Ai cũng muốn có niềm vui và hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ điều này.

Cổ nhân có câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện“. Tôi chọn một góc độ khác nhìn vào luận điểm này để đưa ra dẫn chứng đối nghịch. Hy vọng rằng nó sẽ không trở thành một đề tài khiêu chiến nhưng sẽ ích lợi trong cái nhìn bao quát của chúng ta về những định luật diễn hóa trong đời sống nhân loại.

Nguồn: Pixabay

Khi trẻ nhỏ sinh ra chưa đầy năm, bạn chắc không lạ lẫm gì với việc con đòi hỏi những món đồ chưa được phép sử dụng hoặc thuộc sở hữu của trẻ khác, đôi khi bằng những xúc cảm rất quyết liệt. Người lớn sẽ cười xòa cho rằng con nít không biết gì. Nhưng đó là một trong những minh chứng việc mong muốn được đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân dường như là bản năng gốc rễ. Chúng có thể đã tồn tại trong tiềm thức của từng tế bào được di truyền từ đời này sang đời khác một cách không hề vô lý. Khi nhận xét rằng con trẻ có những tính cách giống như ông bà hay bố mẹ, chúng ta chỉ nói vui. Nhưng trên thực tế rất khó để phủ nhận cả một quá trình của sự lan truyền mà chính bản thân mỗi người trong nhân loại đều là một mắt xích không thể loại trừ.

Minh họa: Công Kính

Từ thuở khai sơ, tổ phụ của loài người đã không kiềm chế được tham muốn trở nên một phiên bản vượt trội so với sự tạo dựng ban đầu vô cùng thuần khiết. Và họ đã phạm tội với Thượng Đế một cách có chủ ý. Cũng không quá phi lý, huyễn hoặc khi lập luận rằng bản tính tham lam tồn tại trong những tế bào của chúng ta đã được di truyền từ nhiều đời nay như một lời nguyền khiến loài người càng về sau càng chìm trong đau khổ và tội lỗi. Tôi thật sự gần như bội thực với những tin tức mỗi ngày nhan nhản trên các trang truyền thông. Nào vì một ít của cải hay ham muốn sở hữu mà hủy hoại sinh mạng của người khác. Nào là vì một chút danh vọng mà bán rẻ cả nhân cách và lòng tự trọng. Nào là vì khao khát vật chất mà từ bỏ tình thân, tranh giành làm tổn thương lẫn nhau vô cùng trầm trọng. Người người nhà nhà đều có những hoàn cảnh, những nỗi niềm riêng. Đằng sau những tấm ảnh tươi cười có thể là những tâm tư vụn vỡ vì thiếu bình an. Để rồi người ta cứ phải an ủi nhau bằng câu “mỗi nhà mỗi cảnh”.

Nguồn: Pixabay

Tôi chọn một trong những xung đột điển hình hầu như tồn tại trong tất cả các gia đình Châu Á, phổ biến từ giới bần nông cho đến giới trí thức để làm dẫn chứng. Ngoại trừ cách hành xử được phân biệt rõ ràng bởi sự chênh lệch tầng lớp thì nguyên nhân hay nội dung cũng không có mấy khác biệt. Tôi muốn nói đến câu chuyện về sự phân chia, tranh chấp tài sản thừa kế giữa những người anh em ruột thịt. Có vẻ như ai cũng muốn phần của cải mình thêm nhiều dù căn bản họ chẳng mấy thiếu thốn hay có khi còn đang đủ đầy, dư giả. Những diễn biến ly kỳ kéo dài đến mấy đời con cháu. Hao tổn cả thể chất lẫn tinh thần với muôn ngàn chi phí tranh tụng được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Đến cuối cùng, điều mà họ nhận được so với điều mà họ mất đi quả thật là không xứng đáng. Buông một tiếng thở dài sau tất cả cũng không thể nhẹ nhõm hơn. Vậy mà trong những cơn tham cuồng say, chẳng ai nhận ra giá trị để an yên trong đời sống chỉ đơn giản là nhường nhịn và chấp nhận buông bỏ. Ngồi bên nhau cùng uống một tách trà, ôn lại những khoảnh khắc đong đầy yêu thương, san sẻ vui buồn nhân sinh không hẳn là điều xa xỉ.

Nguồn: Pixabay

Phần đông nhân loại tự cổ chí kim luôn tôn thờ và dành cả đời mình để tìm kiếm vinh hoa, danh vọng, đến nỗi vô tâm hủy hoại những giá trị cốt lõi thuộc về chân lý. Họ hầu như lãng quên bình an thật sự là một món quà.

Bình minh chớp mắt đã hoàng hôn, thời khắc của đời người mong manh quá đỗi.

Đừng để lòng tham ngã giá cho niềm vui hay sự hạnh phúc của bạn mà hãy mạnh mẽ khước từ nó, vì sự sống đáng giá hơn sự giàu có. Hãy tỉnh táo giữ mình không rơi vào vòng xoáy cạm bẫy vô tận của lòng tham!


bởi Mai Sương

Xem thêm

1 Comment

  1. Nhân chi sơ tính bản ác (bản năng) mới đúng thực tế


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *