Bạn sẽ làm gì khi không còn Covid-19?

Công ty tạm ngưng hoạt động, nhiều dự án phải tạm hoãn, cũng như rất nhiều người, tôi rơi vào tình trạng thất nghiệp, trở thành một “đầu bếp” tại nhà. Nhưng, dịch bệnh rồi sẽ qua đi và mọi dự định cá nhân sẽ được tiếp tục.

Ảnh nguồn Pexels, bởi Breakingpie

“Bạn sẽ làm gì trước tiên khi hết dịch?” Đó là câu hỏi rất thực tế mà chúng ta bắt gặp trên các kênh truyền thông xã hội vào những ngày qua. Tuy câu hỏi rất đơn giản, nhưng lại đánh vào đúng tâm lý của nhiều người. Bởi vì tất cả những kế hoạch cho công việc, việc học hay một dự định nào đó cho bản thân trong vài tháng tới… đều phải tạm hoãn vô thời hạn và với “đôi chân thích đi” của tôi thì việc này không mấy dễ dàng.

Tôi vừa tìm được một công việc khá phù hợp với bản thân, tôi yêu thích nó và ấp ủ nhiều dự định trong đầu về công việc này. Ngỡ rằng mọi chuyện sẽ được thuận lợi, nhưng rồi tôi phải dừng lại trong sự tiếc nuối khi chỉ mới bắt đầu công việc được vài tháng. Mặc dù biết rằng, đó không phải là chuyện chỉ riêng mình tôi gặp phải, nhưng chắc chắn là sẽ buồn xen lẫn tiếc nuối.

Vài tháng chỉ là giai đoạn để bắt đầu cho một công việc mới, những mong muốn được cống hiến, thỏa sức đam mê cho công việc… rất nhiều thứ còn dở dang, chưa kịp thực hiện thì tôi đã “bị dừng công việc”. Những dự định cho bản thân cũng từ đó mà tạm ngưng, tâm trạng lúc đó giống như bầu trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ bỗng dưng mây đen kéo đến và rồi một cơn mưa ngang qua. Tôi vẫn tích cực, vì khi một cánh cửa này khép lại thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra, biết đâu sẽ đẹp hơn cánh cửa đã khép.

Đã quen rồi những ngày gặp mặt đồng nghiệp, bạn bè để cùng ăn trưa, tám chuyện hay những buổi cà phê… Bây giờ thì tuyệt đối không được la cà phố xá, chỉ ra đường khi cần thiết, vì sự an toàn của bản thân và hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ. Thay vì gặp mặt trực tiếp, giờ chỉ có thể nhìn nhau qua ảnh đại diện trên facebook hoặc những lần gọi video.

Chúng ta không ai biết trước được ngày mai, mọi thứ bị tạm hoãn “cho đến khi có thông báo mới”, vì Covid-19. Nhưng đừng thất vọng, “sau cơn mưa, trời lại sáng”, dịch bệnh cũng sẽ qua, rồi những mong muốn, dự định lại tiếp tục được thực hiện. Thời gian ở nhà chính là cơ hội để tiếp tục tự học, đầu tư, nuôi dưỡng cho những dự định của bản thân được lớn hơn và có động lực, quyết tâm thực hiện.

Ảnh nguồn unsplash, bởi Saulo Mohana

Đi làm cả ngày, nên hầu như chúng ta ít quan tâm đến sức khỏe của chính mình, tôi cũng vậy. Cả ngày ngồi làm việc tại văn phòng đã khiến vùng bụng của tôi thêm vài cân mỡ thừa, đôi khi lại đau mỏi ở lưng và vai. Bước qua đầu tháng kế tiếp, tôi dự định sẽ đi tập gym để nâng cao sức khỏe, giày thể thao và quần áo đã chuẩn bị xong. Thế mà, chưa bước đến phòng tập, bộ quần áo còn chưa kịp mặc thì đã phải ở nhà.

Chính vì “ở nhà là yêu tổ quốc” nên tôi có nhiều thời gian dành cho gia đình, thưởng thức những bữa ăn cùng người thân mà tôi vẫn hay bỏ lỡ. Tôi thường về đến nhà khi mọi người đã dùng xong bữa tối hoặc ăn bên ngoài vào những ngày cuối tuần cùng bạn bè. Tôi nhận ra, gia đình vẫn là tổ ấm quý báu nhất mà chúng ta vẫn thường hay quên đi vì sự bận rộn của chính mình. Tôi trò chuyện cùng mẹ nhiều hơn, gần gũi với nhỏ em vẫn còn đang “nghỉ tết”, chơi đùa cùng đứa cháu trai, khiến cho tôi cảm giác như được trở về với những ngày tháng còn là đứa trẻ không lo âu, suy nghĩ. Không biết thời gian được ở gần với gia đình đến lúc nào, vì mọi hoạt động sẽ trở lại và tôi cũng quay lại với những việc thường ngày khi hết dịch. Có lẽ, đây là những giây phút quý báu chúng ta cần trân trọng vì được bên cạnh những người thân yêu. Nếu có ai đó phải hủy bỏ chuyến đi du lịch cùng gia đình vì Covid-19, thì hãy xem đây là thời gian được “nghỉ dưỡng” tại nhà.

“Bạn sẽ làm gì khi hết dịch?”
Tôi sẽ đi cắt lại mái tóc. Tiếp theo là tìm một công việc ở một công ty mới hoặc sẽ quay lại công ty cũ nếu bộ phận nhân sự gọi điện đến và ngỏ lời mời trở lại làm việc. Tìm một công việc đúng với sở trường, chuyên môn và khả năng của bản thân không phải là chuyện dễ và tìm việc làm chính là ưu tiên hàng đầu của tôi khi hết dịch. Nhưng để tạo ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng, thì không thể nào đi phỏng vấn với một mái tóc rối bời.

Khi có được một công việc và mức thu nhập ổn định thì tôi mới có đủ khả năng để tiếp tục thực hiện những dự định tiếp theo trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn, học thêm những khóa học để hỗ trợ cho công việc và thậm chí là một chuyến đi du lịch… Chắc chắn sẽ có rất nhiều điều cần được thực hiện sau một kỳ nghỉ dài, hãy lên kế hoạch để những dự định không bị động và trì hoãn khi hết dịch.

Ảnh nguồn Unsplash, bởi Chander R

Để cơ thể bạn có một hệ miễn dịch tốt, ngăn ngừa mọi sự tấn công của virus từ môi trường bên ngoài và rèn luyện để nâng cao sức khỏe là điều rất cần thiết. Bảo vệ sức khỏe không chỉ trong mùa Covid-19 mà còn cả những ngày thường, có sức khỏe chúng ta mới tiếp tục làm việc và thực hiện những mong muốn trong cuộc sống. Dành thời gian tập thể dục mỗi ngày là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe, thư giãn và giúp não bộ hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần có sự cân bằng giữa thời gian làm việc và các mối liên hệ với bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là với những người thân trong gia đình. Sau khi hết dịch, là lúc bạn và tôi cần cân bằng lại thời gian với công việc, học tập, bạn bè và nhất là gia đình.


bởi Nguyễn Trường

Bạn ở nhà làm gì?

Những ngày qua, “hãy ở nhà” như là câu khẩu hiệu kêu gọi mọi người cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 trong cộng đồng. Thế nhưng, vì quen thuộc với việc đến công ty mỗi sáng, giờ phải “buộc chân” ở nhà nên sẽ khiến nhiều người ngột ngạt, khó chịu và cảm thấy chán. Đó là chuyện không của riêng ai. Thế thì, phải làm gì để từng ngày, từng giờ trôi qua tại nhà không phải vô ích?

Ảnh nguồn Pixabay, bởi Alexas – Fotos

1. Có thời gian chăm sóc gia đình

Khi đi làm, bạn buộc phải tập trung vào công việc để hoàn thành thật tốt và thậm chí là có những ngày công việc nhiều đến tận tối mới về đến nhà. Thời gian để quan tâm, lắng nghe, trò chuyện với nhau cũng bị hạn chế. Vì vậy, ở nhà mùa dịch chính là cơ hội để bạn có thêm thời gian chăm sóc cho các thành viên trong gia đình và được gần nhau hơn.

Thay vì mỗi ngày, chúng ta phải ăn bên ngoài, nhân cơ hội được ở nhà hãy vào bếp và chuẩn bị những bữa ăn chất lượng. Thời điểm hiện nay, ăn tại nhà vẫn an toàn hơn và còn tiết kiệm được một khoảng chi tiêu khi mà “nguồn thu” bị thắt chặt. Thay vì phải đi đến tận nơi mua những thứ cần thiết, bạn có thể mua sắm online, không phải ra ngoài mà còn có nhiều ưu đãi.

Dành thời gian để trò chuyện cùng những người thân yêu mà lâu rồi chúng ta không có cơ hội. Vì trong cuộc sống, ai cũng có những mong muốn riêng nên khi lắng nghe nhau sẽ giúp thu hẹp khoảng cách, gắn kết tình thân. Đặc biệt là con cái, chúng có rất nhiều tâm tư mà các bậc làm cha mẹ cần phải lắng nghe. Người lớn đã từng là một đứa trẻ, nhưng đứa trẻ thì chưa từng là người lớn. Hãy lắng nghe, chia sẻ với con như một người bạn để hiểu được những mong muốn, tâm tư, tình cảm của trẻ. Nhờ trẻ hỗ trợ bạn trong việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa là cách tập cho chúng cách sống có trách nhiệm, hay cùng con ôn lại những kiến thức để không bị bỏ quên sau “kỳ nghỉ tết” dài.

Đã bao lâu rồi gia đình không ngồi lại với nhau để xem tivi? Hãy để thời gian này là cơ hội để các thành viên được bên cạnh nhau nhiều hơn. Tổ ấm gia đình là thứ đáng giá nhất và duy nhất với mỗi người, sẽ không có gì sánh được. Chúng ta nên trân trọng quãng thời gian hiện tại, vì sau mùa dịch mỗi người sẽ lại phải bận rộn với công việc, trẻ con cũng phải đến trường.

Ảnh nguồn Unsplash, bởi Alyson McPhee

2. Làm những điều mình yêu thích

Tất nhiên, khi ở nhà, mỗi người sẽ có những sở thích và mục đích khác nhau để làm cho cuộc sống không nhàm chán.

  • Bạn nào có sở thích đọc sách, thì đây là cơ hội để được đọc những quyển sách mình yêu thích. Bù lại khoảng thời gian trước, vì đi học, đi làm nên việc đọc sách bị hạn chế khá nhiều. Đọc sách không chỉ giúp thư giãn mà còn giúp đọc giả có thêm những kiến thức, kỹ năng có cần trong công việc.
  • Nếu bạn có khả năng về nấu ăn, thì đừng bỏ qua cơ hội này để trổ tài làm ra những món ăn, thức uống thật ngon mà còn tăng cường được sức đề kháng. Nấu ăn là cách giải trí tốt nhất để bạn được thư giãn và khám phá thêm về tài lẻ của bản thân.
  • Để tăng cường sức khỏe, bạn có thể tập thể dục tại nhà. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, chỉ cần một bước tìm kiếm thì rất nhiều bài hướng dẫn tập thể dục cho bạn lựa chọn.
  • Với những ai là tín đồ của các bộ phim Hàn Quốc lãng mạn, thì đây là dịp để bạn “cày” sau bao ngày bỏ lỡ vì bận rộn. Nhưng đừng xem bất kể thời gian là ngày hay đêm, điều này rất dễ khiến bạn trở nên thụ động và ảnh hưởng đến sức khỏe. Nên nhớ, xem phim là cách để bạn giải trí và tốt nhất là bạn cần thiết lập một thời gian cố định trong ngày.
  • Nếu bạn yêu thích ẩm thực và du lịch thì có thể xem các kênh chia sẻ về chủ đề này của các kênh Youtube. Mặc dù không thể đi du lịch trong thời điểm này, nhưng việc xem những điều họ chia sẻ là cách giúp bạn tích lũy được nhiều địa điểm cần đến sau mùa dịch. Bên cạnh đó, bạn cũng biết được những ưu điểm, nhược điểm và đặc sản từng vùng miền. Phải chăng, chúng ta cũng đã tích lũy được một số kiến thức, kinh nghiệm cho dự định về những chuyến đi sắp tới.
Ảnh nguồn Pixabay, bởi mohamed_hassan

3. Ở nhà, bạn làm gì? Tôi thì…

Sẽ “chán” nếu ở nhà từ sáng đến tối chỉ làm mỗi một việc lặp đi, lặp lại. Chính vì vậy, tốt nhất chúng ta nên lên một kế hoạch cụ thể cho bản thân vào mỗi ngày.

Thông thường, sáng sớm não bộ sẽ hoạt động rất hiệu quả, tôi xem đó là thời gian tốt nhất cho việc đọc sách và học thêm một số kỹ năng cần thiết.

Buổi trưa, sau giờ ăn, tôi thường nghỉ ngơi từ 60 phút – 90 phút như mọi ngày đi làm để có sự tỉnh táo tiếp tục khiến mình bận rộn vào buổi chiều. Vốn yêu thích du lịch, ẩm thực nên tôi thường xem những video chia sẻ về những chuyến đi, những món ăn, văn hóa của các vùng miền từ những youtuber. Điều này khiến tôi được hiểu thêm về nền văn hóa trong nước cũng như các nước khác và có thêm một số địa điểm ăn uống sau mùa dịch.

Việc tận dụng khoảng thời gian này để học thêm kiến thức là điều cần thiết để cải thiện bản thân. Tôi thường đọc các bài viết, xem những video chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng liên quan đến tính chất công việc hiện tại. Tất nhiên là cần phải chọn lọc từ những kênh uy tín, chất lượng để đảm bảo nội dung đọc, xem được là chính xác.

Bên cạnh đó, để “pha” thêm một chút dư vị của những ngày ở nhà, tôi sẽ vào bếp để làm một thức uống mình thích. Có ngày tôi sẽ nấu nước chanh, sả, gừng, vì đây được xem là một thức uống khá tốt cho sức khỏe trong thời điểm dịch bệnh. Thử khả năng pha chế của mình thế nào, tôi làm món cà-phê bọt, loại thức uống cũng được nhiều người trổ tài trong những ngày qua.

Ở nhà để thú vị hay nhàm chán là do bạn lựa chọn. Hãy xem đây là thời gian đáng có khi được ở bên cạnh những người thân yêu, được làm những điều mình thích. Nhưng hãy kỷ luật bản thân để “không thả trôi” chính mình. Nếu bạn lo lắng về thu nhập, thì xem đây là cơ hội để học cách chi tiêu và tiết kiệm.

Hãy tận dụng từng phút giây cuộc sống ban tặng bạn nhé!


bởi Nguyễn Trường

Nguồn gốc lễ Giáng Sinh vào Việt Nam như thế nào?

Giáng Sinh được mọi người biết đến cách rất đơn thuần là ngày Chúa Giê-xu sinh ra đời. Cứ vào thời điểm cuối năm thì nhiều nơi lại trang hoàng những hình ảnh về cây thông Nô-en nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau, ông già tuyết cưỡi đàn tuần lộc,… Với những gia đình có đạo, họ vẫn thường làm chuồng chiên, bên trong có hình ảnh của những chú chiên, bà Ma-ry, ông Giô-sép và trung tâm vẫn là Chúa Giê-xu đang nằm trong máng cỏ. Những hình ảnh đó quá đỗi quen thuộc đến nỗi chúng ta cũng chẳng ai thắc mắc về nguồn gốc của lễ Giáng Sinh được bắt nguồn từ đâu, từ khi nào lễ Giáng Sinh lại có mặt ở Việt Nam và trở thành một trong những mùa lễ hội.
Ảnh bởi Chris Sowder tại unsplash

Với nhiều quốc gia ở phương Tây, Giáng Sinh là một trong những mùa lễ lớn nhất trong năm, vì hầu hết người dân đều theo đạo và Giáng Sinh là dịp để họ dâng lời cảm tạ Chúa Giê-xu đã xuống trần gian làm người. Ngày lễ Giáng Sinh được tổ chức 24/12 và 25/12, với họ dường như đây đã là ngày truyền thống và cứ đến thời điểm này hằng năm thì không khí lại rộn ràng và nô nức. Nhưng với nước Nga, thì lễ Giáng Sinh được tổ chức vào tháng 1, vì họ dùng lịch Julius mà không phải là lịch Gregorius như những quốc gia khác.

Có lẽ, trong cái nhìn của nhiều người, từ khi lớn lên ở Việt Nam, từ bao giờ lễ Giáng Sinh đã là một mùa lễ hội, một dấu hiệu phải có trước khi kết thúc một năm. Khắp nơi trang hoàng hình ảnh về cây thông, nhiều người hóa trang thành ông già Nô-ên tặng quà cho các em nhỏ trên khắp các đường phố và còn nhiều điều tương tự như thế. Những hình ảnh quá đỗi quen thuộc, nếu không muốn nói là cũ kỹ, được lặp đi lặp lại hằng năm nhưng lại không bao giờ nhàm chán. Phải chăng đó là nét đặc trưng của những dịp lễ hội lớn trong năm, không riêng gì lễ Giáng Sinh và không thể thay đổi? Nhiều người nô nức đua nhau ra ngoài đón không khí Nô-en trải dài trên khắp các tuyến đường, cùng nhau chụp những bức ảnh bên cạnh những cảnh vật trang trí vô cùng bắt mắt và rực rỡ. Nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi từ những cửa hàng thời trang qua các kênh mạng xã hội facebook, instagram để thu hút người tiêu dùng và họ xem đây chính là cơ hội cho việc kinh doanh để mang lại nguồn lợi nhuận tốt nhất vào dịp cuối năm. Rồi mọi thứ qua đi, không khí Nô-en chỉ còn là quá khứ và mọi cảm xúc cũng không còn nữa.

Có bao giờ bạn tự hỏi về nguồn gốc của lễ Giáng Sinh vào Việt Nam như thế nào và từ thời điểm nào chưa? Hay bạn cho rằng đó là một lễ hội mà quốc gia nào cũng có, Việt Nam cũng vậy nên cảm thấy rất bình thường, không có gì phải thắc mắc? Những hình ảnh được trang trí rất công phu ở khắp nơi, từ các khu trung tâm mại cho đến những cửa hàng thời trang,… đâu đâu cũng ngập tràn không khí Giáng Sinh. Giáng Sinh có thật sự bắt nguồn từ những điều đó? Ý nghĩa của lễ Giáng Sinh không phải như vậy.

Ảnh bởi Jillwellington tại pixabay

Thánh Kinh cho biết Chúa Giê-xu Giáng Sinh tại thành Bết-lê-hem, xứ Do Thái, thuộc khu vực Trung Đông ngày nay. Điều đó minh chứng về lễ Giáng Sinh không phải bắt nguồn từ các quốc gia phương Tây như nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ. Chúa Giê-xu Giáng Sinh là một câu chuyện có thật được ghi chép lại rất chi tiết trong Thánh Kinh, chứ không phải là một sự tích được truyền miệng. Chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta đều nghe về sự kiện Chúa Giê-xu Giáng Sinh, nhưng mấy ai biết sự ra đời của Chúa Giê-xu đã chia đôi dòng lịch sử của nhân loại? Bởi vì chúng ta đã bị che mắt đi bởi những chương trình khuyến mãi từ các cửa hàng thời trang, những hình ảnh trang trí vô cùng đẹp mắt trên các đường phố và thậm chí là những bận rộn về công việc cuối năm,…

Những đứa trẻ con vẫn thường nhắc đến ông già Nô-en, cây thông hay những món quà được trao nhau trong ngày lễ. Nhưng đó là những hình thức mà con người nghĩ ra để ngày lễ thêm phần thú vị và đó không phải là điều quan trọng trong ngày lễ Giáng Sinh. Nhân vật chính không phải là già Nô-en, cũng không phải là những chú tuần lộc, mà chính là Chúa Giê-xu. Vì nếu không có Chúa Giê-xu thì không có ngày Giáng Sinh, ông già Nô-en cũng không xuất hiện, đàn tuần lộc cũng chẳng còn, cây thông cũng trở nên bình thường với mọi người.

Giáng Sinh thực chất không phải là một mùa lễ hội, không bắt nguồn từ các nước phương Tây như nhiều người vẫn thường nghĩ. Những hình ảnh về ông già tuyết cưỡi đàn tuần lộc tặng quà cho các em nhỏ, cây thông Nô-en,… càng không phải là ý nghĩa thật của mùa lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh chính là sự kiện Chúa Giê-xu được sinh ra, xuống trần gian làm người vì yêu thương nhân loại.

Chúng ta không biết chính xác được thời điểm và nguồn gốc lễ giáng sinh vào Việt Nam như thế nào và có thể điều đó đã không còn quan trọng nữa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có đang tận hưởng một mùa giáng sinh ý nghĩa? Đừng quên Chúa Giê-xu đã từ Trời hạ sinh xuống trần gian làm người là một sự thật không thể thay đổi và đó mới là lý do của lễ Giáng Sinh.

Bởi Nguyễn Trường

Hồng Kông và lý tưởng sống

Những ngày qua, tình hình tại Hồng Kông luôn căng thẳng hơn bao giờ hết và mọi tin tức trên thế giới đều tập trung vào những diễn cảnh đang xảy ra tại Hồng Kông. Các cuộc biểu tình đã và đang nổi dậy, khi mà đối tượng chính trong các cuộc biểu tình lại chính là sinh viên.

(Nguồn: voatiengviet.com)

Các cuộc đàn áp bằng vũ khí xác thương đã khiến cho nhiều người bị thương, thậm chí là tử vong. Chúng ta không ai muốn có những đau thương xảy đến dù cho gặp bất cứ vấn đề nào. Dường như sinh viên đã đứng lên để khẳng định quyền dân chủ và sẵn sàng hy sinh cho cái gọi là tự do.

Họ chiến đấu cho lý tưởng sống, cho những gì họ đáng phải nhận được. Họ chiến đấu cho quyền được sống, được là sinh viên trong một đất nước và vị thế trong xã hội. Những người trẻ, tương lai của đất nước đã không đầu hàng, họ sẵn sàng đứng lên vì điều họ cho là phải. Rồi họ nhận lại được là những đòn tra tán, đàn áp,… Chúng ta thấy được những giọt nước mắt đã rơi, nhưng đó không có nghĩa là kết thúc.

Tại sao họ lại phải đứng lên biểu tình cho lý tưởng sống? Tại sao các trường đại học bị bao vây, tấn công? Ai có thể trả lời được, khi mà chúng ta không là một ai trong số họ để có thể hiểu hết được những điều họ đang phải đối diện.

(Nguồn: hoithanh.com)

Người trẻ, những sinh viên Hồng Kông đang chiến đấu vì lý tưởng sống của riêng họ. Họ chiến đấu trước những đau thương, đàn áp, nước mắt và cả những mất mác. Vậy thì, lý tưởng sống của bạn là gì? Bạn có đang “chiến đấu” cho điều đó.

Có thể bạn có lý tưởng sống cho riêng mình, nhưng nó vẫn còn lu mờ. Việc bạn “chiến đấu” cho lý tưởng sống của mình không giống như những sinh viên Hồng Kông. Bạn sẽ không phải rơi vào tình trạng căng thẳng, nhưng bạn phải chiến đấu chống lại những bản ngã trong con người xác thịt.

(Nguồn: hoithanh.com)

Rất nhiều người đã tập trung lại với nhau để cùng cầu nguyện và hát vang Ha-lê-lu-gia. Dường như chính họ là những người đang đặt niềm tin vào một Đấng nào đó, họ tin Chúa Giê-xu. Tại sao trong những giờ phút căng thẳng họ vẫn có thể giữ được bình tĩnh và cùng nhau cầu nguyện với Chúa Giê-xu? Có phải việc làm này khiến họ được bình an trong khi căng thẳng vẫn đang leo thang?

Lý tưởng sống đối với người trẻ Hồng Kông hiện tại là sự đấu tranh để đòi lại quyền tự do, dân chủ để được sống.  Một số đông thì lại cầu nguyện với Chúa Giê-xu. Có phải chính Đấng đó là lý tưởng sống của họ trong khi mọi nguy hiểm vẫn đang xảy ra xung quanh? Họ bày tỏ niềm tin của chính mình một cách công khai với Đấng họ tin bằng một niềm tin rất chắc chắn. Có thể chúng ta không thấy được bằng đôi mắt này, nhưng cảm nhận được qua những hành động của họ.

Bởi Nguyễn Trường

Sự trống rỗng bên trong tâm hồn dẫn đến sự chết

Cuộc sống này cô đơn không đáng sợ, thứ đáng sợ nhất chính là cô đơn nhưng không thể chia sẻ được với ai. Một ly nước có thể được đổ đầy cách dễ dàng, nhưng sự trống rỗng bên trong tâm hồn thì khỏa lấp bằng cách nào? Chúng ta có đang thực sự ích kỷ, vô cảm và chỉ nghĩ đến cảm xúc của bản thân mình mà lại quên mất đi những người thương yêu xung quanh? Cũng vì nỗi cô đơn, bế tắc, đau khổ và trống rỗng, nữ ca sĩ – diễn viên Hàn Quốc xinh đẹp, tài năng Sulli đã quyết định dừng cuộc đời của mình lại mãi ở tuổi 25.

Ảnh bởi Anthony Tran trên Unsplash

Cuộc đời này, khi được sinh ra ai cũng mong muốn được sống và sống hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu. Đâu ai muốn tự kết liễu lấy cuộc đời mình, bởi có lẽ cuộc sống đâu phải ai cũng tốt để có thể nương dựa. Thở một hơi thật dài rồi mọi thứ có thể tốt hơn được chăng, khi dường như không ai có thể lắng nghe hoặc hiểu mình?

Những ngày qua, trên mạng xã hội, người ta bàng hoàng, xót thương trước cái chết của Sulli. Cô tự tử vì trầm cảm, không ai có thể giúp cô vượt qua những áp lực trong công việc, sự trống rỗng trong tâm hồn và không thể nhìn thấy được tương lai phía trước. Người ta khóc thương cho Sulli, cũng khóc thương cho một thế hệ trẻ với nhiều hoài bão nhưng lại vô định giữa dòng đời và sự trống rỗng của lòng người.

Một người luôn nở nụ cười trước mắt bạn và người khác không có nghĩa là họ luôn vui vẻ, biết đâu họ đang che giấu nỗi buồn không thể chia sẻ được với ai. Ngỡ rằng, nụ cười có thể mang lại cho bạn hạnh phúc, nhưng đó chỉ là vẻ bên ngoài, nó không thể lấp đầy những trống rỗng mà tâm hồn đang phải chịu.

Không biết từ bao giờ mà giữa người với nhau lại có những khoảng cách vô hình đến vậy. Mỗi người chỉ thích nhìn ngắm những điều tích cực, vui vẻ từ bên ngoài nhưng mấy ai sẵn sàng thấu hiểu những tổn thương, nỗi đau của người khác.

Rất nhiều những lời khuyên để con người sống tích cực hơn, như: bỏ ngoài tai những lời thị phi từ người khác đối với bạn, sống mỗi ngày bằng niềm đam mê, hãy mỉm cười nhiều hơn,… không phủ nhận ý tốt từ những điều đó. Suy cho cùng, cũng chỉ là lý thuyết, thiếu chiều sâu và có chăng chỉ mang đến những cảm xúc nhất thời. Bởi không ai có thể đi trên đôi giày người khác đang đi để có thể hiểu thấu những suy nghĩ trong đầu họ.

Một cô con gái vàng ngọc của gia đình, nàng công chúa của SM đã phải gánh chịu biết bao lời chỉ trích từ những antifan. Cô không phải người xấu, cô mệt rồi,… nhưng không ai nghe cả. Để rồi khi quyết định chọn cái chết để tự giải thoát chính mình thì có tiếc thương mấy cũng chẳng còn giá trị. Hôm nay là Sulli, nhưng ngày mai lại là một người khác, một người bạn hay người thân trong gia đình. Tự tử như một lời kêu cứu, hy vọng ai đó có thể giúp mình thoát khỏi tình trạng hiện tại. Nhưng rồi chẳng ai quan tâm và nghe thấy. Đã vậy, đành lựa chọn cái chết, vì vốn dĩ có sống cũng chẳng còn ý nghĩa, tự tử như một sự giải thoát cho bản thân.

Câu hỏi đặt ra là, tự tử có thực sự đem đến sự giải thoát? Cuộc đời có thực sự chấm dứt sau cái chết về thể xác này không, hay vẫn còn điều gì khác sau đó nữa?

Ca sĩ Sulli – Ảnh nguồn voatiengviet.com

Một người có suy nghĩ đến việc tự tử, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ mất đi ý nghĩa và mục đích sống. Họ chẳng hiểu những việc đang làm hướng tới mục tiêu gì, mọi thứ dường như vô định và họ không nhìn thấy được tương lai. Tâm hồn họ hoàn toàn trống rỗng và tự tử dường như đã được ấp ủ từ lâu trong suy nghĩ.

Việc tích tụ những suy nghĩ tiêu cực bên trong tâm trí là điều rất độc hại. Vì sẽ đến một ngày nào đó, khi không thể giải phóng được cảm xúc, không tìm được ai có thể giúp đỡ thì có thể xảy đến những hậu quả nghiêm trọng. Cũng giống như một quả bong bóng được bơm quá đầy hơi thì sẽ phát nổ.

Xã hội ngày càng hiện đại, nhưng nhiều người lại cô đơn và cảm giác trống rỗng luôn khiến họ phải tìm kiếm điều gì đó cho chính mình. Nhất là những người trẻ, tỷ lệ cô đơn luôn chiếm phần cao hơn so với những lứa tuổi khác. Chẳng ai hiểu được họ và nhiều người trẻ không được quyền lựa chọn điều mình mong muốn. Bản thân họ biết mình cần gì và phải làm gì. Đôi khi chỉ cần những lời động viên, khích lệ, ủng hộ tinh thần từ những người thân yêu. Nhưng hoàn toàn ngược lại, họ nhận lấy những lời chỉ trích, ngăn cấm và cả những ánh mắt lạnh lùng. Thế đấy, họ cô đơn, trống rỗng trong chính gia đình của mình, từ những người được cho là chỗ dựa tinh thần.

Không tìm được lối đi, họ dằn vặt, ôm lấy những nỗi đau riêng mình mà không hề chia sẻ được với ai. Ngày qua ngày, mọi thứ chồng chất, họ dồn nén cảm xúc độc hại, tiêu cực trong chính tâm hồn của mình. Có thể nụ cười đó vẫn luôn tươi tắn trên gương mặt, nhưng đó cũng lại là lớp vỏ bọc cho những bức rức bên trong không tìm được lối thoát. Rồi có thể lắm, nụ cười ấy vẫn nở nhưng xung quanh lại là những giọt nước mắt.

Ảnh bởi Akshay Paatil trên Unsplash

Đến khi một người qua đời, chúng ta vẫn luôn muốn giữ những nụ cười ấy dù là trên di ảnh. Họ đã không được quyền sống cuộc đời họ mong muốn, họ kết thúc những chuỗi ngày mệt mỏi, u ám bằng cách tự tử. Họ chọn cái chết và để lại những đau đớn cho người còn sống, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh những vô cảm, ích kỷ của người đời.

Mỗi người đều có những khoảng thời gian trống rỗng, mất phương hướng và thậm chí là phải hứng chịu những lời lẽ cay độc từ người đời. Hãy tìm kiếm bất cứ một ai có thể tin tưởng, chia sẻ những nỗi buồn đang phải chịu và hãy khóc nếu muốn. Điều đó không hẳn giúp giải quyết vấn đề ngay, nhưng nó giúp bạn cảm thấy mình không cô đơn. Và đừng im lặng khi một ai cần được lắng nghe, chia sẻ. Đừng chỉ chăm về lợi riêng mình, nhưng hãy chăm về lợi người khác nữa.


bởi Nguyễn Trường

Thanh thiếu niên đang tìm kiếm điều gì?

Thanh thiếu niên, một thế hệ trẻ được xem là tương lai, nhưng lại là một nỗi lo lắng của xã hội. Thanh thiếu niên ngày nay cảm thấy cô đơn hơn so với các nhóm tuổi khác, nghe có vẻ vô lý, nhưng đây lại là một thực tế. Thanh thiếu niên của chúng ta đang tìm kiếm điều gì?

Ảnh minh họa trên maxpixel.net

Một lứa tuổi mới lớn với những thay đổi về tâm sinh lý, suy nghĩ có phần ngông cuồng, thiếu kiểm soát bản thân. Một thế hệ mới bước vào đời, còn non nớt với những va vấp. Nhưng lứa tuổi này đang thiếu vắng người lắng nghe chúng, định hướng và dẫn dắt chúng qua những khó khăn trong học hành, trong tình cảm, trong gia đình, trong trong đạo đức, trong sự nghiệp.

BBC đã thực hiện một cuộc khảo sát với 55.000 người trên thế giới và 4/10 người trẻ từ 16-24 tuổi khá cô đơn. Họ miêu tả bản thân mình bằng những từ ngữ: không được cảm thông, hay buồn, sợ bị bỏ lỡ, không có người để chia sẻ, cảm thấy bị tách biệt.

Sống giữa xã hội hiện đại, thế nhưng những thanh thiếu niên lại bị thiếu đi sự cảm thông, không có người để chia sẻ,… Vòng xoáy bận rộn của nhịp sống đã cuốn lấy chúng ta và rồi vô tình lại quên đi một thế hệ cũng đang phải rơi vào vòng xoáy cuộc đời nhưng không thể tìm được lối thoát.

Qua các cổng thông tin đại chúng, chúng ta đau lòng khi đọc hay xem dòng tin về một người trẻ tự tử vì áp lực gia đình. Một video clip đăng tải việc một cậu bé thiếu niên ở Trung Quốc tự tử vì những mâu thuẫn với mẹ. Chúng ta không biết họ đã nói gì với nhau, nhưng cậu thiếu niên này đã mở cửa xe ô tô và nhảy ngay xuống sông, kết thúc cuộc đời của mình ở tuổi 17. Người mẹ lúc đó cũng chạy theo, nhưng rồi ta thấy được là những cái đấm tay xuống đường, khóc lóc. Người lớn đã từng là một thanh thiếu niên, nhưng một thanh thiếu niên chưa từng là người lớn.

Tháng 3 trong năm, có sự kiện tiến sĩ Park Ork Soo, một diễn giả và chuyên gia sáng lập Hội Liên Hiệp Thanh Niên Quốc tế (IYF) đến thăm Việt Nam. Ông Park Ork Soo chia sẻ về câu chuyện của một người mẹ đơn thân, chủ của một chuỗi cửa hàng phát đạt đến cầu xin ông giúp đỡ cho cậu con trai của bà thoát khỏi ma túy. Bà là một người mẹ rất yêu thương con trai mình, chăm lo cho cậu những điều tốt nhất. Người mẹ này nghĩ rằng làm vậy sẽ khiến cho con bà trở nên xuất sắc. Nhưng không, con bà đã trở nên nghiện ma túy, còn thì bà không thể nắm bắt được thế giới nội tâm của con mình.

Ảnh minh họa trên mekhonghoanhao.com

Ngày nay, việc thanh thiếu niên nghiện chơi game, xem quán internet là nhà không còn quá xa lạ. Thế nhưng, mỗi khi nghe báo đài đưa tin những tình trạng này, chúng ta có đặt câu hỏi “tại sao?”. Tại sao chúng lại xem quán internet là nhà trong khi tất cả đều có nhà để về? Tại sao chúng lại thích đối diện, hòa mình vào thế giới ảo trong game hơn là trò chuyện với ba mẹ, người thân? Phải chăng gia đình không mang lại được những điều chúng cần? Không phải tiền bạc, vật chất,… nhưng là tấm lòng bên trong của các em mà những người làm cha mẹ chưa hiểu. Chúng sử dụng ma túy để tăng thêm sự hưng phấn khi chơi game, dễ hòa mình vào nhân vật ảo. Khi đã lún quá sâu, để có tiền thỏa mãn nhu cầu của mình, chúng lại vi phạm pháp luật và điều đáng nói là tội phạm ngày càng trẻ hóa, thậm chí chưa đến tuổi vị thành niên.

Những ngày nay, các tin tức truyền thông đưa tin về vụ án một tài xế grabbike bị sát hại khi chỉ mới 18 tuổi. Hai nghi phạm còn khá trẻ, một người 19 tuổi, không nghề nghiệp ổn định và người còn lại là 24 tuổi, đã có tiền án về tội mua bán người. Chúng đã dùng dao găm đâm nạn nhân và lấy đi chiếc xe máy. Điều chúng ta đau xót chính là cậu sinh viên, tài xế grabbike chỉ mới nhập học được một tháng, vì đồng tiền kiếm thêm mà đã mãi dừng lại ở tuối 18.

Bạo lực học đường và tại sao các em học sinh lại thích đánh nhau chỉ vì những chuyện rất nhỏ. Vào độ tuổi này, tâm sinh lý các em thay đổi là điều tất yếu và các em cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi của người thân trong gia đình từ nhỏ. Giả sử, nếu cha mẹ các em hay cãi vã, to tiếng với nhau thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các em. Gia đình thiếu sự quan tâm, các em giao lưu với bạn bè xấu thì làm hư thói nết tốt. Đánh nhau là hành động để các em được thỏa mãn một phần hay điều gì đó ẩn sâu trong chính tâm hồn bị tổn thương bởi gia đình hay yếu tố bên ngoài. Nhưng, liệu những hành vi đó có giúp các em được thỏa mãn?

Nhiều bạn trẻ yêu thích dùng mạng xã hội và chờ đợi những lượt thích từ thông tin mình đăng tải hoặc thậm chí là lướt facebook cách vô định. Thế giới trong điện thoại có gì khiến nhiều bạn trẻ bị thu hút và quên rằng ta đang sống ở một đời thật?

Tại sao thanh thiếu niên ngày nay lại dễ dàng bị nghiện vào thế giới ảo? Trong đó có gì thu hút khiến các em phải tìm kiếm, rồi nhận lại được gì? Nhiều thanh thiếu niên đã dừng lại ở tuổi đời rất trẻ. Các em rơi vào nạn ma túy,… Thanh thiếu niên đang tìm kiếm điều gì? Các em đang tìm để khỏa lấp điều gì? Các bậc phụ huynh có đang hiểu về điều gì đang trống vắng bên trong các em?


bởi Nguyễn Trường

Thờ “Thần” hay thờ “tượng”

Thờ cúng dường như là một văn hóa đã có từ xưa, điều đó được xem là một phong tục của người Việt Nam, một quốc gia có nhiều tôn giáo. Và khi nhìn rộng hơn thì việc thờ cúng là một hình thức thờ phụng của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ngày nay, thờ thần không chỉ giới hạn bởi việc thờ cúng một hình tượng mà còn là sự tôn sùng một hình mẫu ca sĩ, diễn viên,… của nhiều người.
(Nguồn: Việt Nam mới)

Thần tượng là một bức hình, bức tượng được đục đẽo từ đá, thạch cao hoặc một chất liệu nào khác để tạo thành một bức tượng và được thờ cúng. Dù những hình tượng đó được lưu truyền từ đời này sang đời kia, do tưởng tượng, có mang tính thực tế hay không thì đều mang đến cho con người một niềm tin nào đó.

Người Việt Nam vốn dĩ có truyền thống là nghề trồng lúa nước, xuất thân từ những người nông dân quanh năm với ruộng đồng nên nhà nào cũng có những bàn thờ được đặt ở ngoài trời, thường là phía trước sân. Có lẽ đây chính là hình thức thờ ông Thiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ được tốt tươi, cuộc sống được ấm no,… Bàn thờ ông Thiên được xem là sự kết nối tâm linh giữa Trời với người, nơi lưu giữ mối liên hệ với trời đất.  Điều này tạo cho con người có niềm tin vào một thần nào đó được cho là có thật luôn ở trong tâm trí, tấm lòng của người tin.

Đó không chỉ đơn thuần là một phong tục tập quán, một văn hóa mà còn là một nhu cầu của con người mong muốn được bình an, làm ăn thịnh vượng và cuộc sống no đủ, dư dật cho thể xác lẫn vật chất. Việc thờ thần còn là một nhu cầu về mặt tâm linh, khao khát điều gì đó trong tiềm thức con người mà đôi khi không thể giải thích được và không điều chi đáp ứng được. Dù việc thờ cúng luôn diễn ra hằng ngày nhưng đâu đó nỗi bất an vẫn vây quanh con người, thậm chí có những người vẫn cứ sống trong nỗi buồn phiền, lo âu không lối thoát. Có thể đó là lý do con người luôn tìm cầu sự bình an và cảm thấy trống trải một điều gì đó, chưa thỏa mãn, vì thế vẫn cứ tìm cho chính mình.

Nhưng chúng ta có thật sự cảm thấy được thỏa mãn khi thờ bất cứ vị thần nào dưới hình dạng của một bức tượng được đục đẽo cách khéo léo dưới bàn tay con người? Không quá khó để chúng ta có thể tìm thấy một nơi sản xuất ra những bức tượng bằng những vật liệu như thạch cao, đá, gỗ,… với nhiều giá cả khác nhau tùy kích cỡ và chất liệu.

Một thực tế phủ phàng, nhiều lúc ra đường, ta vẫn thấy những bàn thờ ông địa, những bức tượng bị vứt ngoài bãi rác, bãi đất trống với những vết sơn đã bong tróc, nhiều vết nứt và thậm chí còn bị sứt mẻ. Phải chăng, những bức tượng đó đã cũ, hết giá trị sử dụng nên cần phải thay mới thì việc thờ cúng mới linh thiêng? Vậy sao chúng ta không trùng tu bức tượng khi thấy có những vết nứt, vết sơn bị bong tróc mà phải vứt đi rồi lại tốn tiền mua một bức tượng mới? Khi mua tượng về chúng ta đặt trên cao, thờ cách nghiêm trang, còn khi tượng đã cũ thì vứt đi cách không thương tiếc? Việc đó có giống với một đứa trẻ chơi xe điều khiển, lúc xe còn hoạt động tốt thì quý, còn khi hết dùng được thì vứt đi?

Dù cho được trọng dụng khi mới mua về hay bị vứt ngoài bãi rác thì những bức tượng đó vẫn luôn cười tươi, không tỏ vẻ oán trách điều gì cả. Cũng chẳng mấy khó hiểu, vì chúng được đục đẽo như thế, nên vẫn giữ được sắc thái biểu cảm như ban đầu. Chúng ta đặt đâu, tượng ngồi đấy, chúng không thốt lên bất kỳ một ý kiến hay đòi hỏi nào. Có bao giờ khi cúng thờ tượng, chúng ta nghe được tiếng của những bức tượng đó trước điều mình mong muốn? Vậy thì chúng ta đang thờ thần hay thờ tượng?

Thần tượng hiện nay còn được định nghĩa là idol – những con người với vai trò ca sĩ, diễn viên được mến mộ bởi phần đông người hiện nay, nhất là những người trẻ. Idol – họ cũng chỉ là những con người bình thường, nhưng sở hữu một ngoại hình, gương mặt hoặc một yếu tố nào đó thu hút người khác và điều đó khiến họ trở nên đặc biệt trong mắt nhiều người.

Tuy nhiên, không ít người đã hoàn toàn sụp đổ vì những soái ca hiện thân như một tượng đài hoàn hảo trong lòng người hâm mộ, nhưng lại phê pha sau cánh gà, bắt cá hai tay,… những cặp đôi nổi tiếng đáng ghen tỵ thì lại nhanh chóng tan vỡ sau đám cưới thế kỷ và rồi ngôn tình vẫn không có thật.

Dù có cố gắng để giống bất kỳ hình ảnh, phong cách của idol nào thì cũng chẳng thể đem đến cho chúng ta sự thỏa mãn. Bởi họ cũng là những con người, và vốn dĩ không ai là hoàn hảo cả. Tại sao ta lại kỳ vọng vào một con người bất toàn mà quên đi chính mình cũng là một con người cần cố gắng để tốt hơn mỗi ngày? Chúng ta có cố gắng, nhưng là cố gắng theo tượng đài mà idol chúng ta đã xây trước mắt và rồi sụp đổ khi tượng đài không còn.

Những bức tượng được tạo ra từ bàn tay con người và ấy chẳng phải chúng ta đang thờ vật mình làm ra sao, cũng giống như đang thờ chính mình. Tôn sùng idol nào đó thì cũng là thần tượng một con người. Con người thờ con người thì không điều chi có thể đem lại sự thỏa mãn về mặt tâm linh và luôn cần được một thần cao hơn để giúp đỡ. Vậy, chúng ta đang thờ thần hay thờ tượng?

Nguyễn Trường

Thầy Park Hang-seo, hình mẫu lý tưởng được các học trò yêu quý

Các cầu thủ là của tôi, tôi chọn họ và tôi chịu trách nhiệm về họ. Cũng như chúng ta làm cha mẹ thì nên có trách nhiệm với sai lầm của con cái… Nhưng nhiều khi cha mẹ cũng cần điểm tựa là con. Tôi là huấn luyện viên có lúc tôi phải dựa vào họ
Ảnh bởi VnExpress/Minh Kha

Chúng ta đã quá gần gũi với cái tên Park Hang-seo, một huấn luyện viên đã đưa đội tuyển bóng đá Việt Nam vươn ra châu lục. Những chiến tích tuyệt vời mà ông cùng các học trò mình làm được đã ghi lại một cảm xúc khó phai trong lòng người hâm mộ. Thầy Park trở thành một hiện tượng cho nền bóng đá nước nhà và nỗi “dè chừng” của những đối thủ cạnh tranh khác. HLV Park Hang-seo một hình ảnh người thầy luôn tình cảm, tận tụy trên màn ảnh cũng là một người cha luôn quan tâm đến những đứa con của mình. Bởi đó, ông nhận được tình cảm yêu quý cách đặc biệt từ các học trò và sự cảm mến từ người hâm mộ. Đến thời điểm hiện tại, những điều thầy Park Hang-seo làm vẫn luôn là một dấu ấn không phai và là hình mẫu lý tưởng được các học trò yêu quý.

Park Hang-seo một huấn luyện viên bóng đá người Hàn Quốc và hiện tại là huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển bóng đá nam và U23 Việt Nam vào tháng 10 năm 2017. Cũng từ chính thời điểm này, thầy Park đã giúp cho đội tuyển bóng đá Việt Nam bước sang một trang mới, trong đó nửa trang là dành cho ông. Chính vị huấn luyện viên người Hàn Quốc đã nhem lại ngọn lửa niềm tin sắp tắt, thất vọng trước những thất bại và một bước lội ngoạn ngục với những chiến tích tuyệt vời.

Ảnh từ bài viết của tác giả Nhật Linh – Minh Anh trên vietnamnet.vn

HLV Park Hang-seo không chỉ là một người thầy với vai trò là người cầm quân mà còn là một người cha luôn quan tấm đến những đứa con của mình. Chia sẻ với VnExpress hồi tháng 01/2018, thầy Park đã khóc khi nói về các học trò: “Các cầu thủ là của tôi, tôi chọn họ và tôi chịu trách nhiệm về họ. Cũng như chúng ta làm cha mẹ thì nên có trách nhiệm với sai lầm của con cái… Nhưng nhiều khi cha mẹ cũng cần điểm tựa là con. Tôi là huấn luyện viên có lúc tôi phải dựa vào họ.” (Trích từ bài viết của tác giả Vân Anh, nguồn VnExpress)

Với những chia sẻ ngắn ngủi đủ để ta có thể cảm nhận được tình cảm yêu thương các học trò như những đứa con của mình là như thế nào. Ông không phải là một người có sự nổi bật về ngoại hình, nhưng chính những phẩm chất đáng quý từ một vị huấn luyện viên, một người cha đã rút ngắn đi mọi khoảng cách, rào cản về mặt ngôn ngữ. Có thể, tình cảm là thứ tuyệt vời nhất để cảm nhận bằng trái tim, thông qua những hành động chân thành mà đôi khi không từ ngữ nào có thể miêu tả được.

Chúng ta dễ dàng thấy được một thầy Park rất gần gũi trong các buổi tập thông qua những hình ảnh được lan truyền trên các trang mạng xã hội hoặc trên trang cá nhân của những cầu thủ. Một người thầy rất đỗi tận tình, quan tâm đến những vết thương, những cái khoác vai ân cần và thậm chí là cái tựa vào lưng học trò mình để ngủ,…

Hậu vệ Đình Trọng đã đăng tải hình ảnh HLV Park mát-xa chân cho mình sau một trận đấu tại ASIAD 2018 lên instagram, với dòng chia sẻ “Người thầy có tâm”. Thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng có những chia sẻ về vị huấn luyện viên của mình: “Thầy quan tâm đến mọi điều của bọn em từng bữa ăn đến giấc ngủ…” (Trích từ bài viết của tác giả Vân Anh, nguồn VnExpress)

Thầy Park luôn dành một tình cảm, sự quan tâm cách đặc biệt dành cho các học trò như những gì ông đã chia sẻ về trách nhiệm của một người trên cương vị là huấn luyện viên trưởng. Một người thầy nghiêm túc trên sân tập cũng là người bạn thân thiết với các cầu thủ. Ông vẫn thường trêu đùa các học trò của mình bằng những hình vô cùng hài hước khi cùng chơi đá bóng, selfie hay mừng sinh nhật.

Tờ Chosun của Hàn Quốc viết thế này: Không chỉ đích thân xoa bóp bàn chân cho các cầu thủ bị thương, ông còn đích thân viết thư tay cho các học trò vào ngày sinh nhật của họ. Nhờ phong cách lãnh đạo thân tình, các cầu thủ xem ông như một người cha.”

HLV Park Hang-seo, nhà cầm quân đội tuyển bóng đá Việt Nam rất đơn sơ, chân thành và tràn đầy tình yêu thương. Chính sự tận tình đó, có lẽ là ngọn lửa truyền cảm hứng, sức mạnh và cả ý chí giúp cho đội tuyển Việt Nam thêm tinh thần để chiến đấu hết mình qua những trận đấu, những lần chạm trán với những đối thủ mạnh. Căng thẳng, áp lực chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu hết được, nhưng bởi tình cảm đong đầy của người thầy đã giúp các cầu thủ vươn lên và mang về nhũng chiến tích vẻ vang.

Ảnh từ bài viết của tác giả Anh Nhật trên vietbao.vn

Hình ảnh nhảy lên vỡ òa vì vui sướng sau mỗi lần học trò mình phá lưới hay những lúc yếu mềm phải giấu mặt đi vì không dám xem những pha đá phạt quyết định. Thầy Park cũng không ngần ngại lên tiếng bênh vực học trò của mình khi bị chơi xấu, sẵn sàng tranh cãi với trọng tài hay huấn luyện viên đội bạn.

HLV Park Hang-seo như một hiện tượng cho nền bóng đá Việt Nam khi liên tục tạo ra những cơn sốt giúp đội tuyển U23 Việt Nam giành được ngôi vị Á quân châu lục và vô địch AFF Cup 2018. Ông đã làm nên kỳ tích và ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng người hâm mộ. Giờ đây, mọi người không chỉ hâm mộ đội tuyển Việt Nam mà còn cảm mến vị huấn luyện viên đặc biệt này.

Những điều thầy Park có không chỉ đơn thuần là những chiến thuật linh hoạt, mà ông còn sở hữu cho mình một phong cách lãnh đạo tài tình, có khả năng gắn kết các cầu thủ và một nhà tâm lý tài ba biến đội hình thành một gia đình. Đây không phải bất kỳ nhà cầm quân nào cũng có được.

Chính thầy Park đã nhen lại ngọn lửa bóng đá Việt Nam, khi mọi niềm tin dường như đang vụt tắt. Bằng chính tài năng thầy đã giúp cho nền bóng đá Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ, là hình mẫu lý tưởng được các học trò yêu quý và chiếm trọn trái tim người hâm mộ bằng sự chân thành đáng kính.

Nguyễn Trường

Tấm bằng Đại Học – bạn có đang thờ nó?

Nhiều học sinh, sinh viên tìm đến con đường tự tử không chỉ vì những áp lực trước việc học mà còn là sự vô tâm, lòng tham và ích kỷ của cha mẹ đối với con cái. Còn quá non trẻ để các em có thể gánh căn bệnh thành tích, những vô cảm, sĩ diện và hậu quả là những đau thương, hối hận cũng đã muộn.
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ngày tốt nghiệp đại học, một ngày trong số rất nhiều ngày đặc biệt trong cuộc đời của những ai đã từng là sinh viên. Cầm trên tay mình tấm bằng đại học như bao người bạn khác, không ai có thể che giấu được niềm vui sướng mà còn là niềm tự hào của gia đình. Từ giây phút đó, hành trình sinh viên chính thức khép lại, cuộc đời bước sang một ngã rẽ khác, “thất nghiệp” là khoảng thời gian mà ai cũng đã từng phải đối diện để rồi nhận ra bằng đại học đôi khi không là tất cả.

Nhiều bạn sinh viên khi ra trường phải đi làm trái ngành, đó là một câu chuyện quá đỗi bình thường và không còn xa lạ giữa xã hội hiện nay. Có thể là do không tìm được một công việc theo đúng chuyên ngành đã học, hoặc có thì không đủ kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu từ nhà tuyển dụng, sinh viên mới ra trường thì cái duy nhất có chính là kiến thức và tấm bằng đại học.

Cũng có thể là do muốn tìm một công việc theo đam mê, sở thích hơn là đúng với chuyên ngành. Thế thì chẳng phải là đã phí những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường sao? Không sao cả, dù bạn làm đúng chuyên ngành hay rẽ sang hướng đi khác thì những năm tháng đại học đã cho bạn trải nghiệm một thời sinh viên và kiến thức.

Nhiều bạn sinh viên không được quyền lựa chọn chuyên ngành mình thích, trường đại học mong muốn vì sự áp đặt từ phía gia đình. Nên khi tốt nghiệp, sự trưởng thành và bản lĩnh cho phép bạn tự quyết định con đường mình muốn đi.

Mặc dù sống trong xã hội hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều gia đình giữ nếp truyền thống, con cái phải luôn nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ. “Nghe dạ, bảo vâng” khiến cho những đứa con bị kìm hãm khả năng giải quyết vấn đề, tạo thói quen ỷ lại và không có sự trưởng thành trong cuộc sống. Điều đau khổ nhất chính là chúng mất đi sự tự do, không được làm điều mình mong muốn và rồi đến một lúc nào đó hậu quả sẽ không ai có thể ngờ được.

Ảnh bởi Sasha Freemind trên Unsplash

Cách đây hơn 10 năm, một gia đình vốn dĩ rất hạnh phúc trong mắt của nhiều người, họ có được những đứa con rất ngoan và lễ phép. Không ai có thể ngờ một ngày người con trai lớn đã giết chết mẹ ruột của mình. Cậu là một chàng sinh viên rất ngoan, giỏi và luôn nghe theo những sắp đặt của bà, nhất là trong chuyện học. Người mẹ luôn mong muốn con trai mình trở thành một bác sĩ để gia đình có được một địa vị tốt hơn trong xã hội. Nhưng việc làm này của bà đã vô tình đẩy đứa con của mình vào đường cùng và cậu không có quyền lựa chọn cho những mong muốn riêng. Trong một lần đang ngồi viết email thì người mẹ tiến đến, một cuộc xung đột xảy ra chỉ bà không cho phép cậu cãi lời và phải tiếp tục trở thành một bác sĩ. Vì tức giận nên cậu đã đặt tay lên cổ mẹ mình rồi siết mạnh, vài giây sau buông tay ra và nghe tiếng bà ho khan. Sau đó, cậu rồi khỏi căn hộ và ra xe ngủ suốt đêm. Sáng hôm sau khi quay lại thì thấy mẹ mình đã tử vong.

Đây không phải là một câu chuyện đau lòng duy nhất về sự áp đặt của cha mẹ lên con cái, những trường hợp tương tự cũng đã xảy ra và là hồi chuông cảnh báo đến các bậc làm cha mẹ. Có khi cái chết không phải không phải người cha, người mẹ mà là sự ra đi mãi mãi của một người con khi không chịu được áp lực từ phía gia đình. Tấm bằng đại học bác sĩ đã đổi lấy sinh mạng của người mẹ và cuộc đời của người con. Tấm bằng đại học, bạn có thờ nó?

Nhiều học sinh, sinh viên tìm đến con đường tự tử không chỉ vì những áp lực trước việc học mà còn là sự vô tâm, lòng tham và ích kỷ của cha mẹ đối với con cái. Còn quá non trẻ để các em có thể gánh căn bệnh thành tích, những vô cảm, sĩ diện và hậu quả là những đau thương, hối hận cũng đã muộn.

Mỗi mùa thi bao giờ chúng ta cũng nghe đến những học sinh, sinh viên bị bắt vì gian lận trong thi cử, mang tài liệu vào phòng thi dù biết điều đó là cấm. Hậu quả thì ai cũng có thể đoán được, đình chỉ thi là điều đã được cảnh báo trước và là hình phạt cho những em cố tình vi phạm. Đó cũng là một thực trạng không chỉ xảy ra trong mỗi năm mùa thi tốt nghiệp, đại học đến mà là trong mỗi mùa thi học kỳ đều có tình trạng gian lận, nhưng mức độ phạt thì không quá nặng nề vì quy mô nhỏ hơn.

Ảnh bởi Ben Mullins trên Unspash

Nhưng dường như tấm bằng đại học vẫn là thứ duy nhất trong mắt của nhiều người nếu muốn có một công việc thực sự tốt. Chúng ta vẫn còn nhớ đến trường hợp 44 thí sinh được nâng điểm ở kỳ thi THPT quốc gia, tiền bạc không thể mua được sinh mạng con người, nhưng có thể mua được điểm số và thậm chí là một tấm bằng đại học, vì suy cho cùng nó cũng chỉ là một tờ giấy.

Hiện nay, chỉ cần một bước tìm kiếm, chúng ta có thể thấy rất nhiều thông tin làm bằng tốt đại học trên các trang mạng xã hội. Liệu tấm bằng đại học lại dễ dàng có được và không cần phải tốn quá nhiều thời gian lẫn công sức cho việc học?

Thực tế, ngày nay bằng cấp không phải là một vấn đề quá lớn, tùy thuộc vào công ty và môi trường làm việc. Kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức luôn là điều quan trọng và cần thiết cho bất cứ công việc nào. Cầm bằng đại học trên tay bằng chính năng lực của bản thân sẽ khiến bạn có được niềm vui và bạn có quyền tự hào về điều đó. Đừng vì muốn có được tấm bằng đại học, rạng danh dòng họ mà phải đánh đổi, hy sinh mạng sống của người thân vì phục vụ cái danh đó thì vô nghĩa và chúng ta cũng chỉ đang thờ cái danh, cái bằng đại học.

Cha mẹ đừng vì danh của gia đình và cướp đi quyền sống của con cái mình. Hãy luôn lắng nghe những suy nghĩ và chia sẻ tâm tư với con mình. Cha mẹ đã cho con cái cuộc đời thì phải cho chúng được quyền sống với cuộc đời đó.

Nguyễn Trường