FOMO, “Nỗi sợ bỏ lỡ” – làm sao đối phó?

“Nỗi sợ bỏ lỡ” nói đến cảm giác rằng người khác đang có nhiều niềm vui hơn, sống cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc trải nghiệm những điều tốt hơn mình. Cảm giác ghen tị sâu sắc ảnh hưởng đến lòng tự trọng. 

Ảnh bởi Aaron Blanco trên Unsplash

“Nỗi sợ bỏ lỡ” (FOMO) là một hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến và gây ra căng thẳng nghiêm trọng trong cuộc sống. Nó có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhưng một số người sẽ có nguy cơ cao hơn. Dưới đây là những gì bạn nên biết về lịch sử của FOMO, các nghiên cứu, cách nhận ra FOMO và cách quản lý FOMO để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống bạn.

Nó là gì?

“Nỗi sợ bỏ lỡ” nói đến cảm giác rằng người khác đang có nhiều niềm vui hơn, sống cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc trải nghiệm những điều tốt hơn mình. Cảm giác ghen tị sâu sắc ảnh hưởng đến lòng tự trọng. Thường sẽ trầm trọng thêm khi lún sâu vào các trang mạng xã hội như Instagram và Facebook.

FOMO không chỉ là cảm giác rằng có thể vẫn còn những điều tốt hơn mà mình có thể trải nghiệm ngay bây giờ, mà còn là cảm giác mình đang bỏ lỡ điều gì đó quan trọng mà những người khác đang được trải qua ngay lúc này.

Đó có thể là bất cứ điều gì, từ một bữa tiệc tối thứ Sáu đến việc được thăng chức, nhưng luôn là cảm giác bất lực sợ rằng mình đang bỏ lỡ điều gì đó lớn lao.

Lịch sử

“Nỗi sợ bỏ lỡ” được các nhà nghiên cứu mô tả là “cảm giác khó chịu và đôi khi ngốn hết sức lực của bạn – sợ rằng bạn đã bỏ lỡ thứ gì đó – rằng những người xung quanh bạn đang làm, biết, sở hữu thứ gì đó tốt hơn bạn.”

Có lẽ FOMO đã tồn tại trong nhiều thế kỷ (có bằng chứng về FOMO trong các văn bản cổ đại), nhưng chỉ mới được khoa học nghiên cứu trong vài thập kỷ qua (nhà chiến lược tiếp thị-Tiến sĩ Dan Herman năm 1996). Tuy nhiên, kể từ khi mạng xã hội (MXH) ra đời, FOMO đã phát triển rõ ràng hơn và được nghiên cứu nhiều hơn.

MXH đã khiến hiện tượng FOMO hoành hành dữ dội hơn theo nhiều cách. Vì nó đặt bạn vào tình huống phải so sánh cuộc sống bình thường của mình với những sự kiện nổi bật trong cuộc sống của người khác. Cho nên bạn cảm thấy mình quá đỗi “tầm thường”dường như đang sống quá thất bại so với những người xung quanh. Bạn có thể dễ dàng thấy hình ảnh bạn bè mình đang tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ mà không có mình – điều mà mọi người không dễ làm được trong các thế hệ trước.

MXH tạo ra nền tảng để khoe khoang; đôi khi đó là nơi mà mọi thứ, mọi sự kiện và thậm chí cả hạnh phúc đều bị đem ra để cạnh tranh. Mọi người đang mang tất cả những hình ảnh, trải nghiệm tuyệt nhất của họ ra để cạnh tranh, nên chắc rằng bạn sẽ cảm thấy mình thật thiếu thốn và nghèo nàn.

Nghiên cứu

Khi nhiều nghiên cứu về FOMO được tiến hành, chúng ta có được bức tranh rõ ràng hơn về hậu quả và cách nó ảnh hưởng chúng ta. FOMO gây ra nhiều tác động tiêu cực, và phổ biến hơn bạn tưởng:

  • MXH cả nguyên nhân và kết quả của FOMO.

Không có gì đáng ngạc nhiên, thanh thiếu niên sử dụng MXH quá nhiều sẽ mắc phải FOMO. Tuy nhiên, điều thú vị là FOMO sẽ càng khiến bạn lún sâu vào MXH hơn nữa. Những cô gái trải qua trầm cảm có xu hướng sử dụng MXH nhiều hơn. Mặt khác, các chàng trai nhận thấy sự lo lắng là tác nhân khiến họ sử dụng MXH càng nhiều hơn. Điều này cho thấy việc sử dụng MXH ngày càng tăng có thể dẫn đến tăng tỷ lệ căng thẳng do FOMO gây ra.

  • FOMO do sử dụng MXH diễn ra bất kể tuổi tác và giới tính.

FOMO có thể xảy ra ở tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Nghiên cứu trong Tâm thần học cho thấy FOMO liên quan mật thiết với việc lạm dụng điện thoại thông minh và MXH, bất kể tuổi tác hoặc giới tính. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng cả việc sử dụng MXH và điện thoại thông minh đều dẫn đến nguy cơ mắc chứng FOMO nghiêm trọng hơn. Việc sử dụng điện thoại thông minh dẫn đến nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực, và thậm chí là tích cực, cũng như tác động tiêu cực đến tâm trạng.

  • FOMO xảy ra do không hài lòng về cuộc sống.

Một bài báo khoa học về Máy tính và Hành vi Con người đã tìm thấy một số xu hướng liên quan đến FOMO. FOMO liên quan đến cảm giác không được đáp ứng đủ nhu cầu cũng như không hài lòng về cuộc sống. FOMO liên quan mật thiết với cường độ tham gia MXH cao. Dường như FOMO có liên quan đến cả hai cảm giác: cần phải tham gia MXH và cần phải tăng cường mức độ tham gia. Điều này có nghĩa là FOMO và thói quen sống với MXH đã góp phần vào một chu kỳ tự duy trì tiêu cực.

  • FOMO có thể nguy hiểm.

Bên cạnh cảm giác bất hạnh ngày càng gia tăng, FOMO có thể dẫn đến các hành vi không lành mạnh. Ví dụ, FOMO liên quan đến việc mất tập trung khi lái xe, trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Giảm thiểu FOMO

Chúng ta có thể hạn chế được FOMO.

Càng lún sâu vào MXH, chúng ta càng cảm thấy tồi tệ về bản thân và cuộc sống mình, chứ không hề tốt hơn. Nhờ đó chúng ta biết rằng những nỗ lực nhằm giảm bớt cảm giác FOMO đôi khi lại khiến nó trầm trọng thêm. Tuy nhiên, hiểu được vấn đề nằm ở đâu sẽ là bước đầu tiên để khắc phục nó. Các bước sau đây sẽ giúp bạn:

1. Thay đổi sự chú ý của bạn. Thay vì tập trung vào những gì bạn thiếu, hãy thử chú ý những gì bạn đang có. Điều này nói dễ hơn làm, vì trên MXH đầy dẫy hình ảnh của những thứ chúng ta không có, nhưng chúng ta sẽ làm được. Hãy theo dõi những người tích cực; bỏ qua những người có xu hướng khoe khoang quá nhiều hoặc người không ủng hộ bạn. Hãy lọc lại trang MXH của bạn, để giảm bớt những thứ có thể “kích hoạt” FOMO và có được nhiều hơn những gì khiến bạn cảm thấy tích cực về bản thân. Xác định những thứ có thể làm hỏng niềm vui của bạn trên MXH. Hãy hành động để giảm thiểu những thứ này, đồng thời thêm vào newsfeed (và cuộc sống thật) những điều khiến bạn hạnh phúc.

2. Hãy sắm một quyển nhật ký. Thông thường bạn sẽ đăng bài trên MXH để lưu lại những điều thú vị mình đã làm. Tuy nhiên, bạn rất dễ sẽ quá để tâm đến việc mọi người có quan tâm đến những trải nghiệm của bạn hay không. Trong trường hợp đó, hãy lưu giữ những bức ảnh trong một quyển lưu bút cá nhân, viết về những kỷ niệm đẹp nhất, có thể trực tuyến hoặc trên giấy, nhưng hoàn toàn riêng tư. Điều này sẽ giúp bạn ngừng tập trung tìm kiếm sự công nhận của người khác, thay vào đó có thể tự mình tận hưởng những điều làm cho cuộc sống trở nên tuyệt vời. Sự thay đổi này đôi khi có thể giúp bạn thoát khỏi vòng xoáy MXH FOMO.

3. Tìm kiếm những kết nối thật. Bạn có xu hướng tìm kiếm sự kết nối cộng đồng khi cảm thấy chán nản hoặc lo lắng, và điều này hoàn toàn lành mạnh. Cảm giác cô đơn hoặc bị bỏ rơi là cách bộ não nói với chúng ta rằng cần tìm kiếm nhiều kết nối hơn với người khác và tăng cảm giác thân quen. Thật không may, tham gia MXH không phải lúc nào cũng là cách để làm điều này, bạn có thể đang đi từ một tình huống xấu đến một tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn.

Thay vì cố gắng kết nối nhiều hơn với mọi người trên MXH, tại sao không sắp xếp buổi gặp gỡ trực tiếp với ai đó? Lập kế hoạch đi chơi với bạn bè hoặc tham gia hoạt động xã hội sẽ là một sự thay đổi tốt đẹp và giúp bạn rũ bỏ cảm giác mình đang bỏ lỡ điều gì đó. Bạn sẽ là người chủ động hành động. Nếu bạn không có thời gian lên kế hoạch đi chơi, thì chỉ một tin nhắn trực tiếp cho bạn bè cũng có thể thúc đẩy tình bạn thân thiết hơn so với việc đăng bài và hy vọng nhiều bạn bè sẽ nhấn “like”.

4. Hãy biết ơn. Các nghiên cứu cho thấy tham gia các hoạt động nâng cao lòng biết ơn như viết nhật ký biết ơn, hoặc chỉ đơn giản là nói với người khác những điểm bạn đánh giá cao về họ sẽ phấn hưng tinh thần của chính bạn cũng như mọi người xung quanh. Sẽ khó mà cảm thấy như thể bạn đang thiếu những thứ bạn cần trong cuộc sống, khi tập trung vào nhiều điều phong phú bạn đang sở hữu. Và việc giúp người khác cảm thấy vui vẻ cũng sẽ làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn.

Đây chính là những gì bạn cần để giảm bớt cảm giác chán nản hoặc lo lắng. Bạn sẽ không bị cám dỗ lọt hố MXH FOMO khi nhận ra mình đang sở hữu bao nhiêu. Bạn sẽ thấy rằng mình đã có những gì mình cần trong cuộc sống và những người khác cũng vậy. Điều này thật tuyệt vời cho sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.

Lời kết

Mặc dù FOMO có liên quan mật thiết với việc sử dụng MXH, nhưng điều quan trọng cần nhớ là: đó là một cảm giác rất thực tế và phổ biến ở mọi người, mọi lứa tuổi. Mọi người đều chịu một mức độ FOMO nhất định tại các thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Nếu bạn cảm thấy mình đang phải chịu đựng FOMO, hãy liên lạc với bạn bè hoặc dành thời gian để suy ngẫm về những điều bạn biết ơn trong cuộc sống. Các hoạt động ấy mang đến một viễn cảnh nơi chúng ta cảm thấy thân thuộc, bình yên hơn và giải phóng “nỗi sợ bỏ lỡ” bất cứ điều gì.

Nguồn: verywellmind.com
Hồng Nhạn dịch

Xem thêm