào trang giấy đó mãi mãi. Cuộc đời trẻ sau này sẽ bắt đầu từ những nét vẽ tốt đẹp hay xấu xí đó. Tâm lý và tính cách của trẻ cũng từ đó mà thành. Trẻ từ khi lọt lòng, được sống trong gia đình gương mẫu, được chăm sóc tận tình trong vòng tay những người thân yêu sẽ lớn lên thành một đứa trẻ giàu tình thương và trách nhiệm. Những đứa trẻ này về sau là những người tự tin, tự chủ, tử tế… Cuộc sống tương lai sau này cũng sẽ tốt đẹp hơn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học thì đứa trẻ cũng sẽ ý  thức được vai trò của việc học và chăm chỉ học tập. Con của một nhà văn ít nhiều cũng sẽ có năng khiếu văn học, con của một ca sĩ, nhạc sĩ ít nhiều cũng sẽ có năng khiếu âm nhạc… Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo, cha mẹ sống yêu thương thì con cái cũng sẽ biết yêu thương, cha mẹ giỏi giang con cái cũng sẽ giỏi giang, cha mẹ có phẩm chất tốt thì con cái cũng sẽ có những phẩm chất tốt bởi “hổ phụ sinh hổ tử”.

Một trong những tên chính khách được nhắc đến nhiều nhất thế giới có lẽ là vị tổng thống Hoa Kỳ kiêm tỷ phú Donald Trump. Đằng sau vai trò là vị lãnh đạo một siêu cường quốc thì Donald Trump cũng là một người cha của năm người con. Ngoài cậu út Barron còn nhỏ, bốn người con còn lại đều thành đạt, giỏi giang, được công nhận về tài năng và sự chăm chỉ chưa từng có scandal nào. Trong đó Ivanka Trump hiện là cố vấn thân cận cho ông trong Nhà trắng, con trai cả Donald Jr. cùng con trai thứ Eric cùng nhau tiếp quản công việc ở The Trump Organization. Cô con gái Tiffany của người vợ thứ hai đang theo học Đại học luật Georgetown ở thủ đô Washington… Donald Trump áp dụng nguyên tắc ba không với các con: Không uống rượu, không hút thuốc, không dùng các chất gây nghiện. Bản thân ông làm gương cho các con bằng cách tránh xa loại đồ uống này và luôn nhắc nhở các con về điều đó. Cũng chính vì vậy mà các con ông không bao giờ đến những buổi tiệc rượu. Donald Trump luôn ý thức việc làm gương cho con từ trong cuộc sống hàng ngày, cho tới công việc. Các con ông học được từ cha sự chăm chỉ, nỗ lực hết mình và dành cho ông sự kính trọng đặc biệt. “Cha tôi luôn bảo nếu con yêu những gì con làm và làm việc thực sự, thực sự chăm chỉ, con sẽ thành công”, Ivanka chia sẻ trong cuốn sách Women Who Work – Rewriting the rules for.  

Ngược lại, từ khi ra đời đến lúc ấu thơ, trẻ không may phải sống trong môi trường thiếu sự quan tâm, vỗ về, gia đình bất hòa… sẽ phát triển thiếu cân bằng về tâm lý, cảm xúc. Khi lớn lên, trẻ sẽ cảm thấy tự ti, nhút nhát, sợ sệt. Thành công và hạnh phúc sẽ đến với trẻ khó khăn hơn so với chúng bạn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu vắng tình yêu thương thì đứa trẻ cũng sẽ có trái tim thờ ơ, lạnh lùng hơn những đứa trẻ khác. Mọi người trong gia đình hay tranh cãi, gây gỗ, cáu gắt thậm chí là dùng “nắm đấm” với nhau thì đứa trẻ cũng sẽ có tính nóng nảy, hay cáu gắt, hành xử thô lỗ. Đứa trẻ sống với người cha nát rượu sẽ học biết uống rượu từ sớm; một đứa trẻ sống với người mẹ trộm cắp sẽ sinh ra tính ăn cắp. Một người cha nghiện thuốc lá sẽ không thể cấm con mình hút thuốc, một người mẹ mê cờ bạc không thể cấm con mình đánh bạc. Dù muốn hay không thì những thói xấu của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, phẩm chất của con cái, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là như vậy.

Giống như một cây non, được gieo mầm tốt, được tưới nước hàng ngày, bón phân đúng thời điểm sẽ phát triển nhanh chóng và cho ra những trái ngọt ngào. Còn ngược lại, cây sẽ mau chóng lụi tàn ngay từ khi còn là chồi non. Cha mẹ là tấm gương lớn nhất để con cái nói theo, vì vậy dù không ai là hoàn hảo nhưng trước hết hãy là một người cha người mẹ mẫu mực với các con. Con cái chính là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ bởi “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”

bởi Phan Uyên

Khi hơi thở hóa thinh không: khi sự chết là câu trả lời cho sự sống

“Khi hơi thở hóa thinh không” là cuốn sách viết theo thể loại hồi ký của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi, đồng thời anh cũng là bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối. Lật từng trang sách cũng chính là lật từng trang nhật ký ghi lại những trải nghiệm của tác giả trong suốt hành trình cuộc đời ngắn ngủi. Đan xen trong những trang tự sự là những triết lí về ý nghĩa sự sống và cái chết.

Câu chuyện kể về cuộc đời của Paul Kalanithi – tác giả từ lúc nhận được xét nghiệm, rồi hồi tưởng lại thời gian những năm mười tuổi được mẹ gieo mầm về triết lí đạo đức qua những tác phẩm văn học kinh điển, đến khi chông chênh giữa ngã ba đường chọn trở thành một nhà văn hay theo nghiệp y khoa, tới khi trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tài giỏi, cống hiến hết mình cho y học và cuối cùng là kết thúc trên giường bệnh căn bệnh ung thư phổi quái ác. Đi theo hành trình của tác giả, là đi theo một chuỗi những đấu tranh với cái chết, liệu cái chết có phải là một kết thúc, cái chết có thật sự đáng sợ?

Là bác sĩ, tác giả nhận thức được gánh nặng trên vai mình là giúp những bệnh nhân giành lại sự sống từ sự chết. Trải qua rất nhiều ca mổ, gặp gỡ nhiều bệnh nhân, chứng kiến giây phút sinh tử, hơn ai hết bác sĩ hiểu được không ai trông chờ sự chết, nhưng sự chết thì không trốn tránh bất kỳ ai. Paul hiểu rằng “Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.”

Cuộc đời thì luôn ngắn ngủi và liệu ngày mai bạn có chắc chắn rằng sẽ không đón nhận một tin xấu nhất nào đó vô tình ập đến. Và tin xấu ấy đã ập đến với Paul – từ một bác sĩ trở thành một bệnh nhân của căn bệnh hiểm nghèo; từ một người giúp người khác vượt qua sự chết thì bây giờ trở thành kẻ bị thần chết gọi tên; từ một bác sĩ phẫu thuật thần kinh với mỗi quyết định là một lần nắm giữ sinh mạng của người khác, cho tới khi đã trút bỏ chiếc áo blouse bất lực đấu tranh với thời gian cùng căn bệnh ung thư phổi. Paul chân thành chia sẻ về cuộc chiến chống ung thư, về sự đau đớn, về sự bất lực khi phải ứng phó với cái chết được biết trước của mình. Chống chọi với bệnh tật, Paul đã tự hỏi “Vì sao tôi vốn rất uy quyền trong bộ y phục phòng mổ nhưng lại trở nên rụt rè trong bộ đồ bệnh nhân?” Nhưng Paul không gục ngã, không bỏ cuộc, bởi bên Paul còn có gia đình, có bạn bè, có đồng nghiệp. Qua sự giúp sức của bạn bè, người thân bác sĩ Paul vẫn tiếp tục cống hiến cho đời, sống hết mình với công việc, yêu thương bệnh nhân, cứu giúp những người đang phải đối diện với cái chết. Một bệnh nhân Paul với quỹ thời gian sống chỉ còn ngắn ngủi nhưng vẫn nổ lực sống, sống cho hạnh phúc của người khác và sống cho chính mình. “Là một bác sĩ nội trú, lý tưởng lớn nhất của tôi không phải là cứu người – rốt cục thì ai cũng phải chết. Lý tưởng của tôi nằm ở việc giúp đỡ bệnh nhân và gia đình thấu hiểu về bệnh tật và cái chết.”

Ảnh bởi GALE GETTINGER PHOTOGRAPHY

Cuộc đời vốn dĩ đã có quy luật, ai rồi cũng phải đối mặt với nghịch cảnh, ai rồi sẽ thua cuộc sự chết nhưng điều quan trọng nhất là thái độ, là cách ứng xử của ta trước điều đó. Paul đã không thể vượt qua được căn bệnh, đã không thể trốn thoát sự chết, cũng như chúng ta ai rồi cũng sẽ đối mặt và chấp nhận với điều đó. Đến cuối cùng của một đời người, danh vọng, tiền tài cũng bỏ chúng ta mà đi, bên chúng ta những giây phút cuối vẫn là vòng tay yêu thương của gia đình, của bè bạn. Ở giây phút chia ly sự sống, mọi thứ rồi cũng như gió thoảng mây bay chỉ có tình yêu đích thực, tình chồng vợ, tình cảm gia đình mới tồn tại vĩnh hằng và cảm hóa tất cả. “Sống không phải là để trốn chạy đau thương”, mà sống là khi dám đối mặt với đau thương. Cuộc sống không lường trước được điều gì, vì vậy, từng giây, từng phút hãy sống ý nghĩa, sống có ích, sống cống hiến, sống vì những người thân yêu, sống với ước mơ đời mình và sống là chính mình. Lúc ấy cái chết không còn quá đáng sợ, sự ra đi cũng trở nên nhẹ nhàng tựa thinh không.

Khép lại những trang hồi kí cuối cùng của Paul Kalanithi sẽ giúp độc giả nhận ra con người là một ngôi sao nhỏ bé giữa vũ trụ bao la, ngôi sao đó rồi cũng sẽ đến ngày lụi tàn, nhưng quan trọng nhất, ngôi sao đó đã góp phần tạo nên quỹ đạo của cuộc đời này. Chúng ta không có quyền lựa chọn sự chết nhưng có quyền chọn sống như thế nào để khi kết sống cuộc sống này thì sẽ không có gì phải hối tiếc. Khi thời gian trở nên hữu hạn, khi hơi thở sắp hóa thinh không, thì chết như thế nào không phải là vấn đề nhưng làm thế nào để sống một cuộc đời ý nghĩa mới là điều quan trọng.


bởi Phan Uyên