Những mâu thuẫn thường có trong tình anh em

Mâu thuẫn giữa cha mẹ với nhau, mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái là những vấn đề thường gặp trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, cùng với đó mâu thuẫn giữa anh chị em cũng khiến cho nhiều gia đình rơi vào tình trạng rạn nứt. Vậy, những mâu thuẫn đó là gì và thường xuất hiện bởi những nguyên nhân nào?

Nguồn : Unsplash

1. Cách giáo dục của cha mẹ

Từ khi mang thai cho đến lúc sinh con đã có muôn vàn khó khăn nhưng để nuôi dạy con cái và xây dựng cho con cái một mái ấm gia đình hạnh phúc là điều không dễ dàng. Một gia đình hạnh phúc là khi giữa các thành viên trong gia đình có sự yêu thương và hòa thuận. Trong thực tế cho thấy nhiều gia đình thường xuyên xảy ra sự bất hòa giữa anh chị em với nhau là do thiếu đi sự giáo dục của cha mẹ. Cha mẹ chưa dạy cho những đứa các con hiểu được giá trị của tình cảm gia đình, và ý nghĩa của tình ruột thịt. Chính vì thế nhiều đứa trẻ xem anh chị em chỉ như những người “lạ” sống cùng nhà. Thời gian trôi qua, cùng với những mâu thuẫn trong cuộc sông khiến cho tình anh em thêm xa cách.

2. Bị đối xử thiếu công bằng

Tâm lí con người là luôn muốn được đối xử công bằng. Những đứa con trong gia đình cũng vậy, tuy anh chị em có yêu thương nhau đến thế nào thì cũng không khỏi sự đố kị, ganh tị. Nhiều bậc cha mẹ, ông bà chưa khéo léo để có thể tạo ra sự công bằng tuyệt đối trong cách đối xử với những đứa con. Có sự chênh lệch trong việc dành tình cảm, chia quà cáp, em nhỏ thì thường được chiều chuộng hơn hay đơn giản phân chia công việc nhà giữa các con… sẽ dẫn đến sự so đo và là ngòi nổ cho những mâu thuẫn giữa anh em với nhau. Vì vậy, cha mẹ không chỉ cần yêu thương mà còn cần khéo léo trong cách ứng xử để các con luôn cảm thấy được sự bình đẳng trong gia đình.

3. Sự khác biệt về tính cách, suy nghĩ

Ông cha ta có câu “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, mà tính thì Trời sinh mỗi người mỗi khác. Mỗi người là một cá thể khác biệt từ ngoại hình đến tính cách. Tuy cùng một cha mẹ sinh ra, cùng nhận được giáo dục như nhau những mỗi người lại có những quan điểm sống, tư duy khác nhau. Sự khác biệt trong tính cách, suy nghĩ, sở thích, độ tuổi… là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn. Hơn nữa mỗi người đều có một cái “tôi” cá nhân và coi trọng quyền lợi của bản thân nên khó có thể đánh đổi lợi ích của mình vì người khác vì vậy việc thuận theo sở thích, yêu cầu của người khác là điều không dễ dàng. Nguyên nhân này là điều khó có thể tránh khỏi trong mối quan hệ giữa anh chị em, vì vậy chúng ta cần có sự thấu hiểu, tôn trọng, cảm thông cho nhau để có được sự hòa hợp và tiếng nói chung.

4. Thân thiết nên thiếu tế nhị

Có một điều chúng ta thường thấy trong mối quan hệ giữa anh chị em đó là bực tức và nóng giận thì không cần phải kiềm chế; và bỏ qua sự lịch sự và tế nhị. Khi càng thân thiết thì chúng ta lại càng ít quan tâm đến sự riêng tư, không để đến những điều nhỏ nhặt, cho nên có những điều vô tình làm mất lòng nhau. Chị có thể tự do vào phòng em mà không gõ cửa, em thoải mái dùng đồ của chị nhưng không hỏi ý kiến, thiếu tế nhị trong trò chuyện có thể gây tổn thương nhau… Vì nghĩ là một người nhà nên chúng thường cho mình quyền được biết mọi điều và xen vào những khoảng riêng tư của anh chị em vì vậy đã gây nên những sự khó chịu, mâu thuẫn không đáng có.

Mâu thuẫn là điều không thể thiếu trong cuộc sống gia đình. Nhưng điều quan trọng là chúng ta cần cố gắng hạn chế những mâu thuẫn và biết cách giải quyết khi mâu thuẫn xảy ra. Tình anh em là sợi dây liên kết gia đình chính vì vậy chúng ta đừng để những mâu thuẫn cắt đứt đi sợ dây ấy. “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”

bởi Phan Uyên