Dạy trẻ thơ về tiền bạc

Có thể con bạn còn quá nhỏ để được cho tiền, nhưng bé không còn quá nhỏ để được dạy cách tiếp cận tiền bạc đúng đắn vốn là điều quan trọng.

Ảnh từ lifehopeandtruth.com

Đã bao giờ bạn nghe về bài thơ “Trí thông minh (Smart) trong tuyển tập thơ Where the Sidewalk Ends, tạm dịch Tận cùng của lối đi, của nhà thơ Shel Silverstein chưa? Nó bắt đầu như sau:

“Bố cho tớ tờ một đô-la
Vì tớ là con thông minh nhất
Tớ đem đổi hai đồng 25 xu
Vì tất nhiên hai nhiều hơn một!”

Cậu con trai “thông minh” này đã tiếp tục thương vụ “làm giàu” của mình, bằng cách đổi hai đồng 25 xu để lấy ba đồng 10 xu, rồi lại đổi thành bốn đồng 5 xu, cuối cùng đổi lấy năm đồng 1 xu! Bài thơ kết luận:

“Tớ đem tiền đi khoe với bố
Mặt bố từ từ đỏ bừng lên
Bố nhắm mắt và lắc lắc đầu
Bố tự hào không nói nên câu!”

Người ta có thể tự hỏi liệu ông bố này có quá vội cho tiền cậu con trai “thông minh nhất đời” trước khi cậu thực sự sẵn sàng hay không? Nhưng ngay cả khi con bạn chưa biết giá trị của các loại tiền, bạn vẫn có thể bắt đầu dạy con cách quản lý tiền bạc có trách nhiệm.

Tất cả đều tùy thuộc vào bạn!

Dù có nhận ra hay không, rất có thể bạn đã bắt đầu dạy những bài học về tài chính cho con mình rồi đấy! Trong vai trò làm cha mẹ, cách quản lý tiền bạc của bạn là nền tảng cho mọi bài học tài chính khác. Thái độ và cách tiếp cận của bạn đối với tiền bạc sẽ tác động đến con cái.

Ngay từ khi còn nhỏ, con bạn nên nhìn thấy bạn là một người kỹ lưỡng khi mua sắm. Hãy dạy bé giúp bạn lập danh sách nhu yếu phẩm và giải thích tại sao gia đình cần mua những thứ ấy. Hãy cho con thấy bạn lên kế hoạch cho những thứ sẽ mua chứ không phải mua sắm một cách bốc đồng. Hãy dạy con sự khác biệt giữa “điều mình muốn” và “điều mình cần”.

Khi con lớn, bạn có thể nhờ con giúp so sánh các vật phẩm, bằng cách chỉ con cách xem dung tích của một hộp sản phẩm (không phải cứ nhìn hộp to hơn là chứa nhiều hơn!), loại nào tốt cho sức khỏe, loại nào có giá tốt hơn. Bạn cũng có thể dạy con nhận thức về những quảng cáo trên truyền hình và cách mà các nhà quảng cáo luôn cố gắng làm người ta mua sản phẩm của họ.

Nếu bạn có sự tiết độ và cẩn thận trong cách sử dụng tiền, nhiều khả năng con bạn cũng sẽ học được những đức tính đó!

Bạn cũng có thể làm gương về tính kiên nhẫn trong việc mua sắm. Hãy nói với con: “Khoan mua đã con. Hãy chờ đến khi nó được giảm giá!” Nên nhớ, nếu bạn có sự tiết độ và cẩn thận trong cách sử dụng tiền, nhiều khả năng con bạn cũng sẽ học được những đức tính đó!

Tiền không mọc trên cây!

Một khái niệm căn bản khác để giới thiệu với con là tiền đến từ đâu. (Nó không thực sự rõ ràng như chúng ta nghĩ đâu!) Hãy giải thích cho con biết rằng mọi người phải làm việc để kiếm tiền, lý do kiếm tiền là để mua những thứ chúng ta cần. Điều quan trọng là phải giải thích rằng Chúa là Đấng ban cho chúng ta sức khỏe và giúp chúng ta làm việc, sản xuất. Tiền chúng ta kiếm được có liên quan đến nỗ lực và sự siêng năng của chúng ta, như sách Châm Ngôn chương 10 câu 4 có nói, nhưng trên hết, Chúa mới là Đấng ban cho của cải (câu 22)

Chắc chắn bạn cũng cần xóa bỏ những hiểu lầm về thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, vì nó dễ dàng khiến trẻ nghĩ đó là tiền miễn phí hoặc muốn xài bao nhiêu cũng được. Chúng ta đang dần trở thành một xã hội không dùng đến tiền mặt, nhưng hãy cố gắng sử dụng tiền mặt bất cứ khi nào có con ở cùng bạn.

Khi buộc phải sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của mình, hãy đưa ra lời giải thích đơn giản về cách thức hoạt động của nó. Thẻ tín dụng tượng trưng cho số tiền mà bạn hứa sẽ trả lại sau này. Thẻ ghi nợ tượng trưng cho việc trừ vào khoản tiền bạn đã nộp vào tài khoản ngân hàng trước đó để trả trực tiếp cho cửa hàng hoặc nhà hàng. Có thể phải mất một thời gian thì con bạn mới thực sự hiểu, nhưng cứ giải thích dần dần.

Chúa là Đấng ban cho chúng ta sức khỏe và giúp chúng ta làm việc, sản xuất.

Con bạn nên học biết rằng tiền là một nguồn có giới hạn. Sẽ tốt cho trẻ khi nghe bạn nói: “Chúng ta không có đủ tiền để mua nó”, “Chúng ta không có tiền cho nó”. Cũng có những lúc bạn nói: “Chúng ta đang để dành để mua (cái gì đó)!” Con bạn nên biết rằng có thể tiêu tiền trong hiện tại, nhưng việc tiết kiệm cho sau này cũng là điều quan trọng.

Trẻ em cấp tiểu học đã có thể học về khái niệm lập ngân sách. Bạn có thể minh họa cách hoạt động của ngân sách trong chính ngôi nhà của mình bằng cách sử dụng tiền đồ chơi lấy từ một trò chơi như Cờ tỷ phú. Gom một đống tờ tiền tượng trưng cho thu nhập của gia đình mỗi tháng, sau đó để riêng ra các khoản thanh toán như tiền thuê nhà, điện, nước, tiền chợ, xăng…

Luôn nhớ ban cho

Tất nhiên, chúng ta không muốn nuôi dạy con trở thành người keo kiệt. Khi hiểu rằng tính ích kỷ không bao giờ dẫn đến sự giàu có thật (sách Châm Ngôn 11:24-26), chúng ta sẽ muốn con mình không chỉ học cách xài tiền kỹ lưỡng mà còn có sự hào phóng đúng đắn. Bạn có thể cho con thấy cách gia đình bạn dùng tiền để mua quà, để giúp đỡ người khác hoặc cho những công tác có ý nghĩa. Hãy dạy trẻ biết rằng một trong những lý do chúng ta làm việc và kiếm tiền là để có thể giúp đỡ người gặp khó khăn (sách Ê-phê-sô 4:28).

Đặc biệt, là Cơ Đốc nhân, chúng ta muốn làm gương cho con về thái độ tôn kính Chúa với số tiền mà Chúa giao cho mình. Hãy dạy con biết rằng Chúa là nguồn của mọi ơn phước về tài chính và gia đình bạn luôn để Ngài là Đấng Tư Vấn tài chính cho gia đình.


Nguồn:  lifehopeandtruth.com
Dịch: Blessie

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *