Lòng trắc ẩn có đang bị xã hội định hình?

Nguồn: Unsplash

Khi còn nhỏ, dường như không có ai giải nghĩa cho tôi ba chữ “lòng trắc ẩn”. Lớn lên, tôi hiểu nôm na từ này có nghĩa là lòng thương người. Tôi nhớ, ngày còn bé, khi nhìn thấy những người vô gia cư, những người già neo đơn thì trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc mà hồi đó tôi không thể định nghĩa được nó là gì, chỉ biết là tôi thấy rất thương họ và muốn làm một điều gì đó giúp họ. Ngày đó, tôi thấy những người vô gia cư, những người đáng thương gặp trên đường phố không có nhiều, họ là những người thực sự khó khăn và cần giúp đỡ. Nhưng cho đến ngày nay, xã hội mà chúng ta đang sống đã có nhiều biến đổi. Có những sự thay đổi lớn tới mức đối với một số sự việc khi nhìn vào chúng ta không thể nhận biết được nó là thật hay giả? Đến nỗi khi đi ngoài đường phố và gặp những người khó khăn, trong đầu chúng ta còn phải đặt ra một câu hỏi rằng: “Người này là người thực sự có hoàn cảnh khó khăn hay chỉ là đóng kịch thôi?”. Vì vậy mới đặt ra vấn đề trong bài viết này, đó là “lòng trắc ẩn cho những người khốn cùng, có nên được đặt đúng chỗ?”

Nguồn: Unsplash

Bàn về vấn đề này, chúng ta thường nói tới hai mặt đối lập của cùng một vấn đề. Tôi đã từng được nghe những câu Châm ngôn như “Ai thương xót người nghèo khó thì có phước” hay là “Đừng bóc lột người nghèo vì họ nghèo khó, cũng đừng hà hiếp người khốn khổ nơi cổng thành”. Xét về khía cạnh này, việc chúng ta giúp đỡ những người khó khăn gặp nơi đường phố là một việc làm tốt và nên làm. Có rất nhiều trường hợp khó khăn thực sự cần giúp đỡ. Tôi từng thấy những chương trình mang tính nhân văn được tổ chức và giúp đỡ nhiều những hoàn cảnh thực sự khó khăn vượt qua được cơn sóng gió của cuộc đời họ. Việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn là điều nên làm, người có thì giúp đỡ người chưa có, như vậy tình thương giữa người với người ngày càng thêm khăng khít. Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Việc chúng ta giúp đỡ những người khó khăn có thể chỉ là một chút trong những gì chúng ta có, nhưng đó lại là điều có ý nghĩa vô cùng đối với những người đang khốn khổ. Làm được những việc như vậy với những người xung quanh mình, chẳng phải cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn nhiều sao?

Nguồn: Unsplash

Ở một khía cạnh khác, hiện nay có rất nhiều người có quan điểm rằng chúng ta không nên giúp đỡ những người khó khăn bằng tiền bạc bởi lẽ những con người đó, nếu chúng ta cứ cho họ tiền, thì họ sẽ ỷ lại và không cố gắng nữa. Có những người “đóng kịch” để biến mình trở thành người khó khăn, lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác để kiếm lợi cá nhân cho mình. Tôi đã thấy nhiều trường hợp ở những địa điểm du lịch nổi tiếng, những người làm cha, làm mẹ yêu cầu những đứa con nhỏ của mình “hóa trang” thành những đứa bé mồ côi, quần áo dơ dáy, đầu tóc rối bời đi xin ăn. Ban đầu, khi bắt gặp những hình ảnh đó, ai cũng sẽ động lòng trắc ẩn mà giúp đỡ những đứa bé này. Thế nhưng, khi bạn lui tới địa điểm đó nhiều lần và thường xuyên gặp em bé đó đi xin tiền, bạn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về sự chân thực của những điều mình đang nhìn thấy. Tôi đã có lần thử đặt câu hỏi với một cậu bé rằng: “Em có đang đi học không?”. Cậu bé gật đầu. Thấy lạ, tôi tiếp tục hỏi: “Vậy tại sao em lại đi xin tiền như thế này?”. Cậu bé nói vì bố mẹ muốn em làm như vậy!? Có nghĩa là, những người lớn, những người hiểu chuyện đã lợi dụng con trẻ cho mục đích cá nhân của mình. Tôi không bàn tới những ảnh hưởng tiêu cực trên đứa trẻ khi được nuôi dạy trong một môi trường của sự lừa dối. Thế nhưng, trong chỗ này, chẳng phải nếu chúng ta cứ giúp đỡ cậu bé, mỗi ngày cậu lại càng đem về nhiều tiền hơn thì chẳng phải chúng ta đã gián tiếp cổ vũ cho việc làm sai trái của cha mẹ chúng hay sao?

Nguồn: Pexels

Không chỉ là bố mẹ của những đứa trẻ, tôi còn biết có những đường dây chuyên sử dụng những đứa trẻ, người già neo đơn để trục lợi cho họ. Họ hoạt động bằng cách giao cho những người trong đường dây của mình phải đi bán một số thứ như kẹo cao su, tăm, bật lửa… hoặc đi xin ăn sau đó về nộp lại tiền cho họ. Có những trường hợp, nếu trong một ngày đi xin tiền mà không có đủ số tiền mà những người chủ yêu cầu thì sẽ bị đánh đập, trừng phạt một cách tàn nhẫn. Những người cầm đầu những đường dây này, họ đang lợi dụng lòng tin, lòng trắc ẩn của người khác để trục lợi. Nếu lòng trắc ẩn chúng ta đặt ở những chỗ này, chẳng phải đã sai rồi hay sao?

Lại có lần, tôi gặp phải một trường hợp đứng vòi vĩnh xin tiền trong chốn công sở cho kỳ được mới thôi. Người đó tự ý bước vào trong văn phòng công ty, trình bày hoàn cảnh rằng tôi khổ lắm, đi lạc, không có tiền đi xe về quê, xin cho tôi tiền đi xe… Người lễ tân trong công ty đã có ý muốn mời người đó ra ngoài vì việc đó không tiện nơi chốn công sở nhưng người xin tiền kia cứ cố đứng lại, đòi cho tiền bằng được. Người lễ tân buộc phải cho người đó 20.000 đồng để người đó bỏ đi, thế nhưng ai có thể ngờ được, người đó chê ít và yêu cầu cho thêm!?? Chẳng phải chỗ này, lòng trắc ẩn bị lợi dụng trắng trợn đến mức bị ép buộc hay sao?

Nguồn: Unsplash

Ngày nay, mạng xã hội đang vô cùng phát triển, mỗi ngày lướt web, Facebook chúng ta đều thấy rất nhiều những đoạn tin được chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Mỗi hoàn cảnh được đưa lên đều là những trường hợp vô cùng cấp bách, vô cùng khó khăn. Nhưng để kiểm tra tính xác thực của những thông tin này còn cần phải suy xét rất nhiều yếu tố.

Đứng trước những thực trạng hiện nay trong xã hội, có lẽ nhiều người dù có sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn đến mấy đôi khi cũng phải đặt câu hỏi về độ chân thực của những hoàn cảnh này. Có lẽ lòng tin giữa người với người đã giảm đi rất nhiều. Người ta không còn dám tin chắc 100% vào những điều mình thấy, mình nghe được nữa. Có ý kiến cho rằng trước những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cần xem xét tới mức độ của họ, nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng chúng ta không nên bỏ đi lòng trắc ẩn của mình, đừng quá đắn đo khi đưa tay ra làm một việc lành nào đó. Quan điểm của bạn thì sao?

bởi Quỳnh Mai