Khi hôn nhân tan vỡ, một số phụ huynh ưu tư với nhiều câu hỏi, chẳng hạn như “Liệu chúng ta có nên ở lại với nhau vì con cái không?” Những người khác thì cảm thấy họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài ly hôn.

Mặc dù tất cả các bậc cha mẹ có thể có nhiều lo lắng – từ hoàn cảnh sống trong tương lai, đến sự hoang mang về việc sắp xếp quyền nuôi con – họ có thể lo lắng nhất về việc con cái sẽ đối diện thế nào trước cuộc ly hôn.
Như vậy, ly hôn có thể tạo ra những tác động tâm lý nào đối với trẻ em? Điều này còn tùy. Mặc dù việc ly hôn tạo ra căng thẳng đối với mọi trẻ, một số trẻ có thể ổn định tinh thần nhanh hơn những trẻ khác.1
Một điều an ủi là phụ huynh có thể thực hiện một số bước để giảm tác động của việc ly hôn lên tâm lý trẻ. Việc có những chiến lược hỗ trợ con cái là rất cần thiết để giúp trẻ thích nghi với những thay đổi do ly hôn mang lại.
Tại sao năm đầu tiên là khó khăn nhất
Không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu cho thấy rằng trẻ gặp khó khăn nhiều nhất trong một hay hai năm đầu sau khi ly hôn.2 Trẻ có thể phải trải qua đau khổ, tức giận, lo lắng và hoài nghi.
Nhưng nhiều trẻ dường như có thể ổn định lại. Các cháu quen dần với những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày và thoải mái hơn với cuộc sống mới. Tuy nhiên, có những trẻ dường như không bao giờ thật sự trở lại “bình thường”. Có một tỷ lệ nhỏ các trẻ tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, thậm chí kéo dài cả đời, sau khi cha mẹ ly hôn.
Tác động của ly hôn lên cảm xúc
Ly hôn tạo ra sự hỗn loạn cảm xúc cho cả gia đình, nhưng đối với trẻ em, mọi thứ trong hoàn cảnh ấy có thể đáng sợ, khó hiểu và bực bội:
- Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn để hiểu tại sao mình phải đi qua lại giữa hai nhà. Các cháu có thể lo lắng rằng nếu cha mẹ không yêu nhau nữa thì một ngày nào đó, cha mẹ cũng có thể không yêu mình.
- Trẻ đang đi học có thể lo lắng rằng cuộc ly hôn là lỗi của mình. Các cháu có thể lo sợ mình đã không ngoan hay đã làm sai điều gì đó.
- Thiếu niên có thể trở nên khá tức giận với việc ly hôn và những thay đổi do nó tạo ra. Các cháu có thể đổ lỗi cho một phụ huynh, hoặc phẫn nộ với một hoặc cả hai cha mẹ vì những biến động trong gia đình.
Tất nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt khắc nghiệt, trẻ có thể cảm thấy nhẹ nhõm trước việc cha mẹ chia tay, nếu việc ly hôn làm giảm đi sự cãi vã và căng thẳng.

Những căng thẳng liên quan đến ly hôn
Ly hôn thường có nghĩa là trẻ sẽ mất đi sự tương tác hằng ngày với một trong hai phụ huynh, thường nhất là với cha. Việc giảm tiếp xúc ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa phụ huynh với con cái, và theo một bài báo được xuất bản năm 2014, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng nhiều trẻ cảm thấy ít gần gũi với cha hơn sau cuộc ly hôn.3
Ly hôn cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ với phụ huynh đang nuôi dưỡng mình, thường nhất là người mẹ. Phụ huynh giữ quyền nuôi con thường có những mức độ căng thẳng cao hơn khi phải nuôi con một mình.4
Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy các bà mẹ thường ít động viên và ít thể hiện tình cảm âu yếm con hơn sau khi ly hôn. Ngoài ra, cách kỷ luật con cái của họ trở nên ít nhất quán và kém hiệu quả hơn.5
Đối với một số trẻ, việc cha mẹ chia tay không phải là điều khó khăn nhất mà là những yếu tố gây căng thẳng đi kèm. Những điều như thay đổi trường học, chuyển đến một ngôi nhà mới và sống với một trong hai người cha/mẹ – người đang cảm thấy mệt mỏi hơn – mới chỉ là một vài trong số những yếu tố gây căng thẳng khiến việc ly hôn trở nên khó khăn.
Khó khăn tài chính cũng là điều phổ biến sau ly hôn. Nhiều gia đình phải chuyển đến căn nhà nhỏ hơn hoặc thay đổi hàng xóm láng giềng, cũng như thường có ít điều kiện vật chất hơn.
Những rủi ro các gia đình phải đối mặt
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, vào năm 2013, khoảng 40% các cuộc hôn nhân mới ở Hoa Kỳ có một trong hai người đã từng kết hôn, và 20% các cuộc hôn nhân mới có cả hai người đã từng kết hôn.6
Điều đó có nghĩa là nhiều trẻ em phải chịu đựng những thay đổi liên tục về các kiểu sinh hoạt gia đình. Việc có thêm cha mẹ kế, biết đâu thêm một vài anh chị em kế, có thể là một sự thay đổi lớn khác mà trẻ phải thích nghi. Ngoài ra, những người từng ly hôn thường tái kết hôn, cả cha lẫn mẹ, có nghĩa là càng nhiều thay đổi hơn cho trẻ.
Tỷ lệ đổ vỡ của các cuộc hôn nhân lần thứ hai thậm chí còn cao hơn các cuộc hôn nhân đầu tiên. Vì vậy, nhiều trẻ phải trải qua rất nhiều cuộc chia ly và ly dị suốt nhiều năm.
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần
Ly hôn có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thiếu niên. Bất kể tuổi tác, giới tính và văn hóa, trẻ có cha mẹ ly dị trải qua các vấn đề về tâm lý ngày càng gia tăng.7
Ly hôn có thể gây ra sự rối loạn thích nghi ở trẻ, vấn đề này có thể vượt qua trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng tỉ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn ở trẻ em có cha mẹ ly hôn.
Các vấn đề về hành vi
Trẻ trong các gia đình ly hôn có thể gặp nhiều vấn đề về bên ngoài – chẳng hạn như rối loạn hành vi, phạm pháp và hành vi bốc đồng – hơn là trẻ trong các gia đình có cả cha lẫn mẹ.7 Ngoài việc tăng các vấn đề về hành vi, trẻ cũng có thể gặp nhiều xung đột với bạn bè hơn sau cuộc ly hôn.
Kết quả học tập kém
Trẻ em từ các gia đình đã ly hôn không phải lúc nào cũng học tốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy con cái của các gia đình đã ly hôn có xu hướng gặp khó khăn trong việc học nếu việc ly hôn xảy ra bất ngờ, trong khi trẻ từ các gia đình có nhiều khả năng ly hôn thì không có kết quả tương tự.8
Hành vi liều lĩnh
Trẻ vị thành niên của các gia đình đã ly hôn có nhiều khả năng tham gia vào những hành vi liều lĩnh, chẳng hạn như sử dụng chất gây nghiện và quan hệ tình dục sớm. Tại Hoa Kỳ, thiếu niên có cha mẹ ly dị uống rượu sớm hơn, sử dụng rượu, cần sa, thuốc lá và ma túy cao hơn so với bạn bè cùng trang lứa.Theo một nghiên cứu được công bố năm 2010, trẻ vị thành niên có cha mẹ li hôn khi các cháu từ 5 tuổi trở xuống đặc biệt có nguy cơ cao quan hệ tình dục sớm trước tuổi 16.9 Việc thiếu sự hiện diện của người cha cũng liên quan đến việc thanh thiếu niên có số lượng bạn tình cao hơn.10
Tác giả: Amy Morin, Chuyên viên xã hội
Nguồn: Very well family
Dịch: Blessie
THAM KHẢO
1. Kleinsorge C, Covitz LM. Impact of divorce on children: developmental considerations. Pediatr Rev. 2012;33(4):147-54. doi:10.1542/pir.33-4-147
2. Rappaport SR. Deconstructing the Impact of Divorce on Children. Family Law Quarterly. 2013;47(3):353-377.
3. Anderson J. The impact of family structure on the health of children: Effects of divorce. Linacre Q. 2014;81(4):378–387. doi:10.1179/0024363914Z.00000000087
4. Rodriguez-JenKins J, Marcenko MO. Parenting stress among child welfare involved families: Differences by child placement. Child Youth Serv Rev. 2014;46:19–27. doi:10.1016/j.childyouth.2014.07.024
5. Wallerstein J, Lewis J, Rosenthal SP. Mothers and their children after divorce: Report from a 25-year longitudinal study. Psychoanalytic Psychology. 2013;30(2):167-184. doi:10.1037/a0032511.
6. Pew Research Center. 8 facts about love and marriage in America.
7. D’Onofrio B, Emery R. Parental divorce or separation and children’s mental health. World Psychiatry. 2019;18(1):100–101. doi:10.1002/wps.20590
8. Brand JE, Moore R, Song X, Xie Y. Parental divorce is not uniformly disruptive to children’s educational attainment. Proc Natl Acad Sci USA. 2019;116(15):7266-7271. doi:10.1073/pnas.1813049116
9. Donahue KL, D’Onofrio BM, Bates JE, Lansford JE, Dodge KA, Pettit GS. Early exposure to parents’ relationship instability: implications for sexual behavior and depression in adolescence. J Adolesc Health. 2010;47(6):547–554. doi:10.1016/j.jadohealth.2010.04.004
10. Ryan RM. Nonresident fatherhood and adolescent sexual behavior: a comparison of siblings approach. Dev Psychol. 2015;51(2):211–223. doi:10.1037/a0038562
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?