6 cách lòng tham giam cầm bạn trong nghèo túng

Minh Họa: Công Kính

Lòng tham là một thứ vô cùng xấu xa và tồi tệ. Nhắc đến nó, gợi lên hình ảnh các gã tài phiệt béo tốt tích lũy khối lượng tài sản kếch xù, trong khi bóc lột công nhân bằng mức lương bèo bọt. Tuy là những kẻ giàu xụ, nhưng lòng tham cũng sẽ khiến họ nghèo khó. Tại sao lại tồn tại nghịch lý này?

Sau đây là 6 cách lòng tham “ăn mất” bạn.

1. Muốn có tất cả

Không hài lòng với cuộc đời mình, nhiều người cứ chăm chăm theo đuổi những thứ sẽ khiến cuộc sống tuyệt vời hơn. Hoặc ít nhất cũng “tơ tưởng” về chúng suốt cả ngày. Điện thoại “khủng” mới ra mắt. Xe “xịn” hơn. Nhà to hơn. TV màn hình phẳng 80 inch. Hay cả một chiếc du thuyền! Đáng buồn thay, bạn phải mất tiền để có được những thứ đó, và hệ quả có thể dẫn đến nợ thẻ tín dụng, các khoản vay “khổng lồ” không thể trả nổi, và cuối cùng mọi thứ bạn có sẽ vào tay các chủ nợ. Bạn có nhớ câu nói nổi tiếng “Những thứ bạn sở hữu rốt cuộc sẽ sở hữu bạn”? Vì vậy, hãy cảnh giác với lòng tham. Hạnh phúc đến từ những món đồ hào nhoáng đó chỉ là thoáng qua.

2. Lối sống “xa xỉ quá mức”

Hãy nghĩ đến các kì nghĩ lễ, nghĩ Tết. Thêm rượu. Thêm bia. Thêm đồ ăn. Thêm tất cả mọi thứ! Khi lòng tham thể hiện trong những ham muốn dữ dội và ích kỷ cho đồ ăn thức uống, bạn sẽ gặp vô số vấn đề về sức khỏe. Và ai cũng biết, chăm sóc sức khỏe rất tốn kém. Bệnh béo phì do ăn quá nhiều tiêu tốn đến 210 tỷ đô-la chi phí chăm sóc sức khỏe. Tại Mỹ, một người béo phì chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe nhiều hơn đến 42% so với người có cân nặng bình thường, và béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh khác.

Nghiêm trọng hơn nữa, tham lam có thể dẫn đến nghiện rượu hoặc lạm dụng thuốc. Đương nhiên sẽ liên quan đến các yếu tố khác, như trầm cảm và các vấn đề tâm thần, nhưng tham lam cũng góp phần không nhỏ gây ra một loạt vấn đề sức khỏe do lạm dụng thuốc. Việc phục hồi sẽ rất tốn kém. Kéo theo đó là những vấn đề xuất phát từ lối sống quá mức, như phải nghỉ làm vì bệnh, thiếu nỗ lực hoặc động lực, và tốn kém tiền bạc để duy trì chế độ ăn giảm béo.

Ảnh bởi Hà My từ zing.vn

3. Vi phạm pháp luật

Tham lam khiến người ta làm những điều sai trái, dẫn đến các hành vi trái pháp luật. Không hẳn phải là cướp ngân hàng, hay lừa đảo qua mạng xã hội, đơn giản chỉ là kiếm thêm nhiều tiền bằng cách mà họ “tin” là vô hại, mặc dù việc đó bất hợp pháp. Sau đó họ bị bắt, đối diện với tù tội.

Đối với những người khác, đôi khi sự tham lam nhỏ nhặt cũng có thể khiến sự nghiệp tan tành. Gian lận thuế cũng được kể là vi phạm pháp luật.

4. Không rộng lượng

Mọi người thường hiểu sai rằng ai giàu cũng tham lam, còn ai nghèo thì không. Điều này thực sự không đúng. Chương trình của chuyên gia tài chính Robert Kiyosaki có thông điệp rằng “…khư khư tích trữ tài sản, không bao giờ quyên góp từ thiện… không phải là cách tích cực để quản lý tài chính. Hãy rộng lượng và làm nhiều việc tốt, bạn sẽ gây dựng cơ nghiệp vĩ đại hơn nhiều so với việc cứ tiết kiệm từng xu, và ngồi ngắm nó tăng lên vài phần trăm mỗi năm trong tài khoản ngân hàng của bạn.”

5. Đánh bạc

Chắc bạn đã nghe nhiều câu chuyện và phim ảnh về đánh bạc. Đánh bạc có thể khiến bạn cực kỳ giàu có chỉ trong vài giây, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Khi lao vào con đường cờ bạc vì lòng tham, bạn đã viết sẵn cho mình một vở bi kịch chực chờ xảy ra. Mỗi năm, hàng triệu người đã thử và gặp may, nhưng đối với hầu hết mọi người đó chỉ là phấn khích nhất thời. Dù thắng hay thua, họ cũng không chơi nữa. Nhưng có 2% những người đánh bạc bị nghiện nghiêm trọng, và lòng tham chiếm lấy họ. Mỗi chiến thắng trở thành cơn phấn khích tột độ. Họ muốn nhiều hơn nữa. Và hơn thế nữa. Họ muốn thấy đống tiền của mình nhân lên. Trước khi nhận thức được điều gì đang xảy ra, họ đã mất tất cả khi cố gắng giành lại số tiền mình từng có.

Ảnh bởi Mohamed Hassan từ pxhere.com

6. Lòng tham của cả tập thể

Đáng buồn thay, không phải lòng tham cá nhân, mà lòng tham của cả tập thể đang tác động đến túi tiền của chúng ta, khiến chúng ta nghèo đói. Từ các chính trị gia tham lam dùng tiền mua phiếu chống lại lợi ích chung, đến phong trào khai thác nhân công từ quốc gia chậm tiến.

Trong một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng, sau lần tăng lương đột ngột gần đây, chuỗi cửa thức ăn nhanh này đã cho ra đời các ki-ốt tự động tự phục vụ. Họ nói “Chúng tôi đang tiếp tục xem xét các sáng kiến và cách làm việc để bù đắp những tác động do lạm phát tiền lương trong tương lai, thông qua các sáng kiến ​​công nghệ, đó là các ki-ốt tự đặt hàng cho khách hàng, hoặc áp dụng tự động hóa nhiều hơn cho nhà hàng”.

Những người bảo vệ ý tưởng này cho rằng đây chính là nâng tầm kinh doanh lên một tầm cao mới, nhưng nhiều công việc được tự động hoá sẽ không cần đến nhân công nữa. Với những người lao động lương thấp “làm ngày nào ăn ngày ấy” thì ngày càng khó tìm được một công việc lương cao mà không đòi hỏi bằng cấp và kinh nghiệm – những thứ mà nhiều người không bao giờ có cơ hội đạt được.

Thậm chí nếu bạn là người ít tham lam nhất hành tinh, bạn vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi lòng tham của thế gian trong cuộc sống hàng ngày.

Nguồn: money.com

Hồng Nhạn dịch

Muốn sống an yên, hãy lường trước với những hậu quả này?

Chúng ta ắt hẳn đều đã nghe nhiều và quen với những câu chuyện về lòng tham của con người. Tham tiền bạc, tham dục vọng, tham sân si, tham vô độ… tất cả đều là những câu chuyện với những hồi kết không mấy tốt đẹp. Cũng bởi vì lòng tham này mà sinh ra những sự giả dối, không chân thật với nhau trong các mối quan hệ.

Ảnh bởi Jeff Christensen

Tôi không thể nào nhìn thấy được một mối quan hệ tốt đẹp nếu như người ta đối xử với nhau bằng sự giả dối.

Hãy nhìn vào một mối quan hệ hôn nhân.

Không biết rằng cái tư tưởng “không xây mới, chỉ cơi nới” nó đã đi vào và ăn sâu trong tâm trí của bao nhiêu người nhưng trên mọi chuẩn mực thì đó là một tư tưởng hoàn toàn sai chệch. Người đã có gia đình, nhưng đôi khi dám tháo bỏ nhẫn cưới để nói dối rằng “Anh/em chưa có gia đình”. Sự giả dối đó đương nhiên sẽ dẫn đến hậu quả là một mối quan hệ ngoài luồng, thế rồi tới lúc mọi chuyện được ngã ngũ thì điều gì sẽ xảy ra? Hậu quả gì sẽ còn lại?

Ngoại tình và lối sống giả dối.

Khi một người phản bội vợ/chồng để bước vào một quan hệ tình cảm bất chính, người đó sẽ thường xuyên nói dối. Thật ra, việc ngoại tình bắt đầu bằng sự thiếu thành thật với người phối ngẫu về mặt tình cảm. Khi một người đã có gia đình bị cám dỗ , nếu người đó thành thật chia sẻ với người phối ngẫu về điều đó, nguy hiểm của cám dỗ sẽ giảm đi. Khi vợ chồng thành thật với nhau về những cám dỗ mình đối diện, chúng ta có thể giúp nhau chống lại cám dỗ và sẽ vượt thắng được. Nhưng nếu khi bị cám dỗ chúng ta cảm thấy sung sướng vì cái tôi của mình được nâng cao và lén lút nuôi dưỡng tình cảm bất chính thì chắc chắn chúng ta sẽ ngã vào cám dỗ ngoại tình. Khi quyết tâm ôm giữ một quan hệ tình cảm bất chính, chúng ta sẽ chỉ còn một con đường duy nhất là sống trong giả dối để che đậy việc làm sai của mình.

Người sống ngoại tình làm nhiều điều sai, và một trong những điều đó là người đó sống trong giả dối mà không chút áy náy. Người đó lừa dối người mình thương yêu nhất, gần gũi nhất mà không thấy khó chịu. Có những người khi ngoại tình đóng kịch một cách khéo léo nên vợ con hay chồng con không hề hay biết. Khi bị vợ/chồng nghi ngờ hay dò hỏi, người ngoại tình thường chối chứ không nhận thậm chí còn nổi giận, bảo rằng mình vô tội, tốt đẹp mà bị nghi ngờ cách oan ức. Khi một người làm điều gì mờ ám, bất chính, người đó sẽ phải nói dối để che đậy tội của mình, và nếu không tỉnh ngộ và chạy thoát ra khỏi điều đó, lương tâm người đó sẽ chai lì, người đó sẽ tiếp tục lừa dối người thân yêu mà không một chút áy náy.

Tại sao người ngoại tình phải sống trong dối trá?

Trước hết, mối quan hệ mà người đó can dự vào là mối quan hệ tội lỗi, bất chính; là điều sai quấy, không một người đàng hoàng nào có thể chấp nhận. Người vướng vào ngoại tình biết việc mình làm là sai quấy, đáng bị chê cười, lên án. Thường thường người ngoại tình biết điều mình làm là sai nhưng không muốn từ bỏ hay không đủ ý chí để từ bỏ, vì thế người đó chỉ còn một con đường là sống trong giả dối, và tiếp tục lừa dối mọi người liên hệ.

Dối trá & Ngoại tình sẽ đem đến hậu quả gì?

Mất lòng tin cậy của người phối ngẫu Trước hết, vì người đó không giữ lời hứa lúc ban đầu. Người phối ngẫu không còn tin cậy người ngoại tình vì người đó đã thất hứa, không một lòng yêu thương, chung thủy với mình như đã hứa. Người ngoại tình cũng mất lòng tin cậy của người phối ngẫu vì người đó thường sống trong dối trá.

Mất lòng kính trọng của con cái

Hậu quả thứ hai mà người ngoại tình không tránh được là mất lòng kính trọng của con cái. Khi nhìn lại, và hiểu biết mọi chuyện, con cái sẽ mất đi lòng kính trọng đối với người cha, người mẹ tội lỗi, vì người đó đã bội lời hứa nguyện, gạt bỏ trách nhiệm đối với gia đình, chạy theo những ham muốn ích kỷ, để con cái phải sống trong hoàn cảnh thiếu cha vắng mẹ.

Mất lòng kính nể của người chung quanh

Khi một người cố tình bội lời hứa nguyện, chiều theo cái tôi ích kỷ để rồi gieo đau đớn buồn khổ cho những người thân yêu nhất của mình thì dĩ nhiên người đó không còn được người chung quanh kính nể. Người chung quanh có thể thương hại cho một người dại dột, mù quáng hay tiếc cho người thiếu sáng suốt, nhưng lòng kính nể thì không còn nữa.

Gia đình tan nát, con cái chịu nhiều thiệt thòi

Khi trong gia đình có người cha hay người mẹ ngoại tình, gia đình có thể đi đến đổ vỡ. Khi đó, không chỉ người bị phản bội đau khổ mà con cái cũng phải gánh chịu những thiệt thòi lớn lao. Các em thấy gia đình không phải là nơi an toàn cho các em nương tựa, các em sẽ mất lòng tin nơi người lớn, mất tin tưởng ở đời sống và vì thế có thể mất tin tưởng ở chính mình.

Cuối cuộc đời, người ngoại tình sẽ ân hận, hối tiếc. Thực tế cho thấy, những người bỏ vợ bỏ chồng để chạy theo người tình mới có thể hạnh phúc nhưng hạnh phúc đó thường không bền. Người ta nói rằng, một tình yêu bắt đầu với sự phản bội và xây dựng trên gian dối không thể là một tình yêu vững bền. Điều mà những người không chung thủy với vợ với chồng phải đối diện sau này là nỗi ân hận hối tiếc. Đến cuối cuộc đời, khi nhìn lại những gì mình làm, nhìn lại những đau đớn mình đã gây ra cho người thân yêu người ngoại tình sẽ ân hận suốt đời.

Tình yêu giả dối là điều vô cùng nguy hiểm, vì thà không yêu còn hơn là yêu cách giả dối; miệng nói yêu thương mà trong lòng toan tính chuyện phản bội. Không gì đau đớn hơn là bị người mình tin cậy, yêu thương, phó thác trọn cuộc đời, phản bội tình yêu và lòng tin cậy của mình

Bởi Quỳnh Mai

Lòng tham & Chủ nghĩa vật chất hủy hoại gia đình và các mối quan hệ

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến việc lòng tham tiền thay đổi con người như thế nào.

Minh họa: Công Kính

Tiền giúp chúng ta có được những gì mình muốn, tuy nhiên khi coi trọng tiền bạc hơn cả gia đình, bạn bè, nhân phẩm và linh hồn thì chúng ta trở thành nô lệ của nó. Thay vì để nó phục vụ cho mục đích chính đáng, chúng ta lại biến nó thành động cơ cho mọi hành động của mình. Vì tham tiền là cội rễ của mọi điều ác.

Lòng tham nuôi dưỡng khao khát mãnh liệt về sự giàu có, muốn sở hữu nhiều vật chất hơn, sẽ dẫn chúng ta đến con đường đen tối: không thỏa mãn và không hạnh phúc. Điều này có thể do cố ý, nhưng thường sẽ len lỏi một cách tinh tế, ngụy trang. Tham lam có bản chất quỷ quyệt, có khả năng ảnh hưởng, lây lan qua môi trường sống với sức mạnh vô cùng to lớn. Văn hóa, đồng nghiệp, truyền thông và gia đình là những môi trường sống tác động đến chúng ta nhiều nhất.

Hình thức tham lam tinh vi ảnh hưởng đến các gia đình là việc ít giao tiếp với nhau và tự mãn về quyền lợi. Nhìn bề ngoài, việc che giấu thông tin dường như là cách hiệu quả để ngăn thế hệ trẻ khỏi ảnh hưởng tiêu cực của sự giàu có. Nhưng sâu thẳm bên trong, đây có thể là một cách thức tinh vi để nắm chắc quyền lực và danh vọng của bản thân, dẫn đến việc từ chối chia sẻ thông tin.

Bạn thấy đấy, mối nguy thật sự của lòng tham là khiến chúng ta bị ám ảnh về thứ mình ham muốn đến nỗi nó trở thành điều duy nhất còn quan trọng. Người bị chiếm hữu bởi lòng tham mù quáng với một tầm nhìn hạn hẹp, họ chỉ nhìn thấy duy nhất ham muốn ích kỷ của chính mình.

Những người tham lam phớt lờ mọi quyền lợi và nhu cầu của người khác, đối với họ đó không phải là vấn đề lớn. Họ và nhu cầu của họ là những thứ duy nhất đáng quan tâm. Chồng hoặc vợ tham lam sẽ khiến cho gia đình đau khổ. Chính trị gia tham lam khiến cuộc sống các cử tri trở nên khốn khổ. Ông chủ tham lam làm nhân viên cực khổ. Và còn nhiều nhiều nữa, nhưng chắc đến đây bạn đã hiểu rồi.

Ảnh bởi mohamed_hassan trên Pixabay

Cuối cùng, tham lam là dấu hiệu của sự hư không. Nếu bạn thấy ham muốn mọi thứ trong cuộc sống, lo sợ sẽ không có được thứ mình muốn, thứ mình cần hoặc thứ mình xứng đáng, bạn đã đặt niềm tin sai chỗ. Lòng tham sẽ lợi dụng bạn mà không cần phải trả lại cho bạn bất cứ điều gì, vì bản thân nó là ham muốn vô đạo đức về giàu có và quyền lực. Tham lam không có lương tâm để quan tâm đến thiệt hại mà nó gây ra. Lòng tham sẽ lây lan, khiến bạn bị gia đình, bạn bè xa lánh vì lệch khỏi quy chuẩn đạo đức. Tham lam là hành động ích kỷ chỉ mang lại lợi ích riêng cho kẻ tham lam mà thôi.

Hãy nhớ: “gieo gì gặt nấy”. Vậy tại sao không sử dụng cuộc sống bạn để gieo những hạt giống tích cực, sẽ gặt hái tình yêu thương? Vật chất chỉ đến rồi đi. Nhưng danh tiếng tốt sẽ khiến giấc ngủ bạn an lành. Hãy suy ngẫm những lời này, và sống cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp mà không mảy may để lòng tham vương vấn.

Vượt qua tham lam đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và kỷ luật. Tuy không dễ dàng, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Bạn chỉ cần “thuần hóa” cái tôi của mình. Và lời nhắc nhở quan trọng cho tất cả chúng ta khi chứng kiến sự tham lam qua phương tiện truyền thông: Ở đâu có tham lam, ở đó có nguy hiểm.

Nguồn: angelinembishop.com

Hồng Nhạn dịch

Tiền bạc và sự ích kỷ: Bạn có phải là nô lệ cho cái tôi?

Ảnh: Tony Rojas từ Unsplash

Đừng để tiền bạc và sự ích kỷ biến bạn thành kẻ mà bạn không hề muốn trở thành.

Tất cả chúng ta đều gặp rắc rối khi cố gắng trở thành kiểu người mà chúng ta mong muốn… và thậm chí chúng ta còn không nhận ra mình đang kiệt sức. Tiền bạc và sự ích kỷ có thể bẻ cong lương tâm và điều khiển cuộc sống chúng ta theo hướng sai lầm.

Mọi người liên tục đấu tranh với sự ích kỷ. Ích kỷ gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống. Càng lớn tuổi, bạn càng dễ dàng che giấu sự ích kỷ của mình đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng. Nhưng che giấu những tranh đấu trong lòng bạn không thể khiến chúng biến mất. Cách tốt nhất để xác định liệu bạn có đang bị sự ích kỷ điều khiển hay không: hãy xem cách bạn nghĩ về tiền bạc.

Sự thật là tiền bạc có thể biến chúng ta thành nô lệ của nó theo đủ mọi cách. Có những cách công khai, nhưng cũng có khi – giống như sự ích kỷ – lén lút và rất khó nhận ra, trừ khi bạn chịu nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc, trung thực.

Đúng vậy, ích kỷ, ki bo với tiền bạc của mình thì dễ, nhưng rộng lượng thì rất khó. Nếu bạn không có ý chí nỗ lực để trở thành người ban cho cách hào phóng, sự ích kỷ sẽ len ​​lỏi vào thái độ của bạn và biến bạn thành nô lệ của nó từ sâu thẳm đáy lòng lúc nào không hay.

Bạn nghĩ tôi đang phóng đại vấn đề? Dưới đây là năm dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang làm nô lệ cho sự ích kỷ. Hãy xem thử bạn có nhận ra điều gì “quen thuộc” trong cuộc sống mình không.

Ảnh: Geetanjal Khanna từ Unsplash

1) Bạn nghĩ thế giới này nợ bạn.

Bạn tin rằng mình đặc biệt, xứng đáng được thưởng vì tài năng và khả năng phi thường của mình. Có thể bạn lớn lên trong sự thoải mái và giàu có, nên bạn muốn sống xa xỉ suốt đời. Khi gặp thử thách, bạn cảm thấy thế giới thật bất công. Đôi mắt bạn luôn sáng rõ khi thế giới bất công với mình, nhưng lại “mù lòa” làm ngơ trước những bất công đang diễn ra nhan nhản xung quanh.

2) Bạn sử dụng mối quan hệ để nhận lãnh, không phải để cho đi.

Bạn liên tục tìm đến các thành viên gia đình khi cần, để họ giúp bạn giải quyết khó khăn và đáp ứng nhu cầu của bạn. Nhưng bạn lại hiếm khi xuất hiện để giúp họ theo cách mà họ giúp bạn. Cách chọn bạn bè của bạn cũng có dụng ý riêng. Bạn chỉ xây dựng mối quan hệ với những người có thể mang lại lợi ích cho bạn hoặc giúp bạn tiến xa hơn. Bạn không có thời gian cho người vô ích với mình. Và không thành vấn đề khi phải “nghỉ chơi” với ai đó nếu bạn đã có cơ hội tốt hơn.

Ảnh: Stefano Pollio từ Unsplash

3) Bạn lờ đi những người có nhu cầu quanh bạn.

Bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về cuộc sống riêng mình, đến nỗi không nhận ra nhu cầu của mọi người xung quanh. Bạn không quan tâm ai đang gặp khó khăn tài chính, không bao giờ đến thăm những khu khó khăn để thấy người ta nghèo đói như thế nào. Khi bạn thấy những hoàn cảnh nghèo khó trên tivi hay sách báo, bạn lập tức chuyển kênh hoặc lật trang. Khi nói về những người kém may mắn hơn mình, bạn nhanh chóng cho rằng những vấn đề của họ là do chính họ gây ra, và bạn trì hoãn không muốn nghĩ đến chuyện giúp đỡ họ.

4) Bạn biện minh cho việc mình kém rộng lượng.

Bạn biết cho đi là tốt, nhưng cũng nghĩ rằng mình có lý do chính đáng để không làm điều đó. Tâm trí tràn ngập những khó khăn của bản thân, bạn loại bỏ tiếng lòng mình kêu gọi sống rộng lượng. Bạn tự nói với bản thân rằng: mình sẽ cho đi khi mình được tăng lương lần tới, khi tiết kiệm đủ tiền để mua nhà, hoặc cho con cái vào đại học. Có rất nhiều người ngoài kia sẵn sàng cho đi, nên cứ để họ giúp đỡ người khác. Bạn đã có đủ khó khăn riêng rồi, không việc gì phải rước thêm rắc rối.

Ảnh: Max Bohme từ Unsplash

5) Bạn cho đi một cách công khai.

Việc cho đi không phải vấn đề khó khăn với bạn – thực tế bạn còn rất thích cảm giác đó. Bạn thích cảm giác khi mọi người biết chính xác bạn hào phóng như thế nào. Bạn tham dự mọi buổi đấu giá gây quỹ và hoạt động từ thiện, rất hứng thú với những cơ hội để thể hiện cho người khác thấy bạn là người tốt đẹp thế nào. Bạn mơ ước sẽ có một công trình công cộng được đặt theo tên mình với sự kính trọng, vì bạn đã cho rất nhiều tiền để xây dựng nó.

Ngừng làm nô lệ cho tiền bạc và sự ích kỷ

Nếu bạn thấy chính mình trong bất kỳ đặc điểm nào ở trên, thì rất có thể sự ích kỷ đang kiểm soát bạn nhiều hơn bạn muốn thừa nhận. Tôi đã mắc kẹt trong mỗi một thái độ ích kỷ trên vào những thời điểm khác nhau. Tham tiền bạc và ích kỷ lôi kéo tấm lòng tôi đến những nơi tăm tối.

Nhưng vẫn còn đó hy vọng, tôi đã khám phá ra chân lý rằng tôi là một bản thể có thể sống rộng lượng, nhân từ và vị tha. Tôi không tồn tại cho những ích kỷ này bởi tôi được tạo nên bằng tình yêu thương.

Hồng Nhạn dịch

Nguồn: godmoneyme.com

Thư con gái gửi người cha ngoại tình

Ảnh: Debby Hudson từ Unsplash

Nhà mình, ngày… tháng… năm…

Ba thân yêu của con,
Khi con viết bức thư này, là lúc con thấy mẹ đang khóc. Tuy mẹ đã cố tỏ ra không có chuyện gì trước mặt chúng con và mọi người, nhưng con biết mẹ đang rất đau lòng. Ba à, từ nhỏ con luôn tự hào về ba, người ba yêu thương, luôn bảo vệ mẹ con con. Con thích những lúc ngồi sau lưng ba, ôm ba thật chặt, lúc ấy thế giới của con chính là bờ vai vững chắc của ba. Vậy mà ba ơi đã bao ngày rồi con không được ngồi sau lưng ba, không được ba chở đến trường mỗi sáng, không được ba đưa đi công viên mỗi cuối tuần. Con nhớ những bữa cơm nhà mình quây quần bên nhau, ba gắp cho mẹ thịt, gắp cho chúng con cá, rồi ba kể những câu chuyện vui khiến cả nhà mình cười tít mắt. Vậy mà ba ơi những bữa cơm nhà mình giờ đây không có ba, chiếc ghế ba hay ngồi giờ đây trống vắng lạnh lẽo. Những lúc có bài toán khó như thói quen từ nhỏ con chạy đi tìm ba nhưng ba ơi con chẳng thấy ba đâu cả. Hôm trước em bị sốt cao, mẹ gọi cho ba mãi mà ba không nghe máy, thế là con và mẹ bế em bắt xe đi bệnh viện trong đêm khuya. Những lúc gia đình mình cần ba, ba đã ở đâu vậy ba?
Ba hay đi sớm về khuya, rồi ít khi về nhà hơn nhưng mỗi khi về con lại thấy ba và mẹ cãi vã nhau. Con thấy ánh mắt hằn học của ba, thấy giọt nước mắt của mẹ. Lúc đầu, con không hiểu vì sao ba mẹ lại như vậy, ba mẹ rất yêu thương nhau mà. Nhưng bây giờ con đã hiểu, ba đã có một người phụ nữ khác ngoài mẹ. Con nghe người ta thầm thì ba ngoại tình, nghĩa là ba đã phản bội mẹ. Những lời đó khiến trái tim con quặn thắt lại. Mẹ càng ngày càng ốm đi, đôi mắt mẹ u hoài, nụ cười của mẹ cũng đượm buồn, đôi vai gầy của mẹ giờ đây phải gánh vác cả gia đình với trái tim tổn thương. Có những lúc con thấy mẹ nấu ăn trong bếp nghe tiếng chân của con mẹ vội gạt những giọt nước mắt. Con thương mẹ lắm ba à. Đã có lúc con chạy đi tìm ba, cầu xin ba dừng lại và quay về với mẹ và chúng con. Con tự hỏi người phụ nữ ấy có gì hơn mẹ? Cô ấy có gì tốt hơn gia đình mình? Ba à, con rất thương ba nhưng con cũng rất thương mẹ và gia đình mình. Ba không còn thương mẹ, không thương chúng con sao ba?

Con đã từng có rất nhiều điều ước nhưng giờ đây con chỉ có một điều ước là ba quay trở về để gia đình trở lại như xưa. Ba hãy một lần suy nghĩ lại, ba hãy chọn gia đình mình, chọn mẹ và chúng con ba nhé. Con mong ba mãi mãi là niềm tự hào, là người đàn ông vĩ đại nhất trong lòng chúng con. Con không muốn khi nghĩ đến ba nước mắt con lại chảy, trái tim con lại quặn thắt như bây giờ. Chúng con cần có ba và có mẹ. Trở về với mẹ với chúng con ba nhé, chúng ta mãi là một gia đình phải không ba?

Con nhớ ba,

Con gái của ba.

Đôi bàn tay

Minh họa: Công Kính

Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên của một công ty lớn. Anh ta vừa xong đợt phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc công ty muốn gặp trực tiếp để có quyết định nhận hay không nhận anh ta. Và ông thấy từ học bạ của chàng thanh niên, tất cả đều tốt, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học đều xuất sắc, không năm nào mà anh chàng thanh niên này không hoàn thành vượt bậc.
Giám đốc hỏi:

  • Anh đã được học bổng của những trường nào?
  • Thưa không
  • Thế cha anh trả học phí cho anh đi học sao?
  • Cha tôi mất khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí.
  • Mẹ của anh làm việc ở đâu?
  • Mẹ tôi làm công việc giặt áo quần.
    Giám đốc bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay của anh cho ông ta xem. Chàng thanh niên có hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo.
  • Vậy trước nay anh có bao giờ giúp mẹ giặt giũ áo quần không?
  • Chưa bao giờ. Mẹ luôn bảo tôi lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi – Chàng thanh niên đáp.
  • Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay khi trở lại nhà, lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh, và rồi ngày mai đến gặp tôi.


Ðến lúc ấy thì chàng thanh niên có cảm tưởng là công việc tốt này đang sẵn sàng là của mình. Về đến nhà, chàng ta sung sướng khoe với me, và chỉ xin được cầm lấy đôi bàn tay của bà. Mẹ chàng trai cảm thấy có điều gì đó khác lạ. Với một cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn, bà đưa đôi bàn tay cho con trai xem.

Nguồn: Pexels

Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tuôn tràn. Ðây là lần đầu tiên chàng thanh niên mới có dịp khám phá đôi tay mẹ mình: đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm làm đau nhức đến nỗi bà đã rùng mình khi được lau bằng nước. Lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên nhận thức ra rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này đã giúp trả học phí cho chàng từ bao nhiêu lâu nay.
Những vết bầm trong đôi tay của mẹ là giá mẹ chàng phải trả dài đăng đẳng cho đến ngày chàng tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho tương lai sẽ tới của chàng. Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ,chàng thanh niên lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại cho mẹ. Tối đó, hai mẹ con tâm sự với nhau thật là lâu.
Sáng hôm sau, chàng thanh niên tới trụ sở công ty. Giám đốc còn thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của chàng thanh niên, ông hỏi: “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã học được hôm qua ở nhà không?” Chàng thanh niên đáp: “Tôi lau sạch đôi tay của mẹ, và cũng giặt hết phần áo quần còn lại.”
Giám đốc: “Cảm tưởng của anh ra sao?”
Chàng thanh niên nói: “Thứ nhất, bây giờ tôi mới thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn: Không có mẹ, tôi không thể thành tựu được như hôm nay. Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức được rằng thật khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc. Thứ ba, tôi hiểu sâu xa được tầm mức quan trọng và giá trị của liên hệ gia đình.”
Giám đốc nói: “Ðây là những gì tôi cần tìm thấy ở nơi con người sẽ là quản trị viên trong công ty chúng tôi. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất của cuộc đời. Em được nhận.”

Nguồn: Pexels

Có lẽ rằng nhiều người trong chúng ta cũng như cậu thanh niên này, vô tâm và không hề biết những khó nhọc mà Cha, Mẹ đã trải qua để nuôi chúng ta khôn lớn. Vậy thì, bạn ơi, sống được từng này tuổi rồi, bạn đã bao giờ nói một lời cảm ơn với bố mẹ mình hay chưa?
Cảm ơn Mẹ vì 9 tháng 10 ngày Mẹ đã cưu mang con!
Cảm ơn Mẹ vì đã cố gắng đến kiệt sức, đã trải qua những cơn đau cắt da cắt thịt để con có mặt trên cõi đời này!
Cảm ơn những đêm thức trắng của Cha, Mẹ để con có được giấc ngủ ngon!
Cảm ơn Cha, Mẹ đã là người thầy đầu tiên của con!
Cảm ơn Cha, Mẹ vì những trận đòn cho con được tỉnh thức!
Cảm ơn Cha, Mẹ đã chịu đói để con có được những bữa ăn no!
Cảm ơn Cha, Mẹ đã tần tảo sớm hôm để con được đầy đủ!
Cảm ơn những lần lo lắng, chạy đi vay mượn rồi trả nợ để con được đi học như bạn bè!
Cảm ơn Cha, Mẹ vì những cố gắng không ngừng nghỉ để con có được cuộc sống tốt nhất!
Cảm ơn những gánh nặng Cha mang, những nhọc nhằn Mẹ gánh lấy để con được ấm no!
Con cảm ơn Cha vì những sự dạy dỗ, kiến thức giúp con mở mang tầm mắt. Cảm ơn Cha đã cho con thấy một tấm gương liêm chính, hết mình trong công việc. Con cảm ơn Cha vì những sự nghiêm khắc, kỷ luật của Cha đã dạy con nên người.

Con cảm ơn Mẹ vì tình yêu thương vô bờ bến, vô điều kiện mà Mẹ luôn dành cho con. Cảm ơn Mẹ vì sự hy sinh thầm lặng của Mẹ đã cho con được một cuộc sống ấm no đầy đủ.

Bạn ơi, cho đến khi đã trưởng thành, tôi mới biết tôi mang ơn Cha, Mẹ mình nhiều đến như thế! Chỉ đến khi nhận ra tôi mới khóc nấc lên mà nói LỜI CẢM ƠN từ đáy lòng tới Cha, Mẹ mình!
Đừng để quá muộn, bạn nhé!

bởi Quỳnh Mai

Có phải ai ngoại tình rồi cũng dám thừa nhận rằng mình tham lam?

Nguồn: vietnamnet.vn

Xã hội ngày nay, ngoại tình, vụng trộm thì có nhiều nhưng có mấy ai ngoại tình rồi cũng dám thừa nhận mình đã tham lam giống như Vũ, “Từ đầu đến cuối anh đều sai… anh đã tham lam”, trích trong bộ phim nhiều tập của VTV Về nhà đi con?

Có lẽ rằng ít ai có đủ can đảm nhìn thẳng vào bản tính tham lam của mình như Vũ. Dù đã cố gắng hàn gắn lại với Thư nhưng cũng không thể phủ nhận những hậu quả mà quá khứ sai lầm đã gây ra. Nhìn từ phim ra đến đời thực, hậu quả của tham lam dục vọng ngoài giá thú, của việc ngoại tình vẫn luôn là sự căng thẳng giữa vợ chồng, sự rạn nứt tình cảm giữa gia đình hai bên và hơn thế nữa là một cuộc sống mất sự an yên, yên bình – người ngoại tình sẽ đến một lúc phải day dứt về những điều mình đã làm.

Nguồn: Startalk

Ngoại tình – gia đình tan vỡ.
Nguyên nhân của những cuộc ly hôn phần nhiều là do ngoại tình. Ít ai có thể chấp nhận được một người thứ ba xen ngang vào mối quan hệ vợ chồng mình. Sự chung đụng với người khác là điều khó có thể chấp nhận được. Một khi không thể tha thứ cho người phối ngẫu của mình thì lẽ dĩ nhiên gia đình sẽ đổ vỡ.

Ngoại tình – Rạn nứt nhiều mối quan hệ
Không chỉ mối quan hệ giữa vợ và chồng bị đổ vỡ mà ngay cả mối quan hệ giữa những người thân hai bên họ hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu chẳng thuận vợ thuận chồng thì ông bà cũng chẳng thể thuận được. Rồi những mối quan hệ họ hàng, anh chị và bạn bè của hai vợ chồng nữa, sẽ ra sao?

Ngoại tình – tổn thương con cái
Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ là con trong gia đình có bố mẹ ly hôn và sự thật là đứa trẻ nào trong số đó cũng phải mang trong lòng những tổn thương sâu sắc. Có thể họ không nói ra, họ không nhận biết nhưng những ảnh hưởng từ việc bố/mẹ ngoại tình, ly hôn thật sự đã làm họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Đôi khi họ không còn tin vào hôn nhân và không muốn kết hôn với ất kỳ ai.

Ngoại tình – tâm hồn sẽ chẳng được thanh thản.
Tôi tin rằng một người đã bước chân vào con đường ngoại tình sẽ khó mà có thể sống thanh thản được. Nhìn vào những tổn thương mà mình đã gây ra cho người khác, gây ảnh hưởng tới gia đình hai bên, để lại tổn thương cho con cái thì chắc chắn lương tâm của họ sẽ bị cáo trách và day dứt.

Ngoại tình – mất sự tôn trọng từ người khác.
Cái danh ‘kẻ ngoại tình’ thật chẳng phải là một danh đáng tự hào. Nó sẽ lấy đi của con người ta sự tôn trọng, lòng tin của người khác. Đó sẽ mãi là một vết đen trong lý lịch của một con người, để rồi mang danh người không tử tế.

Có câu châm ngôn nói rằng: “ Những người phạm tội ngoại tình là kẻ mất trí; ai làm như vậy, tự hủy diệt sự sống mình. Người ấy sẽ bị thương tích và mang ô nhục, sự sỉ nhục ấy không bao giờ xóa được”. Người đã sa vào ngoại tình đánh mất lòng tin cậy của người phối ngẫu, mất lòng kính trọng và yêu thương của con cái, mất sự kính nể của người chung quanh. Nếu không kịp thời nhận ra sai lầm và quay đầu lại thì gia đình sẽ tan nát, con cái chịu nhiều tổn thương, và đến cuối cuộc đời, người đó chắc hẳn sẽ ân hận, hối tiếc về điều mình đã làm.

bởi Quỳnh Mai

Mỗi người mỗi cảnh, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, người ta vẫn bị huỷ hoại bởi điều này.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Rau nào sâu nấy”, nghĩa là mỗi loại rau sẽ có một loại sâu khác nhau. Vậy nếu như ví một loại rau là một môi trường thì trong mỗi môi trường đó sẽ có những kiểu lòng tham khác nhau. Nói một cách dễ hiểu là lòng tham bị định hình bởi môi trường mà người đó bước vào.

Minh họa: Công Kính
Người nghèo tham hay người giàu tham?

Một câu chuyện kể rằng, có người kia chán nản vì gia cảnh quá nghèo không mua được chiếc giường để nằm. Trong nhà chỉ có một chiếc chiếu cũ, mỗi ngày anh nằm dài trên đó mà ngủ. Anh cầu nguyện: “Nếu giàu có thì con sẽ giúp đỡ cho những người nghèo khác”. Ông Tiên thấy đáng thương nên cho anh ta một túi đựng tiền rồi nói: “Trong túi này có một đồng tiền vàng. Nếu ngươi lấy nó ra thì lập tức bên trong lại có một đồng tiền vàng khác. Nhưng khi ngươi muốn xài tiền thì phải vứt bỏ túi tiền này đi mới xài được.” Anh ta không ngừng lấy tiền từ túi ra. Lấy ròng rã như thế từ ngày này qua ngày khác…cho đến khắp nơi trên mặt đất đều chất đầy tiền vàng. Cả đời này anh ta không cần làm bất cứ việc gì thì số tiền đó cũng đủ cho anh sống dư giả. Mỗi lần anh dự định bỏ đi cái túi thì anh lại tiếc “Thôi gắng lấy thêm chút nữa …”. Anh ta tiếp tục bỏ ăn bỏ uống để lấy tiền ra từ túi đựng tiền. Cho đến lúc anh ta đuối đến nỗi không còn lấy tiền ra được nữa. Vậy mà vẫn chưa chịu buông cái túi. Sau cùng, anh chết bên cạnh núi tiền…
Như vậy anh chàng trong câu chuyện nghèo hay giàu? Anh ta đã từng nghèo và mong ước được giàu có hơn, nhưng khi đã giàu có thì anh ta vẫn sống như một người nghèo. Bởi sự tham lam khiến anh ta không hài lòng với những gì mình có. Sự tham tham của anh ta giống như một cái túi không có đáy, tới cuối cùng, chẳng còn lại gì. Khi con người ta ở trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất thì sẽ có nhu cầu muốn có được nhiều tiền hơn và khi ước vọng đó quá lớn khiến họ bất chấp mọi cách để có được tiền. Khi đã có tiền thì lại muốn có được thật nhiều và nhiều hơn người khác thế là lại tiếp tục tham lam.
Người nghèo, người giàu, một người nhiều tiền, một người ít tiền nhưng đều giống nhau là muốn nhiều tiền hơn. Của cải trên thế gian thì hữu hạn và lòng tham con người thì vô hạn như cái túi không có đáy, cái túi không có đáy thì dù có đựng bao nhiêu vàng bạc cũng không thể nào đầy được.

Tham lam trong kinh doanh

Từ khi sinh ra không ai dạy cho chúng ta tham lam. Thế nhưng từ những ngày đầu đến trường chúng ta đã có những hành động tham lam. Vì muốn có điểm cao thay vì học bài thì quay cop bài bạn, mở tài liệu… Cũng vậy khi kinh doanh tất nhiên là phải tối đa hoá lợi nhuận rồi, cái khác biệt là mình dùng phương pháp nào để đạt tới mục đích đó. Có nhiều người vì lợi nhuận, vì tham thêm ít tiền lời mà sử dụng rất nhiều mánh khóe, chiêu trò. Như bạn bán cà phê, tiệm bạn muốn tiết kiệm chi phí sản xuất, bạn bớt đủ mọi thứ, tại ham lời nhiều. Cái gì bạn cũng cắt giảm, mua cà phê cũng mua cà phê kém chất lượng, đường, sữa kém chất lượng, khi pha cà phê cho khách, cái gì cũng bị bớt đi, chất lượng bị hạ xuống tới mức không thể chấp nhận được. Rất nhiều người kinh doanh giàu lên nhanh chóng bằng những việc làm bất chính. Giàu sang phú quý bằng chính năng lực đạo đức thì đó là những điều xã hội rất tôn vinh, rất đáng trân trọng. Còn nếu chúng ta phớt lờ những đạo đức văn hóa thì rất dễ trở thành người giàu tội lỗi.

Nguồn: Pexels
Tham lam trong tình yêu

Khi yêu ai mà chẳng muốn người đó toàn tâm toàn ý cho mình. Đôi khi điều đó lại vô tình khiến cho bạn trở thành con người tham lam trong tình yêu. Khi chưa có người yêu thì có nhiều người tham lam trong tiêu chuẩn chọn người yêu. Họ đề ra rất nhiều những tiêu chuẩn, những tiêu chí để lựa chọn người yêu. Có thể nói có vô số điều kiện mà họ đặt ra để chọn người ấy. Có lẽ sẽ rất lâu và rất khó để có thể tìm được một người hội tụ đầy đủ các ưu điểm này. Cũng chính vì vậy mà nhiều người đã bỏ qua những mối lương duyên trong cuộc đời. Khi đã có người yêu rồi thì lại tham có nhiều người yêu. Dù đã có một người yêu mình hết lòng hết dạ, nhưng một số người vẫn rong ruổi đi tìm thêm tình yêu “dự phòng”. “Đứng núi này trông núi nọ” sẽ khiến chúng ta không còn toàn tâm toàn ý, chung thủy trong tình yêu của mình.
Trong cuộc sống, bởi lòng tham mãi hướng đến bao thứ cao sang mà bỏ qua những điều ý nghĩa nhỏ bé. Khi đang mãi miệt mài chạm tay tới nhiều chuyện vô tưởng thì ta lại bỏ lỡ bao nhiêu niềm vui. Ở trong bất cứ môi trường nào cũng có những cám dỗ khiến lòng tham con người trỗi dậy vì vậy hãy luôn tỉnh táo và biết được giá trị thật của cuộc sống là đâu.

bởi Phan Uyên

Láng giềng – đóng cửa, có đóng tình người?

Sống trong thành phố, đô thị ngày nay có lẽ ít ai hiểu được đúng nghĩa về cụm từ “tình làng nghĩa xóm” mà người Việt trước đây vẫn hay nhắc đến. Làng xóm đối với người Việt Nam trước đây là nơi sinh ra, lớn lên, có quan hệ đến việc hình thành tính cách của mỗi con người. Nói đến làng xóm là nói đến tình nghĩa là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đã dần làm phai nhạt đi cái tình, cái nghĩa trong mối quan hệ hàng xóm với nhau.
Cách đây khoảng một chục năm trở về trước, khi cùng sống trong một ngõ phố, hầu như nhà nào cũng biết nhau, những đứa trẻ trong ngõ vui chơi với nhau cả ngày, là những người bạn thân thiết, người cùng ngõ đi ra ngoài gặp nhau là nở nụ cười vui vẻ, sáng sáng hoặc chiều tối rủ nhau đi thể dục thể thao, nhà ai thiếu thốn cái gì đều có thể tới nhờ nhà hàng xóm cho “mượn chút ít”… Thế nhưng ngày nay khi trở về cùng khu phố đó, người ta không còn nhiều sự quan tâm tới nhau đến như vậy nữa. Gia đình nào cũng bắt đầu ngày mới một cách hối hả với việc ăn, việc học, việc làm của mỗi thành biên trong gia đình và kết thúc một ngày khi đã mệt lử, về nhà, tắt đèn, đóng cửa ở trong. Cứ dần dần như thế, tình cảm giứa những người hàng xóm với nhau ngày càng mờ nhạt đi. Điều này còn rõ rệt hơn khi bạn là một người sống trong các chung cư, các khu đô thị… hầu như chỉ nhà nào đóng cửa biết nhà đó với nhau mà thôi. Các mối quan hệ hàng xóm hầu như không được nhắc tới, chỉ có những mối quan hệ với xã hội bên ngoài được ưu tiên hơn. Thậm chí, trong những khu chung cư, những nhà sống sát vách nhau có khi cũng không biết nhau là ai nữa.
Thực ra, tình làng nghĩa xóm ngày nay chúng ta vẫn có thể tìm được nơi một số làng quê nông thôn. Trong cùng một làng, chuyện của nhà đôi khi trở thành chuyện của cả làng. Rõ nhất là khi có hữu sự, chẳng cần gia chủ đánh tiếng mời gọi, ai cũng hiểu và tự giác đến giúp một tay cho thêm phần xôm tụ. Đàn ông, thanh niên thì chia nhau dựng rạp, đốn tàu lá dừa nước, bắt mâm bàn. Còn các cô, các dì lo phần bếp núc, trẻ con thì cắt lá chuối và các bà thì đãi vỏ đậu, gói bánh… Có câu: “Cơm ăn không hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”, nhưng đâu cần kêu réo, tất cả đều giúp nhau không toan tính. Đến khi nhập tiệc, bà con còn thể hiện cái tình, cái nghĩa bằng những lời chúc tốt đẹp thông qua những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”…

Nguồn: Unsplash

Hai lối văn hóa cư xử giữa những người cùng làng với những người cùng sống chung trong một khu phố có những điểm khác nhau, mỗi lối văn hóa đều có phần tích cực và tiêu cực của nó. Với lối văn hóa tại làng quê, con người cởi mở với nhau, cần giúp đỡ cũng thật dễ dàng thế nhưng đôi khi những chuyện riêng của nhà lại bị cả làng đem ra bàn tán, rồi “tam sao thất bản”, câu chuyện riêng của gia đình trở nên không thể kiểm soát được. Còn với lối văn hóa cư xử của những người hàng xóm nơi khu phố, mỗi gia đình đều có không gian riêng tư nhưng tình cảm, sự giúp đỡ lẫn nhau lại khó có thể tìm thấy được. Vậy cái nào là quan trọng hơn? Sự riêng tư cần có hơn hay tình cảm hàng xóm, tình người với nhau là điều cần tiếp tục duy trì hơn?
Không gian riêng tư với mỗi một người là điều quan trọng tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta hạn chế giao lưu, chia sẻ và kết thân với những người lân cận mình bằng cách ở đâu thì đóng cửa nhà mình biết mình ở đó. Chỉ cần chúng ta tự biết giới hạn những vấn đề của gia đình mình, đừng quá làm to chuyện để cả làng cả xóm biết chuyện riêng của nhà mình. Nói gì đi nữa, dù ở đâu hay trong môi trường nào thì cái “tình” giữa người với người vẫn là điều quan trọng và cần được phát triển. Suy cho cùng, hàng xóm vẫn là những người hàng ngày sống quanh chúng ta, tại sao chúng ta không dành cho họ những tình cảm yêu mến, không sẻ chia cùng họ những lo toan trong cuộc sống? Nếu có những người hàng xóm yêu mến lẫn nhau, chẳng phải khi khó khăn xảy đến, họ sẽ là những người ở bên giúp đỡ chúng ta hay sao? Thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta bị đau bệnh cần cấp cứu ngay thì những người hàng xóm ở bên cạnh là những người sẽ dễ dàng giúp đỡ chúng ta nhất. Hay khi đó chúng ta lại chờ đợi sự trợ giúp từ những người thân ở nơi xa. Điều này có lẽ những người sống xa nhà sẽ là những người hiểu nhất. Khi ở xa gia đình, không có người thân bên cạnh, bạn sẽ hiểu tình nghĩa hàng xóm là vô cùng quan trọng. Họ sẽ là những người ở gần, giúp đỡ và cùng chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống với chúng ta, đôi khi còn hơn cả những người thân của chúng ta ở nơi xa nữa. Vì vậy, thay bằng “đóng cửa đóng tình người” chúng ta hãy thay đổi, cởi mở hơn với những người hàng xóm lân cận của mình, yêu thương, san sẻ cùng nhau để có được những mối quan hệ tốt, để dù là ở khu phố hay khu chung cư thì tình cảm yêu mến giữa những người sống lân cận nhau vẫn được duy trì.

bởi Quỳnh Mai